Sinh động phương thức GD tình yêu biển đảo cho học sinh Kon Tum
Mong muốn học sinh vùng cao có cái nhìn thiết thực, gần gũi hơn với biển đảo, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng cột mốc chủ quyền biển đảo để các em học tập, có thêm kiến thức.
Cột mốc Trường Sa được đặt giữa sân trường để các em học sinh biết về biển đảo và bảo vệ biển đảo.
Cô Lê Thị Hồng Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thực hành Sư phạm Ngụy Như Kon Tum (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) cho biết, đa số các em học sinh trong trường đều ở vùng sâu vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn. Các em chỉ có thể ngắm nhìn nét đẹp của biển đảo qua sách báo, tivi.
Với mong muốn các em học sinh được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước gần hơn, nhà trường cùng các bậc phụ huynh đã đóng góp kinh phí xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay trong sân trường.
Theo cô Liên, thông qua mô hình cột mốc, các em học sinh hiểu biết thêm và dễ dàng nắm bắt được những kiến thức về biển, đảo quê hương. Bên cạnh đó, thầy cô giáo thường xuyên tuyên truyền cho các em hiểu được những khó khăn, vất vả mà thế hệ cha ông đi trước đã trải qua.
“Nhà trường sẽ thực hiện tuyên truyền về biển, đảo vào những giờ học ngoại khóa. Qua đó, thúc đẩy các em cố gắng học tập, vươn lên, trở thành người có ích, đóng góp trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.”, cô Liên chia sẻ.
Video đang HOT
Tương tự, Trường THCS Đăk Rve (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cũng đã xây dựng cột mốc Trường Sa giữa sân trường để khơi dậy lòng yêu nước của các em học sinh. Sau 1 tháng thi công nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh học sinh, cột mốc được khánh thành đúng ngày kỉ niệm Giải phóng hoàn toàn Miền Nam 30/4/2015.
Từ đó, trong các buổi ngoại khóa hoặc các cuộc thi về biển đảo, nhà trường thường đưa các em ra cột mốc để tuyên truyền cho các em học sinh biết về biển đảo và bảo vệ biển đảo.
Giáo viên tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về biển, đảo để khơi dậy tinh thần yêu biển, đảo quê hương trong thế hệ trẻ.
Còn tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay, TP Kon Tum), cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 100% học sinh là người dân tộc Bahnar. Giáo viên trong trường đã bàn bạc và hướng đến xây dựng mô hình sa bàn biển, đảo. Mô hình được triển khai vào năm 2016 với thiết kế là bản đồ thu nhỏ của đất nước Việt Nam và khu vực Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, việc tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cho học sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh. Ngoài ra, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời đầu tư, bổ sung các mô hình, sa bàn, tranh ảnh về biển đảo cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để học sinh dễ dàng tiếp cận.
Theo vị Phó giám đốc Sở, đơn vị sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về biển, đảo để khơi dậy tinh thần yêu biển, đảo quê hương trong thế hệ trẻ.
Ước mong của người thầy nghèo cho học sinh dân tộc thiểu số
27 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy A Phiên chỉ mong học trò của mình được ăn no, mặc ấm khi đến trường.
Thầy A Phiên chăm lo cho từng bữa cơm của học trò.
Tuổi thơ của thầy A Phiên - giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) gắn liền với núi đồi và con đường đất đỏ. Những ngày còn nhỏ, quãng đường đến trường của thầy A Phiên chưa bao giờ là thuận lợi. Khi đó, đường đi lại đất đỏ bụi mù mịt, ngày mưa thì trơn như đổ mỡ.
Để đến trường học con chữ, mỗi ngày cậu học trò A Phiên phải leo vài quả đồi. Cuộc sống khó khăn, sáng lên lớp đến chiều A Phiên lại theo bố mẹ lên nương rẫy. Hành trình tìm con chữ của cậu học trò A Phiên khi đó vô cùng khó khăn, gian khổ. Thương bản thân mình cũng như thương các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa A Phiên quyết tâm lớn lên trở thành thầy giáo.
Ước mong đứng trên bục giảng của A Phiên dần trở thành hiện thực qua năm tháng. Khi về giảng dạy tại điểm trường cụm Đăk Ka, thầy A Phiên như thấy được bản thân mình dưới bóng dáng của học trò. Bởi các em đều là đồng bào dân tộc thiểu số, bố mẹ quanh năm bận làm nương rẫy nên không có thời gian quan tâm con em mình. Do đó, thầy A Phiên luôn giành hết tình yêu thương của mình cho học trò. Bởi thầy thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả trên hành trình tìm con chữ của các em.
"Các em học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, nhà lại đông anh em. Để lo cho cuộc sống, bố mẹ các em quanh năm quần quật với nương rẫy. Các em chỉ mới 7-8 tuổi đã biết tự lập, nấu cơm, có khi phải ở nhà trông em. Có những em đến lớp với chiếc bụng rỗng tuếch, lả đi vì đói.
Trước kia mình đi học đã thiếu thốn trăm bề rồi, giờ nhìn học trò khổ mình thương lắm. Nhà mình chẳng khá giả gì, nhưng trước kia khi chưa có bếp ăn của trường gia đình nấu thêm cơm cho học trò lót bụng. Vợ mình cũng phụ một tay giúp bữa cơm của các em ấm cúng hơn. Các em có no cái bụng mới sáng được cái mắt mà tiếp thu con chữ.", thầy A Phiên tâm sự.
Buổi chiều thầy A Phiên lên lớp giảng dạy cho các em học sinh.
Khi bếp ăn của trường đỏ lửa, thầy A Phiên vừa đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy, lại làm đầu bếp chính. Cứ 6 giờ sáng, thầy A Phiên chạy từ điểm trường ra trường chính lấy thức ăn rồi về nấu cho học trò. 11 giờ trưa, khi chiếc bụng của lũ trẻ đói meo, mâm cơm ấm cúng của thầy A Phiên sẵn sàng cho học trò. Khi lũ trẻ ăn uống xong xuôi, thầy A Phiên dọn dẹp rồi về nhà ăn cơm cùng gia đình để chuẩn bị cho tiết dạy buổi chiều trên lớp.
"Tuy mình không phải là đầu bếp chuyên nghiệp nhưng những vị khách nhí vẫn luôn ủng hộ mỗi ngày. Mình thấy hạnh phúc khi trò ăn hết cơm và thức ăn do chính tay mình chế biến.", thầy A Phiên nghẹn ngào.
Vừa qua, nhờ được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trung ương, địa phương nên bếp ăn của học trò đủ đầy hơn. Vất vả của thầy A Phiên dường như cũng vơi bớt.
"Chỉ cần thấy các em no bụng, học tập thật tốt là mình thấy vui lòng rồi. Mình mong bản thân có sức khoẻ, được đi học tập, trau dồi thật nhiều để về truyền dạy lại cho học trò.
Các em học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên mình mong các cấp, chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho các em vững bước đến trường. Các em học tập có tốt, tương lai sau này mới sáng lạn, góp phần trong công cuộc phát triển quê hương, đất nước.", thầy A Phiên chia sẻ.
"Góp gạo, thổi cơm chung" nuôi học trò vùng nghèo khó Để góp phần duy trì sĩ số học sinh đến lớp đều đặn, thầy cô giáo trường tiểu học Đắk Hà ở xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã nghĩ ra ý tưởng "góp tiền" nấu ăn trưa cho 82 học sinh tại điểm trường lẻ. Nhờ vậy các em được ăn ngon và có sức để học con chữ......