Siết chặt hệ tại chức
Ngày 30/8, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT tổ chức buổi tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hình thức vừa làm vừa học ( hệ tại chức) trình độ ĐH, CĐ. 72 cơ sở đào tạo hệ này đã tham dự.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Bùi Anh Tuấn – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) – thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đào tạo hệ tại chức còn thấp hơn so với chính quy. Gần đây, khi nhiều địa phương như Đà Nẵng, HàNam, Quảng Nam… không tuyển người tốt nghiệp tại chức gây ra bức xúc cho xã hội và người học.
“Có những ý kiến cho rằng hệ vừa làm vừa học đã đi lệch hướng ngay từ đầu và bị buông lỏng đầu vào, không có chuẩn đầu ra” – ông Tuấn cho hay.
Đại diện các cơ sở đào tạo hệ tại chức đóng góp ý kiến với Bộ GD-ĐT tại hội thảo. (Ảnh: Đoàn Cường)
Siết chặt chỉ tiêu
Nói về chất lượng tại chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã dẫn ra một ví dụ mà ông từng gặp khi hỏi một sinh viên tại chức phép toán đơn giản 6:0 bằng mấy thì sinh viên này hồn nhiên nói: Vì không chia cho ai nên 6:0=6.
ÔngGa khẳng định: “Tất cả chúng ta ai cũng biết thực chất, ai cũng biết vấn đề của tại chức không bài bản như chính quy. Không phải vì các địa phương từ chối tuyển dụng tại chức mà từ lâu xã hội đã biết chất lượng như thế nào rồi. Chúng ta không thể trách các nhà tuyển dụng không mặn mà với hệ này được”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định sẽ không khai tử hệ tại chức. Nó tồn tại vì nhu cầu học tập của người dân.
“Riêng đối với các trường đại học nghiên cứu thì tại chức phải giảm dần và tiến tới bỏ hẳn” – ông Ga nói thêm.
“Đào tạo phải theo hình chóp. Đầu vào có rộng nhưng cửa ra phải hẹp, như vậy chất lượng mới lên được” – TS Mai Hồng Quỳ (hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM)
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một thực tế là trong suốt thời gian dài việc phát triển ồ ạt hệ tại chức, liên kết đào tạo khắp các địa phương, dễ dãi cho đầu vào khiến chất lượng có vấn đề đã kéo theo hệ lụy là gây dư luận như hiện nay. Chương trình đào tạo cũng bị cắt xén từ khung của hệ chính quy. Còn đầu ra thì do các trường tự quyết. “Quan điểm là những năm tới sẽ siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh tại chức không quá 30% tổng chỉ tiêu” – ông Ga cho hay.
Video đang HOT
Nhiều ý kiến của các trường cho rằng hệ tại chức mang tiếng phần nhiều là do học sinh thi rớt ĐH mới xin đi học tại chức. Chính đầu vào như vậy khiến chất lượng không đảm bảo.
Ông Trần Văn Nam – giám đốc ĐH Đà Nẵng – chỉ ra một điều rất trớ trêu như ở Đà Nẵng học tại chức ngành xây dựng tuyển đầu vào rất khắt khe, đầu ra thì chỉ 5-7% ra trường. Chính vì làm căng như vậy nên học viên không dám đăng ký học và nhà trường tuyển không ra người. Tương tự, ông Đỗ Văn Xê – phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ – cho hay khi trường này hạ chỉ tiêu xét tuyển từ 3.500 xuống còn 1.500 thì lập tức có nhiều trường khác nhảy vô giành giật tuyển sinh ngay. Đó là kiểu “đánh bắt xa bờ” của các trường đào tạo tại chức khác.
Ông Phạm Quang Trung – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân – dẫn chứng vừa rồi tỉnh Hà Giang đến trường này để đặt vấn đề đào tạo hệ tại chức. “Lãnh đạo địa phương nói rằng nếu không đào tạo hệ tại chức nữa thì địa phương sẽ vắng cán bộ. Không chỉ Hà Giang mà nhiều địa phương ở Tây Bắc, Tây nguyên, Nam bộ… cũng vậy” – ông Trung cho biết.
Nhưng ông thừa nhận ở một số nơi và ngay như trường này cũng có một số lớp chất lượng chưa tốt. “Học xong một môn rồi thi ngay thì làm sao hấp thụ, tiêu hóa kiến thức. Tài liệu hướng dẫn học tập hầu như không có” – ông Trung cho biết.
Về chương trình đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chỉ ra thực tế là tài liệu học tập của hệ chính quy tốt hơn, đầy đủ hơn. Còn nhiều ngành tại chức tổ chức chiêu sinh nhiều nhưng không có phòng thí nghiệm, thực hành thì cũng bằng không. Trường ĐH Thái Nguyên cũng nhìn nhận ngay như trong hệ tại chức với nhau cũng không thống nhất, có ngành ở trường này học năm năm rưỡi mới xong nhưng trường khác chỉ bốn năm là rồi.
Nhiều ý kiến của các nhà giáo dục cho rằng thực chất của việc nở rộ tại chức là do các trường muốn tăng nguồn thu cho mình do nguồn thu của hệ chính quy chỉ bằng 1/3 hệ này. Cũng vì “nồi cơm” của các trường dẫn đến việc tuyển sinh có vấn đề. Để tồn tại “vấn đề” tại chức như vậy là do Bộ GD-ĐT trong suốt một thời gian dài chỉ quan tâm đến chính quy mà quên đi hệ này.
Lấy điểm sàn cho hệ tại chức
Nhiều ý kiến của các trường cho rằng cần phải có khung, phải tăng cường kiểm soát đầu vào, đầu ra của hệ tại chức. Ông Phạm Quang Trung đề nghị: “Nguồn tuyển phải tăng cường dành cho cán bộ, người đi làm thì sẽ tốt hơn. Đối tượng học sinh thi rớt ĐH rồi lại đi học ĐH tại chức thì phản cảm lắm”. Ông Bùi Văn Ga cho rằng: “Chúng ta lấy điểm thấp xuống so với điểm sàn vài điểm chứ không nên lấy những học sinh thi ĐH chỉ 1-2 điểm”.
“Xã hội không chấp nhận do chính chúng ta dễ dãi làm mất uy tín của mình” – TS Đỗ Văn Xê (phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ)
Ông Đỗ Văn Xê cũng thống nhất với quan điểm này và cho biết thêm có thể xét tuyển dựa vào mức điểm sàn do bộ quy định và được sử dụng kết quả thi ĐH của những năm trước để xét. Đối với học sinh phổ thông, các ý kiến cho rằng cần tách ra thành một loại hình khác bởi không thuộc phạm trù hệ vừa làm vừa học. “Trước đây, học hệ vừa làm vừa học phải có quyết định của cơ quan cử đi, giáo viên dạy phải giỏi mới được dạy hệ này. Vì vậy cần tách học sinh phổ thông ra để hệ này khỏi bị oan” – ông Nguyễn Hoàng Việt (ban đào tạo ĐH Đà Nẵng) cho hay.
Về đầu ra, ông Trần Văn Nam cho rằng phải tiến tới không phân biệt bằng cấp, loại hình đào tạo. Nếu vậy, phải cho thí điểm ở một số trường để thử. Cho sinh viên tại chức và chính quy thi cùng tín chỉ để “cân đo” năng lực xem đến đâu. ÔngGa góp ý thêm: “Nếu trường nào sàng lọc kỹ, đầu ra kiểm soát chặt chẽ thì bộ sẽ tăng chỉ tiêu lên. Ngược lại, trường nào ra trường 100% thì bị xử lý”.
Ông Bùi Văn Ga cho biết thi tại chức do trường tự tổ chức khiến rất khó tin kết quả. Vì vậy, buộc phải đi thi ĐH một lần để kiểm soát trình độ tối thiểu. Với đầu vào sẽ tính phương án trên điểm sàn thì sẽ nhận học ngay, dưới điểm sàn thì học bổ sung một kỳ. Với người đi làm phải dự một kỳ thi ĐH bất kỳ, nếu điểm thi 1-2 điểm thì loại ngay. Trong quá trình học như chính quy không cắt xén, thi cùng với chính quy ở những tín chỉ giống nhau để có cùng một thước đo.
“Nếu không muốn nhà tuyển dụng chê, chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ, căn cơ hệ tại chức. Kỳ thi chung sẽ là thước đo của cả hai loại hình đào tạo để đạt chuẩn đầu ra” – ông Ga kết luận.
Xây dựng quy chế mới Theo kế hoạch, sau buổi tọa đàm giữa các trường, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) sẽ tổng hợp các ý kiến để chuẩn bị xây dựng quy chế đào tạo mới cho hệ vừa học vừa làm. Bản dự thảo quy chế sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trên mạng trước khi hoàn chỉnh để chính thức ban hành. Ngọc Hà
Theo Đoàn Cường
Tuổi Trẻ
Tại chức: Kiểm soát chặt đối tượng học
Nên tiếp tục hay chấm dứt, làm gì để thay đổi chất lượng đào tạo tại chức? PV đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đồng thời tạm khép lại diễn đàn này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ quan điểm:
- Chúng ta không thể chấm dứt đào tạo tại chức khi xu thế chung trên thế giới là mở ra nhiều hình thức học tập để phát triển xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. Khoa học công nghệ càng phát triển thì người lao động càng phải tăng cường bổ sung kiến thức, không thể chỉ sử dụng mãi kiến thức đã học trong nhà trường. Ở những quốc gia phát triển, việc thay đổi công việc, chuyên môn cũng phổ biến. Vì thế, hình thức đào tạo vừa làm vừa học (tại chức) có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu bổ sung, nâng cao kiến thức mà còn tạo cơ hội cho những người muốn thay đổi công việc, chuyển đổi nghề nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết dự kiến trong tuần cuối tháng 8-2012 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các trường có quy mô đào tạo tại chức nhiều.
* Chúng ta nên thuận theo xu thế chung, để tại chức tự do nở rộ hay co hẹp để bảo đảm chất lượng?
- Đối với hệ chính quy, những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu dựa trên điều kiện đảm bảo chất lượng (diện tích, tỉ lệ sinh viên/giảng viên...). Trường không đủ điều kiện về chất lượng thì chỉ tiêu không được tăng, thậm chí phải giảm. Còn đối với hệ tại chức, năm 2011 Bộ GD-ĐT đã quy định chỉ tiêu tại chức không vượt quá 60% chỉ tiêu hệ chính quy. Với tình trạng chất lượng tại chức nhiều bất cập, quy định này là ngưỡng để các trường đảm bảo chất lượng tối thiểu.
* Nhưng GD-ĐT làm thế nào kiểm soát khi người học và người đào tạo cùng bắt tay nhau để... giảm chất lượng?
- Quản lý trước hết bằng các văn bản pháp quy. Hiện nay đã có quy chế đào tạo vừa làm vừa học, quy chế tuyển sinh. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh hệ thống văn bản để việc quản lý, kiểm soát chất lượng tốt hơn. Khi Luật giáo dục đại học được thông qua, hệ thống các trường đại học sẽ được phân tầng. Khi đó, các trường đại học có chức năng nghiên cứu sẽ không được đào tạo tại chức. Việc đào tạo tại chức chỉ giao cho các trường đào tạo nghề nghiệp, ứng dụng.
Ngoài ra, sẽ phát triển hệ thống các trường cộng đồng - nơi có thể áp dụng các chương trình mềm dẻo cho mục tiêu học tập suốt đời.
* Nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng một chương trình, công nghệ đào tạo khác đối với tại chức chứ không phải kiểu đào tạo theo "phiên bản của hệ chính quy" ở mức dễ dãi hơn như hiện nay?
- Quan điểm của tôi là chất lượng chương trình tại chức phải ngang bằng chính quy. Hệ tại chức hay chính quy đều cần đánh giá trên một thước đo chung, một chuẩn đầu ra chung. Và tiến tới các trường sẽ chỉ có một loại bằng cho người học theo các phương thức khác nhau (chính quy, tại chức). Những điều chỉnh về sau này của Bộ GD-ĐT cũng hướng đến mục đích này.
Người học tại chức, vì đặc thù "vừa làm vừa học", có thể sử dụng phương thức đào tạo mềm dẻo hơn về thời gian học tập trung, về nội dung kiến thức, phát huy ưu điểm của người có kinh nghiệm thực tế, khả năng tự học, tự nghiên cứu... Nhưng không có nghĩa là phải sử dụng công nghệ đào tạo khác hẳn, càng không thể áp dụng một chương trình nhẹ hơn chính quy, cắt xén bớt môn học, lượng kiến thức.
Hiện nay với tính linh hoạt của phương thức đào tạo tín chỉ, Bộ GD-ĐT khuyến khích một số trường thí điểm để sinh viên tại chức học cùng với chính quy, thi cùng chính quy.
* Để chất lượng tại chức cải thiện, có nên quy định chặt hơn ở đầu vào không, chí ít là chặt chẽ ngang với tuyển sinh chính quy?
- Trong quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT thì đối tượng học tại chức phải là người đã đi làm, có kinh nghiệm thực tế chứ không tuyển học sinh tốt nghiệp phổ thông hoặc người chưa qua thực tế nghề nghiệp. Những năm trước, Bộ GD-ĐT cũng tính đến việc tổ chức một kỳ thi như "ba chung" cho hệ tại chức để "nâng chất lượng đầu vào", kiểm soát chặt đối tượng học tại chức. Nhưng do tính chất linh hoạt, mềm dẻo của phương thức đào tạo tại chức, quy định tuyển sinh như vậy không phù hợp. Vì vậy, việc tuyển sinh vẫn do các trường chủ động.
Tuy nhiên, trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn quy định về đối tượng người học và yêu cầu các trường phải sàng lọc mạnh mẽ. Đầu vào cao thì sàng lọc, đào thải có thể ít hơn, nhưng đầu vào thấp, cơ chế sàng lọc, đào thải càng phải được đẩy mạnh.
Theo tuổi trẻ
Trả lại sứ mệnh thực cho tại chức Hiện tượng bằng tại chức bị phàn nàn, thậm chí bị tẩy chay ở một số nơi, là hiện tượng bất thường so với thông lệ của phương Tây. Trong khi thực tế, theo học dưới các hình thức phi truyền thống là một lựa chọn của sinh viên (SV) khi họ không có điều kiện vào ĐH ngay sau khi tốt nghiệp...