Sinh viên đưa công nghệ hiện đại vào bảo tàng để gìn giữ quá khứ
Với ý tưởng ứng dụng công nghệ hiện đại để quay ngược dòng thời gian, nam sinh ĐH RMIT đã lập nên một bảo tàng lịch sử bằng hình ảnh 3D rất độc đáo.
Cậu bạn Trần Trọng Nghĩa (18 tuổi), sinh viên trường Đại học RMIT Việt Nam cơ sở Nam Sài Gòn, sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống, đã có ý tưởng thành lập bảo tàng lịch sử thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Trần Trọng Nghĩa, tác giả của ý tưởng bảo tàng thông minh dùng công nghệ 3D.
Muốn gìn giữ những thứ thuộc về ông nội
Trong một lần đi du lịch ở Singapore, Nghĩa thấy ở đó có sở thú thông minh. Mặc dù không có thú nhưng khi đeo mắt kính vào là chúng ta có thể thấy và tương tác với thú.
“Thấy được đó là một cái hay, sau khi trở về mình đã bắt tay vào thực hiện bảo tàng thông minh. Mình có tiền bao nhiêu cũng không mua được thời gian, mình muốn gánh vác trọng trách, muốn giữ gìn những thứ thuộc về ông nội”, Nghĩa chia sẻ.
Ông nội của Nghĩa là Chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (tên thường gọi là Năm Lai, bí danh Mai Hồng Quế) – người âm thầm đào hàng chục căn hầm bí mật để vận chuyển tài liệu, cất giấu vũ khí và tổ chức cho lực lượng biệt động Sài Gòn tiến đánh Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ông chính là nguyên mẫu của nhân vật ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng.
Sau ngày đất nước thống nhất, với mong muốn phục dựng lại bức tranh thời chiến và bảo tồn những hiện vật mà cha mình từng sử dụng để phục vụ cho chiến tranh, ông Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) đã cất công đi tìm và chuộc lại nhiều địa điểm, sau đó bài trí thành bảo tàng lịch sử giúp thế hệ trẻ biết về một thời binh lửa của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Trong những địa điểm đó phải kể đến 3 căn nhà tại số 113A Đặng Dung, số 145 Trần Quang Khải (Quận 1) và số 270 Võ Văn Tần (Quận 3).
Nhận thấy bảo tàng kiểu truyền thống không hấp dẫn giới trẻ cũng như du khách, người và hiện vật không có sự tương tác với nhau mà mọi thứ chỉ phụ thuộc vào người thuyết minh nên còn nhiều điều hạn chế, Nghĩa đã nảy ra ý tưởng xây dựng bảo tàng thông minh, sử dụng công nghệ hiện đại bằng hình ảnh 3D.
Cậu bạn Trần Trọng Nghĩa tại bảo tàng sắp đi vào hoạt động của mình.
Video đang HOT
“ Xã hội ngày càng phát triển thì chất lượng cuộc sống của con người cũng dần thay đổi. Họ đến tham quan bảo tàng không chỉ để khoanh tay ra phía sau, để cúi mặt đọc những dòng chữ ghi trên hiện vật, mà cần có sự tiếp xúc và tương tác với những thứ mà mình quan tâm. Bằng cách làm mới, bảo tàng không chỉ cuốn hút bạn trẻ mà còn đối với du khách nước ngoài”, Nghĩa bộc bạch.
Ngược dòng quá khứ để làm bảo tàng hiện đại
Bảo tàng thông minh của Nghĩa được vận hành trên smartphone. “Khi khách đến tham quan có thể tải app bảo tàng thông minh về điện thoại. Sau đó chọn hiện vật để hình ảnh 3D hiện lên tương tác và thuyết minh, có tùy chọn ngôn ngữ mà du khách lựa chọn. Cái tiện lợi nhất là muốn tìm hiểu về hiện vật nào đều có đầy đủ thông tin. Không chỉ vậy, app còn có công dụng giúp du khách đặt xe đi lại, đặt phòng khách sạn, quán ăn, vé máy bay…” Nghĩa tiết lộ.
Để có được những điều thú vị đó, chàng sinh viên 18 tuổi phải đi tìm hiểu về nguồn gốc, niên đại của từng hiện vật có trong bảo tàng, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử.
