Sẽ thanh tra, kiểm tra đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 trong giáo dục
Thời gian qua, công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 ở nhiều trường trung cấp, cao đẳng và đại học diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Để chấn chỉnh vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang tăng cường thanh, kiểm tra để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Tại Thông tư số 07 ngày 15/3/2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành các giải pháp chấn chỉnh tình hình liên kết đào tạo trình độ đại học. Theo đó, các cơ sở đào tạo giáo dục đại học phải tuân thủ quy định này.
Tuy nhiên, một số trường trung cấp, trung tâm đào tạo, trường cao đẳng đã thực hiện liên kết, liên thông, mở văn bằng 2 với một số trường đại học sai quy định. Vì thế, thời giai tới, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học, học viện, báo cáo về việc liên kết đào tạo trong nước (Công văn số 1434/BGDĐT-GDĐH ngày 05/4/2019). Trên cơ sở kết quả tổng hợp báo cáo, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, kiểm tra và có các giải pháp chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo đối với các cơ sở thực hiện chưa đúng quy định.
Chương trình kiểm tra, yêu cầu các cơ sở đào tạo đại học rà soát toàn bộ các hoạt động trong công tác tuyển sinh và đào tạo liên thông, văn bằng 2, liên kết đào tạo; bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện có tổ chức, cá nhân mạo danh cơ sở giáo dục đại học để thông báo tuyển sinh và đào tạo sai quy định, cơ sở giáo dục đại học phải kịp thời có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng can thiệp và báo cáo Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định hiện hành về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định trách nhiệm quản lý về liên kết đào tạo trên địa bàn đối với các cơ quan quản lý giáo dục bảo đảm phù hợp với thực tế.
Video đang HOT
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục. Tổ chức thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thực hiện cơ chế tự chủ, vấn đề dân chủ trong nhà trường, hoạt động liên kết đào tạo, văn bằng chứng chỉ, công tác thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm, an toàn trường học, đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên và giáo viên.
Theo baovephapluat
Mập mờ tuyển sinh liên thông đại học
Một số trường trung cấp có văn bản thông báo phối hợp với trường đại học để tuyển sinh liên thông khối ngành sức khỏe, học ngay tại trường trung cấp, nhưng phía trường đại học lại nói "không biết".
Các thông báo về việc tuyển sinh liên thông của 2 trường trung cấp
Học tại trường trung cấp được nhận bằng đại học ?
Mới đây, Trường trung cấp (TC) Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản thông báo tuyển sinh liên thông từ TC, cao đẳng (CĐ) lên đại học (ĐH) chính quy chuyên ngành dược học và điều dưỡng. Thời gian đào tạo từ TC lên ĐH là 3 năm, CĐ lên ĐH là 2 năm, học vào thứ bảy và chủ nhật. Người học hoàn thành chương trình sẽ được Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cấp bằng.
Văn bản có chữ ký của hiệu trưởng và có đóng dấu đỏ này nêu rõ trường sẽ nhận hồ sơ đến hết ngày 17.3, sẽ ôn thi từ ngày 23.3 (lệ phí 2,4 triệu đồng/người) để giữa tháng 4 thi và tháng 5 khai giảng.
Liên hệ với số điện thoại ghi trên văn bản để đăng ký học ngành điều dưỡng, chúng tôi gặp bà Đặng Thị Trâm, cán bộ của Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà Trâm cho biết: "Hiện tại chỉ có lớp dược mới đủ học viên. Ngành điều dưỡng mới chỉ có vài người đăng ký nên em muốn học phải đợi đủ số lượng. Chừng nào đủ 40 học viên thì trường sẽ thông báo". Bà Trâm nói thêm giảng viên sẽ từ Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vào dạy, mỗi học kỳ học phí là 13 triệu đồng/học viên.
Trong khi đó, Trường TC Y tế Tây Ninh có văn bản gửi Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh về việc "khảo sát nhu cầu liên thông". Văn bản này có ghi: "Căn cứ vào biên bản làm việc giữa 2 trường: Trường TC Y tế Tây Ninh và Trường ĐH Công nghệ miền Đông thống nhất sẽ tuyển sinh lớp liên thông ĐH dược chính quy với nội dung như sau: dược sĩ CĐ, dược sĩ TC với hình thức thi tuyển theo quy chế đào tạo ĐH khối ngành sức khỏe. Địa điểm mở lớp: Trường TC Y tế Tây Ninh (học các môn cơ sở lý thuyết, tiền labo), ĐH Công nghệ miền Đông (học thực hành). Nếu học tại Trường ĐH Công nghệ miền Đông, trường sẽ có ký túc xá ở miễn phí cho SV học tại trường. Học viên có bằng CĐ sẽ học thêm 5 học kỳ, 2 năm rưỡi và TC là 7 học kỳ tương đương 3 năm rưỡi. Lớp có ít nhất 80 sinh viên/lớp". Học phí để học khóa này là 40 triệu đồng. Theo văn bản này, phụ trách giảng dạy là giảng viên đến từ Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Dược Hà Nội...
Liên hệ với bà Nguyễn Kim Ngân, cán bộ phòng đào tạo Trường TC Y tế Tây Ninh, bà Ngân cho biết trường đang khảo sát nhu cầu người học, sau đó nếu đủ người học thì phía Trường ĐH Công nghệ miền Đông mới xin chỉ tiêu rồi ra thông báo tuyển sinh. "Nếu em muốn đăng ký thì đến Trường TC Y tế Tây Ninh, chắc vài tháng sau mới tổ chức tuyển sinh chứ hiện tại chưa đủ người nên chưa có văn bản thông báo chính thức", bà Ngân nói.
Đại diện cả hai trường TC trên đều cho biết khi đăng ký dự thi liên thông, học viên không cần có chứng chỉ hành nghề, trong khi Quyết định số 18 về liên thông (tháng 5.2017) quy định khối ngành sức khỏe chỉ áp dụng thi tuyển sinh liên thông riêng đối với người đã có chứng chỉ hành nghề.
Trường trung cấp nói "có", trường đại học nói "không"
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Hà Đức Trụ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, thể hiện sự bất ngờ: "Tôi không biết gì hết về việc liên thông này. Nếu học thì phải về trường học chứ. Có gì để tôi hỏi lại...". Chúng tôi tiếp tục liên hệ với PGS-TS Phạm Dương Châu, Phó hiệu trưởng phụ trách khối bảo vệ sức khỏe của trường, thì tiến sĩ Châu cũng cho biết: "Tôi không nghe đến việc này, chắc là không có. Nếu có tổ chức liên thông ở trường đó thì ban giám hiệu chúng tôi phải biết chứ. Tôi sợ là họ tự ý mượn danh Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội để tuyển sinh, đào tạo. Chứ nếu có chương trình liên thông mà chưa được hội đồng khoa học trường thông qua thì chắc là có vấn đề".
Thế nhưng ông Hà Sỹ Trí Danh, Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế kỹ thuật Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, lại thông tin: "Có một cô bên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đặt vấn đề nhờ chúng tôi tuyển sinh giùm, nếu được sẽ thuê trường lớp của chúng tôi để dạy. Tuy nhiên, trường chúng tôi không có đào tạo gì về y dược cả nên học viên có vẻ không tin tưởng để đăng ký, hiện mới được hơn chục người. Phải đủ 30 - 40 người mới tổ chức mở lớp được". Như vậy theo ông Danh hiện mới chỉ có việc "nói miệng" giữa một cá nhân bên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và bên trường về việc liên kết đào tạo liên thông này chứ chưa có văn bản nào. Tuy nhiên, không thể có chuyện hai đơn vị có dự định liên kết đào tạo mà lại chỉ làm việc theo kiểu thiếu danh chính ngôn thuận như ông Danh chia sẻ.
Ông Danh còn khẳng định nếu mở lớp thì chỉ là trường cho thuê phòng để học lý thuyết chứ trường không có phòng thí nghiệm, các thiết bị về y tế để dạy thực hành. Những lý lẽ này cũng không hợp lý vì không thể có chuyện một cá nhân nhờ một trường tuyển sinh giùm. Còn thuê phòng học ở một địa phương quá xa như vậy để dạy thì cũng cần có văn bản của Bộ GD-ĐT cho phép liên kết đào tạo. Đó là chưa nói đến chất lượng liệu có đảm bảo khi đào tạo ngành sức khỏe bậc ĐH ở một trường TC không có ngành sức khỏe?
Về thông tin mở lớp liên thông tại Trường TC Y tế Tây Ninh, PGS-TS Trương Giang Long, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trường ĐH Công nghệ miền Đông, cho biết: "Chúng tôi khẳng định chỉ thỏa thuận liên kết với Trường TC Y tế Tây Ninh để phối hợp tuyển sinh chứ không tổ chức thi liên thông và mở lớp liên thông tại trường này. Việc Trường TC Y tế Tây Ninh nói sẽ mở lớp tại trường là không đúng, là họ tự "sáng tác" ra. Chúng tôi chỉ tổ chức đào tạo liên thông ở địa phương khi có sự cho phép của Bộ GD-ĐT và có văn bản đề nghị của UBND tỉnh".
Những thông tin không thống nhất trên cho thấy có sự mập mờ và thiếu chính xác trong việc liên kết đào tạo liên thông giữa trường TC với trường ĐH.
Mọi hình thức tuyển sinh liên thông nếu không có văn bản của UBND tỉnh đề nghị trường ĐH về địa phương mở lớp đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương, hoặc chưa có sự cho phép của Bộ GD-ĐT đều là tuyển sinh "chui". Điều này tạo nên sự hỗn loạn trong công tác tuyển sinh, đào tạo liên thông, khiến cho xã hội ngày càng e ngại về chất lượng đào tạo của hệ này.
Theo Thanh niên
Tối thiểu 100 tỷ đồng mới được thành lập trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thành lập trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có...