“Siêu nhân trường Ams” trúng tuyển Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)
Mới đây, cậu học trò chuyên Lý của trường Ams vừa đón nhận tin vui khi cùng lúc nhận được thư báo trúng tuyển của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Princeton.
Mới đây, cậu học trò chuyên Lý của trường Ams vừa đón nhận tin vui khi cùng lúc nhận được thư báo trúng tuyển của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Princeton.
MIT đồng ý sẽ hỗ trợ cho Quân với mức tài chính hơn 64.000 USD mỗi năm. Theo bảng xếp hạng THE, MIT xếp thứ 5 trong số các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2021. Trong khi đó, Đại học Princeton xếp thứ 9 tại bảng xếp hạng.
Còn theo bảng xếp hạng QS 2021, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) dẫn đầu thế giới về đào tạo kỹ thuật và công nghệ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Quân đã có sự tò mò về các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ. “Tại sao lại có sự xuất hiện của các chòm sao?”, “Sao băng vụt qua bầu trời đến từ nơi nào?”,… Những câu hỏi ấy luôn xuất hiện trong đầu và thôi thúc Quân tìm hiểu.
Cậu bắt đầu tìm đến những cuốn sách về khoa học, vũ trụ và các thuyết Vật lý hiện đại để tự “giải mã” những câu hỏi của mình. Ban đầu là tò mò tìm hiểu, dần dần, Quân bắt đầu cảm thấy bị mê hoặc bởi các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ.
Vì thế, vào thời điểm thi lớp 10, mặc dù trở thành thủ khoa đầu vào khối chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam và thủ khoa chuyên Hoá của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, nhưng Quân vẫn quyết định theo đuổi lớp chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam để có cơ hội được nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực Vật lý và Vật lý thiên văn.
Tại đây, thầy Lê Mạnh Cường, giáo viên chủ nhiệm và là thầy giáo dạy môn Vật lý chuyên đã nhìn thấy ở Quân sự tò mò và niềm yêu thích đặc biệt với các chòm sao trên bầu trời. Mặc dù Thiên văn học và Vật lý thiên văn không phải là môn học nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, thầy đã quyết định hỗ trợ Quân tìm hiểu. Sau này, cũng chính thầy Cường là người đưa Quân đến với đội tuyển Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế.
“Em thích nhất là những đêm được đi ngắm sao cùng các bạn. Nếu may mắn vào một đêm trời trong, không bị ô nhiễm và không mây thì bầu trời sẽ có rất nhiều sao. Em sẽ cùng các bạn thay nhau sử dụng kính thiên văn để tìm kiếm các vật thể trên bầu trời. Những buổi tối như thế càng thôi thúc em phải tìm hiểu về những điều chưa thể lý giải”.
Năm 2019, Quân được lựa chọn tham gia kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế và giành được tấm huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối.
Trở về, cậu học trò trường Ams bắt đầu nghĩ tới một môi trường có điều kiện để học tập và nghiên cứu hơn. “Những ngôi trường hàng đầu như MIT, Princeton hội tụ đầy đủ các điều kiện để sinh viên có thể tự do sáng tạo, học tập và phát huy khả năng của bản thân, nhất là khi có thêm sự hướng dẫn của các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực”.
Một lý do khác, đây là số ít những trường có chính sách tuyển chọn sinh viên quốc tế dựa trên hồ sơ năng lực, không đánh giá khả năng tài chính của ứng viên. Vì thế, năm lớp 11, Quân bắt đầu tập trung để hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển.
Video đang HOT
Theo Quân, một bộ hồ sơ mạnh trước hết phải thể hiện ở năng lực học tập. Điều này Quân vượt qua không mấy khó khăn, bởi cậu học trò chuyên Lý của trường Ams có thành tích “cực khủng” khi đạt điểm SAT tuyệt đối với 1600/1600 và 8.0 IELTS. Nguyễn Mạnh Quân cũng có 2 năm liên tiếp giành giải Nhất quốc gia môn Vật Lý (năm lớp 11 và lớp 12).
“Sau lần thi SAT đầu tiên đạt 1510 điểm, em bắt đầu luyện thêm nhiều đề để quen với cấu trúc và biết cách phân bổ thời gian hợp lý. Ngoài ra, em cũng trau dồi thêm kỹ năng đọc, ngữ pháp và từ vựng. Tham gia nhiều cuộc thi, em tự rèn cho mình tâm lý làm bài thật bình tĩnh để tránh những nhầm lẫn xảy ra”, Quân nói.
Bên cạnh đó, theo Quân, hồ sơ của ứng viên còn cần phải thể hiện niềm đam mê đồng nhất đối với hướng đi hay lĩnh vực mà mình lựa chọn. Niềm đam mê này trước hết thể hiện thông qua các hoạt động ngoại khóa liên quan đến dự định mình hướng đến.
