Singapore: Giảm giờ làm cho giáo viên, hiệu quả vẫn cao
Giáo viên (GV) ở Singapore thường phải dành nhiều thời gian làm việc nhiều hơn so với mức trung bình tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát được công bố mới đây, tình trạng này đã được cải thiện.
GV Singapore không phải dành quá nhiều thời gian cho công việc hành chính như trước
Giảm giờ làm
Theo kết quả từ Khảo sát Quốc tế Dạy và Học (TALIS) năm 2018, các GV bậc THCS phải làm việc 46 giờ/tuần, cao hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 39 giờ. Theo đó, con số này bao gồm cả thời gian các GV làm thêm ở bên ngoài trường học. Điều này khiến GV Singapore trở thành những nhà GD làm việc chăm chỉ đứng thứ 7 trong cuộc khảo sát trên 48 hệ thống GD. Trong đó, những GV Trung học Nhật Bản là những người dành nhiều thời gian làm việc nhất, theo sau đó là Kazakhstan và Alberta (Canada). Được biết, tổng cộng có khoảng 3.300 GV và hiệu trưởng từ 157 trường công lập và 12 trường tư thục được chọn ngẫu nhiên để tham gia vào cuộc khảo sát trực tuyến này.
Cũng theo khảo sát, số giờ làm việc của GV Singapore trong năm 2013 lên tới 48 giờ/tuần. Theo Bộ Giáo dục nước này (MOE), thời gian giáo giới Singapore dành cho công việc đang giảm so với trước, phần lớn là nhờ khối lượng các công việc hành chính ít đi. Thời gian GV làm các công việc hành chính đã giảm từ 5,3 giờ/tuần trong năm 2013, xuống còn 3,8 giờ/tuần vào năm 2018. Tuy nhiên, con số này vẫn khá cao, khi mức trung bình của OECD chỉ là 2,7 giờ.
“GV không phải dành nhiều thời gian cho công việc hành chính là điều nên thực hiện, vì chúng tôi cũng từng làm việc trong lĩnh vực này như họ. Chẳng hạn, hiện nay, các GV có thể chấm bài thông qua ứng dụng. Điều đó đã giúp họ có được nhiều thời gian hơn”, tuyên bố từ MOE cho biết.
Ngoài ra, một nhiệm vụ hành chính phổ biến khác là, GV phải nhận các phiếu cam kết từ phụ huynh, cho phép trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa trong quá trình học, cũng đã được cải thiện thông qua một ứng dụng, giúp phụ huynh có thể đưa ra sự chấp thuận trên Internet.
Trong 46 giờ lao động, hầu hết GV phải dành18 giờ cho việc giảng dạy. Trong đó, họ phải lên kế hoạch và chuẩn bị cho bài học, cũng như thiết lập các hoạt động ngoại khóa và chấm điểm. Tuy nhiên, GV có thể thông báo trực tuyến cho HS về những ưu, khuyết điểm. “Điều này sẽ giúp giáo giới tiết kiệm thời gian đáng kể, bởi lẽ, điều quan trọng nhất là GV có thể nhìn vào những yếu điểm của HS và đưa ra biện pháp khắc phục”, MOE phát biểu.
Kết quả thống kê trong năm 2018 cho thấy, các GV Singapore đã dành 7,5 giờ/ tuần để chấm điểm, thấp hơn so với 8,7 giờ/tuần vào năm 2013. Tuy nhiên, đồng nghiệp của họ tại các quốc gia thuộc OECD chỉ mất 4,2 giờ/tuần để làm công việc tương tự.
Trả lời truyền thông về câu hỏi, liệu Singapore có phấn đấu giảm mức giờ làm trung bình của GV xuống 39 giờ/tuần giống như các nước thuộc OECD hay không, phát ngôn viên của MOE cho biết: “Câu hỏi mà chúng tôi thường được hỏi là: “Thế nào là sự điều chỉnh đúng đắn?”. Tôi nghĩ, câu trả lời là những gì chúng ta cho rằng đó là điều cần phải làm cho các HS, SV, để bảo đảm họ sẽ sẵn sàng cho tương lai. Con số nào là chính xác? Không ai có thể nói chắc chắn được”.
Cũng theo đại diện phát ngôn của MOE, trọng tâm của Bộ Giáo dục nước này là phải chắc chắn rằng, giáo giới luôn được hưởng những chế độ tốt nhất, khiến họ có động lực để lao động chăm chỉ, có niềm đam mê và cảm thấy hạnh phúc khi giúp đỡ HS theo nhiều cách nhất có thể. “Đây là những yếu tố quan trọng hơn rất nhiều so với thời gian”, người phát ngôn nói thêm.
