Sinh viên chế tạo robot công nhân
Nhóm sinh viên phòng thí nghiệm mở (Open lab) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa cho ra lò một robot có khả năng thay thế công nhân trong các nhà máy sản xuất.
Đó là robot song song có tên Delta, do nhóm sinh viên gồm Trịnh Đức Cường, Lê Quốc Việt và Dương Văn Linh (sinh viên năm thứ hai ngành cơ điện tử) thực hiện, dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh – Trưởng bộ môn Cơ điện tử.
Nhóm sinh viên (Cường, Việt, Linh từ trái qua) bên cạnh robot Delta – Ảnh: H.A
Nói về ứng dụng của robot, Đức Cường cho biết: “Loại robot này có thể thay thế công nhân thực hiện một số công đoạn trong quy trình sản xuất như: gắp, đóng gói và phân loại các sản phẩm. So với hiệu quả làm việc của con người, Delta có thể làm việc liên tục với tốc độ nhanh và độ chính xác cao hơn”. Cường giải thích thêm: “Robot này có thể gắn các đầu hút chân không nhỏ để gắp các vỉ thuốc cho vào hộp đóng gói trong ngành dược phẩm. Điều này cực kỳ quan trọng nhằm hạn chế các loại vi khuẩn mà con người vô tình mang theo vào nơi đóng thuốc nếu không dùng máy móc. Trong ngành thực phẩm, sản phẩm này được gắn tay kẹp khí nén để gắp và phân loại các dạng bánh kẹo trên băng truyền một cách nhanh chóng. Do vậy giúp tiết kiệm không gian và làm cho môi trường sản xuất sạch sẽ hơn. Trong ngành điện tử, robot có thể thay thế con người gắn các vi mạch”.
“Không chỉ vậy, sản phẩm này còn có thể trở thành máy gia công linh hoạt thay thế được nhiều loại máy như: khoan, phay, dao… Chỉ cần thay dao cắt tương ứng như: dao phay, mũi khoan, robot sẽ trở thành một máy gia công chính xác, hoạt động linh hoạt cả 3 hướng trong không gian”, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh nói thêm.
Nhóm sinh viên đã nhanh chóng hoàn thành sản phẩm sau 3 tháng thực hiện. Trong đó, Linh được phân công phụ trách phần tính toán động học, thiết kế cơ khí và tủ điều khiển cho robot. Cường phụ trách phần mạch điện điều khiển động cơ và lập trình. Còn Việt chăm lo phần giao diện điều khiển và mô phỏng 3D. “Đây là một lĩnh vực nghiên cứu khá mới ở Việt Nam. Do vậy, từ ý tưởng thiết kế đến chế tạo sản phẩm này là một bài tập khó khăn nhất từ trước tới nay. Để thực hiện ý tưởng này, tụi em phải lang thang rất nhiều nơi như bãi rác của các khu công nghiệp ở Q.8, An Sương…”, Cường tâm sự. Nhóm còn cho biết, thời gian ban ngày đều dành cho việc lên lớp học bài, nên chỉ có buổi tối mới có thời gian tập trung cho việc nghiên cứu tại xưởng.
Để thử nghiệm robot, nhóm tự chế ra một băng chuyền sản xuất ngay tại xưởng. Được nhà trường hỗ trợ, cộng thêm kinh phí bỏ túi từ các thành viên, sản phẩm đến nay đã ngốn hết khoảng 15 triệu đồng. Nhưng so với mức giá tối thiểu 25.000 USD của robot nước ngoài có chức năng tương tự thì Delta khi hoàn thiện có giá khoảng 20 triệu đồng là quá rẻ.
Nhóm cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện phần cơ khí để nâng cao độ chính xác hơn nữa, nghiên cứu thêm thuật toán điều khiển, áp dụng xử lý ảnh tốc độ cao, thời gian thực vào việc gắp sản phẩm trên các băng chuyền sản xuất trước khi có thể tiến hành sản xuất thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh nhận định: “Đây là hướng nghiên cứu mới, độc đáo, vừa đòi hỏi kiến thức hàn lâm vừa phải có tính áp dụng thực tế cao. Khi hoàn thành, sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả rất cao và thay thế dần sức lao động trực tiếp của con người trong các quy trình sản xuất, đáp ứng sự phát triển công nghiệp hiện đại hóa”. Cũng theo tiến sĩ Thịnh, hiện sản phẩm này đã được Công ty bánh kẹo Đức Phát đặt hàng. Thời gian tới, nhóm sẽ tiến hành một dự án chế tạo thử để sản xuất hàng loại ở Việt Nam.
Theo TNO
8X Việt Nam chế tạo robot giống người
Bất ngờ là cảm xúc đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến xưởng chế tạo robot của Công ty sản xuất đồ chơi công nghệ cao TOSY, nơi nhiều người trẻ đang mải miết chế tạo robot có thể vui chơi, giúp đỡ con người.
Xem phim tìm cảm hứng chế tạo robot
Tiếp chúng tôi trong một căn phòng sáng nằm sâu phía trong xưởng sản xuất robot rộng mênh mông, linh hồn của những chú robot mang thương hiệu Việt, Hồ Vĩnh Hoàng (sinh năm 1981), Giám đốc TOSY chỉ cười khi được hỏi, tại sao lại "húc đầu vào đá" khi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo robot, một công nghệ còn xa vời ở Việt Nam?
Video đang HOT
Hồ Vĩnh Hoàng bên một robot giống người.
Hoàng kể, chế tạo robot là ước mơ từ khi còn đang ôn thi đại học. Năm 2002, khi đang là sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, sẵn máu kinh doanh được thừa hưởng từ cha mẹ, Hoàng mở một xưởng chế tạo đồ chơi công nghệ cao mang tên TOSY.
Đầu tiên là thiết kế bóng điều khiển từ xa. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn đã vướng phải thất bại bởi sản xuất bóng điều khiển từ xa vào thời điểm ấy là quá khó.
Sau cú "vấp" đầu tiên, Giám đốc 8X (sinh năm 1981) bắt tay vào chế tạo BOOMERAMA (tiền thân của đĩa bay TOSY). Trò chơi thành công bởi đánh "đúng": Công nghệ vừa sức, giá rẻ và tung ra thị trường đúng thời điểm (Trung thu).
Năm 2005, vô tình thấy ti vi chiếu một số mẫu robot mang hình dáng người, Vĩnh Hoàng "cáu" vì robot gì mà di chuyển chậm khác xa so với hình ảnh trên phim. Thế là dự án sản xuất robot đánh bóng bàn TOPIO ra đời.
Hồi ấy, không ít người phản đối, nghi ngại về khả năng thành công của dự án này vì bóng bàn là môn thể thao đòi hỏi phải có độ chính xác và khéo léo cao. Trong tay Hoàng lúc ấy cũng chẳng có gì nhiều. Mọi thứ đều phải làm từ A đến Z.
Có một chuyện khá thú vị mà sau này nhóm làm robot vẫn kể lại là để có cảm hứng làm TOPIO, Hoàng yêu cầu cả nhóm phải đến rạp chiếu phim xem tất cả những bộ phim liên quan về robot. Nếu phim nào không chiếu ở Việt Nam thì thức đêm xem trên mạng.
Có lẽ, một phần nào đó do ảnh hưởng từ những bộ phim về robot, nên TOPIO phiên bản đầu tiên có hình dáng của một robot siêu nhân, dũng mãnh và quả cảm.
Thiết kế đã khó, việc mang TOPIO đi dự IREX 2007 không dễ dàng. Ban tổ chức IREX 2007 mất cả tháng trời tranh cãi xem TOPIO có xứng đáng góp mặt ở sự kiện tầm cỡ này không.
Đầu tiên là phải chứng minh được TOPIO có khả năng, thứ nữa phải tuân thủ những điều kiện về an toàn.
Thời điểm đó, TOPIO chạy dầu thủy lực. Ban tổ chức luôn tỏ ra lo ngại, robot có thể phát hỏa... Cuối cùng ngoài sức tưởng tượng, TOSY được ban tổ chức dành hẳn 6 gian hàng để trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Năm đó, TOPIO đã được đánh giá là robot ấn tượng nhất của IREX 2007.
Kể đến đây Hoàng xua tay thanh minh, kể ra như thế không phải là để khoe thành tích mà chỉ là để chúng tôi thấy, không phải Hoàng "húc đầu vào đá". Người Việt mình hoàn toàn có thể làm chế tạo được robot. Điều quan trọng là phải có "cái đầu". Tranh cãi vì muốn robot mang hình dáng người hơn
Sau triển lãm IREX 2007, Hồ Vĩnh Hoàng và nhóm tạo robot vẫn tiếp tục "ăn, ngủ" cùng robot.
Dù nhận được nhiều lời khen, nhưng Hoàng bắt đầu có cái nhìn khác về robot: Không chỉ là những robot siêu nhiên, hoặc những chú robot, lầm lũi chăm chỉ đứng ở một góc phòng, robot có thể gần gũi làm bạn với con người. Muốn thế, robot phải thật sự "đời" hơn, mang hình dáng của con người hơn.
Đấy cũng là thời điểm làm bùng nổ những cuộc "chiến tranh" trong nội bộ nhóm làm robot. Cơ khí muốn phải thật khỏe, thật chắc chắn, còn mỹ thuật thì muốn phải thật thanh, thật mảnh, thật giống người.
Chính bản thân Hoàng, với vai trò làm nhạc trưởng đôi khi cũng không biết cái nào cần hơn. Vừa nhanh, vừa chính xác vừa thanh mảnh là điều rất khó. Mà thiết kế một robot thật giống người không phải dễ dàng gì.
Robot công nghiệp.
Mọi người phải bàn bạc với nhau từ những chi tiết rất nhỏ: Già hay trẻ, nam hay nữ, Á hay Âu... Sau nhiều ngày tranh luận, mổ xẻ, nhóm quyết định thiết kế cho robot trẻ có gương mặt nam tính và phải hơi lai giữa Á và Âu (để có thể đem đi triển lãm ở bất cứ quốc gia nào).
Trong căn phòng làm việc rộng, khi Hoàng bật máy tính giới thiệu phiên bản thứ 3 của TOPIO, chúng tôi đều ồ lên ngạc khi thấy TOPIO khá giống một nam người mẫu hơn là một robot: cao 1.88m, nặng 120kg, có đầy đủ đầu, 2 chân, 2 tay... Môi, mắt, miệng cân đối khiến cho khuôn mặt của TOPIO mang một vẻ đẹp hoàn hảo. Đã vậy, khuôn mặt đẹp ấy còn được "trang điểm" thêm một chiếc kính thời trang.
Lý do robot đeo kính cũng thật đơn giản bởi làm mắt cho robot giống mắt người rất khó, mà gắn đèn trong mắt như các robot hiện nay thì không thật. Đeo kính vừa khiến robot thời trang vừa che được nhược điểm. Để có được chiếc kính này, những người chế tạo robot phải lùng sục khắp nơi.
"Thiết kế hình dáng robot thật giống con người chỉ là bước đầu tiên. Thời gian tới, TOPIO ngoài việc chơi bóng bàn, nhảy múa còn phải chơi được nhạc, phải trò chuyện được với con người. Như thế, TOPIO mới thật sự là bạn của con người", Vĩnh Hoàng hào hứng kể.
Sốc vì robot gắn mác Việt Nam
Đầu năm 2009, cùng với TOPIO, TOSY mang thêm 4 model robot công nghiệp "made in Vietnam" tham dự IREX 2009.
2 Arm Robot là những tay máy đa năng có thể làm nhiều công việc thay thế công nhân trong các nhà máy sản xuất như hàn, sơn, lắp ráp, đóng gói, di chuyển vật liệu, xếp dỡ pallet...
1 Scara Robot và 1 Parallel Robot là những robot tốc độ rất cao ứng dụng gắp các sản phẩm trên băng chuyền chuyển động nhanh.
Một lần nữa, khách tham quan lại bị những chú robot Việt Nam cuốn hút. Nhiều người ồ lên ngạc nhiên, có khách tham quan còn làm cả động tác giả vờ "ngất" khi thấy robot Việt. Họ ngạc nhiên bởi những robot này được làm ở Việt Nam, một nơi thuộc "vùng trũng" của công nghệ.
Không chỉ có khách tham quan, ngay cả những gã khổng lồ trong lĩnh vực chế tạo robot cũng "choáng" trước những robot đến từ đất nước mang hình chữ S. Họ choáng và sốc vì chất lượng thì như nhau, nhưng giá robot Việt này chỉ từ 2.500 - 8.500USD/robot (rẻ bằng 1/3 hay 1/4 so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường).
Ông chủ của những robot này chia sẻ, ở Việt Nam, chưa ai thực sự quan tâm đến lĩnh vực sản xuất robot nên khi làm robot, TOSY phải làm từ động cơ, bộ điều khiển, cảm biến, bộ truyền động chính xác, phần mềm...
Chính nhờ tự làm hết mọi khâu, nên giá thành sản phẩm được hạ xuống. Giá rẻ, là điểm mạnh khiến TOSY đã nhận được hàng loạt hợp đồng, trong đó có những hợp đồng lớn từ những gã khổng lồ.
"Chế tạo thành công robot chất lượng cao mà chi phí thấp là rất khó nhưng có một việc còn khó hơn, đó là làm sao để khách hàng tin tưởng vào robot công nghiệp mang thương hiệu made in Việt Nam", Hoàng bảo.
Hiện TOSY đang chạy hết công suất bởi những hợp đồng. Thậm chí, giờ có thêm hợp đồng là Hoàng lại sợ. Không phải sợ vì công nghệ chưa vững, mà sợ vì nhiều hợp đồng quá, không đáp ứng kịp.
Hỏi đùa Hồ Vĩnh Hoàng, để có được sự thành công như thế, chắc phải hi sinh nhiều thứ, giám đốc 8X này chỉ cười bảo: Mất một vài thứ còn được rất nhiều thứ.
Để minh chứng, Hoàng kể một câu chuyện nhỏ: Hoàng thường có thói quen làm việc ban đêm, có khi tờ mờ sáng mới từ công ty về nhà. Mỗi khi nghe nhân viên đùa "hôm qua có ngủ sớm không", Hoàng thường trêu lại "Ngủ sớm". Ngủ sớm ở đây nghĩa là bắt đầu ngủ vào lúc sáng sớm.
Theo Khoa Học Đời Sống