Sinh viên học online mùa dịch Covid-19: ‘Khó học vì wifi ở nhà yếu quá’
Trong những ngày “nghỉ tết dài vô tận” một số trường đại học đã cho sinh viên học theo hình thức online. Thế nhưng ngoài việc một số sinh viên cảm thấy thoải mái, số khác thấy bất tiện vì wifi quá yếu.
Ảnh Minh hoạ: Giáo viên một trường phổ thông tại TP.HCM thực hiện buổi dạy học trực tuyến với học sinh – Đăng Nguyên
Khó vì không đủ điều kiện học online
Cảm thấy không bằng lòng bằng việc học online hiện nay, Nguyễn Xuân Hồng, sinh viên ngành điện tử viễn thông Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng học online rất khó tiếp thu kiến thức.
Theo Hồng việc học online trong thời điểm nghỉ dịch chỉ giúp sinh viên không phải đến trường. Mỗi ngày hồng đều mở mạng, vào học tất cả các môn mình đã đăng ký. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 giờ sau Hồng và các bạn cùng lớp đều thoát ra bên ngoài”, ngưng học.
Về việc học và giảng dạy hiện nay còn nhiều bất cập. Hồng cho rằng chất lượng dạy học của giảng viên bằng hình thức online không bằng học thực tế. Điều cần tháo gỡ bây giờ theo Hồng là do cách truyền đạt của giảng viên trên mạng chưa thực sự hiệu quả. Sự phản biện của sinh viên khó khăn hơn. Phải chờ đợi giảng viên trả lời từng câu hỏi của sinh viên mất rất nhiều thời gian hoặc có khi không nhận được phản hồi.
“Có khó khăn là không được thầy cô giảng và chỉ rõ các bài tập. Mà học online những người ham học và có ý thức học họ sẽ học. Còn những người ko thích học online thì họ sẽ bỏ không đụng gì đến việc học. Thầy cô cứ gửi một đống tài liệu lên và có khi còn có cả tài liệu tiếng Anh làm sinh viên nản khi toàn nhìn thấy tiếng Anh”, Hồng chia sẻ.
Chia sẻ hạn chế khi học online, Nguyễn Nguyên, sinh viên ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cảm thấy rất bất tiện và “nhức đầu”.
Những ngày ngày học sinh học trực tuyến cùng các thầy cô – Ngọc Dương
Nguyễn Nguyên bắt đầu học online từ thứ 2 tuần trước. Việc học của Nguyên không mấy thuận lợi bởi việc học trực tuyến này. Nguyên chia sẻ: “Tại vì không phải ai ở nhà cũng có máy tính và wifi mạnh. Tôi thì khó học vì wifi ở nhà yếu quá. Mà nhiều khi giảng viên chỉ dạy theo cách đưa câu hỏi, bài tập và tài liệu lên. Trong khi đó bắt trả lời bài tập và quy định thời gian nộp. Mình không có máy tính mà nhiều khi điện thoại đang làm cái bị đơ luôn không tải bài làm lên được mình đã nộp trễ so với thời gian quy định của cô 9 phút. Nhưng theo quy định nếu nộp trễ thời gian sẽ không được tính điểm”.
Mọi việc học online của Nguyên chỉ dựa vào chiếc điện thoại tìm câu trả lời và đánh văn bản. Do đó, Nguyên phải cố gắng tìm cách để mua chiếc máy tính nhưng cũng bó tay vì mạng wifi ở nhà không đáp ứng được.
Video đang HOT
Học dễ, tương tác tốt
Trong khi đó, Nguyễn Huỳnh Thảo Nguyên, ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Văn Lang lại cảm thấy dễ dàng khi học online ở nhà tuần vừa qua.
Thảo Nguyên chia sẻ, việc học online hiện nay cũng tương tự như tới trường để học. Trường dùng một phần mềm liên kết cho từng lớp. Mỗi lớp sẽ có một mã code, giảng viên sẽ dùng mã để thêm sinh viên vào lớp học đó. Sinh viên sẽ học như thời khoá biểu đã đăng ký trước đó. Giảng viên điểm danh sinh viên có mặt như bình thường.
“Việc tương tác giữa giảng viên tốt hơn, ai không hiểu gì cứ bật micro lên vào hỏi. Theo tôi thấy học dạng này các bạn có vẻ dạng hỏi hơn ở trường. Giảng viên cũng gửi bài, sách cho sinh viên. Vừa nói vừa trình bày bài giảng. Tuy vậy, việc học này tôi thấy chỉ dành cho những bạn có điều kiện. Còn những bạn ở vùng sâu, đường truyền mạng yếu thì rất khó khăn”, Nguyên nói.
Đồng ý với Thảo Nguyên, sinh viên Trương Thị Thuý Hằng, sinh viên trường ĐH Văn Lang cho biết đây là hình thức học mới so với sinh viên. Trong mùa dịch này học rất phù hợp. Sinh viên vẫn tương tác tốt với giảng viên và có thể bao quát được khối lượng bài tập cho sinh viên.
