Sếp Viettel: ‘Việt Nam chuyển đổi số hiệu quả nhất chỉ trong hai năm 2019 và 2020, chậm sẽ mất cơ hội’
Nhận định thời gian chuyển đổi số hiệu quả nhất là trong vòng 2 năm 2019 – 2020, ông Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch kiêm TGĐ Viettel lo ngại nếu chậm ban hành khung pháp lý cho chuyển đổi số, Việt Nam sẽ bị muộn so với thế giới.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT được tổ chức mới đây, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, CMC đều tuyên bố định hướng định hướng chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.
Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng cho rằng, 2 yếu tố quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số là môi trường pháp lý phải đầy đủ, khả thi; và phải có hạ tầng viễn thông rộng khắp, chất lượng cao.
Cũng tại hội nghị này, người đứng đầu tập đoàn Viettel đã đưa ra một số kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi của các nhà mạng, trong đó có Viettel sang mô hình nhà cung cấp dịch vụ số.
Cụ thể, ông Dũng cho hay, trong năm 2018, môi trường viễn thông Việt Nam đã có cải thiện đáng kể, các hiện tượng bán phá giá, SIM rác, thông tin giả về khách hàng đã dần được khắc phục. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã bước đầu bàn bạc và hợp tác với nhau.
“Đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục duy trì và cải thiện môi trường đó để các doanh nghiệp có đủ điều kiện và nguồn lực phát triển dịch vụ số, đồng thời Bộ cũng cần có chế tài mạnh để giải quyết các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong việc cung cấp nội dung số không bản quyền”, ông Dũng kiến nghị.
Đề cập đến việc công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam, Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng cho rằng, 2 yếu tố quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số là môi trường pháp lý phải đầy đủ, khả thi; và phải có hạ tầng viễn thông rộng khắp, chất lượng cao.
Ông Dũng đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Theo lãnh đạo Viettel, điều cần thiết là phải nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử, chữ ký số. Xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia cũng là một cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công.
Khẳng định Việt Nam cần quy hoạch thiết kế xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia một cách đồng bộ, ông Dũng cũng chính thức đề nghị Chính phủ cấp phép cho Viettel tham gia vào phát triển thanh toán số gồm những dịch vụ: dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung, dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử giá trị nhỏ.
Bày tỏ sự lo ngại về thời điểm ban hành khung pháp lý cho chuyển đổi số tại Việt Nam, người đứng đầu Viettel chia sẻ: “Theo tôi tại Việt Nam, thời gian cho chuyển đổi số hiệu quả nhất chỉ trong vòng 2 năm 2019 – 2020, còn sau đó thì chúng ta sẽ bị muộn so với thế giới. Nếu bị kéo dài, sẽ rất căng cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Ông Dũng cũng bổ sung thêm: “Về khung pháp lý, chẳng hạn như chiến lược về chuyển đổi số tôi nghĩ chúng ta cần làm xong trong năm 2019; giấy phép về thanh toán số, hạ tầng thanh toán số Việt Nam chắc cũng chỉ là trong nửa năm 2019 phải có hết thì may ra mới làm kịp. Còn các thủ tục pháp lý khác, theo tôi chậm nhất là trong năm nay cũng phải xong hết”.
Cùng với đó, để Việt Nam có được hạ tầng viễn thông rộng khắp và chất lượng cao, đại diện lãnh đạo Viettel kiến nghị Bộ TT&TT nhanh chóng quy hoạch tần số và cấp phép thử nghiệm 5G, tiến đến triển khai mạng 5G.
Video đang HOT
Trả lời kiến nghị của Chủ tịch Viettel về đề xuất sớm xây dựng và ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Cục trưởng Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, Bộ đã đưa vào chương trình công tác đăng ký trình Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chủ năm 2019 nhiệm vụ xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia. Đề án này sẽ đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, các lĩnh vực trọng điểm của chuyển đổi số, ví dụ như chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong y tế, giáo dục đào tạo, phúc lợi xã hội…; đồng thời Đề án này cũng sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chuyển đổi số, với phân công trực tiếp.
“Bản Đề án này chúng tôi coi tương đương với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Các cơ quan, đơn vị trong Bộ sẽ phối hợp cùng với các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước liên quan xây dựng thật tốt Đề án này để chúng ta có được kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số quốc gia”, ông Phúc nói.
Trong kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số quốc gia vừa giúp đất nước phát triển vừa tạo ra rất nhiều thị trường mới cho các doanh nghiệp.
Đề cập đến cách làm, Bộ trưởng chỉ đạo, những việc thế giới chưa ai làm thì có thể chúng ta sẽ mất thời gian khoảng 6 tháng để soạn thảo; ngay cả trong trường hợp trên thế giới chưa có ai làm, chúng ta cũng cần soạn theo tinh thần vừa làm vừa dò dẫm, không cầu toàn.
Với chuyển đổi số, Việt Nam gần như là nước cuối cùng trong ASEAN, có nghĩa là chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm để học. Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu đề án chuyển đổi số quốc phải ký được trong tháng 12 năm nay. Muốn được như vậy, đến ngày 15/4 Cục Tin học hóa phải xong được dự thảo Đề án để gửi xin ý kiến các bên liên quan.
Xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, chính thức đưa khái niệm nền kinh tế số, xã hội số vào đời sống xã hội đã được Bộ TT&TT xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Bộ trong năm 2019. Trước đó, trong năm 2018, Lãnh đạo Bộ TT&TT đã phê duyệt chủ trương xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia trong năm nay. Việc chủ trì soạn thảo Đề án này được Bộ TT&TT giao Cục Tin học hóa.
Theo ICTNews
MobiFone bị tố gây khó khi khách hàng chuyển mạng giữ số
Cho rằng, chất lượng mạng kém, thái độ phục vụ nhân viên thiếu chuyên nghiệp, khách hàng ở Kiên Giang quyết định chuyển sang nhà mạng khác sau 16 năm sử dụng. Tuy nhiên, khách hàng đã bị MobiFone gây khó dễ?!
Bà Vân gửi thư tới các cơ quan chức năng phản ánh về việc nhà mạng MobiFone gây khó, kéo dài thời gian khi bà chuyển mạng giữ số
Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, đại diện cho Công ty CP Lến Minh Đức, ở xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành - Kiên Giang), đang sở hữu số thuê bao 0903336xxx, bị nhà mạng MobiFone (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) gây khó, cố tình không chuyển đổi mạng theo quy định khi khách hàng yêu cầu.
Theo bà Vân, số thuê bao 0903336xxx bà đã sử dụng 16 năm nay (11 năm đứng tên cá nhân bà Vân. Sau khi thành lập công ty, số thuê bao đứng tên công ty 5 năm nay, đều do bà Vân sử dụng).
Từ đầu tháng 12/2018, bà Vân thực hiện thao tác chuyển mạng từ nhà mạng MobiFone sang nhà mạng khác.
Mới đây, có dịch vụ chuyển đổi mạng giữ nguyên số. Do đa số khách hàng của công ty bà dùng nhà mạng khác nên bà quyết định chuyển số thuê bao của nhà mạng MobiFone sang cùng nhà cho thuận lợi giao dịch.
Ngày 3/12/2018, bà Vân nhắn tin gửi nhà mạng để chuyển mạng theo quy định. Bên nhà mạng nhắn lại nói vướng mắc nên chưa giải quyết được. Bà trực tiếp đến nhà mạng để xử lý. Tại đây, nhân viên hỏi tại sao bà chuyển? Bà cho biết, khách hàng của bà dùng mạng khác nên bà chuyển cùng mạng cho rẻ phí. Khách hàng thấy chỗ nào phục vụ tốt thì người ta sử dụng, MobiFone phục vụ không tốt nữa nên bà chuyển.
Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2019, sau hơn 1 tháng, thuê bao mà bà Vân chuyển mạng vẫn chưa được thực hiện
"Nhân viên nhà mạng cho biết, sẽ chuyển sang bộ phận chuyên môn để xử lý. Tuy nhiên, khi tôi về nhà có người xưng là Giám đốc chi nhánh, điện hỏi nguyên nhân chuyển mạng, tôi nói nguyện vọng của mình như vậy. Ông nói, nếu chị nói vậy để tôi giải quyết cho chị. Nhưng nhà mạng không giải quyết mà tối ngày cho hết người này điện đến người kia điện hỏi nguyên do tại sao tôi chuyển", bà Vân bức xúc.
Bà Vân cho biết thêm, bà sử dụng mạng MobiFone lâu rồi, nhưng thấy thủ tục chuyển mạng, giữ số quá lâu rườm rà nên cảm thấy nản. Nhưng MobiFone giữ thuê bao của tôi lại không có lý do chính đáng. Vì cam kết tôi đã xử lý xong, đóng phí nóng tôi cũng đã đóng rồi, nhưng họ cứ nói vướng mắc một thứ gì đó chưa giải quyết xong. Tôi xin gặp người nào đó cấp cao của nhà mạng để giải quyết nhưng không gặp được, còn nhà mạng cứ hứa hẹn, kéo dài thời gian.
Bà Vân đánh giá, 3 năm trở lại đây, chất lượng mạng MobiFone không tốt, nhân viên phục vụ thiếu chuyên nghiệp, ở vùng bà sống mạng yếu hơn nhà mạng khác, nên bà hạn chế dùng mạng MobiFone mà dùng song song thuê bao của nhà mạng khác.
Bà Vân cho rằng, nhà mạng MobiFone đang gây khó khi khách hàng chuyển mạng, giữ số
Bà Vân yêu cầu nhà mạng MobiFone chuyển mạng cho bà theo quy định.
Để làm rõ những nội dung bà Vân phản ánh, sáng 15/1/2019, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã liên hệ với Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Tòa nhà MobiFone, lô VP1, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để xác minh làm rõ. Nhưng đến thời điểm này, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chưa phản hồi.
11 điều kiện chuyển mạng giữ số:
1. Thuê bao hoạt động 2 chiều tại nhà mạng chuyển đi
2. Thông tin thuê bao đăng ký chuyển mạng trùng khớp với thông tin thuê bao đăng ký tại nhà mạng chuyển đi. Bao gồm: số giấy tờ, ngày cấp, nơi cấp, đối tượng khách hàng (cá nhân/doanh nghiệp)
3. Thuê bao không nợ cước
4. Thuê bao không đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) hoặc đã hủy roaming trên 60 ngày.
5. Cước nóng của 1 thuê bao trả sau nhỏ hơn 100.000đ. (Quy định mới của bộ TTTT từ 03/12/18 mức cước nóng quy định mới là nhỏ hơn 500.000đ)
6. Các thuê bao chung 1 hợp đồng phải thực hiện đồng thời trong 1 yêu cầu chuyển mạng
7. Thuê bao không vi phạm hợp đồng, cam kết với nhà mạng chuyển đi và không trong quá trình tranh chấp, chuyển quyền sở hữu, không treo dịch vụ vì lý do pháp lý.
8. Thuê bao hoạt động lần đầu tại nhà mạng gốc có thời gian hoạt động trên 6 tháng (tính từ ngày kích hoạt hay đấu nối dịch vụ)
9. Thuê bao không có khiếu nại về việc sử dụng dịch vụ với nhà mạng chuyển đi.
10. Số lượng thuê bao trong 1 yêu cầu chuyển mạng không quá 3 thuê bao với khách hàng cá nhân và không quá 100 thuê bao với khách hàng là tổ chức doanh nghiệp.
11. Thuê bao có thời gian chuyển mạng gần nhất lớn hơn 90 ngày và không đang trong quá trình xử lý chuyển mạng của 1 yêu cầu khác.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
VNPT đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2019 VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT...