SGK có cần nghìn tỷ?
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, biên soạn mỗi bộ SGK cho từng lớp học chỉ cần khoảng 3 tỷ đồng. Tính chi ly, thì để có bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ phải chi tầm 36 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Dư luận thêm một phen choáng váng trước thông tin Bộ GD-ĐT dự kiến kinh phí trên 34 ngàn tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015. Khi nghe Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chu tich Quôc hôi Nguyên Sinh Hung cảnh báo: “Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu… Các đồng chí mới nói được là chương trình, sách giáo khoa phải đổi mới. Nói vậy thì đúng rồi. Nhưng vấn đề là đổi mới thế nào, phải thế nào để đáp ứng mục tiêu đó thì tôi không thấy rõ”.
Vấn đề này tiếp tục nóng bỏng tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ GD-ĐT. Trước những câu hỏi bức xúc và hoài nghi của giới truyền thông, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, kinh phí chi trực tiếp cho việc biên soạn chương trình – sách giáo khoa chỉ có 5 ngàn tỷ đồng thôi, ngoài ra còn chi 7-8 khoản khác. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là đề án này nhằm chuyển từ việc chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Nghĩa là việc đổi mới này nhắm đến mục tiêu thay đổi phương pháp dạy học, mà phải chi đến hàng chục ngàn tỷ đồng?
Chất lượng giáo dục nước ta đang đứng trước nhiều thử thách. Điều ấy ai cũng biết, nhưng nhiều hội thảo lớn nhỏ vẫn chưa tìm ra hướng đi hữu hiệu. Hơn một thập niên qua, rất nhiều kiến nghị lẫn lắm lời phàn nàn về thực trạng khập khiễng của sách giáo khoa. Tuy nhiên, vẫn không có tổng kết nào để thấy rõ bất cập ở đâu, cần thêm bớt gì. Cho nên vung tay quá trán không hẳn sẽ có được chương trình dạy và học như mong muốn của cộng đồng!
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, biên soạn mỗi bộ sách giáo khoa cho mỗi lớp học chỉ cần khoảng 3 tỷ đồng. Tính chi ly, thì để có bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ phải chi 36 tỷ đồng. Đó là cách biên soạn sách giáo khoa hoàn toàn mới mà không hề kế thừa chút nào từ những sản phẩm cũ. Con số chi phí khổng lồ mà Bộ GD-ĐT đưa ra càng khiến bức tranh giáo dục trở nên rối ren hơn.
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế. Tại sao không chuyển giao công nghệ giáo dục từ các quốc gia tiên tiến? Sách giáo khoa bậc phổ thông ở hầu hết các nước đều nhẹ nhàng và khoa học, nếu áp dụng vào thực tế giảng dạy Việt Nam chắc chắn mang lại nhiều kết quả, đồng thời tạo tiền đề cho học sinh Việt Nam có thể theo học một cách dễ dàng tại các trường đại học lừng danh trên thế giới.
Video đang HOT
Sách giáo khoa bậc phổ thông luôn được xem như một tài liệu giảng dạy có tính bền vững cao nhất. Ai dám chắc hàng ngàn tỷ chi ra cho việc biên soạn theo đề án của Bộ GD-ĐT sẽ bảo đảm sự ổn định trong 5 năm hay 10 năm nữa? Nếu cứ nao núng thay đổi thì không chỉ tiên tốn ngân sách, mà còn nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường.
Theo Datviet
Đổi mới sách giáo khoa phải cần tới 34.000 tỷ đồng?
Theo Bộ GD-ĐT, chi phí cho chương trình và SGK chiếm khoảng 5.000 tỷ đồng. Còn hơn 29.000 tỷ đồng dành cho 7 - 8 phần việc khác
Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 vừa được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 có tính khả thi cần khoảng trên 34.000 tỷ đồng đầu tư. Vấn đề này cũng được Bộ GD-ĐT một lần nữa giải thích cụ thể trong buổi họp báo chiều 15/4.
Việc biên soạn SGK mới phải đáp ứng được sự thay đổi trong cách giảng dạy, học tập cũng như đáp ứng được sự đổi mới trong kiểm tra, đánh giá giáo viên và học sinh (ảnh minh họa)
SGK sẽ được biên soạn một mạch từ lớp 1-12, không cắt khúc
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông cho biết, Chương trình đổi mới SGK theo Nghị quyết 40 của Quốc hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và cần thiết phải ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Từ lần đổi mới SGK gần đây nhất là năm 2000 cho đến nay đã là 14 năm. Khoa học công nghệ, tri thức trên thế giới từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi nên chương trình SGK cũ dù đã thẩm định tốt nhưng vẫn còn những bất cập, hạn chế. Vì vậy, để thực hiện Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo thì cần thiết phải thay đổi chương trình SGK.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, việc thay đổi SGK lần này khác những lần trước ở chỗ, chuyển từ cách tiếp cận nội dung, chạy theo kiến thức sang hình thành năng lực, phẩm chất của học sinh. Bản chất của sự thay đổi này là không chỉ yêu cầu học sinh biết cái gì mà phải biết làm gì khi vận dụng kiến thức đó vào trong cuộc sống. SGK mới phải đáp ứng được sự thay đổi trong cách giảng dạy, học tập cũng như đáp ứng được sự đổi mới trong kiểm tra, đánh giá của giáo viên và học sinh.
Công tác biên soạn SGK sẽ thực hiện một mạch từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không làm theo kiểu cắt khúc, cuốn chiếu như trước kia.
Do yêu cầu tích hợp nên, Đề án đổi mới SGK sẽ giảm bớt được số lượng môn học, lựa chọn nội dung kiến thức để học sinh vận dụng tốt. Bộ GD-ĐT đã tiếp thu kinh nghiệm biên soạn SGK trên thế giới nên SGK mới không phân ban, giữa các ban, học sinh chỉ học một số môn bắt buộc, còn lại các môn khác cho học sinh tự chọn.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đổi mới chương trình, SGK lần này trên tinh thần tận dụng trang thiết bị hiện có, chỉ bổ sung những thứ thật sự thiết thực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy và học tập. Số kinh phí đầu tư cho trang thiết bị không nhiều như những lần trước. Bộ GD-ĐT sẽ đưa những tiêu chuẩn tối thiểu để các địa phương và trường học trên cả nước đảm bảo triển khai chương trình SGK mới.
Vấn đề về số tiền cho Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội
Hơn 34.000 tỷ đồng không chỉ biên soạn SGK mà còn 7 - 8 đầu việc khác
Vấn đề thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí là trong những lần trình Đề án trước, để đổi mới chương trình SGK, Bộ GD-ĐT đã đưa ra con số 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong lần giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển rút ngắn con số này xuống còn hơn 34.000 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi thắc mắc về sự thay đổi trên của đông đảo phóng viên báo chí, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh, con số 34.000 tỷ đồng chỉ là kinh phí dành cho đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Ngoài ra, trong giải trình gửi Chính phủ, Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 đề án nữa là Đề án Đổi mới đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, và Đề án Xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Con số 34.000 tỷ đồng chỉ là khái toán cho 7 - 8 đầu việc, không chỉ mình chương trình, SGK mà còn là bồi dưỡng, đào tạo lại hàng triệu giáo viên đang đứng lớp của 35.000 trường học trên cả nước và nhiều hạng mục đầu tư khác trong cả chục năm tới.
"Đổi mới chương trình và SGK chỉ là tên Đề án, trong Đề án còn có chi tiết nhiều phần việc khác. Trong đề án này, chi phí làm chương trình và SGK chiếm khoảng 5.000 tỷ đồng. Còn lại hơn 29.000 tỷ đồng dành cho 7 - 8 phần việc khác như bồi dưỡng giáo viên, đầu tư trang thiết bị dạy học...
Trước hết, Bộ GD-ĐT mới chỉ làm khái toán sơ bộ. Số tiền dành cho Đề án còn phải thẩm tra nhiều lần. Bộ không giấu diếm số tiền, nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nói con số chính xác là rất khó. Sự biến động kinh tế- xã hội chỉ trong vòng 2 năm tới cũng đã là rất lớn, chưa nói đến việc tới năm 2023 mới kết thúc Đề án đổi mới chương trình SGK"- ông Thống nói.
Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 còn phải trải qua quá trình thẩm định của Bộ Tài chính và nhiều cơ quan khác cũng như sự thẩm tra của Quốc hội.
Ngay sau khi giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/4, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Uỷ ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Theo định hướng của Ủy ban là vẫn quyết tâm đưa Đề án ra Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5 tới với yêu cầu Bộ GD-ĐT bổ sung những góp ý trong buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4 một cách đầy đủ.
Nếu không có gì thay đổi, ngày 25/4, Uỷ ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định lại Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dựa trên cơ sở thẩm định của Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để thẩm định chính thức. Nếu được mới đưa ra Quốc hội đóng góp ý kiến vào tháng 5/2014./.
Theo VNE
Nóng chuyện 34.000 tỷ đồng và thi tốt nghiệp Hôm qua, tại cuộc họp báo định kỳ quý I/2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức, các nhà báo tập trung chất vấn lãnh đạo Bộ này hai vấn đề nóng nhất hiện nay: hơn 34.000 tỷ đồng cho đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa và những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Riêng đề tài "34.000 tỷ",...