Sinh viên được và mất từ việc đi làm thêm
Thời điểm này, sinh viên các trường ĐH, CĐ cơ bản đã ổn định vào năm học mới. Không ít sinh viên tìm việc làm thêm không còn là điều lạ.
Đi làm thêm vừa có khoản thu nhập, vừa học hỏi và có điều kiện tích lũy được kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc làm thêm lại tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường.
Vũ Anh Dũng, sinh viên (SV) năm cuối trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã đi làm thêm được gần 2 năm tại một công ty bất động sản.
Dũng chia sẻ: “Công việc khá phù hợp với em nên chắc sẽ gắn bó lâu dài. Vì công việc yêu cầu làm giờ hành chính, nên để cân bằng với việc học tại trường và thời gian đi làm là rất khó. Do đó em buộc phải đăng kí học các môn sang buổi tối. Nhưng một số môn không đăng kí được, vì vậy khả năng em sẽ ra trường chậm nửa năm so với các bạn mình”.
Làm thêm ở các công ty bất động sản cũng là một lĩnh vực thu hút các bạn sinh viên.
Từ ngày đi làm Dũng có thể kiếm đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống mà không cần phải xin gia đình nữa. Nhưng đổi lại, thời gian của Dũng dành cho bạn bè và gia đình là rất ít, hầu như các cuộc hẹn tụ tập đều bị hủy. Cũng do đó, Dũng càng không thể tham gia các môn thể thao yêu thích như những năm đầu bước vào trường đại học.
Vừa đi học, vừa đi làm như Dũng, NguyễnThu Nhàn, SV năm 2 trường ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, Nhàn được nhận vào làm part-time ở một siêu thị với yêu cầu làm 5 giờ/ngày. Do phải học trên lớp nên lịch làm việc được chia thành 2 ca, mỗi ca từ 2 đến 3 giờ. Buổi sáng làm tại cửa hàng tới gần trưa rồi về trường đi học. Hết giờ lên lớp lại quay về cửa hàng làm tới tối. Sau đó Nhàn còn đi làm thêm gia sư dạy kèm tới đêm muộn mới nghỉ. Bởi vậy, thời gian gần như kín ngày.
Video đang HOT
Sinh viên làm thêm tại siêu thị.
Từ ngày đi làm thêm, Nhàn không còn thời gian cho việc học tập nên kết quả ngày càng đi xuống. Hậu quả của việc phân tâm học tập làm cho nhiều môn Nhàn phải thi lại nhiều lần, thậm chí còn phải học lại. Nhận ra điều đó, Nhàn đã quyết định dừng việc đi làm thêm, trở lại tập trung học cho tốt để có tấm bằng trong tay rồi mới tiếp tục tính đến chuyện đi làm.
Mong muốn tích lũy kinh nghiệm sống, rèn luyện kĩ năng mềm và kiếm thêm thu nhập, Nguyễn Trà My, SV trường Học viện Tài chính, đã tìm cho mình việc làm thêm ngay từ những năm đầu ĐH. Đã làm qua rất nhiều việc từ làm nhân viên quán trà sữa đến phục vụ quán ăn, nhà hàng… My cho hay: “Mình thấy công việc làm thêm giúp ích cho mình khá nhiều, mình trở nên mạnh dạn hơn, mở rộng mối quan hệ xã hội, có thêm tiền tiêu mà không phải xin bố mẹ”.
Tuy nhiên, từ ngày làm thêm My không còn điều kiện để tâm đến việc học hành. Những hôm cửa hàng đông khách My còn phải nghỉ học để làm thêm giờ.
Nhiều sinh viên chọn cho mình một công việc làm thêm tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh.
Năm thứ nhất rồi năm thứ hai còn gắng gượng được, nhưng sau đó số môn thi lại càng ngày càng tăng, trước tình huống này My tâm sự: “Giờ mình muốn gác lại việc học để kiếm tiền và tích lũy kinh nghiệm trước. Sau này có chỗ đứng rồi tiếp tục học, bởi dù có học tốt nhưng sau này ra trường không có tiền, không có quan hệ thì có tấm bằng đại học trong tay cũng khó”.
Có thể nói, chuyện đi làm thêm của sinh viên luôn có hai mặt. Không thể phủ nhận việc đi làm thêm từ khi đang còn sinh viên sẽ giúp các bạn có thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm, năng động, tự tin, giúp rèn luyện kỹ năng làm nhiều việc một lúc, mở rộng quan hệ. Tuy nhiên việc đi làm thêm cũng để lại những hậu quả khó lường trong việc sao nhãng học tập.
Hy vọng các bạn sinh viên hãy sáng suốt lựa chọn hướng đi cho mình phù hợp với khả năng, để có tương lai tươi sáng.
Hoàng Hà
Theo PLXH
Làm thêm hè: Sinh viên "chạy sô" trước khi vào năm học mới
Chỉ còn gần một tháng nữa là các bạn sinh viên lại bước vào năm học mới, tận dụng mọi thời gian ít ỏi còn lại trong kỳ nghỉ hè, nhiều bạn đã đi làm 2 ca trong ngày để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới
Nhiều bạn trẻ tận dụng thời gian còn lại của kỳ nghỉ hè để làm thêm 2 ca/1 ngày
Cơ hội rèn giũa bản thân
Việc làm dành cho các bạn trẻ trong những ngày hè vô cùng đa dạng. Lướt qua một vài trang tuyển dụng có thể thấy những công việc mang tính thời vụ được đa số các bạn trẻ lựa chọn trong dịp hè như: nhân viện phục vụ nhà hàng, nhân viên bán hàng, nhân viên quảng cáo, nhân viên tổ chức sự kiện... Ngay từ khi kết thúc năm học, Đoàn Việt Anh, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc Dân đã quyết định đi làm nhân viên tổ chức sự kiện. "Quyết định đi làm thêm dịp hè vì em muốn có thêm nhiều cơ hội thực hành những kiến thức đã học ở trường, trong quá trình làm việc với những anh chị, bạn bè em có thể học hỏi thêm kinh nghiệm để bản thân có thể trưởng thành hơn", Việt Anh chia sẻ.
Công việc tổ chức sự kiện của Việt Anh thường diễn ra 1 đến 2 ngày trong tuần, mỗi ca làm việc kéo dài từ 6 đến 8 tiếng. Đây là công việc bán thời gian nên cũng không chiếm quá nhiều thời gian của mình. Ngoài thời gian đi làm em vẫn có thể phụ giúp gia đình việc nhà, học thêm ngoại ngữ. Số tiền kiếm được sẽ giúp đỡ đần bố mẹ trong việc đóng học phí các năm học tiếp theo, Việt Anh chia sẻ thêm.
Cũng lựa chọn một công việc làm thêm trong dịp hè, Nguyễn Quỳnh Liên, sinh viên Học viện Ngân hàng chia sẻ: "Lựa chọn công việc nhân viên phục vụ bàn trong một quán ăn vì em muốn rèn luyện tính kiên nhẫn cho bản thân. Bên cạnh đó, em có thêm kinh nghiệm trong cách ứng xử, khéo léo hơn trong việc giao tiếp. Một tháng trước khi kỳ nghỉ hè kết thúc, em đã đăng ký làm 2 ca/1 ngày".
Vì vậy bàn thời gian tan ca của Liên thường khá muộn, có những hôm 11 giờ tối mới về đến nhà. "Lúc đầu bố mẹ đều phản đối chuyện đi làm thêm vì trước giờ em chưa từng làm những công việc như vậy bao giờ. Mặt khác, là con gái đi về khuya bố mẹ cũng không yên tâm. Nhưng em đã cố gắng thuyết phục bố mẹ rằng, em đi làm không phải vì tiền mà trên hết là có thêm những cơ hội thử sức bản thân, có thêm những trải nghiệm trong tuổi trẻ để có thể rèn giũa bản thân chín chắn, trưởng thành hơn" Quỳnh Liên kể.
Trân trọng sức lao động
Đa số các bạn trẻ sau một thời gian thử sức với những công việc làm thêm đều tỏ ra khá hứng thú. Quan trọng hơn là các bạn biết trân trọng sức lao động của chính mình và những người xung quanh.
"Khi chưa đi làm thêm, những ngày hè ở nhà em thường dành thời gian để ngủ không thì chơi game, mọi việc trong nhà đều có người giúp việc làm nhưng khi đi làm thời gian nghỉ ít hơn, việc gì cũng đến tay em mới biết trân trọng sức lao động và thấy tiếc cho quãng thời gian trước kia", Ngô Việt Hưng, sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ.
Còn Đoàn Việt Anh bày tỏ: "Khi thực sự đi làm em mới biết trân trọng đồng tiền và công sức mình bỏ ra. Qua những trải nghiệm thực tế, em hiểu được để có được đồng lương nuôi các con ăn học bố mẹ đã vất vả như thế nào, từ đó em cảm thấy cần phải có trách nhiệm với gia đình và yêu thương bố mẹ nhiều hơn". Hiều được giá trị của sức lao động, giờ đây mua sắm cái gì em cũng phải suy nghĩ, đắn đo chứ không dám tiêu hoang như trước kia, Việt Anh nói.
Ủng hộ con cái tìm kiếm công việc làm thêm ngày hè, chị Phạm Lan Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: "Các bậc phụ huynh không nên mãi bao bọc con em mình, hãy để các em bước ra ngoài xã hội va chạm với môi trường bên ngoài khi đó các em sẽ có thêm kiến thức sống cho chính mình".
Đồng quan điểm, chị Lại Thu Hương, cán bộ tuyển dụng cho rằng: "Làm thêm trong dịp hè là minh chứng cho sự năng động của thế hệ trẻ ngày nay. Thông qua những công việc dù nhỏ nhưng các em sẽ hiểu hơn về giá trị của sức lao động, giá trị cuộc sống từ đó thúc đẩy các em phải cố gắng vươn lên trong học tập, công việc cũng như cuộc sống để có thể thành công".
ĐÌNH TRUNG
Theo tuoitrethudo
Đại học Công nghiệp Hà Nội tưng bừng khai giảng năm học 2019 - 2020 Sáng 8/9/2019, học viên, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội tưng bừng trong Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020. Năm học thứ 121 ghi dấu ấn trên con đường phát triển và ngày càng khẳng định vị thế danh tiếng của mình, Đại học Công nghiệp Hà Nội (DDHCNHN) vinh dự đón Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn...