“Siết” việc dạy học trực tuyến sau vụ phá lớp online bằng clip phản cảm
Ngoài việc khuyến cáo lựa chọn phần mềm an toàn, Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên báo cáo ngay nếu xảy ra các tình huống tiêu cực khi dạy học trực tuyến để cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.
Theo đó, quá trình tổ chức dạy học qua Internet thời gian vừa qua xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục…
Những hành vi này có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, HS-SV trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT, các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các đơn vị dùng phần mềm an toàn, có bản quyền khi dạy học trực tuyến.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy – học qua Internet.
Tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HS-SV và cha mẹ HS-SV trong dạy học qua Internet.
Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín.
“Bộ khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19″, văn bản nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến.
Xây dựng các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên, trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.
Để việc học trực tuyến có hiệu quả, cơ quan quản lý này yêu cầu tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet.
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên báo cáo ngay nếu xảy ra các tình huống tiêu cực khi dạy học trực tuyến để cơ quan chức năng điều tra, xử lý. (Ảnh: Lotus).
“Đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet”, văn bản nêu rõ.
Đặc biệt, trước tình trạng một số học sinh “phá” lớp bằng clip phản cảm, Bộ GD&ĐT yêu cầu: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, HS-SV, cha mẹ HS-SV và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Được biết, việc dạy học trực tuyến qua Internet và truyền hình đã được các địa phương tích cực triển khai trong giai đoạn nghỉ học để phòng dịch Covid-19.
Đây được xem là giải pháp theo đúng phương châm của Bộ GD&ĐT, tuy phải tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học giữa mùa dịch Covid-19.
Do vậy, từ học sinh tiểu học đến các cấp phổ thông và cả cấp đại học đều bắt đầu tiếp cận và quen dần với phương thức học từ xa.
Tuy nhiên, khi triển khai, một số vấn đề ngoài luồng phát sinh gây ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy và học.
Trong đó, những ngày vừa qua xôn xao chuyện những học sinh vô ý thức sử dụng các tài khoản trên hệ thống để đăng nhập, quậy phá các lớp học bằng các clip phản cảm.
Mỹ Hà
Nhà trường trong vòng xoáy Covid-19: Cái khó ló cái khôn
Trong cơn bão của dịch Covid-19, các trường học Việt Nam phải cho học sinh tạm nghỉ học.
Chúng ta hãy suy nghĩ tích cực, bình tĩnh chống lại dịch bệnh, từ cái khó phải ló ra cái khôn và hành động sáng tạo, cùng nhau hợp tác để tạo ra cú huých nhằm ổn định và phát triển nhà trường cho giai đoạn trước mắt và cả lâu dài.
Ảnh minh họa/internet
Học trực tuyến
Học sinh không tới trường, phải tạm nghỉ học do dịch bệnh. Việc này rất khác khi học sinh được nghỉ học trong hè. Do đó quản lý học sinh trong thời gian này là trách nhiệm của nhà trường và các cấp quản lý giáo dục. Nhà trường phải duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình và học sinh.
Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải chủ động, nắm bắt kịp thời tình hình học sinh nghỉ học ở nhà. Giao nhiệm vụ học tập hàng ngày và hướng dẫn tự học, đánh giá kết quả tự học cho từng học sinh trong lớp do mình phụ trách. Giữ liên lạc và thông báo cho cha mẹ học sinh những diễn biến về dịch bệnh và những vấn đề cần phối hợp cấp thiết khác của nhà trường.
Thời điểm này là hoàn cảnh thuận lợi để các trường củng cố, thúc đẩy học tập theo phương thức mới, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, như: Dạy học trực tuyến; Dạy học theo giáo án, học liệu điện tử; Mô phỏng, phần mềm thí nghiệm ảo; Hỗ trợ dạy-học và kiểm tra đánh giá...
Mấy năm gần đây, nhiều phần mềm dạy học được ra đời, đa dạng và phong phú. Những web như vio.edu.vn hay tuyensinh247.com rất phù hợp cho học sinh các trường tổ chức học online. Đơn giản hơn là những video clip do giáo viên tự quay, những bài ôn tập tập, kiểm tra do giáo viên tự soạn rồi up lên YouTube hoặc điện thoại thông minh để học sinh tải xuống, mở ra học theo.
Nội dung học tập chủ yếu là ôn tập kiến thức cũ, rèn luyện kỹ năng và hạn chế học kiến thức mới. Học trực tuyến chỉ là tình thế ứng phó, không thể thay thế học tập trung. Điều kiện, năng lực và phương tiện cho dạy học rất không đồng đều ngay cả trong một lớp hay trong một trường. Vì vậy không nên và không thể dạy bài học mới theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ có kế hoạch tổ chức dạy học bù khi dịch bệnh được khống chế và học sinh trở lại trường.
Dạy học trực tuyến phải coi trọng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Quy định thời gian làm bài ôn tập và xác định hạn gửi kết quả bài học, bài làm cụ thể để học sinh gửi lại cho giáo viên. Giáo viên nhận xét kết quả học tập và phản hồi cho học sinh và cha mẹ các em trước khi tiếp tục giao nhiệm vụ học tập mới.
Dạy học trực tuyến chỉ có thể cho hiệu quả khi giáo viên, học sinh và gia đình các em cùng phối hợp, cùng chuẩn bị các điều kiện và cùng thỏa thuận và cùng thực hiện kế hoạch chi tiết cho từng môn học và buổi học.
Tận dụng cho trải nghiệm các phương pháp giáo dục mới
Ứng dụng CNTT trong dạy học là hình thức dạy rất mới, phù hợp với giáo dục trong giai đoạn CN 4.0. Nhà trường và các giáo viên tận dụng trong thời điểm này để triển khai và ứng dụng các chương trình, đề tài, sáng kiến về giáo dục của các nước phát triển.
Tự học cùng với google và có sự giúp đỡ của những người hiểu biết trong gia đình là biện pháp hữu hiệu phát huy tốt nhất năng lực tự chủ, độc lập, tự định hướng và tự điều chỉnh của học sinh.
Chỉ với quan điểm cũ, theo cách làm quản lý nhà trường, Hiệu trưởng sẽ không thể đáp ứng được vai trò tổ chức và điều hành nhà trường trong giai đoạn chống dịch bệnh. Cần có quan điểm mới, đó là quản trị nhà trường hướng tới phát triển năng lực học sinh và thúc đẩy nhà trường thông qua liên kết các lực lượng giáo dục, thích ứng nhanh nhậy trong bối cảnh mới của xã hội là những phẩm chất cốt yếu của người Hiệu trưởng khi triển khai đổi mới giáo dục.
Củng cố và phát huy làm việc nhóm
Giáo viên cần phải làm việc nhóm, nhất là dạy học trong thời học sinh nghỉ học phòng dịch. Nhiều kỹ năng dạy học mới của mỗi giáo viên được chia sẻ cho đồng nghiệp. Giúp nhau kỹ năng soạn thảo văn bản, giáo án điện tử, quay và chỉnh sửa video, cách up lên mạng, truyền đạt cho nhau những kỹ xảo, mẹo để sử dụng zalo, viber, fecbook, messenger là những nội dung làm việc nhóm có hiệu quả...
Học sinh vẫn có thể học tương tác với bạn học thông qua các liên kết group trên mạng, cả trong phạm vi rộng hơn trong trường và ngoài trường. Qua đó củng cố và mở rộng những quan hệ thân ái học đường, giúp nhau học tập và phát triển kỹ năng sống và giá trị sống.
Cha mẹ học sinh phải cùng vào cuộc và theo sát quá trình học tập của con em mình, nhất là những gia đình còn chưa đủ điều kiện học tập tối thiểu cho học trực tuyến.Cha mẹ học sinh liên kết tạo thành từng nhóm để cùng hỗ trợ, cùng song hành, cùng làm theo thời khóa biểu học tập do nhà trường cung cấp. Với cách làm này thì gia đình và cộng đồng không còn khoảng cách với nhà trường. Cha mẹ học sinh thực sự là chủ thể có trách nhiệm trong trường và trong mỗi địa phương.
Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên
Thời dịchCovid-19là cơ hội tốt cho các trường tổ chức tập huấn bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy mới, nội dung dạy học mới và kiểm tra đánh giá mới.
Nội dung các modun này đã được Bộ GD&ĐT tập huấn cho các địa phương trong năm học 2019-2020.
Đối với giáo dục Tiểu học, các trường cần chủ động nghiên cứu SGK lớp 1, tổ chức dạy thử các loại bài học cho các giáo viên trong trường, tổ chức nghe báo cáo thảo luận, đánh giá từng bộ sách, từng môn học và hoạt động giáo dục; bước đầu đề xuất với Hiệu trưởng và các cấp quản lý danh sách các bộ SGK được lựa chọn phù hợp cho trường mình.
Trong kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hè 2020 của từng trường, có thể linh hoạt điều chỉnh về thời gian tập huấn sớm hơn, ngay dịp dịch Covid-19
Bài học từ Covid-19
"Cơn bão" Covid-19 sẽ qua và cổng trường sẽ lại rộng mở đón học sinh trở lại trường. Ngay từ bây giờ, các trường đã phải ngồi lại, lo xây dựng kế hoạch, bổ sung hoạt động nhà trường thời hậu Covid-19.
Vệ sinh lớp học, khử độc toàn trường là những việc làm đầu tiên sau khi hết dịch bệnh.
Lấy lại trạng thái và bình thường hóa môi trường học đường cho học sinh và giáo viên khi trở lại dạy và học là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu ngay từ những ngày đầu tiên tựu trường.
Những trải nghiệm mà giáo viên và học sinh có được của thời Covid-19 là cực kỳ quý báu và sống động giúp cho các nhà trường khai thác, xây dựng nội dung các chủ đề, bài giảng giáo dục học sinh về các giá trị sống, kỹ năng sống và kiến thức khoa học dịch bệnh.
Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)
Theo giaoducthoidai
Dạy học trực tuyến trên truyền hình có khả thi? 63 tỉnh, TP đã quyết định tiếp tục cho học sinh (HS) nghỉ học để tránh dịch Covid-19. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT đề xuất trong thời gian này nên chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến trên truyền hình áp dụng cho đại trà. TS Lê Viết Khuyến -...