Siêu thị Emart Gò Vấp được mở lại sau yêu cầu tạm đóng cửa
Sở Công Thương TP.HCM đã yêu cầu siêu thị Emart ( Gò Vấp) tạm thời đóng cửa vì không đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Sau khi đáp ứng các yêu cầu, siêu thị đã được mở lại.
Tại họp báo chiều ngày 4/10, trả lời câu hỏi về việc tạm dừng hoạt động siêu thị Emart, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết sau khi nhận được thông tin về việc không đảm bảo phòng chống dịch tại siêu thị Emart ( quận Gò Vấp), Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra và ghi nhận hoạt động tại siêu thị chưa đảm bảo quy định.
“Siêu thị tiếp nhận khách đông, không đảm bảo giãn cách giữa người với người, tập trung đông ở cổng ra vào, cũng như trong quá trình mua sắm. Đồng thời chưa phân luồng để đảm bảo di chuyển 1 chiều”, ông nói và cho biết khi vào mua sắm cũng chưa đảm bảo khoảng cách 2 m.
Siêu thị Emart đông người mua sắm sau khi hoạt động đón khách trở lại. Ảnh: Duy Hiệu.
Do đó, ông Tú cho biết đoàn kiểm tra đã đề nghị siêu thị tạm dừng và khắc phục. Quận Gò Vấp và Sở đã tiến hành kiểm tra lại đảm bảo các bộ tiêu chí theo quyết định 3328 của UBND TP.HCM.
Về việc phối hợp các quận, huyện kiểm tra giám sát các hoạt động của siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết khi xây dựng các bộ tiêu chí theo Công văn 3328 của UBND TP, các doanh nghiệp bao gồm siêu thị, chợ, cơ sở sản xuất… căn cứ theo bộ tiêu chí này để tự thực hiện và có thông tin đến địa phương để theo dõi.
Trường hợp kiểm tra vi phạm 1 trong các yêu cầu của bộ tiêu chí phải dừng hoạt động. “Sở Công Thương sẽ phối hợp kiểm tra thường xuyên mà không có kế hoạch cụ thể”, ông Tú nhấn mạnh.
Video đang HOT
Trao đổi với Zing , đại diện Emart cho biết sau khi siêu thị tăng cường thêm các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định, ngày 4/10, các cơ quan chức năng của Sở Công Thương TP.HCM và quận Gò Vấp đã kiểm tra và đồng ý cho Emart tiếp tục phục vụ trở lại từ 7h30 đến 22h hàng ngày.
Theo đó, siêu thị sẽ kiểm soát chặt chẽ số lượng khách hàng vào bên trong siêu thị bằng thẻ đánh số thứ tự, đảm bảo tối thiểu 4 m2/khách hàng và điều phối tối đa số lượng 400 khách hàng tại cùng một thời điểm phục vụ.
“Emart đã rất nỗ lực thực hiện đúng quy định của các cơ quan quản lý về việc phòng chống dịch, kiểm tra rất kỹ lưỡng điều kiện của khách hàng trước khi vào mua sắm như: Thẻ xanh, thẻ vàng, giấy chứng nhận tiêm, giấy chứng nhận F0″, đại diện Emart cho biết.
Hiện, khách hàng vào siêu thị phải thực hiện thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trong thời gian ngồi chờ tại khu vực đã được bố trí. Ngoài ra, để thuận tiện cho khách hàng, Emart trang bị máy đo nhiệt độ tự động, tích hợp chế độ phun xịt dung dịch sát khuẩn tự động.
“Bên trong siêu thị, hệ thống loa cách 10 phút đọc loa một lần để nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách an toàn. Siêu thị cũng nỗ lực sử dụng hết năng suất của nhân viên để có thể nhanh chóng giải phóng khách hàng bên trong, hạn chế tập trung đông đúc, mở hết tất cả các quầy thu ngân phục vụ vào thời điểm có đông khách hàng cần thanh toán”, đại diện siêu thị nói.
Đồng thời, siêu thị cũng kẻ vạch khoảng cách an toàn trong toàn bộ diện tích siêu thị, đảm bảo khoảng cách 2 m giữa các khách hàng. Phân luồng vào và luồng ra, vạch điều hướng đi bên trong siêu thị, bố trí thêm nhiều nhân sự tăng cường nhắc nhở, trực tiếp điều phối khách hàng…
Trước đó, Emart Việt Nam thông báo từ ngày 1/10 siêu thị bắt đầu phục vụ khách hàng đến trực tiếp mua sắm từ 7h30 đến 21h, hàng ngày.
Tại siêu thị 100% nhân viên siêu thị đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Tuân thủ nghiêm 5K, khử khuẩn hàng ngày bề mặt công cộng, xe đẩy, giỏ hàng; tấm ngăn quầy thanh toán; máy xịt khử khuẩn tự động…
TP.HCM: Chủ tịch phường lý giải danh sách hỗ trợ có hàng trăm người sinh năm 1901
Chủ tịch UBND P.14, Q.Gò Vấp (TP.HCM) lý giải việc danh sách hỗ trợ đợt 3 có hàng trăm người sinh năm 1901 (tức 120 tuổi) là do lỗi nhập liệu.
Từ ngày 30.9, các địa phương tại TP.HCM gấp rút triển khai gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3. Theo đó, một điểm mới trong việc thực hiện gói này chính là địa phải công khai danh sách nhận hỗ trợ để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời qua đó ghi nhận phản hồi của người dân, tránh tình trạng trục lợi, bỏ sót... Danh sách (chỉ gồm họ tên và địa chỉ người nhận hỗ trợ) được công khai bằng cách dán niêm yết tại trụ sở khu phố/ tổ dân phố, trụ sở UBND phường, xã, thị trấn; gửi về các nhóm Zalo của tổ khu phố để thông tin đến dân hoặc đăng tải trên cổng thông tin/ trang điện tử của đơn vị.
Người dân TP.HCM chờ nhận gói hỗ trợ đợt 3. Ảnh THU NGÂN
Danh sách công khai, chỉ sai nhập liệu
Tuy nhiên, những ngày vừa qua, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh, thắc mắc tại sao danh sách tại P.14, Q.Gò Vấp được đăng tải công khai trên trang thông tin của địa phương có hơn 420 trường hợp người nhận hỗ trợ sinh năm 1901.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi sáng 3.10, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND P.14, Q.Gò Vấp cho biết, trước khi TP.HCM ban hành công văn chính thức triển khai gói hỗ trợ đợt 3 thì phường đã triển khai lập danh sách những người có nhu cầu nhận hỗ trợ. Tại thời điểm đó, địa phương thu về được khoảng 44.000 phiếu, tức 44.000 người đăng ký. Do số lượng lớn phải nhập thủ công vào file excel trong thời gian gấp rút, nên phường phải huy động thêm nhóm sinh viên, các cô giáo của các trường trên địa bàn, cán bộ công chức... để nhập liệu.
Khi tiếp nhận từ các file từ các nhóm này gửi về, P.14 ghép lại và thực hiện bình xét, sàng lọc ra được danh sách khoảng 26.611 người. Tiếp sau đó, phường tiếp tục đưa danh sách này về phần mềm quản lý để lọc ra những trường hợp không thuộc diện hưởng hỗ trợ (như có tham gia bảo hiểm xã hội, có hưởng lương...). Sau khi lọc ra được 2.038 người không thuộc diện thì còn lại khoảng 24.573 người, P.14 tiến hành lập hội đồng xét duyệt tiếp, gửi danh sách về quận thẩm định, phê duyệt thì còn 21.120 người được nhận hỗ trợ lần 1.
"Chúng tôi đã công khai danh sách 21.120 người này, tiếp nhận nhiều ý kiến của cư dân, nhận được nhiều phản ánh là có sai sót về năm sinh, dấu tên... Đây là những sai sót trong nhập liệu, ảnh hưởng do thao tác trên file excel", ông Dũng nói và cho biết: "Phường nhận thấy, ý thức được lỗi sai này nên khi đi chi thực tế, cán bộ phường sẽ thực hiện việc rà soát để điều chỉnh lúc đó, cập nhật lại. Ví dụ, tuy có sai thông tin về tên hoặc sai về năm sinh nhưng đối chiếu những thông tin khác đúng, trùng khớp cộng với tờ khai của người dân mà địa phương giữ thì vẫn tổ chức chi cho họ. Phường sẽ chuẩn hóa tất cả về đối tượng, dữ liệu để danh sách chỉn chu, thực hiện quyết toán".
Lãnh đạo UBND P.14 cũng khẳng định những trường hợp này không phải kê vào để địa phương "lấy tiền của nhà nước hay có các thứ tiêu cực khác. Phường làm công khai, minh bạch để mọi người đối chiếu".
Người khá giả vẫn muốn nhận hỗ trợ
Ông Nguyễn Thế Dũng cho hay, địa phương cũng nhận những trường hợp thắc mắc "Tại sao có tên trong danh sách mà không chi?" hay phường phân biệt những người ở nhà lầu... nên không chi hỗ trợ.
Theo ông Dũng, việc chi hỗ trợ phải dựa trên hoàn cảnh thực tế. Thành phần bình xét gồm nhiều thành phần như cảnh sát khu vực, tổ dân phố, hệ thống dân cư có khu đội trưởng... Vì vậy, nhà nào có điều kiện sinh hoạt khá giả, có điều kiện tốt thì thông qua việc nắm địa bàn sẽ thực hiện sàng lọc.
"Chúng tôi không phân biệt, không cứng nhắc, nhưng tiêu chí là những trường hợp có hoàn cảnh thật sự khó khăn, ai mà ở nhà lầu nhưng hoàn cảnh thật sự khó khăn, ví dụ thuê nhà ở ghép cả 5-7 người... nhưng thất nghiệp, không có việc làm, lao động tự do thì vẫn chi bình thường. Ngược lại, có những nhà sống tiện nghi, sinh hoạt khá giả qua hệ thống dân cư nắm hết nên sẽ loại ra, nhưng họ vẫn đòi nhận, thậm chí chửi cán bộ phường nếu không chi cho họ", ông Dũng nói và thông tin thêm: "Địa phương tiếp nhận hết những ai có nhu cầu. Nhưng hỗ trợ hay không còn phải qua quá trình xét duyệt. Thông qua danh sách, mọi người có thể phản ánh về địa phương"
Ngoài P.14, chúng tôi cũng nhận được phản ánh rằng danh sách gói hỗ trợ đợt 3 tại P.5 (Q.Gò Vấp) cũng có hơn 1.000 trường hợp sinh năm 1901. Tuy nhiên, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo địa phương thì không nhận được phản hồi.
Ngày đầu siêu thị ở Nha Trang mở cửa lại, người dân bỡ ngỡ dùng mã QR Ngày 2-10, nhiều người khá ngỡ ngàng khi các siêu thị ở Nha Trang (Khánh Hòa) bố trí mã QR ở trước cổng để người mua hàng có thẻ xanh, thẻ vàng được vào mua trực tiếp. Ngày đầu các siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa đón mua trực tiếp, tại cổng có bảng mã QR để khách khai báo y...