Sinh viên bức xúc vì quy định học ngoại ngữ trong trường
Nhiều sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng quy định bắt buộc học ngoại ngữ tại trung tâm của trường là không hợp lý.
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) mới ban hành Công văn số 05 về việc học ngoại ngữ không chuyên dành cho sinh viên.
Theo đó, sinh viên phải đăng ký học tại trung tâm ngoại ngữ của trường cho đến hết lớp B1.2 (đầu năm trường đánh giá năng lực đầu vào để xếp lớp A1.1, A1.2, A2.1, A2.2 tương ứng trình độ bằng A; lớp B1.1, B1.2 tương đương trình độ B).
Những bạn đã học lớp B1.2 hoặc có chứng chỉ tương đương sẽ được miễn. Sinh viên khác không đăng ký học ngoại ngữ trong trường sẽ không được học các môn mới trong học kỳ II năm học 2016-2017. Nhiều người không đồng tình với công văn này, đặc biệt là sinh viên năm thứ tư.
Công văn số 05 quy định việc học ngoại ngữ của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: M.N.
Trước nhiều thắc mắc, nhà trường chủ động đề xuất buổi gặp gỡ, trao đổi về vấn đề này.
Hãy để sinh viên tự lựa chọn
Video đang HOT
Tại buổi đối thoại diễn ra ngày 11/1, nhiều bạn bày tỏ bức xúc khi phải học ngoại ngữ trong trường nhưng chất lượng giáo viên, phương pháp giảng dạy… chưa tốt.
Một người phát biểu rằng nếu bị bắt buộc, bạn vừa phải học tiếng Anh trong trường, vừa học ở những cơ sở bên ngoài để đảm bảo chất lượng, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
“Nhà trường không nên ép buộc sinh viên phải học ở trung tâm, học ở đâu cũng được miễn là chúng em thấy hài lòng và xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Em đề nghị nhà trường thay đổi điều số 5 trong Công văn 05 vừa ban hành”, một bạn khác nói.
Nhà trường buộc phải kiểm soát
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), quy định học ngoại ngữ không chuyên từ năm 2011 và được phổ biến cho sinh viên ngay từ khi vào trường trong cuốn Sổ tay sinh viên. Công văn số 05 chỉ nhắc nhở thực hiện nghiêm túc chứ không phải thông báo hay quyết định mới.
Ông Hạ cho hay trường phải kiểm soát việc học ngoại ngữ vì thời gian qua để sinh viên tự tích lũy chứng chỉ nhưng không hiệu quả.
Trường để các bạn “tự bơi”, đến khi nộp chứng chỉ theo quy định để xét tốt nghiệp, nhiều người lại không có. Điều này dẫn tới việc sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn và nhờ người thi hộ, mua các chứng chỉ giả (trường phải kỷ luật nhiều bạn).
Sinh viên trao đổi ý kiến trực tiếp tại buổi đối thoại. Ảnh: Bá Đạt.
Cũng theo ông Hạ, tháng 11/2016, Phòng đào tạo yêu cầu các khoa thống kê số sinh viên đã có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định, kết quả khiến nhiều người giật mình. Chỉ 245 em đã có chứng chỉ trên tổng số 1.900 sinh viên của 3 khóa 2013, 2014, 2015, trừ sinh viên các khoa Quan hệ quốc tế, Nhật Bản học, Đông Phương học và Song ngữ Nga – Anh.
Sinh viên khóa 2012 mới tốt nghiệp có không quá 50% ra trường đúng hạn. Nhiều bạn nợ môn, trong đó phần lớn là không có chứng chỉ ngoại ngữ.
TS Nguyễn Khắc Cảnh, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Giám đốc trung tâm ngoại ngữ của trường, khẳng định: “Sẽ không thay đổi Công văn số 05 vì đó là quy định lâu rồi. Nhà trường quy định việc học ngoại ngữ không chuyên là một phần bắt buộc trong chương trình đào tạo. Các bạn hãy ứng xử với môn này như bất kỳ môn học bắt buộc nào khác”.
Ông Cảnh cũng cam kết sẽ rà soát và thay đổi chất lượng dạy và học của trung tâm ngoại ngữ. Thầy cô bị sinh viên phản ánh dạy không tốt, trung tâm đã cho chấm dứt hợp đồng, mời người khác về thay.
Cuối buổi đối thoại, ông Cảnh để lại số điện thoại cá nhân, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên về vấn đề học ngoại ngữ.
Đại diện nhà trường giải đáp thắc mắc của sinh viên. Ảnh: Bá Đạt.
Giải pháp tình thế cho sinh viên năm thứ tư
Bên cạnh những thắc mắc về học ngoại ngữ tại trường, nhiều sinh viên năm thứ tư đề nghị xem lại hạn nộp chứng chỉ để xét tốt nghiệp.
Cụ thể, theo Công văn số 05, ngày 28/2 tới là thời hạn cuối cùng phải nộp các chứng chỉ ngoại ngữ để nhà trường xem xét việc miễn học trong trường, kể cả sinh viên năm thứ tư.
Tuy nhiên, nhiều bạn cho rằng thời hạn quá gấp, nếu không có chứng chỉ thì phải quay lại học ngoại ngữ trong trường và nhiều khả năng ra trường muộn.
TS Phạm Tấn Hạ cho biết Phòng đào tạo sẽ kiến nghị với nhà trường và trung tâm ngoại ngữ mở kỳ kiểm tra đánh giá năng lực vào khoảng tháng 2. Những bạn vượt qua kỳ thi này đủ tiêu chuẩn xét tốt nghiệp, còn không qua phải quay lại học ngoại ngữ.
Kết thúc buổi đối thoại, sinh viên và nhà trường chưa đạt được sự đồng thuận.
Theo Zing