Sĩ tử thi trượt: Đừng chết dại dột
Hàng năm, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, lại xuất hiện những tin không mấy vui từ những cái chết lãng xẹt.
Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa công bố điểm sàn của kỳ thi đại học năm nay thì cũng là lúc trên nửa triệu thí sinh thi trượt đại học bắt đầu hoang mang lo lắng về tương lai của mình. Những năm trước, khi biết mình trượt đại học, có bạn đã tìm đến cái chết.
Hàng năm, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, chúng ta lại đón nhận những tin không mấy vui từ những cái chết lãng xẹt đó. Có bạn, do áp lực từ gia đình đã tìm đến cái chết nhưng cũng có bạn, do mặc cảm với bạn, cũng đã tự kết liễu đời mình. Thậm chí có những bạn học rất giỏi, nhưng vì một sơ sẩy nhỏ, điểm không đủ để đỗ nguyện vọng 1, cũng tìm đến cái chết.
Đây là những hành động vô cùng nông nổi và dại dột. Có lẽ chưa có nước nào mà học sinh phải tự tử hoặc bị tâm thần do thi trượt đại học (ĐH) như nước ta cả. Vì sao?
Trước hết là do áp lực từ phía gia đình, lý do này chiếm tỷ lệ cao nhất. Chúng ta đều biết, trong số gần 1 triệu thí sinh dự thi ĐH hằng năm ấy, có đến trên 80% là con em nông dân hoặc những tiểu thương hay gia đình viên chức nghèo.
Vì nghèo nên các bậc phụ huynh luôn đặt kỳ vọng vào sự học của con. Cũng bởi vì quá tin rằng học ĐH là con đường duy nhất để thay đổi phận nghèo nên một khi con thi trượt, lập tức cha mẹ thay đổi thái độ và cách hành xử với con.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Có những bậc cha mẹ, nhẹ thì “lạnh lùng” nặng nề hơn thì chì chiết, nhiếc mắng. “Đứa trẻ” vừa trải qua 12 năm “ù tai điếc óc” vì chuyện học, giờ lại bị cha mẹ “kỳ thị”, vậy nên các bạn giải quyết “mâu thuẫn” ấy bằng cái chết chứ không còn con đường nào khác nếu như học sinh đó cạn nghĩ.
Thứ hai là, chúng ta không tạo điều kiện tốt nhất để mở “cửa thoát hiểm” cho số thí sinh thi trượt. Các trường dạy nghề mọc lên như nấm sau mưa nhưng chưa đủ để hấp dẫn số thí sinh chẳng may mắn này. Là bởi, ngay cả những bạn tốt nghiệp ĐH kia vẫn còn loay hoay để tìm việc huống hồ là tốt nghiệp trường nghề?
Mà học được nghề rồi, ra “làm nghề” rồi nhưng đồng lương không đủ sống thì học nghề để làm gì đây? Điều đó buộc các bạn phải quay lại với quan niệm cũ: Học ĐH mới là phao cứu sinh duy nhất để cứu đời mình!
Đến thời điểm này vẫn chưa có tin buồn nào về việc tự tử do trượt ĐH. Chúng ta hy vọng rằng chuyện buồn ấy sẽ không xuất hiện trong năm nay và những năm tiếp theo… Điều mà người lớn và xã hội nên nói với các bạn lúc này là, có trăm nẻo để vào đời chứ không cứ gì phải vào ĐH. Đừng chết dại dột vì lý do thi trượt.
Theo dân việt
Trượt đại học: Người đau nhất là con!
Trượt đại học với các em như một cú sốc đầu đời. Sự chăm lo của cha mẹ vô tình trở thành gánh nặng với các em lúc này. Sẽ còn đó sự dằn vặt, oán trách bản thân.
Đốt tiền để đổi lại con số 0!?!
"Trong mắt bố mẹ em là thằng con trai chăm chỉ, học được nhất nhà và bố mẹ cũng không tiếc tiền của đầu tư cho em, mặc dù nhà em còn khó khăn...". Nguyễn Văn An, cậu học trò có dáng người nhỏ nhắn, thư sinh, gương mặt thanh tú đã bắt đầu dòng tâm sự với chúng tôi như vậy. An sinh ra và lớn lên ở vùng quê đã nhiều đời nay người dân chỉ quen với nương chè, đồng ruộng (xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên). Cha mẹ em cũng tiếp nối ông bà làm nghề nông, vất vả thì nhiều mà kinh tế gia đình cũng không khá giả gì.
Thế nhưng cha mẹ của em luôn cố gắng tạo điều kiện cho con, mong con học hành đỗ đạt. Trước khi thi đại học, mẹ của An đã bán đi mấy tạ chè và vay mượn thêm bà con hàng xóm được hơn hai triệu cho An có tiền đi ôn thi trên thành phố. An dự thi hai trường: Đại học Kỹ thuật công nghiệp và Đại học Y Thái Nguyên. Nhưng kết quả là em đã trượt cả hai trường với số điểm mà không ai ngờ tới là 13 và 13.5 điểm. "Lúc tra điểm thi, em không tin vào mắt mình, cứ tra đi tra lại mãi. Em ngồi ở quán cả buổi chẳng dám về nhà. Trong đầu em lúc đó nghĩ ngay đến việc đi làm kiếm tiền để trả nợ... Mọi người nói em đã đốt một đống tiền của bố mẹ mà chả được gì. Dạo này em không ăn uống được gì cả, em bị sút mất mấy cân rồi...".
Khác với An, Nguyễn Mai Hoa (quê ở Nho Quan, Ninh Bình) , bố mẹ em làm nghề buôn bán nên cũng có điều kiện kinh tế. Mai Hoa lại được chị gái định hướng cho từ nhỏ về việc học hành. Em không lên trên thành phố để ôn thi nhưng có gia sư kèm tại nhà. Để thuê được ba thầy cô dạy gia sư cho Hoa từ năm lớp 10 cho đến lúc thi, bố mẹ em cũng tốn không ít tiền. Hoa dự thi trường Học viện Tài chính nhưng kết quả không như kỳ vọng của bố mẹ. Em chỉ đạt 14.5 điềm. Mai Hoa tâm sự: "Em không nghĩ là mình trượt...Em đã học ôn rất nhiều. Bố mẹ cũng không để em phải làm gì cả chỉ có học thôi. Vậy mà...". Cô học trò nhỏ bé trực khóc, không nói thêm được lời nào.
Từ hôm biết con thi trượt anh Long, chị Vân (bố mẹ Mai Hoa) trở nên kiệm lời với con hơn. Nhưng nhiều khi bức bối, chị Vân cũng buông ra vài câu. Mai Hoa kể: "Mẹ em hay so sánh em với mấy đứa bạn học cùng em. Chúng nó phải làm suốt ngày mà thi đỗ trường này trường kia, còn em chỉ ăn với học thôi mà không nên chuyện. Em cũng biết thế nên không dám cãi, nhưng thấy tủi thân lắm".
Trường hợp như của Mai Hoa không phải là ít. Bố mẹ dồn hết tâm huyết vào con cái họ nên khi không đạt được ước nguyện, đương nhiên họ sẽ thấy buồn và thất vọng. Nhưng trường hợp dưới đây lại khác...
Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, các em càng buồn và thất vọng về bản thân hơn (Hình minh họa)
Khi bố mẹ cố tỏ ra vô tư...
Trên nhiều trang báo đã viết về những câu chuyện vì thất vọng con không đỗ đại học mà bố mẹ mắng mỏ, trì triết con khiến chúng bị tổn thương, uất ức, dẫn đến những hành động dại dột. Nhưng trong nhiều trường hợp ngay cả khi bố mẹ cố tỏ ra vô tư, không quan tâm đến việc đỗ hay trượt của con cũng khiến các em thấy khó xử và dằn vặt bản thân. Em Anh Văn Chung (xã Lý Bôn, Bảo Lâm, Cao Bằng) chia sẻ: "Khi biết kết quả thi của em, bố mẹ chẳng ai nói gì cả. Mấy hôm nay bố mẹ cũng chẳng nhắc đến chuyện đó với em. Nhưng em biết là bố mẹ buồn vì em lắm". Văn Chung cũng cho biết thêm: "Bà con hàng xóm hỏi thăm nhà em nhiều, mỗi lần như thế mẹ em toàn cười gượng rồi cố lảng đi chuyện khác. Mẹ bảo sẽ cho em đi học một trường dân lập dưới Thái Nguyên nên không phải lo nghĩ gì cả. Nhưng thực sự thì em muốn năm sau thi lại".