Lội ngược dòng về quá khứ đối với một chàng trai mới lớn quả là chuyện không hề dễ dàng. Có người hiểu thì động viên, ủng hộ nhưng cũng có người nghĩ Nghĩa khó thành công với việc đang làm. Điều đó khiến Nghĩa bị áp lực, lung lay, thậm chí có lúc cậu bạn còn bị chùn bước nhưng khi nghĩ về ông nội, về tâm huyết của cha, Nghĩa tự động viên mình nhất định phải tiếp tục chứ không được bỏ cuộc.
“Mình đã từng đi phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử, nhưng có những trường hợp khi vừa đi đến nơi thì hay tin họ đã mất. Vì vậy thông tin đó cũng bị mất luôn vì họ là người duy nhất biết được. Có những việc mình không làm hôm nay thì ngày sau sẽ vĩnh viễn không làm được nữa. Đó chính là động lực thôi thúc mình phải làm nhanh, làm ngay”, Nghĩa bộc bạch.
Trần Trọng Nghĩa đang tiếp khách tại bảo tàng của mình.
Với bảo tàng thông minh, không chỉ phục vụ cho khách tham quan mà các em học sinh có thể tìm hiểu về lịch sử.
Cô Đoàn Xuân Nhung (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Võ Trường Toản, Q1) nhận xét: “Tôi khá bất ngờ và tò mò trước ý tưởng sáng tạo của Trần Trọng Nghĩa. Đây là một dự án hay, thú vị và sẽ thu hút được sự yêu thích không chỉ các học sinh, sinh viên trong nước mà còn cả du khách nước ngoài vì em đã vận dụng được công nghệ mới vào việc lưu trữ và truyền bá những giá trị lịch sử văn hóa. Khi dự án hoàn thành, tôi nhất định sẽ đưa học sinh đến tham quan”.
Theo dự kiến, cuối năm nay bảo tàng thông minh của Nghĩa sẽ hoàn thành. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần vào việc “phát triển yếu tố di sản văn hóa trong một đô thị thông minh” – vấn đề đang được các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế quan tâm hiện nay.
Kiều Khánh
Theo Khám phá
Tiến sĩ đầu tiên của cộng đồng dân tộc Cơ Tu
Alăng Thớ lớn lên trong một gia đình làm nông nghèo khó tại xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Anh khiến cho đồng bào của mình vô cùng tự hào khi trở thành vị tiến sĩ đầu tiên trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu ở độ tuổi 34.
Tiến sĩ Alăng Thớ trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: ANH THƠ
Hành trình trở thành tiến sĩ tại Đại học RMIT của Alăng Thớ bắt đầu khi anh nhận học bổng do Chính phủ Úc trao tặng năm 2013.
Trong quãng thời gian học tiến sĩ, anh Thớ theo đuổi đề tài nghiên cứu về sự bình đẳng và quyền lợi của người lao động dân tộc thiểu số nhằm mang lại nhiều đóng góp tích cực cho họ (người lao động) và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một môi trường công sở bình đẳng, thông qua việc thiết lập các chính sách công.
Alăng Thớ chia sẻ với Tuổi Trẻ.
*Anh đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế và báo cáo bằng chính đề tài nghiên cứu của mình?
- Tôi đã tham gia báo cáo hai lần tại ANZAM (viết tắt của Viện hàn lâm Khoa học quản trị New Zealand và Úc) tổ chức tại thành phố Melbourne (Úc) năm 2017, và thành phố Auckland (New Zealand) năm 2018, báo cáo hai lần tại hội nghị của tổ chức SASE (Hiệp hội Quốc tế vì sự tiến bộ kinh tế - xã hội) tổ chức tại thành phố Kyoto (Nhật Bản) năm 2018, và thành phố New York (Mỹ) năm 2019, tham gia seminar tại Đại học Griffith (Úc) năm 2017.
Tôi cũng tham gia báo cáo tại hội thảo của Tổ chức ILERA (Hiệp hội Quốc tế về quan hệ lao động và quan hệ việc làm) tại Canada...
* Khi học phổ thông, anh đã gặp nhiều khó khăn, anh có thể chia sẻ về những ngày tháng đấy?
- Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Thời tiểu học, nhà cách trường khoảng 5km, tôi phải vượt sông suối đến trung tâm xã để học. Trong khi nhiều người đã bỏ học thì tôi vẫn phấn đấu học xong, những lúc bị đau ốm tôi vẫn đi học. Năm 2000, quê tôi mới có điện (nói chung nhiều khó khăn lắm, kể chắc phải đóng thành sách à).
Thật ra, lý do để tôi vượt qua khó khăn này chính là ước mơ làm cán bộ. Tôi chưa lúc nào chấm dứt ước mơ của mình. Dù những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn ước mơ cái tốt đẹp trong tương lai. Chính điều này làm tôi chưa bao giờ suy nghĩ sẽ bỏ học. Hơn nữa, mỗi lần đi học tôi tìm thấy niềm vui, tìm thấy cái mới để khám phá. Nên dù mưa gió tôi vẫn đi học vì sợ ngày đó có những cái hay thầy cô giảng dạy mà mình không biết.
* Chia sẻ với những bạn trẻ nói chung và là người dân tộc thiểu số nói riêng, anh sẽ nói gì với họ?
- Chia sẻ với những bạn học sinh, tôi nghĩ các bạn hãy có ước mơ và dám ước mơ (không ai đánh thuế ước mơ cả). Nhưng có ước mơ chưa đủ, phải tìm cách biến ước mơ thành sự thật. Học tập là con đường duy nhất để thực hiện được giấc mơ. Học sinh người dân tộc thiểu số lại càng phải cố gắng hơn nhiều.
Còn đối với các bạn trẻ cán bộ người dân tộc thiểu số, để xóa bỏ các rào cản như sự tự ti của bản thân, định kiến của xã hội, các bạn phải làm việc thật tốt, nếu không làm được hãy học hỏi đồng nghiệp, lãnh đạo. Phải yêu công việc mình đang làm.
Khi nào các bạn làm tốt công việc được giao, thật sự dấn thân vào công việc, các bạn sẽ nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp. Khi đó, cái mác "dân tộc" lại trở thành lợi thế của các bạn.
Tại Việt Nam, cộng đồng người Cơ Tu khoảng 100.000 người sống tập trung tại Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. A Lăng Thớ (sinh năm 1985) từ cấp II đã phải lên trung tâm huyện học ở Trường nội trú huyện, cấp III mới xuống Trường nội trú Quảng Nam (ở Hội An) để học. Sau đó Thớ học Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng và được giới thiệu công tác vào Đại học Đà Nẵng, phân hiệu tại Kon Tum.
Mới đây, anh nhận bằng tiến sĩ danh giá bằng học bổng do Chính phủ Úc trao tặng sau những nỗ lực của mình.
Hai suất học bổng cùng đến một lần
"Tôi nhận được học bổng Chính phủ Úc (AAS) vào năm 2013. Cùng lúc này, tôi cũng nhận được học bổng của Chính phủ Việt Nam (Đề án 911) học ở New Zealand. Tôi chọn học ở Úc.
Thật ra đề tài của tôi là "Tiếng nói và sự hòa nhập của người cán bộ dân tộc thiểu số tại nơi làm việc". Đề tài này đã xác định các vấn đề liên quan đến rào cản làm hạn chế tiếng nói của cán bộ người dân tộc tại nơi làm việc. Đề tài cũng đề xuất các chính sách liên quan để khuyến khích sự hòa nhập và sự tham gia vào việc xây dựng chính sách của cán bộ người dân tộc thiểu số tại nơi làm việc" - Alăng Thớ nói.
Theo Tuổi trẻ
Đại học RMIT sẽ trao 47 tỉ đồng trong chương trình học bổng năm 2020 Đại học RMIT Việt Nam sẽ trao 108 suất học bổng với tổng trị giá khoảng 47 tỉ đồng (tương đương 2 triệu đô la Mỹ) cho sinh viên hiện đang theo học tại trường hoặc sinh viên tương lai trong năm 2020. Các suất học bổng, trị giá từ 25 đến 100% học phí, sẽ phân bổ theo 8 hạng mục gồm:...