Lớp học online chỉ có mỗi thầy Hoàng Long Trọng và… màn hình máy tính – Đăng Nguyên
“Đối với một số môn học như xã hội hoặc IT, và các ngành không có thực hành thì việc học này không tệ. Riêng đối với ngành ngôn ngữ của tôi, học online diễn ra bình thường, không có gì bất tiện. Tuy vậy, tôi vẫn thích học trực tiếp ở trường hơn so với học trực tuyến như vầy”.
Nên cho học bù thêm
“Tôi nghĩ học online sẽ không hiệu quả tốt nhất nên dừng việc này lại cho đi học hoặc đi học bù. Nếu cứ tiếp diễn vậy có khi tôi sẽ bỏ cuộc không lên trang học nữa cho đến khi được đi học lại. Tôi cũng có một người bạn chung lớp, bạn đấy ko lên trang học luôn vì mỗi lần lên là một đống bài tập với tài liệu nên bạn đấy đã quyết định bỏ ko học online luôn. Muốn học được chỉ có nghe thầy cô giảng trực tiếp thì kiến thức mới nhớ lâu và có gì ko biết hỏi ngay lúc đó sẽ làm cho học sinh có nhiều tư duy nhiều hơn”, Xuân Hồng nêu ý kiến về tình hình học online ở trường.
Còn Nguyễn Nguyên thì cho rằng, cảm thấy rất tốt nếu được học bù trở lại bởi học online không hiệu quả. Cứ thế nếu đi thi thì con đường dẫn đến nợ môn rất nhanh và nhiều.
“Nên khái quát việc học online lại các bài đã dạy. Một số sinh viên có thể nắm được, những người không chú ý không thể theo kịp và sẽ không nắm được vì một số điều kiện. Học bù lại thì rất tốt bởi học sau sẽ tiếp thu lại những gì mình đã học, sẽ nhớ hơn trước”, Thảo Nguyên nêu ý kiến về việc học bù sau thời gian học online.
Theo Thanh niên
Dạy mùa dịch Covid-19: Thiết kế bài giảng online giống trò chơi thu hút học sinh
Học sinh được nghỉ học kéo dài để phòng dịch Covid-19, nhiều trường đã triển khai dạy học online cho các em. Tuy nhiên, làm thế nào để dạy hiệu quả là câu hỏi khiến nhiều giáo viên đau đầu.
Giáo viên một trường phổ thông tại TP.HCM thực hiện buổi dạy học trực tuyến với học sinh - Đăng Nguyên
Nếu quay bài giảng dài 45 phút rồi phát lại là thất bại
Là chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, bà Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, dạy E-learning có hai cách, thứ nhất là dạy theo phương pháp đảo ngược, nghĩa là giáo viên (GV) quay video bài giảng cho học sinh (HS) xem, sau đó làm bài tập. Thứ hai là GV dạy trực tiếp qua các công cụ kết nối.
Tuy nhiên, để bài dạy học theo phương pháp E-learning hiệu quả, GV không phải lên mạng tìm hiểu rồi giảng một bài liên tục 45 phút. Nếu dạy học E-learning mà GV làm hẳn video 45 phút rồi phát lại cho HS học là sẽ thất bại.
Dạy online cũng không chỉ phải thay đổi vị trí vì tính tương tác với HS không cao như khi dạy trực tiếp nên GV cần chia nhỏ bài giảng. Mỗi buổi, nếu dạy trực tiếp, GV chỉ nên dạy từ 15 phút trở lại, còn nếu quay video bài giảng thì giới hạn mỗi video chỉ nên 3 phút trở lại.
Để dạy hiệu quả, theo bà Quyên, GV nên sử dụng phương pháp microteaching (dạy học vi mô). Mỗi video, GV chỉ nói một nội dung nhỏ, sau đó là làm bài tập vận dụng. Việc dạy online cũng đặt ra nhiều thách thức cho GV. Để HS có hứng thú với việc học, GV phải thiết kế bài giảng, nội dung sao cho hấp dẫn; phải tạo ra tính đối kháng, thách thức trong mỗi bài giống như chơi game để thu hút HS.
Ngoài ra, GV có thể tạo ra các trò chơi để HS vừa học vừa chơi vừa ôn bài. GV cũng nên chia nhóm HS, cho các em kiểm tra chéo lẫn nhau để phát huy tính tự giác, tập thể.
Còn đối với HS, để học hiệu quả cần phải có tính tự giác và thời khóa biểu cụ thể. Các em cần lên lịch, kế hoạch những nội dung học trong ngày. "Việc nghỉ học dài ngày sẽ tạo điều kiện học tập cho các em, đó là ngoài chương trình lên lớp, HS có thể tận dụng thời gian này để học thêm những lĩnh vực mình yêu thích. Ví dụ như học thêm một ngoại ngữ hay nghiên cứu thêm những môn học mới", bà Quyên gợi ý.
Tăng cường tương tác với học sinh
Còn bà Phạm Thúy Hà, chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.4 (TP.HCM), chia sẻ đối với HS tiểu học, việc học chương trình của trường bằng hình thức online tại nhà khá mới mẻ.
Theo bà Hà, để tất cả HS đều tiếp cận được bài giảng thì trước tiên GV phải kết nối được với phụ huynh để thống nhất lịch học cho các em.
Bà Phạm Thúy Hà nói: "GV phải thông báo trước cho phụ huynh để họ hướng dẫn, tạo điều kiện cho HS học bài đúng giờ. Điều này cũng hạn chế được HS dùng điện thoại, iPad để làm những việc khác".
"Việc học online có thể khiến nhiều em bị phân tâm. Trước đây, theo tôi quan sát thì thấy trẻ em học tiếng Anh online rất hiệu quả khi người ta sử dụng cách tương tác trực tiếp, người học có thể trao đổi dễ dàng với GV và những người khác trong lớp. Bây giờ, để dạy hiệu quả, tôi nghĩ GV cũng cần tương tác trực tiếp với HS thay vì quay bài giảng rồi phát lại".
"Dạy ở trong lớp nếu các em chán hoặc ngủ gục, mình còn biết để điều chỉnh, chứ dạy online mình không thể nào kiểm soát được. Nên bài giảng của GV phải làm sao để hấp dẫn được các em từ đầu đến cuối", bà Hà chia sẻ.
Thúc đẩy khả năng tự học
Trong khi đó, nhiều GV cho rằng khi HS tiếp tục nghỉ đến hết tháng 2 thì việc học tại nhà, tự học là cần thiết để duy trì tư duy kiến thức, động lực học tập.
Thầy L.T, dạy tiếng Anh tại Q.1 (TP.HCM), cho hay trong thời gian qua, có triển khai một số tiết dạy trực tuyến, kết nối với học trò nhưng nhận thấy cái khó nhất trong dạy học online là ý thức người học. Do thời gian này, GV có nhiệm vụ ôn tập, củng cố kiến thức chứ không triển khai bài mới, không đánh giá HS, không quy định điểm số nên động lực học tập của HS giảm sút.
Vì vậy, theo thầy L.T cũng như nhiều GV khác, để học trò học tại nhà hiệu quả thì quan trọng vẫn là cách tổ chức lớp học của GV. GV cần tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, liên tục đưa ra các yêu cầu hỏi đáp, thực hiện các trò chơi kiến thức, tạo sự tranh luận để có sự thu hút HS tham gia.
Tương tự, thầy Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết học trực tuyến đòi hỏi bản thân HS phải có ý thức tự giác, phía GV cũng cần phải có sự đầu tư, thay đổi cách giảng dạy. Giảng dạy trực tuyến cần xây dựng chi tiết, đặt ra nhiều tình huống, tăng cường tính tương tác với HS. Đặc biệt, đừng quên lồng ghép kiến thức thực tế để các em không thấy sự nhàm chán.
Để HS tự học có hiệu quả, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), chia sẻ: "Nhẹ nhàng là đọc SGK, xem phim, đọc tài liệu có liên quan đến nội dung học tập. Có thể thử ứng dụng kiến thức đã học vào việc làm nước rửa tay, khẩu trang vải, nặn tượng, vẽ... thực hiện theo sở thích của mình". Sau khi liên hệ với thầy cô bộ môn thì đề ra kế hoạch học tập chứ không nên theo tràn lan các chương trình học tập online.
Thầy giáo trẻ Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), gửi gắm: "HS nên dậy sớm tập thể dục, ăn uống đúng bữa nhằm nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sắp xếp thời gian trong ngày để ôn tập các kiến thức đã học, làm những bài tập trắc nghiệm, làm những đề thi thử. Hãy dành thời gian đọc sách để học hỏi những kiến thức mới và tiếp nhận những giá trị tích cực cho bản thân".
Xây dựng các chủ đề ôn tập
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc HS tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp xây dựng các chủ đề ôn tập ứng dụng công nghệ thông tin trên các phương tiện, phần mềm dạy học trực tuyến với mục đích hỗ trợ kiến thức cho HS. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, GV bộ môn rà soát các chương trình với các kiến thức trọng tâm, xây dựng các chủ đề ôn tập hỗ trợ kiến thức, kỹ năng giúp HS kịp thời tiếp cận kiến thức sau thời gian nghỉ.
Theo thanhnien
Hà Nội: Trường rút kêu gọi "chia sẻ phí dạy online" đợt dịch Covid-19 Tối 17/2, Trường Newton (Hà Nội) thông báo ngừng dự định thu phí học online của học sinh trong những ngày nghỉ vì dịch Covid-19. Ngay sau khi Báo Dân trí phản ánh thông tin phụ huynh bức xúc vì Trường Newton dự kiến kêu gọi "chia sẻ phí dạy online" từ phụ huynh học sinh với mức thu từ 2,2- 2,5 triệu...