Là con trai nên Văn Chung biết cách che giấu cảm xúc của mình, nhưng điều khó khăn nhất với Chung lúc này là em ngại bày tỏ mong muốn của mình với bố mẹ, vì em nghĩ bản thân em đã thi không tốt thì không có quyền đòi hỏi thêm nữa. Chung chia sẻ, trước khi thi đại học bố mẹ em cũng tốn nhiều tiền cho em đi ôn thi ở trường chuyên trên thị xã, giờ lại lục đục chuẩn bị tiền, đồ đạc để vài tháng nữa cho em đi học trường dân lập, em lại thấy buồn hơn...
Cũng giống với suy nghĩ của Văn Chung, Mai Hoa cũng chia sẻ rằng em không dám xin bố mẹ thêm bất kỳ điều gì, ngay cả mua những đồ lặt vặt em cũng ngại xin. Mai Hoa nói: "Bây giờ em ngại đi ra ngoài lắm. Mỗi lần xuống nhà gặp bố mẹ và mọi người, em lại thấy ngượng. Chẳng ai nói gì em cả nhưng em biết là họ nói em được học nhiều mà không đỗ". Gương mặt ngây thơ, hồn nhiên của Mai Hoa bỗng chùng xuống, chất chứa nỗi buồn.
Chuyên gia tư vấn Bùi Thị Thanh Hòa: "Người chịu nhiều áp lực nhất chính là các em".
Chuyên gia tâm lý nói gì!?!
Theo chuyên gia tư vấn Bùi Thị Thanh Hòa, việc cha mẹ dù trong lòng rất buồn, thất vọng nhưng lại cố tỏ ra bình thường với con cái, điều đó chưa hẳn đã tốt. Các em sẽ cảm nhận được sự gượng gạo đó và sẽ dằn vặt mình nhiều hơn. Và trong nhiều trường hợp, các em sẽ làm theo ý của cha mẹ mà không dám nói lên suy nghĩ hay mong muốn của mình. Bản thân các em cảm thấy có lỗi, thấy mặc cảm và làm theo thì sẽ dẫn đến những hậu quả sau này. Có thể là các em học một trường không theo sở thích của mình, việc học sẽ trở lên khó khăn và khiến các em cảm thấy chán nản. Vì vậy, trong trường hợp này, bố mẹ nên nói chuyện với con cái mình, giúp các em thấy tự tin hơn để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Chị Hòa cũng chia sẻ thêm: "Bản thân các em là người vừa phải trải qua cú sốc trượt đại học, lại làm theo những điều mình không mong muốn thì người chịu nhiều áp lực nhất chính là các em. Bố mẹ cần động viên, hỗ trợ các em nhiều hơn và bản thân các em cũng nên chủ động tìm những sự hỗ trợ về tâm lý cho mình. Không đỗ đại học không phải là yếu tố để đo giá trị hay đánh giá con hư hay con ngoan. Các em nên tự tin và nói lên suy nghĩ của mình với bố mẹ, mọi việc sẽ dễ giải quyết hơn".
Theo khám phá
Kết quả buồn của thí sinh đạp xe 300 km đi thi Khi nghe tin sĩ tử đạp xe vượt hơn 300km đi thi trượt đại học vì thiếu nửa điểm, ai cũng tiếc nuối. Thế nhưng cậu học trò nghèo Ngô Văn Thuận (xóm 8 xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An) vẫn quyết tâm theo đuổi bằng được ước mơ của mình. Dù rất buồn với kết quả thi vừa rồi nhưng Thuận...