Siêu bão Hải Yến tàn phá Philippines, ít nhất 3 người chết
Ít nhất 3 người chết sau khi siêu bão Haiyan ( Hải Yến), cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2013, đổ bộ vào Philippines ngày 8.11 với sức gió 314 km/giờ, giật lên đến 379 km/giờ. Siêu bão này còn làm mất điện, cắt đứt đường dây thông tin liên lạc tại nhiều khu vực của nước này.
Hình ảnh siêu bão Hải Yến chụp từ vệ tinh vào hôm 7.11 của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản
cung cấp – Ảnh: AFP
Siêu bão Hải Yến đã quét qua đảo Samar, cách thủ đô Manila 600 km về phía đông nam, sau khi đổ bộ vào thị trấn ven biển Guiuan của Samar vào lúc 4 giờ 40 phút sáng (khoảng 3 giờ 40 phút sáng giờ Việt Nam) ngày 8.11, nhà khí tượng học Philippines, ông Romeo Cajulis, cho AFP biết.
Người đứng đầu cơ quan Chữ thập đỏ Philippines, ông Gwendolyn Pang, nói: “Chúng tôi nhận được báo cáo cây đổ, gió rất mạnh, nhiều nhà bị tốc mái và bị sập”.
Theo AFP, trong ngày 8.11, siêu bão Hải Yến đã quét qua các đảo thuộc khu vực miền nam và miền trung Philippines.
Chính phủ Philippines xác nhận thông tin cho rằng có 3 người chết và một người khác mất tích tại cảng Cebu của Philippines.
Dự kiến số người chết sẽ tiếp tục tăng do chính quyền địa phương tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi siêu bão Hải Yến không thể liên lạc được.
“Gió rất mạnh, san bằng các cây cối xung quanh nhà tôi”, sinh viên Jessa Aljibe (19 tuổi) ở thành phố Borongan trên đảo Samar, cho biết.
Nhiều nơi bị mất điện và các đường dây điện thoại cố định bị mất tín hiệu khi siêu bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines.
“Chúng tôi đã cắt cử các đội cứu hộ và thiết bị cứu hộ tại nhiều địa điểm khác nhưng hiện tại không thể làm được gì nhiều vì gió quá mạnh và mưa to, lại không có điện”, ông Pang cho biết thêm.
Trước đó, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, ngày 7.11 đã kêu gọi người dân và cơ quan chức năng hoàn tất các khâu chuẩn bị trước khi bão Hải Yến ập đến Philippines.
Video đang HOT
Siêu bão Hải Yến, một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2013,
đã đổ bộ vào Philippines vào ngày 8.11 với sức gió lên đến 379 km/giờ – Ảnh: AFP
“Chúng ta hãy làm những gì có thể khi Haiyan chưa đổ bộ vào Philippines. Chúng ta có thể giảm thiểu hậu quả cơn bão nếu chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Người dân hãy bình tĩnh, tích trữ nhu yếu phẩm và di chuyển đến nơi an toàn”, AFP dẫn lời ông Aquino phát biểu trên truyền hình.
AFP dẫn thông cáo Bộ Nội vụ Philippines cho biết trên 125.000 người dân Philippines đã sơ tán đến các trung tâm sơ tán trước khi siêu bão Hải Yến đổ bộ và hàng triệu người dân khác phải đối phó với cơn bão trong căn nhà của họ.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Hải Yến là thị trấn ven biển Guiuan (có dân số 40.000 người) vì siêu bão đổ bộ vào thị trấn này đầu tiên.
Các đường dây thông tin liên lạc với thị trấn Guiuan đã bị cắt đứt hoàn toàn do siêu bão, nên các quan chức Philippines vẫn chưa thể đánh giá thiệt hại tại đây.
Nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế ở Philippines cũng đã bị hủy, dịch vụ tàu phà ngưng hoạt động do siêu bão Hải Yến.
Các nhà khí tượng học Mỹ đánh giá siêu bão Hải Yến là cơn bão mạnh nhất trên thế giới trong năm 2013 và là một trong số 4 cơn bão mạnh nhất thế giới từ trước đến nay, với sức gió 379 km/giờ, đo được trong ngày 8.11.
Hằng năm, Philippines phải đối mặt với 20 cơn bão lớn chết người. Hồi năm 2012, cơn bão Bopha quét qua Philippines, khiến khoảng 2.000 người chết.
Chính quyền Philippines và một số nhà khoa học cho rằng chính biến đổi khí hậu đã tăng cường sức mạnh của siêu bão Hải Yến.
Người dân thành phố Legazpi (Philippines) đang được sơ tán vào hôm 7.11 để tránh siêu bão Hải Yến. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo rằng cơn bão mạnh khủng khiếp này có thể tàn phá nặng nề một khu vực rộng lớn ở miền trung và miền nam Philippines khi đổ bộ lên đất liền vào ngày 8.11 – Ảnh: AFP
Các mảnh vụn từ những đống đổ nát trôi lềnh bềnh trên một con đường ngập nước, trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục hoành hành tại thành phố Tacloban (Philippines) khi siêu bão Hải Yến tràn vào – Ảnh: Reuters
Gió mạnh và mưa lớn táp vào căn nhà ở thành phố Tacloban sau khi siêu bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines – Ảnh: Reuters
Có thể thấy siêu bão Hải Yến từ không gian – Ảnh: sploid.gizmodo.com
Theo TNO
Bình Định, Quân khu 5 triển khai phòng chống bão Hải Yến
Sáng 8.11, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và kết nối trực tuyến với các địa phương trong tỉnh để triển khai phương án đối phó với bão Hải Yến.