Nhiệt huyết với nghề
Kết quả từ cuộc khảo sát cũng cho thấy, các giáo viên THCS Singapore là những người vô cùng yêu nghề. 98% trong số những người này tham gia bỏ phiếu tiết lộ rằng, họ quyết định trở thành GV vì công việc này khiến họ có thể mang lại ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của thế hệ trẻ. Ngoài ra, 70% GV THCS cho biết, công việc giảng dạy là sự lựa chọn đầu tiên của họ. MOE cũng khẳng định, các con số cụ thể cho thấy, GV nước này luôn không ngừng mài giũa kỹ năng, cũng như dành nhiều thời gian thực hành giảng dạy và cải thiện khả năng sư phạm. “OECD đã chỉ ra rằng, Singapore có sự phát triển chuyên nghiệp đã ăn sâu vào tầm nhìn của môi trường GD”, Bộ Giáo dục Singapore nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không ít GV nước này khẳng định, họ cảm thấy cần phải trau dồi nghiệp vụ chuyên nghiệp hơn nữa, nhằm phục vụ việc dạy các HS có nhu cầu GD đặc biệt. “Điều này phản ánh, GV luôn mong muốn được trang bị những kỹ năng và năng lực cần thiết để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu học tập đa dạng ở HS, khi các trường học của chúng tôi ngày càng trở nên toàn diện”, MOE khẳng định.
Hiện nay, trường học tại Singapore đều có một đội ngũ GV nòng cốt, được trang bị những kỹ năng trong việc giảng dạy HS có vấn đề về tâm lý hoặc khuyết tật. Thống kê cho thấy, tỷ lệ GV nước này tham gia phát triển chuyên môn giảng dạy HS có nhu cầu đặc biệt tăng từ 23% trong năm 2013 lên 35% vào năm 2018.
Khảo sát chỉ ra rằng, GV ở Singapore đang ngày càng có những phương pháp thực hành khuyến khích học tập sâu hơn và tự tin hơn trong việc đưa ra đánh giá một cách đa dạng. Bên cạnh đó, họ cũng nỗ lực hơn trong việc đưa ra nhận xét khi gửi điểm số tới HS và phụ huynh. Năm 2018, có tới 77 % GV tham gia khảo sát gửi phản hồi khi trả điểm, so với 72% trong năm 2013. Được biết, con số trung bình của OECD 2018 là 58%.
Tổng Giám đốc Tổng cục Giáo dục Singapore, ông Wong Siew Hoong khẳng định, MOE luôn thúc đẩy các GV mê trong việc phát triển tối đa tiềm năng của HS. “Đặt mình vào vị trí của người học sẽ giúp GV hiểu rõ và đưa ra cách giúp đỡ HS hiệu quả nhất”, ông Hoong chia sẻ.
Vân Huyền
Theo CNA/GDTĐ
Cô Trinh dạy judo
Nhiều người biết đến vận động viên judo Cao Ngọc Phương Trinh, nhưng ít ai ngờ rằng còn có một cô giáo Cao Ngọc Phương Trinh, người nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, đầy nhiệt huyết, rất tâm lý với học trò.
Cô Cao Ngọc Phương Trinh trong tiết dạy học judo - ẢNH: LAN CHI
Tôi bắt đầu buổi trò chuyện với "cô gái vàng" của thể thao VN Cao Ngọc Phương Trinh khi cùng chị hồi tưởng lại hơn 23 năm về trước.
Chính tôi đã không thể ngăn được xúc động khi ngồi cùng chị, VĐV judo từng đoạt huy chương vàng 3 kỳ liên tiếp ở đấu trường SEA Games và là VĐV đầu tiên của VN giành quyền tham dự Olympic, phải từ giã thi đấu đỉnh cao khi mới hơn 20 tuổi, đang ở điểm rơi phong độ chỉ vì chấn thương.
Dạy học, một quyết định mới mẻ và thú vị
Vậy mà, ngay lập tức, chính chị lại là người khiến buổi nói chuyện đầy hào hứng khi nhắc đến học trò của mình tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), nơi chị đóng vai trò là giáo viên thể dục gần 20 năm qua, sau khi chia tay với thể thao chuyên nghiệp.
Nhớ lại những ngày đầu tiên "đến trường", cô giáo Cao Ngọc Phương Trinh tâm sự: "Không thể nói không buồn nhưng khi đã chấn thương, không kịp phục hồi để tham gia thi đấu tại SEA Games 19, tôi quyết định trở thành giáo viên. Và đó là một quyết định mang lại cho tôi sự thú vị, một trải nghiệm rất mới cho bản thân ở một vị trí khác, vai trò khác. Lúc đó, vừa dạy, vừa học hỏi các anh chị, các cô chú đi trước về phương pháp giảng dạy. Sự tiếp xúc, truyền đạt với học trò cho tôi cảm giác yêu nghề, vui vẻ, hạnh phúc".
Judo... không chỉ là judo
Trong phòng tập của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai luôn có ghế dành cho giáo viên nhưng hầu như chẳng bao giờ cô giáo Phương Trinh dùng đến. Hình ảnh thường thấy trong mỗi tiết học, tập luyện là cả cô và trò cùng "lê lết" trên sàn tập.
Theo cô Trinh, gần gũi để học sinh (HS) gửi gắm sự tin tưởng, thoải mái, mạnh dạn trong quá trình học là điều mà giáo viên cần làm. Thế nên, giờ học với cô Trinh luôn là bầu không khí "sôi động và nóng hừng hực". Ngay khi bước vào phòng, cô Trinh hô khẩu lệnh bắt đầu: "Hajime, các con hô lớn lên, lớn nữa lên", đáp lại là tiếng hô "Kiai" ngắn gọn và quyết liệt của HS.
Cô Trinh luôn lên lớp với tiêu chí judo là thể thao, là giải trí, là rèn luyện sức khỏe, là sự cố gắng vượt qua chính mình trong bầu không khí vui vẻ, thân thiện. Cô luôn động viên học trò vào ngày đầu tiên khi thực hiện bài tập hít đất: "Không sao, không tập được cái nào cũng không sao. Cô muốn nhìn thấy con có sự tiến bộ, đừng ngại ngần. Các con vô tập judo, cô sẽ tạo cho các con vui chơi, thoải mái, khỏe mạnh. Có như vậy các con mới học tốt không chỉ môn của cô mà còn dành hứng khởi cho những môn học khác". Cô luôn động viên để HS mạnh dạn thực hiện các động tác khó: "Qua đi, qua đi cô đỡ hết, vịn vai cô, 2 tay vịn, bay qua đi...". Sau giờ học, cô trò chuyện với trò: "Đừng nghĩ mình làm không được, cái gì cũng làm được hết, chỉ có điều mình có muốn làm không thôi".
Không ngại nghe góp ý
Hồ sơ của Hội đồng xét chọn giải thưởng Võ Trường Toản đánh giá cô Cao Ngọc Phương Trinh không chỉ có chuyên môn giỏi, năng động, sáng tạo, chủ động trong công việc mà còn có tinh thần học hỏi để nâng cao năng lực. Những đánh giá đó đã thể hiện đúng tính cách và trách nhiệm với nghề từ khi VĐV Cao Ngọc Phương Trinh chọn nghề dạy học.
Cô chia sẻ, từ lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp sang giáo dục nên luôn phải tìm tòi phương pháp để phù hợp với HS. Huấn luyện cho VĐV, dù cũng là lứa tuổi HS nhưng rất khác với thể trạng của HS trong môi trường học đường. Bản thân phải biết điều tiết cho vừa sức và phải nghiên cứu học hỏi ở sách vở, biết lượng vận động phù hợp, không thể áp dụng chung một giáo án. Phải tìm tòi phương pháp nào cho các em dễ thực hiện nhất. Để làm được điều đó, cần một quá trình tích lũy kinh nghiệm.
Vì vậy, cô giáo từng là "cô gái vàng" của thể thao VN không ngại ngần đăng ký thao giảng. Năm nào cũng đăng ký, mục đích là để đồng nghiệp trong trường dự giờ sẽ đóng góp cho mình phương pháp. Đã có không ít đồng nghiệp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nói: "Trinh thao giảng, anh chị biết đóng góp gì?", nhưng cô Trinh mạnh dạn trao đổi: "Có thể anh chị không đóng góp về chuyên môn nhưng anh chị đóng góp về phương pháp cho em để em tìm ra chiêu dạy học trò".
Cô Trinh rút ra "kim chỉ nam": "Mỗi giáo viên đều có chiêu để dạy học trò. Có thể về lý thuyết, sách vở đã chỉ cái đòn đó phải dạy như thế, không ai cãi được nhưng làm sao để rút tỉa ra cách thức giúp học trò ra đòn nhanh. Điều đó cần có kinh nghiệm giảng dạy".
Sau mỗi mùa thao giảng, cô giáo Phương Trinh viết sáng kiến, kinh nghiệm tích lũy. "Những kinh nghiệm này bây giờ là của mình nhưng khi già rồi, dạy hết nổi, về hưu thì từ những kinh nghiệm đó sẽ giúp các bạn sau này tham khảo chuyên môn ứng dụng cho HS", cô giáo Phương Trinh chia sẻ.
[VIDEO] Cao Ngọc Phương Trinh dệt mộng vàng từ lớp võ vùng ven
Theo thanhnien
Bạo hành học sinh: Một bộ phận giáo viên đã chọn nhầm nghề Những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh liên tiếp trong thời gian qua đã gây phẫn nộ trong xã hội và khiến dư luận phải đặt câu hỏi về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên ngày nay. Tát trẻ ra máu mũi vì không chịu ngủ trưa Theo Báo Dân trí đưa tin, ngày 19-6 chị...