Sinh viên không liên quan nghi án mua điểm sẽ sớm nhận bằng
Ban giám hiệu trường Cao đẳng Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng cam kết sẽ xử lý nghiêm cá nhân mua – bán điểm. Những sinh viên không liên quan sẽ nhận bằng tốt nghiệp ngày 14/4.
Sau khi Zing.vn đăng bài “Gần 300 sinh viên bị giữ bằng vì nghi án mua điểm”, nhiều người thắc mắc quyền lợi của sinh viên không liên quan vụ việc sẽ được giải quyết ra sao.
Ông Lê Quang Hùng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế – Kế hoạch cho biết: Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa biết tên cụ thể sinh viên nào đưa tiền mua điểm để được tốt nghiệp. Để đảm bảo khách quan, chúng tôi tạm giữ bằng của gần 300 sinh viên chờ điều tra.
Trước mắt, nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên đi xin việc bằng cách cấp cho họ giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Bằng chính của sinh viên vẫn đang trên bàn nhưng tôi chưa ký. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, trường sẽ tổ chức lễ phát bằng cho sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp vào ngày 14/4.
Những người liên quan mua – bán điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ lại bằng, sau đó Ban giám hiệu sẽ họp tìm biện pháp xử lý.
Video đang HOT
- Vụ lình xình liên quan mua – bán điểm xảy ra tại trường đã giải quyết đến đâu, thưa ông?
- Giữa tháng 3 vừa qua, lãnh đạo trường Cao đẳng Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng nhận được thông tin có sinh viên dùng Facebook rao bán điểm với giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng tùy theo môn học. Nhiều sinh viên không làm được bài vẫn đủ điểm hoàn thành tín chỉ.
Nhận thấy thông tin này ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của trường và gây tâm lý hoang mang cho sinh viên, chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra xác minh vụ việc. Ban giám hiệu cũng có văn bản số 334, mời Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA83 – Công an TP Đà Nẵng) vào cuộc điều tra.
Người nằm trong diện nghi vấn sửa điểm cho sinh viên bị công an triệu tập làm việc là ông Nguyễn Đức Thắng (chuyên viên Công nghệ thông tin, phòng Đào tạo của trường).
Ông Thắng đã nhắn tin cho thầy hiệu phó thừa nhận có sửa điểm từ trượt thành đậu cho một số sinh viên. Tuy nhiên, vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chúng tôi còn phải chờ kết luận cụ thể mới xử lý.
- Theo quy định của Bộ GD&ĐT, quy trình in sao đề thi, rọc phách, chấm điểm được bảo mật. Quy trình này ở trường được thực hiện thế nào mà một chuyên viên phòng Đào tạo có thể tự ý vào hệ thống sửa điểm?
- Sinh viên học hết môn, giáo viên chấm và đưa cho trợ lý các khoa nhập điểm cuối kỳ. Sau đó, giáo viên in điểm tổng kết nộp về các phòng liên quan (phòng Quản lý Đào tạo và Khảo thí).
Sau khi chuyên viên phòng khảo thí nhập điểm xong, dữ liệu được bảo quản an toàn. Quy trình này được thực hiện khép kín và bảo mật. Người có thể xâm nhập vào hệ thống phải rất giỏi công nghệ thông tin. Đây là một kẻ hở mà sắp tới chúng tôi phải rà soát để làm chặt chẽ hơn, không để xảy ra sự việc tương tự.
Nhiều sinh viên không liên quan nghi án mua điểm lo lắng vì bị nhà trường giữ bằng tốt nghiệp. Ảnh: Trường Cao đẳng Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng.
- Trả lời báo chí, ông Thắng cho biết, bà Trần Thị Ngọc Hoa – hiệu phó nhà trường cũng nhờ sửa điểm cho một sinh viên. Theo ông, liệu có ai đứng sau chỉ đạo hoặc giúp ông Thắng thực hiện việc này?
- Đến bây giờ ông Thắng mới thuộc diện nghi vấn chứ chúng tôi chưa khẳng định. Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên Ban giám hiệu phải chờ kết luận của công an.
Còn thông tin cô Hoa nhờ sửa điểm, giờ tôi mới nghe nói. Cô là hiệu phó nhưng lại thuộc diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan chủ quản của trường – PV) quản lý.
Nếu có việc cô tham gia vụ mua – bán điểm, nhà trường sẽ báo cáo bộ…, khi có chứng cứ sẽ xử lý theo quy định của cơ quan chủ quản. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, không ai đứng sau hoặc thông đồng làm việc này.
- Ông Thắng thừa nhận với cơ quan công an là đã sửa điểm cho hơn 10 sinh viên và nhận khoảng 40 triệu đồng. Với tư cách người đứng đầu đơn vị, ông có biết cụ thể bao nhiêu sinh viên đã mua điểm?
- Ông Thắng khai với công an thế nào, chúng tôi chưa nắm được. Còn ở trường, ông ấy chỉ thừa nhận có sửa điểm nhưng không nói cụ thể nhận tiền của bao nhiêu sinh viên.
Theo Zing