Sinh vật lạ dài 30 m: Tưởng khủng long, hóa ra thứ quái dị hơn
Các nhà khoa học đã “lạc lối” hơn 170 năm vì hài cốt kỳ quặc, khổng lồ của một sinh vật bí ẩn lộ diện gần TP Bristol nước Anh.
Theo Sci-News, sinh vật bí ẩn xuất lộ diện tại Vách đá Aust – một mỏ hóa thạch nổi tiếng ở Anh – vào năm 1850 với một phần xương hình trụ to lớn, khiến nó bị lầm tưởng là một con thằn lằn hộ pháp ( titanosaurs), nhóm khủng long lớn nhất thế giới.
Mãi đến đầu thế kỷ XX, một số nhà cổ sinh vật học mới nghi ngờ nó không phải khủng long.
Một giả thuyết tưởng chừng như vô lý được đặt ra: Nó có thể là một loài ngư long (ichthyosaur, còn gọi là thằn lằn cá) với kích cỡ không thể tin nổi!
Một trong các mảnh xương được tìm thấy, ở vị trí ghim vào đáy biển cổ đại – Ảnh: ĐẠI HỌC BONN
Ngư long là một trong các loài họ hàng sống dưới nước của khủng long, với hình dáng vô cùng kỳ quái, như một sản phẩm lai tạp hỗn loạn giữa khủng long và cá.
Nói là vô lý, bởi hầu hết ngư long đều thuộc dạng nhỏ bé trong thế giới quái vật các kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng. Phần lớn ngư long có kích cỡ một vài mét, còn những loài “vĩ đại” nhất của nhóm này cũng chỉ dài hơn 10 m.
Video đang HOT
Ngư long là một nhóm sinh vật còn nhiều bí ẩn – Ảnh đồ họa
Trong nghiên cứu mới, GS Martin Sander và TS Marcello Perillo từ Đại học Bonn (Đức) đã phân tích lại mẫu vật để tìm ra sự thật về sinh vật lạ ở Anh.
Họ dùng một loại kính hiển vi đặc biệt để chứng minh rằng thành xương của sinh vật chứa các cấu trúc khác thường.
Nó chứa những sợi collagen khoáng hóa dài, được đan xen theo cách rất khác biệt so với hầu hết các xương động vật khác. Tuy vậy, các nhà khoa học cũng tìm ra một thứ tương đồng: Một loài ngư long lớn khác từ Canada cũng có cấu trúc thành xương gần giống.
Phát hiện này đã xác nhận các phần xương hóa thạch khổng lồ được tìm thấy ở Anh thuộc về ngư long, chứ không phải bất kỳ động vật trên cạn nào, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Peerj.
Các bằng chứng địa chất cũng cho thấy khu vực mà hóa thạch xuất hiện 200 triệu năm trước – thời mà con vật sinh sống, thuộc kỷ Tam Điệp – từng là đại dương.
Các tính toàn mới cũng trùng khớp với ước tính cũ, cho thấy sinh vật dài ít nhất 25-30 m khi còn sống. Nó có thể đã dùng chiếc mõm nhọn để đâm vào con mồi như cách cá kình làm ngày nay, cùng một bộ hàm khỏe giúp hoàn tất công việc còn lại.
Điều này cho thấy giới khoa học nên thay đổi vài góc nhìn về nhóm quái vật biển cổ xưa này. Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Bonn, điều này chưa chắc là không thể giải thích.
Trước khi loài này ra đời, các loài tổ tiên của nó đã phát triển từ khoảng 250 triệu năm trước. Đến mốc 200 triệu năm, hầu hết các loài thuộc nhóm này đã tuyệt chủng.
Những con ngư long mà chúng ta hay tìm thấy đều thuộc lớp con cháu kỷ Jura – Phấn Trắng. Có lẽ khi đó loài ngư long đã tiến hóa để trở nên nhỏ hơn, phù hợp với môi trường mới hơn.
Vì vậy, không thể nói tổ tiên của chúng từng là những quái vật khổng lồ. Thời kỳ đầu của kỷ Tam Điệp cũng là giai đoạn tổ tiên của nhiều sinh vật khổng lồ khác xuất hiện trên Trái Đất, ví dụ như cá voi. Chiều dài 25-30 m của con ngư long này vẫn nhỏ hơn cá voi xanh.
Loài siêu quái thú mới xuất hiện ở Uruguay, dài 16 m
Quái thú kỷ Phấn Trắng này thuộc về một loài và một chi thằn lằn hộ pháp chưa từng được biết đến trên thế giới.
Theo Sci-News, loài quái thú mới được đặt tên là Udelartitan celeste, thuộc về một siêu họ thằn lằn hộ pháp gọi là Saltasauroidea.
Thằn lằn hộ pháp - tức Titanosaurus - là nhóm khủng long lớn nhất trên thế giới thuộc về gia đình sauropod, là những khủng long cổ dài, thân hình nặng nề, 4 chân to như cột đình.
Nhiều siêu quái thú nhóm thằn lằn hộ pháp từng hùng cứ Uruguay cổ đại - Ảnh đồ họa
Cũng như những "người khổng lồ" khác của gia đình thằn lằn hộ pháp, quái thú này có thân hình dài tới 15-16 m khi còn sống. Những đại diện lớn nhất của thằn lằn hộ pháp có khi dài tới hàng chục mét.
Quái thú Udelartitan celeste được xác định thông qua 60 đốt sống hóa thạch và vỏ trứng do liên quan từ Hệ tầng Guchón ở Uruguay.
Một số phần hóa thạch được tìm thấy - Ảnh: Cretaceous Research
Theo phân tích của TS Matias Soto từ Viện Khoa học địa chất Uruguay và các cộng sự, hóa thạch của loài mới này có niên đại khoảng 85 triệu tuổi, tức thuộc kỷ Phấn Trắng, cũng là thời đại hoàng kim của các loài khủng long khổng lồ.
Trước đó đã có 4 loài thằn lằn hộ pháp được tìm thấy ở nước này kể từ đầu thế kỷ XX, nhưng đều là các thành viên thuộc về một dòng dõi khác gọi là Aelosaurini.
Sự xuất hiện của một loài mới thuộc nhóm Saltasauroidea là bằng chứng quý giá cho thấy nhóm quái thú khổng lồ này ở Uruguay rất phong phú.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research, loài quái thú mới này cũng như toàn bộ gia đình thằn lằn hộ pháp vĩ đại của nó đã hùng cứ siêu lục địa Gondwana trong kỷ Phấn Trắng.
Còn quê hương ban đầu của chúng là phần Gondwana sau này đã tách ra để tạo thành lục địa Nam Mỹ ngày nay.
Sốc: Tiểu hành tinh Chicxulub không hề tiêu diệt khủng long Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra bằng chứng mới cho thấy tiểu hành tinh giết khủng long Chicxulub có thể đã bị đổ tội oan. Hung thủ là một thứ đáng sợ khác thuộc về Trái Đất. Hai nhà khoa học Brenhin Keller và Alexander Cox từ Trường Đại học Dartmouth (Mỹ) đã khai thác sức mạnh của 128 bộ xử...