“Em vốn là một người yêu thích Vật lý và Vật lý thiên văn, do đó, các hoạt động của em đều tập trung vào niềm đam mê này. Em cũng không chạy theo số lượng các hoạt động hay dự án để tránh sự hời hợt, quá tải công việc”, Quân nói.
Hiện Quân đang giữ chức Phó ban chuyên môn nội dung tại Câu lạc bộ Thiên văn của trường Ams. Cậu cũng là trưởng ban nội dung của một dự án nghiên cứu khoa học được thành lập vào năm ngoái.
Riêng đối với MIT, theo Quân, “việc em được trường chấp nhận có thể do nhà trường chú trọng hơn những trường khác về mặt thành tích học tập trong lĩnh vực khoa học. Em may mắn vì có hồ sơ phù hợp với các tiêu chí mà trường cần tìm kiếm”.
Tham gia nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế, từng giành các giải thưởng như Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế 2018; Huy chương Vàng Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế 2019; Huy chương Vàng Olympic Vật lý Châu Âu 2020;… nhưng Quân nói, mình từng gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian.
“Trước mỗi kỳ thi, em đều phải chuẩn bị khá nhiều kiến thức. Có giai đoạn, em có ít thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hay kết nối bạn bè. Điều đó làm em vô cùng tiếc nuối”.
Sự tiếc nuối này cũng được Quân đưa vào bài luận. Trong đó, cậu nhắc tới việc cố gắng để cân bằng giữa ôn thi và những hoạt động khác trong cuộc sống.
Những tấm huy chương này, Quân nói, không thực sự làm bằng vàng mà làm từ mồ hôi trong quá trình rèn luyện và sự quyết tâm phải chăm chỉ, nghiêm túc.
“Em cho rằng, yếu tố kỹ năng, kiến thức và tâm lý đều vô cùng quan trọng trong mỗi cuộc thi. Về yếu tố tâm lý, em đã rèn cho mình khá vững vàng trong những năm qua. Còn về kiến thức, kỹ năng, qua các cuộc thi sẽ có sự bổ trợ cho nhau. Ví dụ qua việc nghiên cứu về khoa học thiên văn, em sẽ biết thêm kiến thức vật lý và ngược lại”.
Quân nói, một điều may mắn, em có mẹ là giáo viên dạy Hóa. Vì thế, Quân đã sớm được tiếp xúc với những kiến thức khoa học và bị cuốn hút vào những câu đố hay những cuốn sách khoa học dành cho thiếu nhi.
Nhờ những “hạt giống” truyền cảm hứng đầu tiên ấy đã khiến những kiến thức khoa học với Quân trở nên sinh động, lý thú.
Hiện tại, Quân đang chờ đợi kết quả của kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic Vật lý Châu Á 2021. Cậu cũng kỳ vọng bản thân sẽ có cơ hội tham gia kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế vào năm nay.
“Sắp tới, em sẽ phải dành phần lớn thời gian cho việc học. Nhưng em sẽ cố gắng rèn thêm một số kỹ năng khác, đọc thêm các kiến thức về Triết học, Văn học,… để sẵn sàng cho việc đi du học”.
Chàng trai sinh năm 2003 dự định sẽ theo đuổi ngành Vật lý tại MIT với ước mơ trở thành nhà vật lý lý thuyết nghiên cứu những quy luật cơ bản của vũ trụ.
“Sau khi lên đại học, em dự định sẽ quay lại học Toán, vì môn Toán sẽ bổ trợ rất nhiều cho ngành Vật lý mà em đang theo đuổi”, Quân nói.
Không chỉ đạt nhiều thành tích xuất sắc ở lĩnh vực Vật lý và Thiên văn, từ cấp 2, Quân cũng đã có nhiều thành tích trong môn Toán và Khoa học.
Nguyễn Mạnh Quân từng đạt Huy chương Vàng châu Á – Thái Bình Dương môn Toán năm 2015; Huy chương Vàng IMC Toán học trẻ quốc tế năm 2016.
Cậu còn đạt nhiều giải thưởng khác như: Giải Nhất HSG cấp thành phố lớp 9 môn Hoá; Giải Nhất HSG cấp thành phố 9 môn Toán; Giải Nhất HSG cấp thành phố lớp 9 môn Khoa Học; Giải Nhất HOMC Toán Hà Nội mở rộng lớp 8.
Những gương mặt Vàng tại các kỳ thi Olympic quốc tế 2020
Năm 2020, Việt Nam có 24/24 lượt thí sinh tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt giải (gồm 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen).
Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế đạt thành tích ấn tượng với 4/4 thí sinh giành Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới.
Bộ GD - ĐT cho biết: Năm 2020, Việt Nam có 8 học sinh đoạt huy chương Vàng tại các kỳ thi Olympic quốc tế, thời gian tới sẽ tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi trong cả nước để nâng cao chất lượng đề thi. Bên cạnh đó, tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực trong công tác tổ chức và tập huấn các đội tuyển Olympic...
