Sẽ còn bao nhiêu thí sinh chịu “may rủi” vì sự vô cảm của “hệ thống”?
Dư luận không khỏi bất an khi xuất hiện ngày càng nhiều thí sinh bị thay đổi điểm thi do “ lỗi hệ thống”. Sẽ còn bao nhiêu thí sinh nữa phải chịu may rủi vì sự vô cảm này?
Tôi đã từng là thí sinh và cũng có con đi thi Đại học, đã từng nếm trải sự vất vả của việc học thi, ôn thi. Con gái tôi, mặc dù là học sinh trường Chuyên quốc gia và cũng thuộc diện học Top đầu trong lớp, nhưng gần cả năm trước kỳ thi, nhìn con ôn thi, nhiều lúc tôi thực sự xót xa nhưng không có cách nào khác với kiểu học, kiểu thi như hiện nay.
Hôm nào cũng thế, tôi thương con, động viên con đi ngủ trước 11 giờ đêm thì sáng hôm sau cháu lại phải dậy từ 3-4 giờ sáng để học bài. Nhiều hôm đi học về, nhìn con rũ rượi, mệt mỏi, tôi thương con đến thắt lòng. Không chỉ riêng con tôi, và các bạn trong lớp cháu đêm nào cũng thức đến 2-3 giờ sáng luyện thi là chuyện bình thường.
Đi họp phụ huynh, khi nghe tôi nói thường khuyên con đi ngủ trước 11 giờ, thầy cô giáo và nhiều phụ huynh khác khá hốt hoảng: “Con thi đến nơi mà mẹ để con học ít thế sợ không đảm bảo. Giờ là thời gian nước rút của con, việc các con thức đến 1-2 giờ sáng cũng là rất bình thường”.
Kiểm tra phòng máy chấm thi trắc nghiệm ở Thanh Hoá (ảnh: Tiền Phong)
Học đã vất vả là thế, nhưng lúc thi thì thực sự là cuộc đấu trí mệt mỏi không chỉ về năng lực mà còn về tinh thần đối với đa số các thí sinh, vì đây là cuộc thi được ví như “trận chiến cuối cùng” trong cuộc đời học sinh. Các con căng thẳng, áp lực, nhiều con còn có hiện tượng giảm sút sức khỏe nghiêm trọng vì quá lo lắng, hồi hộp.
Thí sinh đã vậy, nhiều ông bố, bà mẹ còn căng thẳng hơn gấp nhiều lần. Sự lo lắng cũng là tâm lý bình thường, vì đây là cái đích cuối cùng của thí sinh và của nhiều gia đình sau 12 năm các con miệt mài đèn sách. Và với quan niệm của hầu hết gia đình hiện nay, Đại học vẫn là đích đến, là mục tiêu nếu muốn có một tương lai tốt đẹp.
Thời gian chờ đợi kết quả thi cũng thực sự là một cuộc “tra tấn tinh thần” của thí sinh và nhiều gia đình. Với nhiều gia đình, 12 năm qua, họ đã nuôi con không chỉ bằng tất cả tình thương yêu mà còn bằng tất cả những gì họ có được. Những đồng tiền họ vất vả, khó nhọc kiếm được cũng đều dồn hết vào tiền ăn, tiền học của con. Họ hy vọng, đặt hết niềm tin vào “của để dành”.
Với số ít các con học lực xuất sắc, điểm thi ở hẳn Top đầu thì sự lo lắng có thể không nhiều, nhưng hầu hết thí sinh học lực ở mức giữa và dưới mức trung bình, thì thực sự “mất ăn, mất ngủ” trong những ngày chờ điểm thi.
Kết quả thi, với các con quan trọng như vậy, nhưng với nhiều gia đình, dòng họ thì nó còn là cả sự tự tôn, tự hào. Chả thế mà không ít gia đình, không chỉ ở quê mà ngay ở Thành phố, khi con đỗ Đại học cũng có mâm cơm mời bà con, làng xóm đến chúc mừng.
Trong mấy ngày vừa qua, liên tục Sở Giáo dục- Đào tạo một số tỉnh, thành đăng tải danh sách điều chỉnh điểm phúc tra của các thí sinh thi THPT quốc gia. Đáng chú ý, riêng tỉnh Tây Ninh có đến 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 đều tăng sau khi phúc khảo. Trong đó có bài tăng cao nhất lên tới 8,75 điểm.
Thậm chí, có một học sinh giỏi quốc gia là em Lê Quang Kỳ là học sinh lớp 12T, Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh khi công bố điểm thi THPT quốc gia, các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên của em là 0 (3 m ôn thi thành phần Hóa- Lý- Sinh đều bị 0- 0- 0). Với điểm thi này, Kỳ là học sinh duy nhất trong số 271 học sinh của Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha trượt tốt nghiệp. Sau phúc khảo, điểm số của em lần lượt 3 môn Hóa- Lý- Sinh của Kỳ là 5,75- 8,5-6,25. Tổng điểm sau phúc khảo của em 20,5 điểm. Nếu tính theo tổ hợp đăng ký vào đại học khối A1 (Toán – Lý – Anh) thì Kỳ đạt 26.1 điểm (8.6 8.5 9).
Video đang HOT
Còn tại Đà Nẵng, có thí sinh sau khi phúc khảo thì cả 3 bài đều tăng điểm khá nhiều. Điển hình là thí sinh N.A.H. yêu cầu phúc khảo 3 bài thi Địa lý, Giáo dục Công dân và Lịch sử, sau khi chấm phúc khảo, tổng điểm 3 môn này tăng lên 8 điểm; có thí sinh tăng điểm 1 môn từ 2,75 lên 7 điểm.
Đáng chú ý, theo cách giải đáp của Bộ Giáo dục- Đào tạo và của Sở Giáo dục- Đào tạo các tỉnh này, nguyên nhân của việc điểm sau phúc khảo tăng lên khá lớn như vậy là do lỗi hệ thống, máy không nhận diện được thí sinh tô đáp án trên bài thi…
Chắc chắn, để nhận được kết quả phúc tra tốt đẹp như hiện nay, thì các em Lê Quang Kỳ, N.A.H và nhiều em khác đã phải trải qua những ngày “sốc” nặng khi nhận được những kết quả thi như ban đầu. Bởi trong lòng các em đang tràn trề kỳ vọng, với bao nhiêu mơ ước cho tương lai của một tân sinh viên Đại học, thì lại nhận được tin “sét đánh”: duy nhất là học sinh của trường không đỗ Tốt nghiệp, thậm chí có đến 3 điểm 0.
Kể cả với bất kỳ một thí sinh nào dù tự tin đến mấy về năng lực của mình, mà khi nhận một kết quả như vậy cũng sẽ rất sốc. Gia đình dù có tin tưởng con em mình như thế nào, cũng cảm thấy choáng váng. Chưa kể đến nhiều em tinh thần không vững sẽ nghĩ đến những chuyện tiêu cực.
Còn chuyện phúc tra, hay điểm số thay đổi thì là câu chuyện sau đó. Với những em có năng lực và thấy rõ sự bất thường trong điểm số, thì các em có đủ tự tin để phúc tra bài thi. Nhưng với các em học lực bình thường, có thể nhận thấy điểm số của mình có gì đó “không bình thường”, nhưng liệu các em có đủ tự tin, dám vượt qua các thủ tục (mà theo các em có thể là khá rắc rối) để đi làm phúc tra, đòi quyền lợi cho mình?
Hoặc đối với những môn thi Tổ hợp như Lý, Hóa… mà không được cầm đề ra, phần lớn các em, kể cả học xuất sắc thì cũng không thể nhớ chính xác hết tất cả các câu mình làm như thế nào trong cả trăm câu hỏi với hàng trăm đáp án, thì việc chênh lệch một vài điểm do không làm được hay do “lỗi hệ thống” thì cũng khó phát hiện.
Trong mỗi cuộc thi, chỉ cần hơn kém nhau 0,25 thậm chí 0,1 điểm là có thể 2 người đứng ở hai phía của sự đỗ và trượt, vui tột độ và buồn cùng cực.
Vì thế, dư luận không khỏi bất an khi ngày càng xuất hiện càng nhiều thí sinh bị thay đổi điểm do “lỗi hệ thống” hay do máy móc không nhận diện được bài thi.
Sẽ còn bao nhiêu thí sinh nữa phải chịu “may rủi” vì sự vô cảm của “hệ thống? Câu hỏi cần có lời giải đáp khi mà suy cho cùng, hệ thống máy móc cũng là do con người làm ra và để phục vụ con người./.
Theo VOV
Hàng nghìn bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia bị lỗi
Trong quá trình chấm thi trắc nghiệm THPT Quốc gia 2019, phần mềm chấm thi đã phát hiện hàng nghìn bài thi bị lỗi.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM- đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở Đắk Lắk, thông tin có 1.600/60.000 bài thi trắc nghiệm ở cụm thi này bị lỗi.
"Bài thi trắc nghiệm năm nào cũng có lỗi. Có thí sinh tô sai mã đề, thậm chí có thí sinh sai số báo danh"- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, những lỗi sai này là bình thường chứ không phải bất thường. "Do cụm thi Đắk Lắk có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, các em tô sai mã đề, số báo danh là chuyện bình thường"- ông Dũng nhìn nhận.
Trước giờ làm bài thi THPT Quốc gia 2019 (Ảnh: Thanh Hùng)
"Cụm thi Khánh Hòa có 2.000/37.000 bài thi trắc nghiệm bị lỗi"- ông Tô Văn Phương, Trưởng Phòng đào tạo,Trường ĐH Nha Trang - đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm cụm này thông tin.
Theo ông Phương các lỗi chủ yếu trong bài thi trắc nghiệm thí sinh cụm thi này gặp phải như tô sai số báo danh, trùng số ở cột tô số báo danh hay thí sinh dùng bút chì tốt nhưng gôm tẩy thì không tốt nên khi điều chỉnh đáp án, xóa đáp án cũ vẫn còn dấu vết mờ, trong khi máy quét lại nhạy nên vẫn nhận diện, gây ra cảnh báo lỗi.
"Tổ chấm mất hơn 1 ngày để sửa lỗi cho hơn 2000 bài thi"- ông Phương nói.
Tại cụm thi Bình Thuận, năm nay Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM được giao chấm thi trắc nghiệm. Ông Phạm Thái Sơn, Phó ban chấm thi cho hay, trong số hơn 32.000 bài thi trắc nghiệm có khoảng 100 bài thi bị lỗi. Khi chấm đơn vị đã hỗ trợ sửa lỗi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Tương tư cụm thi Gia Lai do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chủ trì chấm thi trắc nghiệm cũng ghi nhận một số bài thi bị lỗi.
Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay trong số 38.000 bài thi trắc nghiệm có một số bài bị lỗi nhưng số lượng không nhiều.
"Theo tài liệu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chúng tôi làm đúng theo quy chế. Việc chấm thi thực hiện 4 bước, trong đó có bước sửa lỗi trước khi chấm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh còn chúng tôi không "chế biến" thêm điều gì"- ông Lý cho hay.
Trước đó, tại cụm thi Thanh Hóa, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì chấm thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi đã khuyến cáo nên xem xét lại 11.900/102.925 bài thi trắc nghiệm. Đơn vị này đã kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô đúp. Cụm thi này cũng ghi nhận một bài thi trắc nghiệm bất thường và đã lập biên bản.
Tại sao máy chấm thi cảnh báo sai hàng chục bài như Thanh Hóa?
