“Siêu nhân xanh” hát rap thân yêu của trường tớ
Vật lí vốn là môn có kiến thức nặng nhưng lại khó có thể “tiêu hóa” một cách dễ dàng được. Học sinh giỏi thì vẫn sẽ cố gắng “bơi” trong mớ kiến thức về quang, về điện tích phức tạp nhưng đối với các bạn học sinh trung bình, yếu thì có lẽ tiết Vật Lí trở thành tiết ngủ, tiết chơi. Không chỉ học sinh là người mệt mỏi, giáo viên cũng là người cảm thấy chán nản, tự trách và bất lực trước viễn cảnh học trò lơ đểnh.
Mới đây, trên nhiều trang online đã xuất hiện một bài hát mang tựa đề: “ Teacher or rapper” với người trình bày là: Bùi Như Lạc (Giáo viên trường THPT Nguyễn Du – Q10) . Cái tên này đã gây sốc cho cả những học trò trường Nguyễn Du lẫn những bạn học sinh bên ngoài hay có thể nói là cả cư dân mạng. Hiện nay, “Teacher or rapper” được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Yahoo, trên blog, trên facebook…
“Hiện nay, thầy đang là 1 trong 3 giám khảo trong cuộc thi kéo co của trường Nguyễn Du”
Thầy Bùi Như Lạc hay còn được học sinh vui vẻ gọi bằng “Thầy Đậu Phộng”. Thầy Đậu Phộng luôn tạo ra những tiết học thú vị và có lẽ, ít khi nào không có tiếng cười râm rang. Thầy thường sử dụng những từ ngữ khá “teen” như “1k – 10k”. Một bạn học sinh chia sẻ: “Có lần, thầy ghi đáp án là “1k” – tụi tớ ngơ ngác nhìn nhau vì không chắc “k” kia có nghĩa là gì. Lúc đó, có một bạn đứng lên hỏi thầy. Thầy cười và bảo đó là 1 nghìn và còn hỏi bọn tớ rằng vẫn chưa biết những từ ngữ đó ư? Nghe xong, chúng tớ chỉ biết ôm bụng cười và khâm phục sự “teen” của thầy Đậu Phộng mà thôi”
Video đang HOT
“Tôi đây là thầy giáo, hôm nay thầy đến đây, cầm mic rồi rap lên bài này, cho các em hiểu thế nào là physic.”
Cũng như mỗi lần nhà trường tổ chức đi chơi, tham quan – học tập cho học sinh hoặc chỉ riêng giáo viên, nếu nhìn thấy thầy, bạn-nhất-định-sẽ-choáng! Thầy ăn mặc cực kì “teen” nhé, bước đi nhanh nhẹn, cười nói rôm rang. Có lẽ, đến tận khi bước lại gần và nhìn, bạn mới biết đó là thầy Đậu Phộng. Bạn N kể rằng: “Hôm đó, mình vào trường ôn luyện cho kì thi Olympic – cũng đúng vào ngày các thầy cô đi dã ngoại. Ban đầu thấy thầy, mình cứ ngỡ là bạn học sinh nào đó cũng vào trường ôn tập như mình. Té ra, khi “bạn học sinh” đó quay mặt lại, mình mới ngơ ngát và nhận ra đó là thầy “Đậu Phộng”.
Thầy có lẽ rất thích màu xanh. Thầy thường mặc áo màu xanh đến trường vào năm học trước. Và nếu có đứa học sinh nào đến hỏi thầy rằng thầy tên gì thì thầy luôn cười và đáp rằng: “Thầy là Siêu nhân xanh”.
“Siêu nhân xanh” ít khi ép học sinh phải làm thế này hay thế nọ. “Siêu nhân xanh” thường đòi hỏi tính tự giác ở học sinh hơn. Thầy muốn học sinh tự nguyện thực hiện để rồi thành thói quen, nề nếp – chứ không muốn học sinh miễn cưỡng làm rồi sau đó quên đi. Mỗi lần như thế, thầy lại châm chọc rằng: “Các em mở sách ra, em nào có mà không mang ra thì tội quá – vì thầy đang chuẩn bị giảng bài này rất hay”. Thế là tụi học sinh đều mang hết sách đã giấu ra vì biết rằng thế nào cũng có gì đó thú vị trong bài học này.
