Sẽ thay thế bài “Hai con ngựa”, “Ve và gà” trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều
Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn và các đoạn/bài “đa nghĩa”.
Trước phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020 (Công văn số 4090/BGDĐT-GDTH ngày 09/10/2020).
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.
Qua rà soát, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn, trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Ban tuyên giáo Trung ương đã nêu cụ thể nội dung chỉnh sửa, cụ thể:
Về vấn đề ngữ liệu của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều
Về cơ bản ngữ liệu trong sách đã đáp ứng được các tiêu chí của ngữ liệu theo quy định trong Thông tư 33.
Phụ huynh cho rằng đây là bài học nhưng lại dạy học sinh cách nói dối, trốn việc. Ảnh: Tùng Dương
Sau quá trình rà soát nghiêm túc các ngữ liệu trong sách, để sách hoàn chỉnh và đảm bảo tính phù hợp hơn, Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị các tác giả điều chỉnh, cung cấp một số ngữ liệu để gợi ý cho giáo viên và các nhà trường lựa chọn sử dụng trong quá trình tổ chức dạy học.
Về từ ngữ
Video đang HOT
- Một số từ ngữ như: “nhá”, “nom”, “quà…quà,..”, Hội đồng thẩm định đã khuyến nghị ở Biên bản vòng 1, sau khi rà soát sách, Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp và hay hơn.
- Một số từ ngữ được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng như: “chén”, “cuỗm”, “tợp”, “dưa đỏ”, “lồ ô”, “be be”, “lỡ xô”, “bê đồ” “ti vi”, “bế”, “khổ mỡ”, Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp.
Đoạn/bài
- Một số đoạn/bài như : “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá”, “Lừa, thỏ và cọp”, sau khi rà soát sách, Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị tác giả thay thế văn bản.
- Một số đoạn/bài khác được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng như: “Ve và gà”, “Ước mơ của tảng đá”, “Quạ và chó”, Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả thay thế văn bản khác cho phù hợp.
Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn và các đoạn/bài “đa nghĩa” (đã xuất hiện khá nhiều trong bộ sách). Các tác giả nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Đừng để người thiếu trách nhiệm tiếp tục biên soạn, thẩm định sách giáo khoa
Bà Bùi Thị An cho rằng, sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều nhiều sạn, sai cơ bản trước tiên do tác giả, nhưng trách nhiệm trên hết vẫn là Hội đồng thẩm định.
Sau một thời gian đưa vào dạy và học, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cụ thể bộ sách Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng bộ sách có một số nội dung không phù hợp, thậm chí phản cảm.
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, phụ huynh và không ít chuyên gia, đại biểu Quốc hội, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả và thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Đến nay dư luận, đặc biệt các phụ huynh băn khoăn về quy trình sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 sẽ như thế nào, việc sửa chữa có ảnh hưởng đến việc học của học sinh hiện nay hay không, thời gian sửa chữa trong bao lâu.
Trở lại vấn đề dưới góc độ chuyên môn, không ít chuyên gia, nhà ngôn ngữ cho rằng, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều không phải có nhiều hạt sạn, mà là sai cơ bản.
Cuốn sách được cho rằng sai cả về phương pháp biên soạn và sai về ngôn ngữ khi người biên soạn khá ngô nghê trong việc giải thích các từ ngữ cho học sinh mới 6 tuổi.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, Hội đồng thẩm định chưa làm hết trách nhiệm khi thẩm định bộ sách Cánh Diều. Ảnh: Vietnamnet.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 thẳng thắn cho rằng: "Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều chưa làm hết trách nhiệm.
Khó có thể thuyết phục được dư luận nếu Hội đồng thẩm định nói đã từng khuyến cáo "sạn" trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều nhưng tác giả không sửa.
Bởi Hội đồng thẩm định thông qua, thẩm định khi sản phẩm cụ thể ở đây là bộ sách giáo khoa phải sạch, chuẩn. Từng đó con người trong Hội đồng thẩm định nên không thể nói đã khuyến cáo mà tác giả không sửa".
Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng phân tích: "Sách Tiếng Việt lớp 1 như vậy là quá nặng và cần phải lược bỏ bớt đi.
Đừng để các cháu mới 6 tuổi khi còn đang ngây thơ, trong sáng như vậy lại học quá nhiều, học chương trình quá nặng. Các em còn thời gian đâu mà chơi, thời gian đâu mà phát triển toàn diện bản thân.
Chương trình cần giảm tải để các cháu còn thời gian học bơi, học đàn, chơi thể thao...".
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xem lại bộ sách giáo khoa này một cách nghiêm túc. Đừng để các cháu sớm thành ông cụ, bà cụ. Như vậy sẽ không tốt cho nguồn lực tương lai của đất nước", Phó Giáo sư Bùi Thị An nói.
Sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều được cho là không phải sạn mà sai cơ bản. Ảnh: VOV.
Một lần nữa Phó Giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh: "Cần phải lược những cái không cần thiết trong bộ sách lớp 1 mới đi để các cháu có thể phát triển bình thường, lớn lên đảm bảo phát triển nguồn lực chất lượng phục vụ đất nước.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, những người phụ trách, có trách nhiệm với chương trình sách giáo khoa phải kiên quyết làm được bộ sách phù hợp và tốt nhất cho các em.
Với những người không làm được việc phải loại ra chứ đừng để họ tham gia vào công việc biên soạn sách, thẩm định bộ sách mới".
Đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An thẳng thắn chỉ rõ: "Bộ sách như vậy chưa đảm bảo được mục tiêu ban đầu về bộ sách giáo khoa lớp 1. Bởi vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại và kiên quyết chỉ đạo để không xảy ra tình trạng như vậy trong năm học tiếp theo".
Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Theo đó, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa theo một chương trình thống nhất, trong đó sách giáo khoa có vai trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
Có không ít ý kiến cho rằng, sách giáo khoa theo chương trình mới chỉ đóng vai trò là tài liệu, nhưng ngữ liệu trong sách vẫn phải đảm bảo đạt chuẩn cả về mặt ngôn ngữ, tư duy logic, các từ được sử dụng đúng ngữ nghĩa, phù hợp lứa tuổi... Có như vậy mới có thể xem là chất liệu tốt để giáo viên xây dựng được bài giảng hấp dẫn, giúp học sinh tiếp thu bài học một cách tốt nhất có thể.
Linh hoạt dạy học trong khi chờ tài liệu chỉnh sửa SGK 'lắm sạn' Theo nhiều giáo viên, trong thời gian chờ Nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều in tài liệu chỉnh sửa, họ phải linh hoạt lờ đi nội dung một số bài học, tìm từ ngữ phổ thông thay thế từ địa phương. SGK Tiếng Việt 1 áp dụng năm học 2020-2021 Chỉnh sửa nội dung...