Bùi Hồng Đức, huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế
Bùi Hồng Đức là học sinh duy nhất đoạt Huy chương Vàng của đoàn Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế năm 2020.
Bùi Hồng Đức, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội.
Năm 2019, Bùi Hồng Đức cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn Việt Nam đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi này.
Trước khi trở thành "Chàng trai vàng" Tin học, Bùi Hồng Đức từng nổi tiếng với những thành tích đặc biệt ở môn Toán. Khi học cấp 2 ở trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hồng Đức thường xuyên tham gia vào các đội tuyển dự thi giải quốc gia, quốc tế.
Đức từng đoạt Huy chương Vàng với điểm số cao nhất trong kỳ thi Toán học trẻ quốc tế tại Trung Quốc năm 2015; Huy chương Bạch Kim trong kỳ thi Olympic Toán học châu Á -Thái Bình Dương năm 2014...
Ngô Quý Đăng, huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2020
Năm học 2019 - 2020, khi đang là học sinh lớp 10, Đăng đã giành được Giải Nhì môn Toán tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Quý Đăng sau đó tiếp tục được lựa chọn vào đội tuyển và giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.
Ngô Quý Đăng hiện đang là học sinh lớp 11, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội.
Với 36/42 điểm, Ngô Quý Đăng là thí sinh đạt điểm số cao nhất của đội Olympic Toán quốc tế của Việt Nam.
Trước đó, ngay từ những năm cấp 2, Đăng được mọi người đặt cho biệt danh "vua giải thưởng" môn Toán và nằm trong diện tuyển thẳng vào lớp 10 trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên vì có những thành tích xuất sắc về Toán học.
Trương Tuấn Nghĩa, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế
Trương Tuấn Nghĩa đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế khi còn đang học lớp 11 của trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
Trương Tuấn Nghĩa, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2020.
Tuấn Nghĩa bộc lộ năng khiếu Toán học từ rất sớm. Cuối năm lớp 6, Tuấn Nghĩa được lựa chọn sang Singapore tham gia kỳ thi Toán APMOPS và lọt vào top 40. Đến năm lớp 8, lớp 9, Nghĩa liên tiếp giành giải Nhất, Nhì trong cuộc thi học sinh giỏi của Hà Nội.
Lý Hải Đăng, huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế
Với 96,75/100 điểm, Lý Hải Đăng không chỉ giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế mà còn đứng thứ 5 trong số hơn 230 thí sinh trên thế giới tham dự kỳ thi.
Lý Hải Đăng, Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2020.
Mẹ của Hải Đăng cho biết, từ bé Đăng đam mê đọc các loại sách nghiên cứu với đủ các lĩnh vực, đặc biệt là hoá học. Không chỉ xem, đọc, Đăng còn thử nghiệm các phản ứng hóa học ngay tại nhà từ khi mới học những năm cuối bậc tiểu học. Năm cấp 3, cậu quyết định theo Chuyên Hóa của trường THPT Chuyên Trần Phú và đoạt thủ khoa đầu vào.
Năm học lớp 10 và 11, Hải Đăng giành Huy chương Vàng môn Hóa tại Kỳ thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ. Cũng trong 2 năm này, Đăng đều đoạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học và giải Excellent (đạt điểm tuyệt đối) kỳ thi Hóa học Australia.
Nguyễn Hoàng Dương, huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế
Nguyễn Hoàng Dương đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế với 94,08/100 điểm, đứng thứ 9 trong hơn 230 thí sinh trên thế giới tham dự kỳ thi. Dương cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong 4 học sinh của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2020.
Nguyễn Hoàng Dương, huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế.
Từ năm học lớp 9, Dương đã nổi tiếng với những thành tích nổi bật ở môn Hóa học, khi đoạt giải Nhất cấp quận; giải Ba cấp thành phố môn Hóa học. Dương từng đỗ vào lớp chuyên Hóa của Chuyên Sư phạm, Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chuyên Khoa học Tự nhiên.
Ngoài ra, Dương còn từng đoạt Giải Nhất kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố (ITOT) lần thứ 37 ở Nga năm lớp 7; Huy chương Đồng kỳ thi Toán quốc tế (IMC) năm lớp 8; Giải Xuất sắc cuộc thi Toán học Úc bậc THCS (AMO) và Top 5% kỳ thi Toán học Hoa Kỳ (AMC) năm lớp 9...
10x sở hữu 3 huy chương Vàng Olympic Tin học nhận Huân chương Lao động hạng Nhất Bùi Hồng Đức, lớp 12 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) sở hữu 3 huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế và khu vực nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Khoảnh khắc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đeo Huân chương Lao động hạng Nhất lên trên ngực áo, cậu học trò Bùi Hồng Đức đã nín thở...