Nhiều bạn học sinh cho rằng thầy hơi “không bình thường” nhưng các bạn không hiểu rằng nhờ cái “không bình thường” ấy đã giúp cho học sinh áp dụng bài học, hiểu bài học qua cái nhìn thực tế hơn, không còn là cái nhìn của lí thuyết và sách vở nữa. Đặc biệt, các bạn có thể thích thú hơn ở môn Lí được cho là nhàm chán.
“Thầy Đậu Phộng luôn gần gũi với học sinh”
Nhìn thầy lúc nào cũng tươi cười, gần gũi và chia sẻ mọi thứ với học sinh. Bạn muốn nhận lời khuyên gì? Bạn bực bội vì mấy đứa bạn trong lớp và tự nhiên muốn tiết lộ một chút điều xấu về tụi nó? Bạn có thể tìm thầy “Siêu nhân xanh” – thầy “Đậu Phộng”. Bởi là “Siêu nhân” nên thầy sẽ giúp bạn nhiệt tình.
Đứa học trò nào đã được học qua cha, mẹ thầy hay đến thư viện trường gặp chị thầy đều tấm tắt khen ngợi. Họ là một gia đình hạnh phúc và vui vẻ. Cô Mai (mẹ thầy) có la mắng học sinh nhưng đều làm học sinh “bị la nhưng rất vui”!?. Bởi, trong những lời la mắng ấy lúc nào cũng đi kèm với sự quan tâm, dặn dò học sinh ghi nhớ. Có lẽ, thầy thừa hưởng sự vui vẻ và thân thiện từ những thành viên trong gia đình mình.
Từ ngày “Teacher or rapper” lên sóng, không một bạn học sinh trường Nguyễn Du nào mà không biết. “Bluetooth” hoạt động hết công suất – truyền nhau “teacher or rapper”. Ngày trước, mỗi lúc gặp thầy, học sinh cuối đầu chào như đối với những giáo viên khác. Bây giờ, mỗi lúc gặp thầy, học sinh cuối đầu chào và sau đó cười thật tươi, nghêu ngao “Teacher or rapper”! Thêm vào đó, trường rộng, giáo viên khá đông, đôi khi học hết bậc THPT, bạn vẫn chưa bao giờ nghe đến tên cô này, thầy nọ nhưng nhờ “Teacher or rapper”, thầy Bùi Như Lạc đã “nổi như cồn” đối với không chỉ học sinh trường thầy dạy mà còn là các học sinh, các phụ huynh ngoài trường.
Hiếm khi nào thấy thầy “Đậu Phộng” buồn nhưng mọi người hiểu rằng, không chỉ thầy mà tất cả các giáo viên khác đều cảm thấy buồn và lo lắng cho học sinh cả. Có ý kiến cho rằng “thầy quá chú trọng đến hoạt động bên ngoài nên bỏ bê bài giảng” nhưng sự thật, ngược lại, thầy lo cho học sinh rất nhiều, xây dựng bài giảng phong phú. Hoạt động ngoại khóa chỉ giúp cho học sinh thư giản – đóng vai trò phụ thôi.
Tình trạng học sinh lơ đểnh, không chú tâm vào bài học là tình trạng chung và cũng là nỗi lo chung của rất nhiều giáo viên, không chỉ là giáo viên môn Vật Lí. Đây là bài rap đầu tiên – một cách truyền đạt đến học sinh thời “ 2-tek” chưa từng được áp dụng.
Bài hát “Teacher or rapper” không đơn thuần là một bài rap xã “stress” hay tâm sự của một thầy giáo. Nó còn đóng vai trò như một hồi chuông báo động cho tình trạng học sinh hiện tại.
Xem theo nguồn PLXH