Sẽ không chọn được người giỏi vào đại học
GS Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch hội đồng khoa học, nguyên Hiệu trưởng THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, bày tỏ lo ngại về phương án thi THPT, tuyển sinh 2017.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2017. Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ đã chuẩn bị cho dự thảo này 3 năm nay và thí sinh cũng đã được làm quen?
Tuy nhiên, GS Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch hội đồng khoa học, nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, lại bày tỏ nhiều lo ngại về chủ trương này.
GS Lương cho biết: Theo ý kiến chung của mọi người hiện nay khi nói về các kỳ thi thường nhắc đến thành công rực rỡ, ít đi lại, không tốn kém còn chất lượng kỳ thi như thế nào lại ít được quan tâm.
Trong giáo dục Việt Nam, chất lượng của 4 năm, 5 năm sau không ai chịu trách nhiệm. Quyết định thay đổi kỳ thi như thế nào phải có người chịu trách nhiệm kết quả 4, 5 năm sau.
Tôi được biết, nhiều phụ huynh đã rất tinh khi chọn trường ĐH cho con. Ngày xưa, người ta thích vào ĐH vì thi ĐH khó nhưng nay thì không thế. Thi cử là đầu vào của ĐH. Cho nên, tôi nghĩ, việc trao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT là xu thế chung của thế giới. Nhưng thi vào ĐH phải cẩn thận không đầu vào ĐH sẽ yếu. Tôi nhắc lại quyết định về giáo dục 5 năm sau nếu sai, ai là người chịu trách nhiệm?
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Việt Hùng.
- Vậy theo ông, năm tới, có thêm hai bài thi tổ hợp, có vội vàng không?
Video đang HOT
- Tôi nghĩ, Bộ chọn thi tổ hợp để tiết kiệm đi lại. Quan trọng là thi cái gì, mức độ thế nào, có phân loại được học sinh không. Tôi chỉ băn khoăn nhất là chất lượng của kỳ thi. Quan trọng nhất có chọn được người giỏi vào ĐH không?
- Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết đã chuẩn bị thi trắc nghiệm, bài thi tổ hợp cũng hình thức thi này cách đây đã 3 năm. Ông nghĩ thế nào?
- Việc đó là do Bộ nói, chứ tôi cũng không quan tâm. Còn theo tôi, thi trắc nghiệm đã là không hay rồi. Vì không kiểm tra được năng lực của học sinh. Tôi nghĩ, không phải cái gì được đồng thuận nhiều cũng là tốt. Phải có đột phá thì mới mạnh.
- Nhưng dư luận đặt câu hỏi, thực tế, Bộ GD&ĐT chưa bao giờ công bố lộ trình đến năm 2017, thí sinh sẽ thi trắc nghiệm môn toán, sẽ có thêm hai bài tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng thi trắc nghiệm?
- Đúng là Bộ không có lộ trình. Nhưng tôi chỉ có một điều cần nói là làm cái gì cũng phải cẩn thận, nhất là trong giáo dục. Giáo dục có cái khó là khi đưa ra chính sách đúng sai bao giờ cũng có tranh cãi.
Thời gian qua, giáo dục Việt Nam có nhiều cái sai nhưng không ai chịu trách nhiệm. Có những bài học trong giáo dục mà các nước tiên tiến đã rút ra như họ dũng cảm bỏ trắc nghiệm còn Việt Nam không ai dám nói nên cũng dở.
Theo tôi, nên có hội nghị để các nhà giáo dục tranh luận và phải nhìn ra nước ngoài trước khi quyết. Tất nhiên, thi trắc nghiệm cũng có cái hay nhưng về lâu dài thì không ổn.
Theo Nghiêm Huê/Tiền Phong
Đề thi trắc nghiệm môn Toán năm 2017 gồm 50 câu
Ngay 8/9, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biêt dự kiến đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa ky thi THPT quôc gia 2017.
Tại tọa đàm sáng 8/9 do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong vài ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố toàn văn dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017, tiếp thu ý kiến của dư luận để thực hiện quy chế thi.
Theo đó, kỳ thi 2017 vẫn được sử dụng cho 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Dự kiến học sinh hệ THPT sẽ phải thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và tổ hợp Khoa học xã hội. Học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn.
Ngoài bài thi Ngữ văn, các bài thi khác đều theo phương thức trắc nghiệm. Trong đó, đề trắc nghiệm môn Toán sẽ gồm 50 câu, các bài trắc nghiệm còn lại sẽ có 60 câu. Thí sinh làm bài thi trên giấy. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng, hạn chế tối đa không thí sinh nào trùng đề trong cùng một phòng thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga tại buổi tọa đàm sáng 8/9 do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức. Ảnh: Quyên Quyên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi 2017 sẽ được chọn lựa, bổ sung từ ngân hàng 17.000 câu hỏi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nếu đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội thi với mục đích tuyển sinh thì đề thi 2017 thi với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Từ thời điểm này đến gần kỳ thi 2017, ban ra đề tiếp tục bổ sung vào ngân hàng đề thi này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: "Trước đây, những người ra đề thi đều bị 'nhốt' cả tháng trời để đảm bảo sự bảo mật, thì hiện nay không cần thiết làm điều đó".
Nếu đề thi Đánh giá năng lực thí sinh làm bài hoàn toàn trên máy, đề thi THPT quốc gia 2017, các em vẫn làm bài trên giấy, do cơ sở vật chất trên toàn quốc chưa đảm bảo. Sau khi làm bài thi, thí sinh sẽ bị thu hồi đề, tuyệt đối không được mang đề thi ra bên ngoài.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: "Thực tế Bộ GD&ĐT đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện cách đánh giá đề thi Đánh giá năng lực trong 3 năm nay, được kiểm nghiệm thực tế và dư luận đánh giá cao. Những em thi tốt kỳ thi Đánh giá năng lực đều làm tốt đề thi THPT quốc gia. Vì vậy, việc nhân rộng, đại trà cách thi này hoàn toàn có cơ sở".
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT bật mí, mỗi bài thi tổ hợp đều được chấm điểm cấu phần khác nhau. Ví dụ, đề thi tổ hợp có ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng sẽ chấm điểm riêng cho từng phần. Các trường tuyển sinh sẽ sử dụng điểm của riêng từng môn hoặc điểm tổng hợp.
Hơn nữa, các bài thi Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội phải được gọi là "bài thi tổ hợp" chứ không phải "tích hợp" hay "tổng hợp". Tổ hợp là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thi thành chung một bài thi, nhằm giảm lượng thời gian và ngày thi, tránh gây áp lực lên thí sinh và phụ huynh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ GD&ĐT không thay đổi phương án thi theo kiểu gây sốc. Nội dung thi của học sinh vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 của bậc phổ thông, cách thay đổi chỉ nghiêng về phương án kỹ thuật.
Theo dự thảo do Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ, đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017 có 3 điểm khác biệt lớn so với năm nay.
Thứ nhất, kỳ thi THPT quốc gia 2017 dự kiến giao về các Sở GD&ĐT chủ trì, cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát. Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng không còn.
Thứ hai, Bộ sẽ tổng hợp một số môn thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ Văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT dự kiến, từ năm 2017, các trường đại học, cao đẳng xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT, kết quả các bài thi THPT quốc gia, sơ tuyển kết hợp thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác.
Theo Zing
Bộ GD&ĐT công bố 70 cụm thi THPT quốc gia 2016 Chiều 17/3, Bộ GD&ĐT công bố 70 cụm thi THPT quốc gia 2016 do các trường đại học chủ trì. Hà Nội có 5 cụm thi, TP HCM có 4 cụm thi. Các cơ sở giáo dục đại học được giao chủ trì cụm thi có nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, chấm thi, chấm phúc khảo, in Giấy chứng nhận kết quả...