Sinh viên chật vật với chuẩn đầu ra ngoại ngữ
Thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Trường Đại học Vinh đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ bậc 3. Điều này đã khiến không ít sinh viên phải chật vật mới ra được trường.
ảnh minh họa
Chưa thể tốt nghiệp vì thiếu bằng ngoại ngữ
Duy* (SN1995) – nhân viên tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Minh Khai (TP. Vinh) đôi khi vẫn hay được những người làm cùng gọi đùa bằng cái tên “sinh viên giả” của Trường Đại học Vinh.
“Thi vấn đáp bằng tiếng Anh, em rất hồi hộp, phát âm không chuẩn khiến em càng tự ti, căng thẳng không thi nói tốt. Nhưng nói gì thì nói, lần thi tới đây em phải ôn lại để lấy cho bằng được cái bằng B1 rồi còn nộp xét lấy bằng tốt nghiệp. Chứ hiện tại chưa có bằng, muốn tìm một công việc ổn định hơn cũng khó” – Duy tâm sự.
Giải thích cái tên lạ đời của mình, chàng trai 22 tuổi này cho biết, cái tên này bắt nguồn từ việc mình chưa thể tốt nghiệp vì thiếu bằng ngoại ngữ. “Dù đã học hết các tín chỉ trên trường nhưng vì thi mấy lần đều trượt bằng B1 tiếng Anh nên em chưa đủ điều kiện để nhà trường xét tốt nghiệp. Thế nên các anh chị cùng làm mới đùa rằng trước đây thì đúng là sinh viên thật 100% nhưng giờ đã trở thành sinh viên giả” – Duy cười.
Kể về hành trình lấy tấm bằng tiếng Anh của mình, Duy chỉ biết tóm lại bằng chữ “khổ”. “Em thi B1 2 lần đều không đủ 50/100 điểm để đậu. Đợt thi mới nhất là vào giữa tháng 12/2017 em chỉ được hơn 40/100. Bài thi có 4 phần gồm: đọc, viết, nghe, nói thì cả 2 lần điểm nghe và nói của em đều không quá nổi 10 điểm” – Duy cho biết.
Lý giải về việc kém tiếng Anh, Duy kể, từ hồi học cấp 2, cấp 3 ở quê, em chỉ xem đây là môn học phụ nên không đầu tư nhiều. Lên đại học, việc học tiếng Anh lại càng khó do đã bị hổng một lượng lớn kiến thức ở cấp dưới. Hơn nữa, Duy cũng ít có thời gian luyện nghe, nói tiếng Anh vì thời gian rảnh chủ yếu dành cho việc đi làm thêm trang trải cuộc sống ngay từ năm nhất. Một lý do khác là việc thi nói bằng tiếng Anh thực sự là một vấn đề không hề nhỏ với Duy.
Sinh viên cần chủ động hơn trong việc học ngoại ngữ, như thực hành, các tình huống giao tiếp với người nước ngoài. Ảnh: Chu Thanh
Không nợ môn, tiếng Anh tốt, thậm chí là thi đạt bằng C1 nhưng Linh* cùng khóa với Duy vẫn chưa được xét tốt nghiệp vì không thi được bằng B1 tiếng Pháp. Là sinh viên học hệ tiếng Anh chính quy, bên cạnh quy định đạt bằng C1 tiếng Anh, nhà trường còn yêu cầu sinh viên phải có bằng B1 tiếng Pháp để ra trường.
Vấn đề của Linh cũng xuất phát từ đây. Theo chương trình học, tiếng Pháp được nhà trường đưa vào bắt đầu từ kỳ 3 của năm 2 và sinh viên chỉ phải học tiếng Pháp 1, tiếng Pháp 2 trong kỳ 3 và 4. Thế nên, đến thời điểm thi lấy bằng B1 tiếng Pháp vào năm 4, do kiến thức “rơi rớt” nhiều nên Linh không đạt được 50/100 điểm và phải chờ thi lại lần sau.
Video đang HOT
Cần sự chủ động của sinh viên
Theo PGS.TS Ngô Đình Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, bắt đầu từ khóa 54 trở đi, tất cả sinh viên của Trường Đại học Vinh khi tốt nghiệp đều phải chuẩn đầu ra, ít nhất là có bằng ngoại ngữ trình độ bậc 3/6 (tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu). Cụ thể, hiện nhà trường đang đặt ra 2 mức độ yêu cầu với sinh viên: Các sinh viên học hệ không chuyên ngành tiếng Anh thì chỉ cần đạt trình độ bậc 3/6; Các sinh viên học hệ tiếng Anh chính quy thì phải đạt được tối thiểu bậc 5/6 (tương đương trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu) và có bằng B1 tiếng Pháp. Trên thực tế, ở Trường Đại học Vinh đã có trường hợp sinh viên phải thi đến lần thứ 5 mới có được bằng tiếng Anh và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp ra trường.
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho sinh viên ra trường, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra, Trường Đại học Vinh chia làm 3 đợt xét tốt nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, đợt xét tốt nghiệp lần 1 cũng chỉ đạt tỷ lệ 65 -70%. Số còn lại chưa được xét tốt nghiệp, theo PGS.TS Ngô Đình Phương, ngoài các sinh viên bị thiếu môn, nợ môn và một số lý do khác thì số lượng không nhỏ là sinh viên thiếu chứng chỉ ngoại ngữ.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng, các sinh viên đến từ vùng nông thôn, vùng khó khăn thường gặp khó khăn trong việc học, thi ngoại ngữ mà trong trường hợp này là học tiếng Anh. Nguyên nhân là do việc học tiếng Anh của các sinh viên khi còn đang theo học các trường THPT chưa bài bản, hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã cho tổ chức các không gian học tiếng Anh; các CLB sinh hoạt tiếng Anh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ liên chi đoàn, liên chi hội của trường… Song song với đó, Trường Đại học Vinh cũng đã lập Ban chỉ đạo với nòng cốt là khoa Ngoại ngữ, xác định chiến lược phát triển cụ thể xem tiếng Anh là công cụ giúp mở rộng cánh cửa tri thức cho sinh viên, giảng viên của trường. Đồng thời tin rằng, việc quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ bậc 3/6 trở lên đã tác động tích cực đến sinh viên, giúp các sinh viên ý thức được tầm quan trọng của việc học thêm tiếng Anh, từ đó chủ động hơn trong việc học tập.
Tiếng Anh trong trường Đại học đang được đẩy mạnh. Ảnh: Chu Thanh
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu về ngoại ngữ đang ngày càng trở nên thiết yếu, mở ra nhiều cánh cửa tương lai cho giới trẻ. Với xu thế này, việc quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ là một điều tất yếu, thiết thực.
Thế nhưng, để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường đại học không phải là điều dễ dàng, khi mà quá trình đổi mới phương pháp đào tạo vẫn là điều nan giải. Đó là chưa tính đến việc giảng dạy trong các trường đại học, các khoa không chuyên ngữ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; không ít bạn sinh viên trẻ vẫn còn thờ ơ, ý thức chưa cao trong việc tự rèn luyện khả năng ngoại ngữ cho bản thân… Và trong lúc chờ tìm ra giải pháp thì câu chuyện sinh viên chật vật ra trường vì thiếu bằng ngoại ngữ, chắc vẫn sẽ được xướng lên thường xuyên hơn trong thời gian tới.
Theo Baonghean.vn
Phải thay đổi cách dạy tiếng Anh
Từ việc Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 không đạt mục tiêu (Báo ngày 30-12), sinh viên, giảng viên và chuyên gia giáo dục nhìn nhận lại cách dạy tiếng Anh trong nhà trường hiện nay.
ảnh minh họa
Và điểm chung của những ý kiến này là chương trình đào tạo tiếng Anh trong trường học hiện nay nặng về ngữ pháp, thời gian đào tạo ít, không có môi trường thực hành nghe - nói, sĩ số lớp đông...
"Điệp khúc" ngữ pháp
Bạn N.N.B. - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - kể thời phổ thông và ngay cả ĐH, học và thi tiếng Anh ở trường chỉ là để đối phó.
Theo B., thời phổ thông, giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp, hầu như không có bất kỳ hoạt động rèn luyện kỹ năng giao tiếp nào.
"Vào ĐH, thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh, tôi học lớp tiếng Anh căn bản trong chương trình đào tạo của trường vì mất căn bản. Lớp đông, giảng lý thuyết nhiều nên tôi không tiếp thu được bao nhiêu.
Đến năm 4, phải tích lũy đủ 10 tín chỉ tiếng Anh để tốt nghiệp nên tôi tiếp tục đăng ký học. Cũng có bạn học ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài và nộp chứng chỉ quốc tế cho trường. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện học ở trung tâm" - B. kể thêm.
Tương tự, Nguyễn Minh Trí - sinh viên Trường ĐH Sài Gòn - cho biết việc học tiếng Anh của bạn từ phổ thông, ĐH tập trung vào "điệp khúc" ngữ pháp.
"Ở phổ thông, kiến thức tiếng Anh chủ yếu tập trung vào ngữ pháp. Để thi ĐH cũng luyện ngữ pháp. Chương trình tiếng Anh không chuyên, chuyên ngành bậc ĐH cũng tập trung nhiều vào... ngữ pháp mà ít thực hành giao tiếp.
Thời gian học chỉ có 6 tín chỉ Anh văn không chuyên và 6 tín chỉ Anh văn chuyên ngành. Môi trường thực hành kỹ năng hạn chế. Mỗi tuần học hai buổi nhưng lớp khá đông nên thời gian thực hành giao tiếp cũng rất ít" - Trí .
Trong khi đó, một sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết vì mất kiến thức căn bản bậc phổ thông nên việc học tiếng Anh ở bậc ĐH là "cực hình". Dù đã hoàn thành chương trình đào tạo hơn một năm nhưng vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp vì vướng đầu ra tiếng Anh...
Ở góc độ khác, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói đầu vào ngoại ngữ của sinh viên yếu trong khi thời gian dành cho tiếng Anh quá ít nên khó có kết quả tốt.
"Hầu hết các lớp học tiếng Anh có sĩ số trên 35 sinh viên nên rèn luyện kỹ năng giao tiếp là không khả thi. Chúng ta kêu gọi giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy nhưng rất khó" - giảng viên này nói.
Ông Phan Thanh Tiến - Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) - cũng cho rằng thời gian đào tạo tiếng Anh không chuyên ở ĐH chỉ có 7 tín chỉ là quá ít so với yêu cầu.
Lâu nay việc đánh giá năng lực ngoại ngữ chỉ chú trọng vào từ vựng, ngữ pháp và bỏ qua kiểm tra nghe, nói. Việc đo lường như vậy lặp đi lặp lại nhiều năm, nhiều bậc học khiến người học không chú trọng rèn luyện kỹ năng này
ThS BÙI THỊ THANH TRÚC
Tăng thời gian rèn giao tiếp
Có kinh nghiệm trong đào tạo tiếng Anh, TS Vũ Thị Phương Anh xác định nguyên nhân chính dẫn đến sinh viên học nhiều năm vẫn không sử dụng được tiếng Anh là chương trình, phương pháp giảng dạy có vấn đề và người học thiếu môi trường thực hành giao tiếp.
Bà Phương Anh nói: "Đội ngũ giảng viên tiếng Anh hiện nay nhiều người học từ nước ngoài về, kiến thức và kỹ năng rất tốt.
Nhưng họ cũng khó có thể làm gì đột phá nếu chương trình và phương pháp giảng dạy vẫn như vậy. Việc học tiếng Anh nặng về thi cử đã trói buộc người học và giáo viên rất nhiều.
Lứa tuổi THCS khá đẹp để học ngoại ngữ. Tuy nhiên, tiếp xúc ban đầu và trong một thời gian dài không đúng phương pháp đến khi vào ĐH, các trường dù có làm cách nào cũng rất khó cải thiện.
Học ngoại ngữ mà chỉ chăm chú vào các con chữ trong sách thì không thể phát triển được. Phải thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy".
Trong khi đó ThS Bùi Thị Thanh Trúc, trưởng khoa ngoại ngữ Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, cho rằng cần phải thay đổi cách đo lường năng lực người học qua các bài thi.
Từ đó, hướng người học đến mục tiêu sử dụng ngoại ngữ trong khi vẫn đảm bảo kiến thức ngữ pháp.
"Lâu nay việc đánh giá năng lực ngoại ngữ thường chỉ chú trọng vào từ vựng, ngữ pháp trong khi bỏ kiểm tra nghe, nói. Việc đo lường này chưa đầy đủ và không chính xác, được lặp đi lặp lại nhiều năm, nhiều bậc học khiến người học không chú trọng rèn luyện kỹ năng này" - ThS Trúc nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, ThS Tống Thị Huệ - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng chương trình phổ thông cần thay đổi theo hướng tăng thời gian rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
"Hiện nay giáo viên phải đảm bảo thời lượng theo quy định cứng, hầu như không có thời gian giúp học sinh thực hành nghe - nói nên sinh viên yếu các kỹ năng này" - ThS Huệ nói thêm.
Theo TTO
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 xa vời thực tế Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có một số mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học. ảnh minh họa có một số mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát...