Sinh viên ĐH Y Dược Thái Nguyên học bằng máy tính bảng
Với mô hình giảng đường thông minh, giảng viên ĐH Y Dược Thái Nguyên dạy bằng màn hình tương tác, trong khi sinh viên làm bài tập nhóm trên máy tính bảng.
Sáng 22/9, Đại học Y Dược Thái Nguyên chính thức sử dụng mô hình giảng đường thông minh – Samsung Smart School theo định hướng đổi mới giáo dục của Bộ Y tế.
Bàn ghế trong giảng đường được bố trí linh hoạt theo nhóm 6 người, dễ dàng phân khu học nhóm hoặc tách rời từng cá nhân tùy theo yêu cầu của giờ học. Các thiết bị hỗ trợ bao gồm màn hình tương tác thông minh kèm phần mềm quản lý lớp học, máy tính bảng, hệ thống Internet hỗ trợ tối đa cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học.
Giảng viên Nguyễn Thị Bình trình bày bài giảng Hồi sức sơ sinh.
Video đang HOT
Trong buổi học đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Thị Bình giảng về hồi sức sơ sinh với sự hỗ trợ của màn hình tương tác thông minh và phần mềm quản lý lớp học. Các màn hình được treo xung quanh lớp giúp sinh viên dễ dàng theo dõi bài học dù ngồi cách xa bục giảng.
Trong quá trình giảng viên trình bày, các hình ảnh tương ứng xuất hiện trên màn hình lớn giúp bài học trực quan, sinh động.
Sau khi trình bày xong, cô Bình đặt câu hỏi để các nhóm thảo luận. Sinh viên làm việc hoàn toàn trên máy tính bảng có kết nối Internet. Kết thúc thời gian trao đổi, các câu trả lời ngay lập tức hiển thị trên màn hình tương tác.
Sau phần làm việc nhóm, sinh viên có thể trình bày ý kiến cá nhân nếu muốn bổ sung đáp án hay chưa hài lòng câu trả lời của giảng viên. Cả lớp lắng nghe, tiếp tục đóng góp xây dựng. Giảng viên đóng vai trò “trọng tài”, đánh giá các ý kiến và đưa ra kết luận.
Phần thực hành, trợ giảng tiến hành cấp cứu hồi sức cho trẻ sơ sinh. Toàn bộ quá trình được hiển thị sắc nét trên màn hình lớn. Sinh viên vừa lắng nghe hướng dẫn vừa quan sát thao tác.
Cách làm này khá hiệu quả khi chỉ sau một lần giảng, nhóm sinh viên được mời lên làm mẫu đã thực hiện đúng quy trình.
Sinh viên ĐH Y Dược Thái Nguyên thảo luận nhóm trong buổi học theo mô hình giảng đường thông minh. Ảnh: Nguyễn Sương.
“Với phương pháp này, chúng mình chủ động hơn trong học tập, dễ tiếp thu, lĩnh hội kiến thức. Nhờ thiết bị số, sinh viên có thể tiếp cận nguồn tri thức phong phú liên quan Y Dược”, Thu Hà, sinh viên ngành Đa khoa, nói.
Mô hình này giúp giảng viên và sinh viên nâng cao khả năng tiếp cận, chia sẻ nội dung, các nguồn lực và tài liệu giáo dục. Nó cũng cho phép người dùng trao đổi, tương tác, thực hiện giảng dạy, học tập qua máy tính bảng của cá nhân hoặc nhóm sinh viên và bảng cảm ứng trên bục giảng.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các thiết bị công nghệ, sinh viên nhà trường còn được tiếp cận phương pháp học tập theo nhóm (Team-based learning) do tiến sĩ Larry K. Machaelsen, giáo sư tại Đại học Oklahoma (Mỹ) phát triển và được áp dụng rộng rãi ở nhiều trường đại học danh tiếng như Vanderbilt, Colorado, Harvard.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Nguyên, nhận định mô hình này là cơ hội lớn để sinh viên tương tác với các nguồn học liệu nhà trường hiện có.
Tuy nhiên, giảng đường thông minh còn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của sinh viên. Trường hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm tạo ra môi trường học tập, đào tạo tốt hơn.
Theo Zing