SGK mới, học sinh sẽ học gì?
GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Chủ biên chương trình Lịch sử mới cho biết : “Nếu như trước đây, học sinh học Lịch sử buộc phải nhớ máy móc các sự kiện với dằng dặc số liệu như ngày tháng năm, bao nhiêu người chết, bắn bao nhiêu máy bay rơi… thì trong chương trình mới sẽ không học theo phương thức đó”.
Trong Chương trình mới, học sinh THCS sẽ học tích hợp Lịch sử và Địa lý. Ảnh: Nguyễn Hà.
Theo GS Tung, với môn Sử, học sinh sẽ không phải học từng cuộc chiến, sự kiện lịch sử cụ thể mà chương trình được thiết kế theo những mạch kiến thức xuyên suốt, tích hợp và phân cấp hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Không học đi học lại sự kiện
Thưa ông, môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới có gì khác biệt so với chương trình cũ?
Toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Chương trình thay đổi cả về cấu trúc, nội dung và cả cách tổ chức dạy học. Chúng ta không truyền thụ kiến thức theo hướng một chiều, áp đặt mà làm sao dẫn dắt để học sinh thấy rằng việc tiếp nhận kiến thức là việc của các em.
Để hình thành, phát triển năng lực học sinh, trước hết chú trọng năng lực hiểu và sử dụng tư liệu. Đây là năng lực gốc, có ích cho nhiều ngành khoa học khác và trong cuộc sống. Ví dụ, khi học sinh nhận một thông tin, các em phải biết cách nhận diện được đâu là thật, đâu là giả. Ngoài ra, năng lực tái hiện quá khứ; năng lực phân tích, giải thích và đánh giá lịch sử và năng lực vận dụng những bài học lịch sử đó trong thực tiễn.
Mục tiêu của môn học trong chương trình mới làm sao giúp học sinh hiểu được bản chất của các sự kiện và quá trình lịch sử. Học sinh sẽ được hướng dẫn để hiểu bản chất của chiến tranh, hiểu được chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa để hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp, yêu hòa bình, tránh các cuộc chiến tranh, xung đột trong tương lai. Bởi chiến tranh bao giờ cũng để lại nỗi đau và nhiều mất mát.
Cụ thể, cách bố trí chương trình xuyên suốt 12 năm học được sắp xếp lại thế nào, thưa GS?
Chương trình cũ, cấp 1, học từ lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới từ đầu cho đến ngày nay. Cấp 2 lại quay lại 1 vòng như thế, nhưng sâu hơn một chút; đến cấp 3 cũng vậy. Học đi học lại như vậy, học sinh sẽ rơi vào nhàm chán, không muốn học nữa.
Trong chương trình mới, ở cấp 1, lịch sử Việt Nam vẫn được giữ nguyên cấu trúc từ thời nguyên thủy đến ngày nay nhưng thay vì kể từ A-Z thì nay chúng ta chọn điểm. Ví dụ, học về lịch sử cổ đại, có thể chỉ giới thiệu 1 cái trống đồng. Giáo viên chiếu trống đồng lên màn hình, từ đó kể nhiều câu chuyện xung quanh trống đồng bao gồm: thời gian, văn hóa, địa lý, sản xuất… Đến giai đoạn lịch sử hiện đại có thể chỉ giới thiệu hình ảnh anh Kim Đồng, Vừ A Dính; Lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước chỉ giới thiệu đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… khuyến khích sự say mê, yêu thích của các em, rồi mới mở rộng dần thêm.
Ở cấp THCS, Lịch sử Việt Nam – Lịch sử Thế giới được đặt cạnh nhau để trong cùng một thời gian, học sinh hiểu được ở Việt Nam diễn ra những điều gì, thế giới ra sao. Hàm lượng kiến thức tương đối cơ bản nhưng ở giai đoạn này chương trình có sự tích hợp rõ nét giữa Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, hai môn học đặt cạnh nhau với những luồng kiến thức gần gũi nhau để soi sáng, hỗ trợ nhau chứ chưa “trộn” lẫn vào nhau một cách nhuần nhuyễn. Duy chỉ có 4 chủ đề được gợi ý được bố trí vào 4 lớp cấp THCS là: phát kiến địa lý, đô thị, biển đảo Việt Nam và châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Đây là những chủ đề mà nội dung Lịch sử và Địa lý có thể “trộn” lẫn, nhuần nhuyễn, giáo viên sử địa đều dạy được.
Riêng cấp THPT, chương trình được đổi mới hoàn toàn. Lịch sử Việt Nam, Lịch sử khu vực và thế giới được bố trí theo những chủ đề. Ví dụ, chủ đề về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc. Nói như vậy, sẽ có hàng chục cuộc chiến tranh. Giáo viên có quyền lựa chọn khoảng 3-5 cuộc chiến để giới thiệu với học sinh, thông qua đó giúp học sinh tìm hiểu và nắm được những bài học có tính quy luật, xuyên suốt lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta… Hay các chủ đề có định hướng ứng dụng, hướng nghiệp như: sử học với bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, phát triển du lịch…
Sẽ tích hợp liên môn Sử – Địa?
Như vậy, sắp tới sẽ có một cuốn sách giáo khoa tích hợp kiến thức liên môn Lịch sử và Địa lý, thưa GS?
Tích hợp sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý thành 1 cuốn hay 2 cuốn các chuyên gia còn phải bàn. Việc học tích hợp là cần thiết tuy nhiên cái khó là giáo viên chưa được đào tạo sư phạm dạy tích hợp. Giáo viên dạy Lịch sử lâu nay vẫn dạy Sử, nếu dạy cả Địa lý thì chưa yên tâm. Còn môn Lịch sử và Địa lý nhưng 2 người dạy thì cách đảm bảo chế độ, quyền lợi cho các thầy cô thế nào (trả lương, tính thi đua khen thưởng…).
Video đang HOT
Nói như vậy, thầy cô phải thay đổi như thế nào mới dạy học được chương trình Lịch sử mới?
Then chốt để giúp công cuộc đổi mới thành công vẫn là giáo viên. Bộ GD&ĐT, các trường sư phạm, chuyên gia phải tổ chức tập huấn cho giáo viên. Bản thân các thầy cô, khi đã chấp nhận mình làm nhà giáo thì phải nghĩ đó là nghề sáng tạo, tự nâng cao năng lực của mình, chấp nhận sự đổi mới chứ không thể soạn 1 cuốn giáo án dạy năm này qua năm khác. Nếu không, toàn bộ công cuộc đổi mới này sẽ là phiêu lưu, người trả giá sẽ là nhiều thế hệ học trò.
Xin cảm ơn ông!
“Chương trình không lựa chọn sự kiện, cuộc chiến nào mà học sinh được thoải mái tìm hiểu. Giáo viên cũng được tự lựa chọn các cuộc chiến trong một giai đoạn lịch sử nào đó để dạy học”.
GS Phạm Hồng Tung,
Chủ biên chương trình Lịch sử mới
Theo TPO
Môn Toán rất quan trọng nhưng không dạy học trò lòng yêu nước!
Hậu quả của cách thi cử, đánh giá hiện nay đối với môn sử chúng ta đã thấy rõ. Học trò đạt kết quả cao sẽ thuộc về 3 kiểu người.
Giáo sư Vũ Minh Giang nhận định: "Chúng ta dạy như thế thì hỏi sao học trò không chán môn Lịch sử. (Ảnh: Giáo sư Vũ Minh Giang cung cấp)
Lâu nay không ít học sinh ngại môn Lịch sử, cho đó là môn phải học thuộc lòng với quá nhiều kiến thức về sự kiện, số liệu, nhân vật, nguyên nhân, diễn biến, kết quả... với bao nhiêu giai đoạn, thời kỳ.
Vì thế với môn Lịch sử, các em cảm thấy thiếu hứng thú, học một cách thụ động.
Chương trình môn Lịch sử hiện hành nặng về kiến thức cụ thể hơn là kỹ năng, phương pháp phân tích, đánh giá nên việc kiểm tra và đánh giá cũng thiên về "trả bài" hơn thông hiểu, vận dụng, liên hệ thực tế.
Điều đó, vô hình chung làm cho các em hiểu lịch sử đơn giản chỉ là nhớ những gì xảy ra trong quá khứ, những chuyện đã qua từ lâu, không liên hệ gì đến hiện tại và càng không có liên quan gì đến tương lai.
Vấn đề chất lượng dạy và học lịch sử ở các trường phổ thông còn nhiều hạn chế liệu có liên quan gì đến điều này hay không?
Trao đổi với Báo, Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, học môn Lịch sử ở bậc phổ thông không phải chỉ dành cho những người thi vào đại học thuộc các ngành khối C.
Càng không phải chỉ cần cho những người có định hướng sử học. Các nhà sử học luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các nghề khác trong xã hội.
Điều cần phải sớm nhận ra là tri thức lịch sử là vốn tối cần thiết cho mọi công dân, nhất là là những người về sau trở thành lãnh đạo.
Vậy tri thức lịch sử dùng để làm gì mà quan trọng như vậy?
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang: "Tri thức lịch sử, phương pháp tư duy lịch sử trang bị cho công dân hiểu về dân tộc mình, nắm được đâu là sở trường, đâu là sở đoảng để có cách tư duy và ứng xử phù hợp, đặng phát huy được mặt mạnh, khắc phục được hạn chế...
Nói tóm lại lịch sử là khoa học giúp một dân tộc tự nhận thức đúng về mình.
Tri thức lịch sử còn giúp chúng ta hiểu người và biết cách học người. Nói cách khác đó chính là cái "túi khôn"mà mỗi công dân cần nắm được như một hành trang vào đời.
Nhưng muốn học sinh đạt được những điều trên đây thì việc xây dựng chương trình và việc giảng dạy cần phải như thế nào?
Lâu nay, chúng ta chưa chú ý đúng mức đến tâm lý và năng lực tiếp thu theo lứa tuổi.Đôi khi vẫn vẫn phân kỳ lịch sử theo lớp, cấp khiến cho phần khó (cổ - trung đại) lại học ở lớp nhỏ tuổi và phần tương đối dễ nhận biết (cận - hiện đại) lại học ở lớp trên.
Đó là chưa kể ở Tiểu học, Trung học cơ sở học môn Lịch sử chỉ học một cách lớt phớt đến khi lên bậc Trung học phổ thông thì môn Sử lại được "nhồi nhét" cho một nhóm học sinh theo khối C (Văn, Sử, Địa) còn các khối khác thì chỉ học cho qua, thậm chí bỏ hẳn.
Ông Giang nhận định: "Chúng ta dạy như thế thì hỏi sao học trò không chán môn Lịch sử.
Khi nào chúng ta coi môn học này như là nội dung trang bị, là phương pháp tư duy, chuyển hóa trong tình cảm, phát triển nâng cao trong ý thức đối với đất nước, dân tộc, vận mệnh của nhân dân thì mới có niềm tin rằng học trò yêu thích môn Lịch sử".
Hơn nữa, với cách "tiếp cận nội dung" như hiện nay thì việc thi cử, đánh giá dù ở dạng tự luận hay trắc nghiệm đều là đánh đố trí nhớ của học sinh, cũng đều bắt học trò phải thuộc nội dung nào đó trong sách giáo khoa.
Hậu quả của cách thi cử, đánh giá này đối với môn sử chúng ta đã thấy rõ. Đạt kết quả cao sẽ thuộc về 3 kiểu người.
Thứ nhất, đó là những người chăm chỉ, học thuộc lòng được tất những gì có trong sách giáo khoa, hỏi nội dung nào thuộc nội dung đó nên họ đạt điểm cao nhất trong kỳ thi. Đây chính là những "con vẹt" siêu đẳng.
Thứ hai, đó là những học trò đạt điểm cao nhưng không chăm chỉ như tuýp trên mà rất giỏi "học tủ". Nếu gặp may đề ra trúng tủ thì họ sẽ đạt điểm rất cao. Còn ngược lại thì chắc chắn nhận điểm 0.
Thứ ba, đó cũng là học trò đạt điểm cao nhưng không có "năng lực và phẩm chất vẹt", cũng không thèm đoán tủ mà trổ tài tinh quái, gian xảo bằng các thủ đoạn quay cóp, trò gian lận trong thi cử này mà trót lọt thì họ cũng nghiễm nhiên đứng trong hàng ngũ "trò giỏi", đôi khi còn đỗ thủ khoa cũng nên (!).
Liệu chúng ta có cần 3 kiểu người này không? Chắc chắn là không, nhưng với cách học, cách thi như hiện nay thì không loại bỏ được những kiểu người không mong đợi này. Nếu chúng ta không sớm tìm cách ngăn chặn thì đây chính là hiểm họa của xã hội.
Nói đến đây, thầy Giang thông tin thêm: "Không riêng gì môn Lịch sử mà ngay ở môn Văn cũng đã từng có chuyện cười ra nước mắt . Dư luận hẳn vẫn chưa quên chuyện mùa thi năm 2006 cả nước chỉ có 1 bài văn duy nhất đạt điểm 10.
Sau khi báo chí công bố toàn văn bài thi của học sinh này thì mới vỡ lẽ rằng đó là bài văn mẫu in trong sách Kiến thức cơ bản văn học 12.
Trong trường hợp này, đây có phải là học sinh giỏi văn nhất cả nước không? Chắc chắn không. Đó chỉ là một con vẹt may mắn".
Do vậy, muốn ngăn chặn những hiểm họa này thì trước tiên, chúng ta cần thay đổi căn bản về nhận thức, tư duy chứ đừng chỉ thay đổi mang tính chất bề mặt theo kiểu thay vì thầy đọc, trò chép để chuyển sang kiểu thầy cô ngồi bấm powerpoint còn học sinh ngồi chép.
"Không thể chữa trọng bệnh nặng bằng cách xoa dầu cao được", thầy Giang mượn hình ảnh để so sánh.
Môn Lý rất quan trọng nhưng không dạy học trò ý thức dân tộc
Trong bối cảnh thông tin bùng nổ, các mối quan tâm của giới trẻ học đường nhiều như hiện nay thì chúng ta cần nhanh chóng phải chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phương pháp, kỹ năng và nâng cao năng lực, phẩm chất dựa trên nền kiến thức cơ bản nhưng tối thiểu.
Và điều mà Giáo sư Vũ Minh Giang trăn trở nhất đó là trách nhiệm của người quản lý cần hiểu và phân định được vị trí của các môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Riêng môn Lịch sử, thầy Giang cho rằng, nếu chỉ coi đây là môn trang bị kiến thức của quá khứ thì chưa đủ mà đây còn là môn học giáo dục chủ nghĩa yêu nước thông qua việc tác động tình cảm với dân tộc, với truyền thống của đồng bào và trang bị kiến thức nhìn ra thế giới cho thế hệ trẻ.
Nói tới đây, thầy Vũ Minh Giang nhấn mạnh: "Môn Toán rất quan trọng nhưng chủ yếu dạy người học phương pháp tư duy logic. Nó không có chức năng dạy yêu nước.
Môn Vật lý cũng rất quan trọng nhưng lại không dạy ý thức dân tộc... Chỉ có Lịch sử là dạy về lòng yêu nước và dung dưỡng ý thức dân tộc.
Và rõ ràng, Toán ở Pháp giống Toán ở Mỹ, giống Toán ở Singapore nhưng Lịch sử của mỗi dân tộc là khác nhau".
Do vậy, muốn học trò yêu thích môn lịch sử thì Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, cả xã hội hãy chung tay cùng ngành giáo dục làm sao để các em được sống lại với diễn biến của lịch sử.
Tức là làm sao để từng bài giảng phải gắn liền với không gian, thời gian về thời kỳ đó thông qua bảo tàng, hình ảnh sinh động...
Giáo sư Vũ Minh Giang tha thiết: "Tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách làm sao để có nhiều phim, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật tái hiện lịch sử sinh động hơn nữa chứ như hiện nay thì nghèo nàn quá. Có như vậy mới thắp ngọn đuốc đam mê học tập môn Lịch sử cho các em".
Theo Giaoduc.net
Chương trình môn Lịch sử mới sẽ 'không có vùng cấm' Chiến tranh biên giới phía Bắc, cải cách ruộng đất cùng nhiều "khoảng trống" khác sẽ được bổ sung trong chương trình Lịch sử phổ thông mới. Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới - GS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) - trao đổi về những thay đổi trong chương trình giáo dục...