“Siêu thị máy bay” Trung Quốc đắt hàng
Những dãy trực thăng và phi cơ phản lực loại nhỏ mới bóng trị giá hàng triệu USD đậu sừng sững tại “ siêu thị máy bay” đầu tiên ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
“Chợ đồ chơi” cho người siêu giàu đang nhộn nhịp hẳn lên, chỉ có điều khách mua vẫn phải đối mặt với nhiều kiểm soát khi muốn “rộng cánh bay lên bầu trời”.
Showroom máy bay cá nhân vừa khai trương ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh.
“Bán máy bay ở Trung Quốc cũng dễ như bán… cải bắp vậy”, ông Zhang Changyi, người quản lý “siêu thị” cho biết khi đứng cạnh một chiếc trực thăng nhập khẩu từ Pháp. Tuần trước, ông Changyi đã mở cửa “siêu thị” máy bay tại một khu vực trang trại ở ngoại ô Bắc Kinh, chào mời một loạt phi cơ loại nhỏ nhắm tới đối tượng khách hàng là các doanh nhân thành đạt. Giá cả của những món hàng này lên tới 50 triệu Nhân dân tệ (8 triệu USD/ chiếc).
Ông Zhang hy vọng, tầng lớp người siêu giàu đang ngày một lớn mạnh ở Trung Quốc sẽ tạo đà phát triển cho ngành kinh doanh máy bay tư nhân bất chấp những hạn chế về hàng không. “Chúng tôi đã bán ba chiếc chỉ trong 4 ngày qua. Các khách hàng lý tưởng của chúng tôi thường là chủ những công ty lớn”, Zhang cho biết khi rảo bước qua nhà kho đầy những chiếc máy bay hạng nhẹ mới coóng.
Thị trường máy bay tư nhân tại Trung Quốc hiện vẫn rất nhỏ so với các nước phát triển như Mỹ. Truyền thông nhà nước đưa tin, chỉ có 150 chiếc máy bay tư nhân được đăng ký hoạt động trong năm 2011, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng như vũ bão tại Trung Quốc đã “đẻ” ra ước tính 1 triệu triệu phú USD.
Cơ sở hạ tầng tại các đại lý máy bay cũng mới chỉ dừng ở mức cơ bản. Như ở “siêu thị” của Zhang Changyi, vẫn chưa có tháp kiểm soát công nghệ cao, đường băng cỏ được cải tạo từ một sân bóng và đây đó vẫn còn sót lại chiếc máy kéo hay vài chuồng thỏ.
Video đang HOT
Theo ông Zhang, các công ty hàng không nước ngoài đang nóng lòng đột phá vào thị trường mới nổi này: “Tôi nhận cuộc gọi từ nước ngoài hầu như hàng ngày, họ đang cực kỳ háo hức bán hàng sang Trung Quốc”.
Không phận Trung Quốc chỉ mở cửa cho những máy bay tư nhân đã vượt qua được một hệ thống cấp phép phức tạp. Mặc dù vậy, một số khách hàng sẵn sàng chịu phạt từ 10.000 – 100.000 Nhân dân tệ để… phạm luật. Thông tin về “các chuyến bay đen”, hay những hành trình bay bí mật vẫn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
“Nếu bị phạt, tôi sẽ trả tiền”, Dai Xiang, doanh nhân 43 tuổi người tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc) nói sau khi tậu chiếc Pipistrel 2 chỗ của Xlôvênia. Ông Dai hy vọng, thời kỳ “chuyến bay đen” sẽ sớm kết thúc. “Các quy định về bay ở tầm thấp đang được nới lỏng hơn, và tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục”, Dai Xiang phát biểu với hãng tin AFP.
Trong khi đó, báo giới Trung Quốc cho hay, trong một động thái đầu tiên liên quan đến “mở cửa bầu trời”, nhà chức trách nước này sẽ nới lỏng lệnh cấm xung quanh việc bay ở tầm thấp tại 7 thành phố.
Trở lại với siêu thị của Zhang Changyi, các khách hàng của ông chỉ có thể bay thử trong một khu vực rộng 4 km quanh đó, với độ cao tối đa 500 mét. Khu vực này thuộc quyền quản lý của một câu lạc bộ bay ở Bắc Kinh, theo thỏa thuận với căn cứ không quân địa phương.
Hiện còn nhiều thách thức khác bên cạnh việc hạn chế về quy định cất cánh của máy bay tư nhân, chẳng hạn như máy bay nhập khẩu hiếm khi có tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Trung. “Hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Nga nên chúng tôi chẳng hiểu gì”, một phi công than phiền về chiếc trực thăng mới có xuất xứ từ Ucraina.
Theo Dantri
Giới siêu giàu giấu 21.000 tỉ USD ở các "thiên đường thuế"
Tầng lớp siêu giàu trên thế giới giấu ít nhất 21.000 tỉ USD trong những "thiên đường thuế" bí mật, tính đến cuối năm 2010, theo một nghiên cứu lớn vừa được công bố hôm 22.7.
Ảnh minh họa: Reuters
Theo BBC, con số khổng lồ này tương đương với quy mô của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
Báo cáo của Tax Justice Nertwork, một tổ chức vận động chống việc trốn thuế, được chấp bút bởi James Henry, cựu kinh tế gia trưởng tại Công ty tư vấn McKinsey.
Ông Henry cho biết 21.000 tỉ USD chỉ là một con số dè dặt và quy mô thật sự có thể lên đến 32.000 tỉ USD.
Ước lượng nói trên gần gấp ba lần con số 11.500 tỉ USD được Tax Justice Nertwork đưa ra trong lần nghiên cứu gần nhất vào năm 2005.
Tác giả bản báo cáo đã sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng trung ương quốc gia.
Nghiên cứu của ông Henry chỉ tính đến các tài sản được gửi vào ngân hàng và các tài khoản đầu tư, chứ không bao gồm những tài sản khác như bất động sản và du thuyền.
Số của cải được gửi ở nước ngoài tiêu biểu cho "một lỗ đen khổng lồ trong nền kinh tế thế giới", theo ông Henry.
Báo cáo được công bố giữa lúc có nhiều lo ngại ngày càng gia tăng về việc trốn thuế trên thế giới. Một số nhà chức trách, bao gồm cả ở Đức, thậm chí đã trả tiền để đổi lấy thông tin về những kẻ bị nghi ngờ trốn thuế được tuồn ra từ các ngân hàng.
Theo báo cáo, có 9.300 tỉ USD tài sản gửi ở nước ngoài được nắm giữ bởi 92.000 người, tức chưa đầy 0,001% dân số thế giới.
Lượng tài sản khổng lồ được gửi ở ngoài nước đồng nghĩa với việc 139 quốc gia có món nợ nước ngoài 4.100 tỉ USD có thể trở thành chủ nợ, nếu tính đến khoản tiền 9.300 tỉ USD được các công dân giàu có chuyển ra khỏi biên giới.
Theo báo cáo, số của cải nói trên biểu thị rằng sự bất bình đẳng về giàu nghèo và thu nhập thật sự tồi tệ hơn so với những suy nghĩ trước nay.
Nó cũng có nghĩa là nhiều quốc gia đang mất đi lượng tiền thuế có thể làm giảm nhẹ gánh nặng về tài chính, theo gợi ý của các tác giả.
Tờ Daily Mail dẫn lời ông John Christensen thuộc tổ chức Tax Justice Network nói: Tôi sẽ nói rằng đây là một khoảnh khắc quyết định cho nền dân chủ, bởi niềm tin của chúng ta vào nền dân chủ sẽ không còn nữa nếu người dân không cảm thấy chính phủ đối xử công bằng với những người nộp thuế.
Báo cáo quy trách nhiệm đáng kể cho các ngân hàng đa quốc gia và các định chế tài chính khác vốn đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động chuyển tiền ra những "thiên đường thuế" tại nước ngoài.
Ngành tài chính bí mật và khổng lồ ở nước ngoài "đã thật sự trở thành mặt tối của sự toàn cầu hóa", báo cáo kết luận.
Theo Thanh Niên
Con đường đi đến siêu giàu của oligarchs Nga: Những bố già chính trị Trong những năm đầu thời hậu Liên Xô, các oligarch đình đám tại Nga đều có ảnh hưởng to lớn đến chính phủ nước này. Không chỉ có mối quan hệ sâu sắc với giới lãnh đạo Nga, các oligarch của nước này còn từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy nhà nước. Kề vai sát cánh Theo BBC,...