Sáng 8.11, nhiều tuyến đường tại các xã khu đông huyện Tuy Phước, Phù Cát bị lũ chia cắt, giao thông bị ách tắc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, đến sáng 8.11, các sông trên địa bàn đã xuất hiện lũ, mực nước lũ thượng nguồn các sông đạt đỉnh từ tối 7.11 ở mức báo động cấp 1, cấp 2. Hiện có 44 hồ chứa nước trên địa bàn đầy nước và nước qua tràn, trong đó có 15 hồ đã xuống cấp. Hiện hồ Định Bình đã xả qua tràn 414 m3/s.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng đang có 224 tàu với 1.165 người nằm trong khu vực nguy hiểm của bão Hải Yến sắp vào biển Đông.
Tàu BĐ 95566 TS của ông Nguyễn Bình (ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) bị nạn tại khu vực quần đảo Trường Sa đang được tàu BĐ 96231 TS lai dắt vào đảo Trường Sa để tránh nạn. Rạng sáng 6.11, tàu của ông Võ Thạch (ở xã Hoài Hương), không đăng ký biển số, bị chìm, 3 ngư dân trên tàu được tàu cá khác cứu nạn an toàn.
Tuyến tỉnh lộ DT 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến xã Cát Tiến (Phù Cát) bị lũ chia cắt
Người dân huyện Tuy Phước phải dùng thuyền để đi lại
Hiện Bình Định còn 4.843 ha lúa và 81 ha nuôi tôm chưa thu hoạch. 700 lồng nuôi cá biển, 701 lồng nuôi tôm hùm cần có biện pháp bảo vệ an toàn khi có bão....
Sáng 8.11, nước lũ đã chia cắt nhiều xã khu đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát của tỉnh Bình Định. Tuyến tỉnh lộ DT 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến xã Cát Tiến (Phù Cát) bị ngập lũ nhiều đoạn, giao thông bị chia cắt. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Nghĩa... cũng bị ngập nước.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương kiên quyết gọi tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm vào bờ tránh bão, kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, sơ tán dân ở các làng ven biển trước 19 giờ tối ngày 8.11.
Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu tất cả các địa phương trong tỉnh đều phải hoàn thành phương án sơ tán dân trước 18 giờ ngày 9.11 và phải chú trọng công tác bảo vệ tính mạng, tài sản, nhà cửa, tàu thuyền của dân trong bão, huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích tham gia giúp dân đối phó với bão.
Đồng thời, các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng, các sở, ngành của tỉnh vẫn duy trì lực lượng làm việc vào các ngày thứ 7 và chủ nhật (ngày 9 và 10.11)... để sẵn sàng đối phó với bão. Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Sở Y tế lo hậu cần để sẵn sàng đối phó với bão.
"Ngành giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học nếu gặp thời tiết nguy hiểm. Đối với bậc THCS, tiểu học thì chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong việc cho học sinh tạm dừng học nếu thấy cần thiết", ông Dũng nói.
Quân khu 5 lập 3 sở chỉ huy phòng chống bão Hải Yến Sáng 8.11, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã họp nhằm triển khai kế hoạch phòng tránh bão Hải Yến. Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh quân khu 5 chủ trì. Theo kế hoạch, Quân khu 5 thành lập khẩn cấp sở chỉ huy cơ bản tại TP.Đà Nẵng và 2 sở chỉ huy cơ động tại Quảng Nam và Bình Định, đồng thời cử thiếu tướng Nguyễn Long Cáng, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng quân khu và thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó tư lệnh quân khu, chỉ huy các lực lượng sẵn sàng cơ động xử lý tình huống. Tại cuộc họp, trung tướng Lê Chiêm yêu cầu các đơn vị chuẩn bị cụ thể, chi tiết các phương án phòng chống bão, dự trữ thuốc men, lương thực... Đồng thời, chỉ đạo từ 12 giờ trưa 8.11, các đơn vị dừng ngay việc huấn luyện để chuẩn bị các phương tiện xe cơ giới, tàu thuyền, trạm xá... sẵn sàng di dời, ứng cứu nhân dân vùng bão cũng như phối hợp với chính quyền các địa phương sơ tán dân đến nơi an toàn. Cũng trong ngày 8.11, Quân khu 5 đã lập các đoàn kiểm tra tình hình phòng chống bão ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Theo TNO
Siêu bão giật cấp 17 vào biển Đông, gần 17 vạn ngư dân tìm nơi lánh nạn Theo báo cáo của Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên sáng ngày 8/11, hiện các tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã thông báo, hướng dẫn tổng số 38.756 tàu/166.697 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng...