Sinh viên “đắt sô” ngày Tết
Những ngày áp Tết, trong khi bạn bè đồng trang lứa tất tả về quê ăn Tết thì không ít sinh viên lựa chọn cho mình một việc làm tại thành phố như: Tiếp thị, bán hàng, quảng cáo, giao hàng Tết…
Nhiều sinh viên cho biết, ngoài mục đích chính là tạo thu nhập trang trải cho bản thân thì còn mục đích nữa là “đi làm có ý nghĩa hơn việc ở nhà đi chơi, tụ tập nhiều”…
Chỉ còn hai ngày nữa là tới ngày khai trương cửa hàng bán các loại hoa phục vụ Tết, Nguyễn Long (sinh viên thuộc bộ môn rau hoa cây cảnh, ĐH Nông nghiệp I Hà Nội) đang rất tất bật và hồi hộp với các khâu chuẩn bị như: Trang trí địa điểm thuê bán hàng, quảng cáo trên mạng Internet hay vận chuyển các loại hoa đến địa điểm bán.
Nhìn vào vườn hoa lan đang e ấp, Long tự tin: “Chúng tớ tự tay chăm sóc cũng như đảm bảo về kỹ thuật cho khách hàng với các loại hoa được ưa chuộng phục vụ Tết như: Ly (vàng, hồng), tulip (vàng, đỏ, cà rốt và đỏ viền vàng) hay hoa lan. Tất cả những hoa này đều được trồng trong nhà lưới với môi trường tốt”.
Theo Long cùng bạn bè, trồng và bán hoa dịp Tết là dịp để họ tiếp cận với người dân, qua đó có những kinh nghiệm thực tế. “Sản phẩm của mình tự làm ra, tự tay đưa đến người tiêu dùng rất có ý nghĩa đối với sinh viên”- một sinh viên nói.
Khác với nhóm sinh viên có “của nhà trồng được” mang đi bán thì nhiều sinh viên tự quảng cáo mình trên những trang tìm việc làm. Dạo một vòng qua các trang mạng như Vietnamworks (trang tìm kiếm việc làm), hay rao vặt trên mạng những dòng nội dung như: “Cần tìm việc làm part time” (bán thời gian) dịp Tết hay “Sinh viên cần tìm việc full time mùa Tết”… được đăng thông tin trước Tết cả tháng.
Sinh viên Ngô Cảnh (năm thứ 3, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Với thời gian khá rảnh rỗi, mình đã đăng quảng cáo tìm việc trên mạng cách đây hai tháng. Tuy nhiên, công việc tìm được hiện nay lại là do mối quan hệ quen biết, một là nhận đi giao hàng cho một bách hóa và đi bán hoa cùng nhóm bạn”.
Bán hàng là việc mà nhiều sinh viên lựa chọn làm thêm trong dịp Tết.
Cảnh cũng cho biết thêm, để “mua hoa tận gốc và bán tận ngọn” thì nhóm bạn đã đặt một vườn hoa hồng ở Tây Tựu (Từ Liêm) cách thời gian Tết một tháng, đến 25 âm lịch là nhận hoa mang đi bán. “Thời gian không chạy ở chợ hoa thì mình sẽ đi giao hàng đến tận nhà theo lịch của chủ cửa hàng. Tính sơ sơ, Tết này mình sẽ có khoảng 3 triệu đồng “dắt” lưng rồi”- Cảnh vừa cười vừa nói.
Khác với công việc chạy đôn chạy đáo của các bạn nam, một số bạn nữ lại có việc làm nhàn hơn. Mai Hương (sinh viên năm thứ hai ĐH Ngoại thương Hà Nội) đang làm công việc quảng cáo cho một hãng trà sữa.
Video đang HOT
Công việc của Hương rất đơn giản, mặc bộ đồ quảng cáo của công ty và pha trà mời khách vào siêu thị. Hương cho hay: “Để trúng tuyển vào vị trí này không phải dễ vì phải có ngoại hình cao hơn 1m60 và có gương mặt “được được” và tươi cười. Mỗi ngày đứng làm việc thế này mình được 200.000 đồng, chưa kể ăn trưa”.
Các công ty, cửa hàng cũng tranh thủ tìm lao động, “nhắm” tới đối tượng là sinh viên qua các trang mạng. Để chuẩn bị cho dịp Tết đông khách, Công ty TNHH Thương mại Phú Nam Toàn (TP Hồ Chí Minh) đã phải đăng thông tin tìm sinh viên làm việc Tết với thù lao 100.000 đồng/8 tiếng.
Công việc là phục vụ nhà hàng thức ăn nhanh, cơm trưa văn phòng với thời gian từ 6 giờ 30 đến 14 giờ 30 (10 giờ 30 – 11 giờ 30 được nghỉ trưa tại quán) từ 23 đến 29 tết âm lịch. Anh Tuấn, một nhân viên của công ty cho biết: “Sau khi thông tin được đăng trên mạng một ngày, tôi đã nhận được hàng chục cuộc điện thoại của các bạn sinh viên đến từ các trường khác nhau”.
Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Quang Trung đăng thông tin cần tuyển từ 200 – 300 sinh viên nam bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) từ ngày 18 âm lịch đến ngày mùng 4 âm lịch. Mỗi ca làm việc được trả từ 120.000 – 200.000 đồng.
Để có một việc làm Tết nhiều sinh viên đã tự quảng cáo nhu cầu tìm việc của mình trước Tết từ 1 – 2 tháng. Sinh viên Nguyễn Long (ĐH Nông nghiệp I) tâm sự: “Việc kiếm tiền dịp Tết khá nhọc nhằn, vất vả nhưng đây là niềm vui và hành trang để chúng tớ vững tin hơn khi ra trường”.
Theo Tin Tức
Sinh viên "gửi đồ" tại... hiệu cầm đồ
Dịch vụ gửi đồ dịp Tết "nóng" trên các diễn đàn mạng
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp gần Tết, những sinh viên từ các tỉnh xa lại canh cánh nỗi lo gửi đồ trước khi về quê. Nhiều dịch vụ mở ra để "đón đầu" nhu cầu của SV.
Chào mời "nóng" diễn đàn mạng
Thường sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ, nhiều trường đã tổ chức cho các sinh viên về quê đón Tết cùng gia đình. Cùng với đó là nỗi lo gửi đồ cũng khiến các sinh viên phải "đau đầu". Phương Nhung (Khoa kinh tế và quản trị kinh doanh, ĐH Phương Đông) chia sẻ: "Vừa vào năm đầu, bố mẹ mình đã sắm đầy đủ ti vi, máy giặt, tủ lạnh... nhưng tình hình an ninh ở khu vực Phùng Khoang cũng không được tốt khiến mình không yên tâm".
Trên diễn đàn của sinh viên sư phạm Đà Nẵng, từ cách đây khoảng 1 tháng, các sinh viên đã lập hẳn một topic với chủ đề "Sinh viên về Tết gửi đồ ở đâu". Rất nhiều ý kiến chia sẻ lo lắng mất trộm đồ đạc trong những ngày sinh viên về quê ăn Tết.
Nắm bắt được tâm lý của nhiều sinh viên, trên các diễn đàn, các trang rao vặt ngay lập tức xuất hiện những lời chào mời hấp dẫn. Trên một trang web, một thành viên có tên Nguyễn K.A đã đon đả chào mời: "Gần tết rồi mình biết các bạn sinh viên, công nhân đang đau đầu về việc cất giữ, gửi gắm tài sản cá nhân của mình đâu cho an toàn mà không lo mất trộm. Vâng nhà tôi ở Văn Trì, Minh khai, Từ liêm... Với giá gửi rất rẻ nhằm tạo điều kiện cho các bạn về quê được an lòng".
Người này cũng không quên nhấn mạnh: "Tôi cũng người ngoại tỉnh cũng có thời thuê trọ như các bạn nên tôi biết và thông cảm. Nếu bạn nào có nhu cầu xin liên hệ với tôi qua số điện thoại: 090487..."
Khi liên lạc để hỏi về giá cả gửi các loại đồ, người này cho biết tùy vào chất lượng đồ đem gửi thuộc loại nào và còn mới hay cũ mới đưa ra được một mức giá cụ thể. Người này cũng không quên khẳng định: "Đem ra hàng thì còn sợ bị thay đồ, thay linh kiện còn ở đây là nhà mình nên các bạn cứ yên tâm. Giá cả đảm bảo rẻ hơn so với các hiệu cầm đồ."
Nhiều sinh viên vẫn chọn giải pháp đem gửi nhờ nhà người thân cho dù có những bất tiện
Trên mục hỏi đáp của Yahoo Việt Nam, nick dammekinhdoanh cũng đưa lên các nội dung tương tự "Nhà 2 căn khá rộng nhận giữ đồ đạc, xe máy cho ai có nhu cầu về quê hoặc đi xa. Liên hệ:0937697767-ms thảo-nhà vĩnh lộc A - Bình chánh".
Người này cũng không quên chú thích thêm "giá rẻ thôi, chủ yếu giúp đỡ các bạn sinh viên, công nhân yên tâm về quê đón tết mà không phải lo lắng về việc cất giữ đồ đạc".
Hiệu cầm đồ lên ngôi
Những năm trước, sinh viên thường gửi đồ tại nhà người thân hoặc đem đến gửi nhờ bạn bè tại những khu vực có an ninh tốt nhưng trong 2 năm trở lại đây, xu hướng đem đồ gửi hiệu cầm đồ lên ngôi.
Vào dịp Tết, hiệu cầm đồ lên ngôi
Mạnh Hùng (Khoa Cầu đường bộ, ĐH GTVT) phân trần: "Gửi đồ ở hiệu cầm đồ cũng là bất đắc dĩ vì không thể năm nào cũng làm phiền gia đình bạn của bố mẹ được. Nhà các bác cũng nhỏ, nay lại thêm đồ đạc lỉnh kỉnh của mình. Vì vậy từ năm trước mình đã đem ra hiệu để họ "giữ" hộ. Cũng không có vấn đề gì".
Cũng cùng lý do đó, Tuấn Anh (ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: "Việc này cũng đã có từ vài năm nay rồi. Năm nay quá nửa lớp mình đem đồ gửi các hàng ở trong Phùng Khoang. Cầm tạm 500 nghìn về quê tiêu Tết. Ra Tết lại tính tiếp". Theo nhiều sinh viên đánh giá, cách gửi đồ trước khi nghỉ hè, nghỉ Tết tại tiệm cầm đồ là cách khá hay và yên tâm, mặc dù phải chịu lãi suất.
Thực tế, nhiều hàng cầm đồ trong dịp tết năm nay đã từ chối nhận đồ sinh viên gửi cho dù còn gần chục ngày mới đến Tết.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các cửa hàng cầm đồ trên khu vực đường Láng hiện nay chỉ chấp nhận cầm các đồ vật có giá trị như laptop, xe máy, điện thoại di động... chứ không nhận các đồ lặt vặt của sinh viên.
Anh Dũng, chủ một hiệu cầm đồ trên đường Láng cho biết: "Mấy ngày đầu tháng còn hào hứng cho các cậu sinh viên gửi đồ chứ bây giờ thì kho cũng chật rồi. Bây giờ cậu nào đem gửi mấy thứ lặt vặt là tôi không nhận. Các hàng khu vực xung quanh cũng vậy".
Rủi ro trăm đường
Sinh viên về quê đón Tết cùng bao nỗi lo
Đối với nhiều sinh viên sống tại các khu ký túc xá hay thuê được căn hộ riêng thì có thể yên tâm về quê ăn Tết nhưng với những người đem đồ đi gửi thì sẽ phải lo tới tận khi nhận đồ.
Hoàng Anh Dũng, (ĐH KHXH&NV) cũng đã từng là nạn nhân khi đem gửi đồ tại hiệu cầm đồ. "Năm trước em cùng vài người bạn mang bộ máy tính mới mua gần 10 triệu đồng ra hiệu cầm đồ gửi nhưng sau khi lấy lại dùng được 1 tuần đã phải đem đi sửa. Ra hàng mới biết mình bị thay đồ".
Thu Ngân, sinh viên khoa Văn (ĐH KHXH&NV) thì cẩn trọng: Cách đây mấy ngày, mình có mang đồ tới gửi theo chỉ dẫn của một người đăng thông tin trên mạng nhưng sau đó phải mang về. Nhìn dáng vẻ người này không đứng đắn, căn phòng thì chỉ như một cái nhà kho rộng. Hỏi ra thì chỉ có giấy tờ viết tay. Biết đâu đấy là bọn trộm thuê nhà rồi gom đồ của mọi người đến gửi rồi cuỗm mất thì chết.
Theo VTC News
Bỏ rơi con để về quê ăn Tết! Một bé vừa bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại trung tâm nhân đạo Quê Hương Vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, chúng là những đứa con "lầm lỡ" của nhiều công nhân các khu công nghiệp ở Bình Dương. Nạn bỏ rơi con đang trở nên nhức nhối tại các khu công nghiệp nơi đây. Gần 10 đứa bé nối...