Tại cụm thi Thanh Hóa, phần mềm chấm thi đã khuyến cáo nên xem xét lại 11.900/102.925 bài thi trắc nghiệm nhưng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô đúp.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó ban chấm thi cụm Bình Thuận, cho hay sở dĩ phần mềm cảnh báo lỗi bài thi rất nhiều như trường hợp ở Thanh Hóa, là do ở các năm trước sau khi quét phần mềm sẽ nhận dạng và chuyển file ảnh thành file dùng để chấm. Trước khi chuyển thì file ảnh nhận dạng được lưu đĩa để gửi về Bộ. Còn năm nay, công đoạn này làm xong rồi mới đến công đoạn chuyển file ảnh thành file dữ liệu chấm. Khi chuyển file ảnh thành file dữ liệu để chấm thì thì phần mềm sẽ phát hiện những lỗi không rõ ràng trong việc tô đáp án của thí sinh.
"Vấn đề này được nhận diện qua phần mềm và lưới định dạng quét dữ liệu, kiểu như các câu đáp án sẽ nằm trên một lưới quét và nếu có gì đặc biệt không khớp với lưới thì phần mềm cảnh báo"- ông Sơn giải thích.
Theo ông Sơn, sau khi phần mềm cảnh báo thì các bài thi này sẽ được lấy ra quét lại hoặc kiểm tra để sửa lỗi nhằm mục đích bài thi được nhận dạng để chuyển thành file dữ liệu chấm. Các lỗi thường xảy ra là do ô nhận dạng bị mờ, giấy thi bị cong mép, các thí sinh tô mờ hoặc tô lại nhưng ô tô lại và ô xóa đi nhìn không rõ, giấy thi bị lệch khi đưa vào máy quét.
Quy trình sửa lỗi là phải chiếu bản scan và phần mã chấm lên máy chiếu hoặc tivi màn hình lớn để cho thanh tra, giám sát, an ninh và cán bộ chấm cùng nhìn thấy để điều chỉnh. Các lỗi điều chỉnh đều được lập biên bản chi tiết về những sai sót và điều chỉnh.
"Tỷ lệ lỗi này khó nói do rất nhiều những yếu tố khách quan. Cụ thể như cụm thi có nhiều thí sinh ở vùng sâu vùng xa thường bị lỗi nhiều hơn do học sinh là vùng dân tộc thiểu số, thí sinh có trình độ thấp, thí sinh không hiểu rõ yêu cầu... dẫn đến có những lỗi sai cơ bản"- ông Sơn giải thích
Phải sửa lỗi bài thi trắc nghiệm để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh
Theo quy trình chấm thi trắc nghiệm năm 2019 được Bộ GD-ĐT hướng dẫn, việc chấm thi vẫn thực hiện 4 bước gồm quét ảnh, đọc ảnh, sửa lỗi và chấm thi. Như vậy sửa lỗi bài thi trắc nghiệm là một khâu trong chấm thi thuộc trách nhiệm của các đơn vị được giao.
Thông thường, các bài thi trắc nghiệm sẽ mắc phải một số lỗi như như không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được, trong đó lỗi tệ hại nhất là tô nhầm SBD; Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào; Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
Thậm chí, có những lỗi do quét bài như để gấp phiếu, sai mặt phiếu, làm phiếu bị biến dạng... những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra.
Để tránh tình trạng gian lận thi cử như năm 2018, trong năm 2019, phần sửa lỗi này sẽ được thực hiện chỉ sau khi sinh ra đĩa CD1. Kết quả sửa cùng với biên bản (tự động) cùng với bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm đó được mã hóa tạo thành đĩa CD2 gửi về Bộ GD-ĐT. Cũng như đĩa CD1 chỉ có Bộ mới có thể giải mã được đĩa CD2.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Chấm thi THPT quốc gia 2019: Nỗ lực để không xảy ra tiêu cực Hơn 87.000 thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia 2019 là trên 5 triệu bài thi cần được chấm khách quan, công bằng. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi những tiêu cực năm 2018 chủ yếu xảy ra khi chấm thi. Đến thời điểm này, TP HCM là một trong những địa phương đầu tiên hoàn...