SGK của Bộ GD-ĐT sẽ có phiên bản điện tử công khai
Trong văn bản giải trình về một số vấn đề cử tri quan tâm trước kỳ họp Quốc hội tới, như chương trình – sách giáo khoa mới, thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều thông tin mới cũng như giải pháp khắc phục những bất cập về các nội dung này.
Sắp tới học sinh sẽ có sách giáo khoa phiên bản điện tử miễn phí – ĐÀO NGỌC THẠCH
Có một số SGK cho mỗi môn học
Giải trình về chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) mới, Bộ GD-ĐT cho hay: Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới phải gia hạn theo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện CT-SGK GDPT mới.
Nguyên nhân là do việc xây dựng chương trình GDPT mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội. Quá trình dự thảo chương trình và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) cần có thời gian, nguồn lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương.
Bộ GD-ĐT cũng dẫn Nghị quyết 88 của QH về việc “thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học” và cho rằng chủ trương này phù hợp với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa một số quy định về CT-SGK trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi); nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 thành các quy định của luật. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách.
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Theo quy định của QH, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh (HS) sử dụng rộng rãi, bình đẳng”.
Có phương án cụ thể về giá và quyền lựa chọn SGK
Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.
Khi biên soạn sách mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm sách và các sở GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để HS có ý thức giữ gìn, bảo quản đảm bảo sách được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Về lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, Bộ GD-ĐT thông tin đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở GDPT trên cơ sở nguyện vọng của HS và phụ huynh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở GDPT trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của HS và phụ huynh.
Báo cáo Chính phủ về lộ trình áp dụng CT-SGK mới
Video đang HOT
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết sau khi ban hành chương trình GDPT mới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về lộ trình áp dụng trong thời gian quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH, đồng thời đảm bảo chất lượng CT-SGK mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công khi triển khai áp dụng.
Chấm thi THPT quốc gia theo cụm
Về kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT khẳng định: Phương thức tổ chức kỳ thi sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2018, nhất là khâu chấm thi, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình GDPT mới.
Trước mắt, để tổ chức tốt kỳ thi năm 2019, Bộ GD-ĐT chỉ đạo toàn ngành thực hiện các giải pháp cơ bản: rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi; sửa đổi, bổ sung quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia kỳ thi.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của HS. Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi và thời gian làm bài của thí sinh. “Bộ GD-ĐT sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và HS làm quen với dạng đề trong quá trình dạy học lớp 12 năm học 2018 – 2019 và ôn thi năm 2019″, báo cáo giải trình nêu.
Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi. Theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm, đảm bảo nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các đối tượng tham gia kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi của quy trình tổ chức thi.
Theo thanhnien
Dự thảo Luật Giáo dục "bỏ rơi" người khuyết tật?
Tại hội thảo "Tham vấn góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi", do Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức ngày 3/10, một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung một số điều, đặc biệt dành cho đối tượng học tập là người khuyết tật và giới tính khác.
"Chúng tôi đã từng rất khó khăn"
Từng phải xin rất nhiều trường mới được vào học hòa nhập; khi học, các giáo trình và phương pháp dạy không phù hợp bởi cô giáo không biết ngôn ngữ kí hiệu... đấy là những bất cập trong học tập mà một số người khuyết tật chia sẻ với PV Dân trí tại hội thảo.
Anh Lê Xuân Vũ, cử nhân vừa mới tốt nghiệp tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ, mình bị khuyết tật nên khó nghe và khó diễn đạt. Do vậy, nếu người khác nói nhanh hoặc nói quá nhỏ, anh không thể tiếp nhận kịp. Do vậy, từ nhỏ, gia đình Vũ đã từng rất vất vả khi xin học cho con.
"Sau nhiều lần nỗ lực, mẹ đã thuyết phục được một trường công lập nhận em về học. Tuy nhiên, do giáo viên dạy cho học sinh bình thường, em nghe không rõ nên gia đình lại phải thuê thêm gia sư để kèm riêng em tại gia. Đặc biệt, giáo trình cấp 1 em có thể học chung cùng các bạn nhưng lên cấp 2 và cấp 3, em thấy đuối bởi tài liệu này không phù hợp với người khuyết tật học hòa nhập", Vũ cho hay.
Chia sẻ thêm với PV Dân trí, anh Nguyễn Tuấn Linh, giáo viên Trường dạy trẻ điếc Nhân Chính (Hà Nội), Trưởng ban Vận động Hội Người điếc Việt Nam chia sẻ, hồi nhỏ, anh không được học ngôn ngữ kí hiệu và không có văn bản nào yêu cầu trong nhà trường, giáo viên phải có ngôn ngữ đó.
Học sinh đang sử dụng ngôn ngữ kí hiệu ở Quảng Ngãi (Ảnh: Hồng Long).
Hiện, hệ thống giáo dục riêng cho trẻ điếc vẫn chưa có nên nhiều trường đang dùng ngôn ngữ lời nói để dạy cho trẻ điếc và nếu có chăng nữa thì vẫn chưa phù hợp. Các tài liệu của học sinh khiếm thính vẫn đang dùng là của trẻ nghe nên gặp nhiều rào cản. Chẳng hạn cô giáo nói "năm" nhưng trẻ khiếm thính tưởng là "nằm", cô nói "một" thành "bốn" nên những đứa trẻ điếc rất khó khăn.
Nói tóm lại, theo anh Linh, việc thiếu ngôn ngữ kí hiệu, thiếu phương pháp, người điếc chỉ được học tóm tắt kiến thức chứ không phải hệ thống kiến thức đầy đủ nên những người đó sau này ra đời, họ gặp rất nhiều khó khăn do không có nền tảng từ cấp mầm non.
Đặc biệt, các trường dành cho trẻ điếc bây giờ vẫn chủ yếu chỉ có cấp tiểu học, chưa có cấp cao hơn nên trẻ điếc gặp nhiều khó khăn trong học tập.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Linh cho rằng, nếu nói Dự thảo Luật Giáo dục đang "bỏ rơi" người khuyết tật cũng có phần đúng, bởi các điều khoản trong đó đang rất chung chung, chưa thay đổi để cụ thể hóa và hướng đến người khuyết tật. Người điếc và người mù chưa có các điều khoản riêng.
Đề xuất bổ sung một số điều khoản
Ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) cho rằng, từ dự thảo đầu tiên đến nay đã hơn 10 lần sửa đổi. Đây là sự chuẩn bị rất công phu của Ban soạn thảo nhưng có một số điều cần bổ sung để đầy đủ hơn.
Với các đối tượng chưa được quan tâm, dự thảo luật cần nêu để đảm bảo bình đẳng. Ông lấy dẫn chứng, chẳng hạn những người câm điếc, mặc dù khỏe mạnh thông minh nhưng giao tiếp thế nào để thuận tiện và đặc biệt, đối tượng này chưa được luật quan tâm đến, vì vậy cần đưa vào những điều khoản nào, những từ nào cho phù hợp.
"Nhiều khi chỉ một từ nhưng rất quan trọng với rất nhiều người, đặc biệt những người yếu thế cần được quan tâm nhiều hơn", ông Nhĩ nói.
Anh Nguyễn Tuấn Linh, giáo viên Trường dạy trẻ điếc Nhân Chính (Hà Nội), Trưởng ban Vận động Hội người điếc Việt Nam cho rằng, cần đưa vào luật một số điều để công bằng cho học sinh khuyết tật. (Ảnh: Đ.Q).
Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch VAEFA cũng cho rằng, dự thảo đã có nhiều lần sửa đổi tích cực nhưng vẫn cần một số sửa đổi. Chẳng hạn, tăng cường và nói rõ hơn về giáo dục cho người khuyết tật. Chẳng hạn khoản 9 điều 2 của dự thảo có nói: "Nhà nước tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc".
Tuy nhiên, cộng đồng hiện còn rất nhiều người khuyết tật nên kiến nghị bổ sung thêm ở điểm này là: "Nhà nước tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc và người mù được học chữ Braille, người điếc được học ngôn ngữ kí hiệu".
"Chỉ cần một số chữ này thì sẽ thuận lợi hơn bởi hiện nay ngôn ngữ kí hiệu chưa được công nhận, chưa kể việc thiết kế bài giảng và làm từ điển", ông Phương cho biết.
"Hiện nhiều học sinh khuyết tật còn khó khăn khi đi xin học ở các trường. Việc được nhận vào học hay không, còn do quan điểm của người đứng đầu trường đó.
Tuy nhiên, khi được đưa vào luật và trở thành yêu cầu là bắt buộc, tôi nghĩ, việc học tập của học sinh khuyết tật ở tất cả mọi trường học sẽ dễ dàng hơn.
Thứ hai, nên có một chương trong đó, có điều khoản liên quan đến học sinh khuyết tật để đưa ra các quyền lợi của các em, là đối tượng học sinh khuyết tật khi được tham gia vào việc phát triển và cập nhật các chương trình đào tạo, trách nhiệm của các sở giáo dục trong việc tiếp nhận các học sinh khuyết tật, các thành phần là nữ để đảm bảo bình đẳng giới, các học sinh có giới tính đặc biệt được đối xử bình đẳng ra sao...".
Ông Lê Viêt Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT)
Hoặc ở điều 12, theo ông Phương, khi dự thảo đề cập đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân có ghi: "Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, giới tính nam nữ"... đề xuất bổ sung thêm cụm từ "và các giới tính khác" để thuận lợi trong học tập cho các học sinh có giới tính khác ngoài nam và nữ.
Điều này cũng được ông Trần Quang Thọ, đại diện cho nhóm đồng tính, song tính, chuyển giới tại Hà Nội đồng tình. Ông Thọ cho hay, ở điều 12, dự thảo chỉ mới đề cập đến giới tính nam, nữ. Hiện đã có luật cho những người đồng tính, do vậy việc học tập của các học sinh này cũng nên đưa vào luật để đảm bảo công bằng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Linh, ngoài các từ ngữ cần phải đưa thêm vào dự thảo luật, cần cho người khuyết tật được tham gia thẩm định các sản phẩm dành cho họ trước khi ban hành.
"Thực tế khoảng năm 2000, Bộ GD&ĐT có soạn thảo tài liệu học tập cho người điếc nói riêng nhưng do không được đối tượng này thẩm định nên khi phát hành ra, họ thấy nhiều thứ không phù hợp", ông Linh nói.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Tinh giản biên chế máy móc là nguyên nhân khiến thiếu giáo viên? Học sinh tăng mạnh theo từng năm trong khi giáo viên thiếu nghiêm trọng nhưng lại bị cắt giảm biên chế 10% mỗi năm. Đáng lo là, từ năm học 2019-2020 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong khi cả nước đang thiếu 40.000 giáo viên. Thiếu giáo viên kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục....