Sẽ ít thí sinh đạt điểm 9, điểm sàn chỉ ở mức 15-16
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay sẽ không nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối, điểm sàn có thể ở mức 15-16.
Thí sinh xem lại đáp án sau khi kết thúc bài làm môn Lịch sử khối C tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Hà Nội).
Trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều qua (10/7), bên cạnh việc thông báo những thành quả và hạn chế đã đạt được trong quý 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vấn đề được quan tâm hơn cả là tình hình tuyển sinh đại học vừa diễn ra từ ngày 4-10/7.
Theo đánh giá của thí sinh, dư luận, đề thi năm nay sát với chương trình học, có tính phân loại học sinh cao. Cũng chính vì thế nên nhiều người thắc mắc liệu điểm sàn có giảm và thí sinh có đạt được nhiều điểm cao.
Với vấn đề này, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Năm nay, Bộ quán triệt với hội đồng ra đề thi là đề phải đảm bảo đề không quá khó, cũng không quá phức tạp, sát với chương trình học và có tính phân hóa cao. Với đề như vậy, vùng điểm trung bình sẽ rộng hơn, trong khi số lượng thí sinh đạt điểm 9, 10 sẽ ít, số thí sinh có điểm quá thấp cũng ít đi, giúp đầu vào của thí sinh tăng lên”.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Ga, vì số lượng thí sinh đạt điểm trung bình sẽ nhiều hơn nên điểm sàn dự kiến không thấp hơn năm ngoái, dự kiến sẽ ở mức 15-16 điểm.
Theo BĐVN
Video đang HOT
Thủ khoa ĐH đạt điểm tuyệt đối 30/30 chia sẻ bí quyết làm bài thi
Để giúp thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới, Tăng Thanh Bình - thủ khoa tuyệt đối đại học 30/30 điểm năm 2010 "bật mí" cách làm bài thi 3 môn Toán, Lý, Hóa. Bình hiện là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Môn Toán: Dành 5 phút để xác định dạng bài
Trước khi bước vào phòng thi, đến sớm và ăn mặc thoải mái, chuẩn bị tâm lí thật vững vàng bằng một hơi hít vào thật sâu: "Mình có thể làm tốt và mình chắc chắn làm sẽ làm hết sức mình, bất kể kết quả ra sao đi nữa".
Bắt đầu làm bài, đọc thật kĩ đề, ít nhất là 5 phút để xác định dạng bài và phân bổ thời gian hợp lí. Làm bài từ câu dễ đến khó, nên suy nghĩ hướng đi và cách trình bày trước khi viết vào giấy thi. Cá nhân mình nghĩ không nên trình bày ngoài nháp quá chi tiết, vì sẽ mất thời gian và dễ sơ suất khi chép vào giấy thi.
Thủ khoa Tăng Thanh Bình.
Tính toán thật cẩn thận và tập trung cao độ, kể cả với bài tập đơn giản nhất như vẽ đồ thị hay số phức.
Cố gắng trình bày theo phom chuẩn đáp án của Bộ GD-ĐT. Có thể tham khảo, phân tích các đáp án đề thi đại học gần đây để làm quen với cách trình bày khoa học và hiểu được những lỗi nào hay mắc phải, có thể trừ mỗi 0,25 điểm nhưng rất ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Khi trình bày, gạch đầu dòng thật rõ ràng, dùng từ và lập luận chặt chẽ. Hồi trước khi thi, mình đã đọc rất kĩ các ví dụ ở sách giáo khoa (SGK) để làm quen với từng câu mà các tác giả biên soạn đã dùng, vì thường họ trình bày rất logic và súc tích.
Đối với câu khó, đặc biệt câu BĐT hay tìm GTLN, GTNN, không nên quá bận tâm khi mới bắt đầu làm bài. Trình bày xong xuôi, kiểm tra một lần nữa các câu khác, xong lại dành thời gian cho câu này. Tư duy chính vẫn là đặt ẩn phụ, biến đổi đưa về dạng đồng nhất và đối xứng. Và thường, chỉ cần một bước đặt nhẹ nhàng đã có thể ghi thêm cho bạn 0,25 điểm, mặc dù chưa giải xong bài tập đó.
Môn Lý: Làm theo thứ tự từng câu
Với câu hỏi trắc nghiệm, mình khuyên là nên làm thứ tự. Cực chẳng đã mới đánh dấu câu khó rồi quay lại sau, vì nếu chọn câu dễ làm trước, sẽ rất mất thời gian để tìm kiếm câu nào mình làm rồi, câu nào còn bỏ sót. Và đương nhiên, khi phát hiện ra có phân nửa câu hỏi bạn để dành cuối giờ, bình tĩnh đến đâu thì bạn cũng khó sáng suốt để tiếp tục làm bài.
Lý thuyết và bài tập Vật lý hầu như chỉ gói gọn trong sách 12, cho nên rất thuận lợi để ôn tập. Tuy nhiên, SGK chứa rất nhiều kiến thức, cần được ôn tập hệ thống và được để ý đến từng chi tiết nhỏ, chẳng hạn các thí nghiệm, các bài đọc thêm, hay là bảng biểu và phần nội dung bổ sung chữ in nhỏ... Sẽ là cẩn thận hơn, nếu bạn quan tâm đến những kiến thức này, và thực tế, có không ít đề thi Vật lý đã hỏi ngay phần đọc thêm này.
Khi làm bài thi, không nên cố lục lọi trong đầu công thức nào đấy mà vô tình bạn bắt gặp. Hãy sáng suốt để nhìn sâu vấn đề, phát hiện bản chất để tìm hướng đi. Nên nhớ xuất phát từ những công thức đơn giản nhất. Đơn cử phần điện xoay chiều, có thể một số bạn thấy những câu hỏi phần này đề thi 2010 rất lạ và "khó xơi", đừng bận tâm quá nhiều tại sao mình chưa gặp và phân vân không biết bắt đầu từ đâu. Hãy xúc tiến từ bản chất công thức của máy phát điện, máy biến thế... hoặc tóm tắt đề thi bằng giản đồ véc-tơ...Kinh nghiệm này đã giúp mình bình tĩnh vượt qua những câu hỏi "tricky" nhất, không thử sao biết!
Đối với môn Lý, những câu hỏi lý thuyết rất cơ bản và dễ ăn điểm. Đừng vì lý do gì mà tập trung quá nhiều vào phần bài tập, và suy nghĩ chưa chín chắn ở những câu lý thuyết.
Sẽ khôn ngoan hơn, nếu biết cách quan sát các phương án trả lời. Tính toán liền, xong ra đúng một đáp án nào đấy, chưa hẳn là câu trả lời. Đề thi đại học rất dễ mắc những bẫy kiểu này, và lời khuyên duy nhất là phải thận cẩn thận nghĩ trước tính sau, loại trừ đáp án hiển nhiên sai, nếu có thể.
Trong trường hợp vẫn chưa giải quyết được câu hỏi bài tập khó, nếu còn thời gian, hãy thử thay đáp án vào đối chiếu. Đây là giải pháp cuối cùng, và nên nhớ là khi đã hoàn tất trọn vẹn các câu khác.
Về môn Hóa: Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ
Hóa phổ thông khá nặng về lý thuyết, kể cả 3 SGK 10,11,12. Nên dành thời gian để đọc và hệ thống những kiến thức này trong thời gian ôn thi. Cá nhân mình đã hệ thống lại bằng sơ đồ, thể hiện vào đấy những tính chất, đặc điểm quan trọng và thường xuyên xem lại để khắc sâu kiến thức.
Nói chung, bài tập hóa rất nhiều phương pháp, điển hình như phương pháp cân bằng electoron, bảo toàn, tăng giảm khối lượng, đặt giả thiết... Nên làm quen và thành thạo với các phương pháp này, để rèn luyện phản xạ trong việc phát hiện phương pháp và giải quyết bài tập.
Vì là môn trắc nghiệm, cả Vật lý và Hóa đều yêu cầu kĩ năng dùng máy tính. Mình đã tập cách bấm sao cho vừa nhanh, vừa chính xác. Ngoài ra, máy tính FX 570 giúp mình tiết kiệm thời gian đáng kể trong việc giải phương trình 1 ẩn X, rất hữu hiệu trong bài tập xác định kim loại hay nguyên tố ẩn hay bài tập về phản ứng oxi hóa khử của Fe. Tuy nhiên, một lời khuyên cần thiết nữa là không nên lạm dụng máy tính quá mức, hãy học cách tính nhẩm với những số liệu đơn giản hay gặp.
Mặc dù thi trắc nghiệm, cả Lý và Hóa đều có không ít câu hỏi khó như tự luận. Kinh nghiệm của mình là hãy sưu tập những câu hỏi hay này, thậm chí cả những cách giải hoặc phương pháp đặc biệt học tập được từ bạn bè vào một cuốn sổ. Ôn lại chúng thường xuyên và áp dụng những phương pháp này vào bài thi, rất hữu hiệu đó.
Đừng bận tâm với các đáp án trên mạng
Theo thủ khoa Tăng Thanh Bình, sau mỗi buổi thi, nên cố gắng thư giãn và hài lòng với những gì mình đã thể hiện. Đừng để thất vọng môn này làm bạn yếu đuối ngay cả với những môn sở trường khác.
Về vấn đề so sánh đối chiếu đáp án, đừng bận tâm bất kì đáp án nào vừa được tung ra trên mạng hay thậm chí cả tiếng xôn xao, cãi nhau về một câu nào đấy trong đề bài. Tập thờ ơ với những thứ này, có thể bằng cách nghe nhạc hoặc ngắm nhìn cảnh vật nơi trường thi.
Một kì thi không thể nói hết được các bạn đã cố gắng và nỗ lực thế nào, nhưng thử thách đó chứng tỏ bạn có đủ bản lĩnh để bước tiếp con đường đại học. Cố gắng lên, sẽ là một lần quyết chiến, nhưng chắc chắn là một lần vinh quang!
Theo Dân Trí
Thủ khoa tiết lộ bí quyết học thi khối A Tăng Văn Bình, thủ khoa trường ĐH Ngoại thương, người duy nhất đạt điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi ĐH năm 2010 tiết lộ bí quyết ôn luyện. Giải đề - luyện kỹ năng phản xạ Là một dân chuyên Toán đúng "hiệu", nhưng Bình đã "vượt mặt" các thí sinh chuyên Hóa và Lý khi giành trọn điểm 10 hai môn...