Sẽ sửa đổi quy trình xét tuyển năm 2016
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sắp được ban hành sẽ có những sửa đổi nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Đó là thông tin vừa được Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Dự kiến quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ được ban hành trước Tết âm lịch. Trước khi chính thức ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ công bố dự thảo quy chế để lấy ý kiến đóng góp của công luận, thí sinh…
- Thưa thứ trưởng, có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tuyển sinh năm 2015 diễn ra vào tháng 7 quá nắng nóng, gây mệt mỏi cho thí sinh. Vậy năm nay thời điểm tổ chức thi có được Bộ GD&ĐT điều chỉnh?
- Thời gian diễn ra kỳ thi sẽ vẫn là tháng 7. Qua thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, chúng tôi cho rằng thời điểm tổ chức thi như năm 2015 là phù hợp. Vào tháng 7, khi sinh viên đã nghỉ hè, lấy địa điểm tổ chức thi là các trường ĐH thì mới có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cần bộ coi thi để tổ chức kỳ thi.
Về phía thí sinh sẽ có thêm một tháng ôn tập, cũng có sự yên tâm, thoải mái hơn về mặt tâm lý, chuẩn bị cho kỳ thi được kỹ càng hơn. Về yếu tố thời tiết thì cũng khó dự báo trước là tháng 7 có nóng hơn tháng 6 hay không.
Năm 2015 có đặc điểm là tháng 7 diễn ra đợt nóng kỷ lục trong lịch sử. Năm nay diễn biến thời tiết có thể khác. Sau khi cân nhắc, bộ thấy vẫn nên giữ nguyên thời điểm tổ chức thi vào tháng 7.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga . Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Việc tổ chức các cụm thi của năm 2016 dự kiến có thay đổi gì không? Những bất hợp lý trong việc quy định phân chia cụm thi với một số địa phương có được bộ giải quyết?
- Về cụm thi sẽ không có thay đổi gì nhiều so với năm 2015. Kỳ thi năm trước, việc tổ chức các cụm thi được đánh giá tốt, an toàn, thuận lợi cho thí sinh. Vì vậy, năm nay bộ tiếp tục giữ ổn định việc tổ chức các cụm thi theo hai loại: Cụm thi dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, sẽ có một điều chỉnh nhỏ về cụm thi để xử lý tình huống thực tế. Đó là có những thí sinh ở các khu vực giáp ranh nếu đến dự thi tại cụm thi trên địa bàn khác sẽ gần và thuận tiện hơn cụm thi theo đúng quy định. Năm nay, bộ sẽ cho phép những thí sinh ở một số khu vực giáp ranh được tùy chọn cụm thi mà thí sinh thấy thuận tiện nhất.
- Sau kỳ thi tuyển sinh năm 2015, có ý kiến cho rằng mặt bằng điểm thi khá cao, do đề thi phải đáp ứng cả hai mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển ĐH, CĐ. Việc duy trì mục tiêu kép này trong một đề thi liệu có hợp lý, năm nay bộ có điều chỉnh về đề thi của kỳ thi THPT quốc gia không, thưa ông?
“Việc công bố kết quả thi năm 2016 cũng sẽ được điều chỉnh. Bộ sẽ rút kinh nghiệm để khắc phục tình trạng nghẽn mạng, bằng cách công bố kết quả thi đồng thời ở nhiều địa điểm hơn, thay vì chỉ có tám điểm như năm trước nên bị quá tải”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Video đang HOT
- Đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 được các trường ĐH, CĐ đánh giá là đã phân loại được thí sinh, các trường xét tuyển được đầu vào tốt hơn, đồng đều hơn. Đề thi năm 2015 được ra theo định hướng tỉ lệ 60/40.
Trong đó, 60% là nội dung cơ bản và 40% là nội dung nâng cao. Với tỉ lệ này, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu kép là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Phổ điểm thi của năm 2015 cho thấy đề thi có khả năng phân loại tốt, phổ điểm đều từ thấp đến cao, tỉ lệ giữa các mức điểm hợp lý, thuận lợi cho các nhóm trường khác nhau xét tuyển được đối tượng thí sinh có năng lực, trình độ phù hợp.
Vì vậy, đề thi tuyển sinh năm 2016 được bộ xác định là sẽ xây dựng trên nguyên tắc giữ nguyên kết cấu đề thi, mức độ yêu cầu, độ phân hóa… như đề thi của năm 2015. Đề thi sẽ không có thay đổi, nên thí sinh có thể yên tâm ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi.
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi ĐH Sài Gòn. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Năm 2015, việc xét tuyển với quy định được rút, nộp hồ sơ nhiều lần đã gây căng thẳng, quá tải ở một số trường, gây bức xúc cho dư luận. Năm nay, Bộ GD&ĐT có sửa đổi các quy định liên quan đến quy trình xét tuyển, nộp hồ sơ xét tuyển…?
- Qua nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các trường, các chuyên gia và lắng nghe dư luận, dự kiến quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 sẽ chủ yếu điều chỉnh các quy định liên quan đến quy trình xét tuyển.
Những quy định về xét tuyển sẽ là điểm sửa đổi mấu chốt nhất nhằm khắc phục những bất cập đã xảy ra trong quá trình xét tuyển của năm 2015. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, công tác xét tuyển năm 2015 trong quá trình thực hiện còn một số bất cập, nhưng chủ yếu cũng chỉ xảy ra ở những trường có tính cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, bộ vẫn thấy rằng cần có sự điều chỉnh để quy trình xét tuyển hợp lý hơn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và các trường, đảm bảo công bằng trong xét tuyển…
Trên thực tế, rút nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều lần là một chính sách có ưu điểm tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh, vì quyền lợi của thí sinh, nhưng lại thành bất lợi cho một bộ phận thí sinh. Vì thế, trong quy chế tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung điều chỉnh những quy định về xét tuyển, chủ yếu là những quy định mang tính kỹ thuật, để khắc phục những bất cập, có được quy trình xét tuyển thuận lợi hơn cho thí sinh và các trường.
Ví dụ như sẽ quy định thời gian nộp rút hồ sơ ngắn hơn, phương thức nộp đơn xét tuyển đơn giản, thuận tiện hơn để tránh việc phải tập trung đông người tại các trường mà vẫn đảm bảo quyền lợi xét tuyển công bằng của thí sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và xét tuyển…
Đặc biệt sẽ có một điểm mới là thí sinh được nộp nhiều hồ sơ vào cùng một ngành ở các trường khác nhau. Bộ dự kiến quy định như vậy để thí sinh luôn có thể lựa chọn và có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành mình yêu thích nhất. Quy trình xét tuyển nằm trong quy chế tuyển sinh của năm 2016 sẽ được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của thí sinh và công luận, trước khi bộ hoàn thiện và chính thức công bố.
Theo Zing
Thứ trưởng GD&ĐT: 'Sẽ không lặp lại bất cập khâu xét tuyển'
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi THPT quốc gia 2016 cơ bản ổn định như năm ngoái. Những bất cập về tuyển sinh, đặc biệt trong khâu xét tuyển, sẽ được khắc phục triệt để.
Trước thời điểm Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2016 (dự kiến trước tết Nguyên đán), Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan kỳ thi quan trọng này.
- Xin Thứ trưởng cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2016 có điểm gì mới?
- Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Dự thảo quy chế thi và tuyển sinh. Dự thảo này được xây dựng dựa trên ý kiến đóng góp của các trường đại học, cao đẳng và sở GD&ĐT. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng điều chỉnh mức thấp nhất để giữ ổn định tâm lý của học sinh, cũng như phụ huynh.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2015, về cơ bản, dư luận đánh giá công tác tổ chức thi tốt, năm nay chỉ điều chỉnh nhỏ để tốt hơn. Ví dụ, việc sắp xếp các em ở cụm thi quốc gia vùng giáp danh sẽ được xem xét để thuận tiện cho thí sinh. Có thể thí sinh được chọn cụm thi.
Tóm lại, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ cơ bản ổn định như năm 2015. Bộ GD&ĐT chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật về nhận hồ sơ xét tuyển, phương thức xét tuyển để không gây lộn xộn. Cả trường đại học và thí sinh sẽ không gặp khó khăn trong việc thu - nộp hồ sơ.
Thí sinh làm bài thi đại học. Ảnh: Hoàng Hà.
- Trong lần tổ chức một kỳ thi quốc gia đầu tiên, dư luận bức xúc vì khâu xét tuyển nhiều bất cập. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc này. Vậy năm nay có giải pháp gì để thay đổi?
- Thực ra, việc cho phép thí sinh được rút - nộp hồ sơ ở khâu xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi của các em. Bộ GD&ĐT muốn tạo điều kiện cho thí sinh thay đổi nguyện vọng của mình, nhưng có những bất cập nhất định.
Sắp tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho hợp lý hơn để quyền lợi của thí sinh không bị hạn chế và cũng không gây bức xúc trong dư luận. Những bất cập của năm 2015 đều đã có giải pháp và chắc chắn sẽ không lặp lại ở kỳ thi tới.
- Trong các phương án chuẩn bị, khâu nào khiến Bộ GD&ĐT chú trọng nhất?
"Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói, Dự thảo quy chế thi và tuyển sinh sẽ được công bố trước tết Nguyên đán. Sau tết, học sinh đã đăng ký nộp hồ sơ".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
- Hiện chỉ còn băn khoăn khâu xét tuyển, các phần khác cơ bản đều đạt được đồng thuận. Chúng tôi cân nhắc các trường, địa phương, Bộ GD&ĐT làm gì, kỹ thuật như thế nào để thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia xét tuyển.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã hoàn thiện phương án về kỳ thi, chỉ còn một vài ý kiến băn khoăn ở khâu xét tuyển. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến rộng rãi và sẽ sớm có kết luận.
Tuy nhiên, phải nói rằng, không có phương án nào hoàn hảo. Nếu nâng cao quyền lợi của học sinh, các trường sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại. Chúng ta cần chọn phương án ít rủi ro nhất.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
- Bộ GD&ĐT đã chốt lịch thi vào đầu tháng 7 như dự kiến chưa và số lượng cụm thi liên tỉnh có thay đổi không?
- Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa chi tiết dự thảo quy chế thi và tuyển sinh để tham khảo ý kiến của các trường và của toàn xã hội, trong đó đề ra một số phương án. Sau khi xin ý kiến rộng rãi, Bộ tổng hợp và ban hành quy chế chung. Vì kỳ thi này liên quan nhiều thí sinh, cần tham khảo ý kiến của xã hội. Phương án nào đồng thuận cao nhất sẽ được chọn.
Năm nay vẫn giữ hai cụm thi liên tỉnh và địa phương. Số lượng cụm thi sẽ phù hợp và thuận lợi nhất cho thí sinh.
- Những trường khó tuyển sinh có được ưu tiên và hỗ trợ?
- Các trường khó tuyển sinh thường là ngoài công lập, nên chỉ có hội đồng quản trị của các trường này mới có quyền dừng hay tiếp tục tuyển sinh. Nếu họ không vi phạm, Bộ không thể bắt dừng tuyển sinh được. Bộ khuyến khích các trường không tuyển sinh được thì sáp nhập, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Một trong những phương án dự kiến của Bộ GD&ĐT là kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra 3 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Vật lý, mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn Sinh - Lịch sử và Hóa học - Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý.
Bộ GD&ĐT đánh giá, theo lịch thi này, ngày thi thứ ba tổ chức cặp môn cùng giờ nên sẽ ảnh hưởng một số lượng thí sinh có nguyện vọng thi cả hai môn thi.
Tại Hội nghị trực tuyến về rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2015 và tổ chức kỳ thi năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 16/12/2015 tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM), phần lớn đại diện của các Sở GD&ĐT và trường đại học tham dự đều đồng tình phương án giữ ổn định như năm 2015. Một số đại biểu đề cập việc thay đổi nhỏ về cụm thi và tăng quyền cho các Sở GD&ĐT...
Theo Zing
'Nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển qua mạng cho vui' Theo tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Đại học Lạc Hồng, nhiều thí sinh nói thẳng chỉ đăng ký xét tuyển qua mạng để thử cho vui, chứ không có ý định nghiêm túc. Theo dự kiến, phải đến sát Tết Nguyên đán, Bộ GD&ĐT mới công bố quy chế thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016. Tuy...