Sinh viên chọn chuyên ngành theo kiểu quay xổ số
Để đảm bảo sự cân bằng giữa các chuyên ngành, Đại học Nam Hoa, Trung Quốc, phân lớp cho sinh viên theo hình thức quay xổ số ngẫu nhiên.
Đại học Nam Hoa ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, vừa bị chỉ trích vì phân lớp cho sinh viên theo cách ngẫu nhiên trong hệ thống xổ số, theo Xinhua.
Trường yêu cầu sinh viên năm hai ngành Kỹ thuật Dân dụng chọn một trong số 7 chuyên ngành. Tuy nhiên, một số chuyên ngành được ưa thích hơn các chuyên ngành khác. Vì thế, nhiều sinh viên không thể theo học chuyên ngành họ muốn vì lớp hết chỗ.
Lu Qinghua, người đại diện Đại học Nam Hoa, giải thích về phương pháp chia lớp kỳ quặc của trường: “Chúng tôi buộc phải đưa ra một biện pháp. Nếu việc chọn lớp chỉ dựa vào mong muốn của sinh viên, một số lớp sẽ quá tải, trong khi các lớp khác không đủ chỉ tiêu. Một số trường khác cũng sử dụng biện pháp tương tự”.
Theo ông Lu, trường cho phép những sinh viên đạt kết quả cao trong năm học thứ nhất tự chọn chuyên ngành. Như vậy, 190 em trong số 585 sinh viên sẽ được tự chọn, không phụ thuộc quá trình sắp xếp ngẫu nhiên của trường.
Chỉ những sinh viên có kết quả học tập năm trước cao mới có quyền tự chọn lớp hay nộp đơn chuyển chuyên ngành. Ảnh: Chinanews.
Video đang HOT
Cư dân mạng chỉ trích sự lười biếng của bộ phận quản lý trường Nam Hoa. Người có tài khoản Jingshuishenliu nhận xét: “Trường rất vô trách nhiệm. Sinh viên có quyền lựa chọn chuyên ngành họ thích. Trường không nên hy sinh cơ hội phát triển của sinh viên chỉ để đảm bảo sự cân bằng giữa các lớp”.
Si Hanhan, phóng viên hãng tin tức Guangming, đồng ý với quan điểm trên. Ông cho rằng, nhà trường nên khảo sát thị trường để xác định môn học cần thiết và loại bỏ các khóa học lỗi thời. Theo ông, việc Nam Hoa ưu tiên quyền lựa chọn cho sinh viên học tốt cũng là hình thức của tình trạng phân biệt đối xử.
Một cán bộ khác của nhà trường cho biết, Nam Hoa đã áp dụng biện pháp này trong nhiều năm và từng yêu cầu sinh viên, giảng viên cho ý kiến phản hồi.
“Sau một năm học, 10% sinh viên có thành tích tốt nhất khóa có thể nộp đơn chuyển chuyên ngành”, ông nói.
Một sinh viên vừa trải qua quá trình phân chuyên ngành theo kiểu quay xổ số nói trên Beijing Times: “Tôi nghĩ cách này khá công bằng. Sinh viên buộc phải học tập chăm chỉ để có quyền chọn chuyên ngành. Những bạn không hài lòng với kết quả chia lớp ngẫu nhiên của trường cũng có thể đổi với bạn khác”.
Theo Zing
Chàng sinh viên đi học bằng máy bay
Để tiết kiệm tiền, một sinh viên thuê nhà trọ tại Ba Lan và đến trường đại học ở Anh bằng máy bay.
Jonathan Davey, 23 tuổi, học ngành Nhân chủng học tại Đại học London, Anh, đã tìm ra cách đặc biệt để tiết kiệm tiền khi hàng nghìn sinh viên khác đang lao đao vì nợ.
Sau khi biết giá thuê một phòng gần trường lên đến 220 bảng mỗi tuần (khoảng 7,5 triệu đồng), Jonathan quyết định chuyển đến sống tại thành phố Gdansk, Ba Lan. Nơi ở hiện tại của chàng sinh viên này cách trường hơn 1.600 km, theo RT.
Điều này giúp anh tiết kiệm số tiền đáng kể, mặc dù quá trình đi học khá phức tạp và vất vả.
6h thứ tư hàng tuần, Jonathan bắt tàu hoặc xe buýt đến sân bay. Sau hai giờ bay, cậu sinh viên 23 tuổi có mặt tại sân bay Luton và lên tàu đến trường.
"Vì chênh lệch múi giờ, tôi bắt đầu tiết học đầu lúc 10h. Tôi học từ thứ tư đến thứ sáu, sau đó trở lại Ba Lan và lại lên máy bay đến trường vào tuần sau", anh cho biết.
Trong khoảng thời gian ở tại London, Jonathan thuê phòng trọ giá rẻ hoặc qua đêm trên ghế sô pha nhà bạn. Anh chỉ mang theo hành lý đơn giản, thỉnh thoảng về thăm bố mẹ ở Hampshire.
Với cách này, Jonathan chỉ mất khoảng 2.100 bảng (khoảng 71,5 triệu đồng) chi phí phòng ở và đi lại mỗi năm, tiết kiệm gần 7.000 bảng (hơn 238,6 triệu đồng) so với việc thuê nhà trọ gần trường.
Jonathan Davey thuê nhà trọ tại Ba Lan và đi học bằng máy bay để tiết kiệm tiền. Ảnh: Mirror.
"Hàng tuần, tôi chi 37 bảng tiền vé máy bay và 25 bảng tiền thuê phòng. Số tiền này ít hơn rất nhiều so với mức giá 220 bảng tiền thuê phòng trong một tuần tại London", Jonathan giải thích.
Cậu sinh viên ngành Nhân chủng học chọn thành phố Gdansk để sống sau chuyến du lịch châu Âu năm 2014. Trước khi đưa ra quyết định táo bạo này, anh đã dành hàng giờ để khảo sát giá vé máy bay, cũng như giờ khởi hành đến London.
Jonathan từng định sống ở Vilnius, thủ đô Litva, nhưng không được vì không có chuyến bay phù hợp từ đó đến London cho kịp giờ học.
"Gdansk cũng đẹp hơn. Ở đây, tôi gặp nhiều bạn mới, cuộc sống tuyệt vời, thoải mái và tự do. Mọi người có thể nghĩ rằng nó thật điên rồ nhưng tôi thích vậy", anh nói.
Jonathan thừa nhận, bố mẹ cũng nghĩ anh điên nhưng họ chấp nhận vì hiểu con trai là người yêu tự do và có chính kiến, đặc biệt sau khi biết mức chênh lệch chi phí tại hai nơi.
"Việc bay tới mỗi tuần giúp tôi cảm thấy những ngày tháng học đại học giống như những kỳ nghỉ", anh nói.
Theo Zing
Ảnh cậu bé học, kiếm tiền bên vỉa hè khiến dân mạng xúc động Một cậu bé ở Ấn Độ có thể tiếp tục đến trường nhờ sự giúp đỡ từ người dân sau khi bức ảnh em học bài và tranh thủ kiếm tiền nhờ cân điện tử bên vỉa hè lan truyền trên Facebook. Hàng ngày, cậu bé Harendra Singh, 13 tuổi, ngồi học bài bên vỉa hè bên ngoài một nhà ga tàu điện...