Sẽ có trường sư phạm tư thục?
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Điều lệ trường cao đẳng và trung cấp sư phạm. Trong dự thảo này, lần đầu tiên trường sư phạm được phân biệt thành 2 loại hình: công lập và tư thục.
Sinh viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM. Trong tương lai sẽ có trường CĐ sư phạm tư thục? – ĐÀO NGỌC THẠCH
Nếu dự thảo này được thông qua, hệ thống trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) có thể sẽ chính thức thêm loại hình trường sư phạm (SP) tư thục thuần túy bên cạnh các trường đa ngành có đào tạo ngành SP?
Trước đó, một trong những vấn đề nổi cộm được quan tâm của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH là nên hay không có quy định trường ĐH tư thục tham gia đào tạo khối ngành SP.
Cần tính trên nhu cầu và khả năng
Ngay khi đặt ra vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng cần cân nhắc việc giao nhiệm vụ đào tạo “máy cái” cho trường tư, đồng thời phải có khảo sát đánh giá lại năng lực đào tạo các trường SP hiện tại. Mục đích cuối cùng là tránh giao cho các trường có nguồn lực quá mỏng.
Theo PGS- TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, việc này cần tính toán dựa trên 2 yếu tố: nhu cầu và khả năng. “Nếu nhu cầu có, trường đảm bảo chất lượng thì công hay tư không quan trọng”, ông Nghĩa nói. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa hiện tại cả 2 yếu tố này ở VN đều đang có vấn đề. Trong khi phải quy hoạch lại mạng lưới các trường SP theo hướng thu hẹp hơn thì việc mở thêm “cửa” cho các trường tư đào tạo tràn lan là không cần thiết.
“Có những ngành, trường tư đào tạo tốt hơn trường công, xét về mức độ gắn bó doanh nghiệp, tính ứng dụng cao hơn, việc làm tốt hơn. Nhưng với ngành đặc thù như SP, đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng thật mà giao cho trường tư thì tôi hơi ngại. Mở ngành mà phải mời giảng viên từ trường công qua trường tư giảng dạy thì đó không phải nguồn lực thật”, tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
Video đang HOT
Lo ngại tràn lan giống y dược
Theo hiệu trưởng một trường ĐH đào tạo ngành SP, có những ngành học, trường tư không nên tham gia vì nếu không đảm bảo chất lượng, xã hội phải gánh hệ quả nặng nề. Hiệu trưởng này nói: “Trước khi quyết định cho phép trường tư đào tạo SP, Bộ GD-ĐT nên nhìn vào hiện trạng tuyển sinh các ngành khối y dược. Việc cho phép nhiều trường đào tạo bác sĩ đang dẫn đến nghịch cảnh: thí sinh điểm thấp chấp nhận đóng học phí cao vào trường tư vì biết dù có ôn lại 2 – 3 năm cũng không thể trúng tuyển vào trường uy tín. Người học ngành y trường này điểm thi còn thấp hơn ngành đào tạo bác sĩ thú y trường khác”.
Hiệu trưởng này nói tiếp: “Quay về ngành SP, năm nay Bộ áp dụng điểm sàn 17 nhưng đã khiến hàng loạt trường ĐH “trắng” thí sinh. Có trường lo sợ chuyển sang xét tuyển học bạ trong khi độ tin cậy của học bạ đến đâu, mọi người đều đã biết. Vậy nếu cho phép trường tư thục mở ngành SP trong bối cảnh này, chất lượng sẽ đi đến đâu và một ngày không xa, SP sẽ giống y dược hiện nay?”.
Cùng quan điểm này, hiệu trưởng một trường ĐH có đào tạo luật nhìn nhận: “Trước nay các trường tư thục chủ yếu tập trung mở các ngành “ nóng” để thu hút người học, ít chú tâm những ngành mang nhiệm vụ chính trị. Chẳng hạn, ngay như đào tạo luật nhưng các trường thích mở luật quốc tế, luật kinh tế… Trong khoảng 40 cơ sở ĐH đào tạo về luật, hiện chỉ có 3 trường đào tạo ngành luật hình sự và luật hành chính. Tôi cho rằng, SP đào tạo người thầy cũng có trọng trách tương tự”.
Bình đẳng công – tư
Ngược lại quan điểm trên, đại diện một số trường lại ủng hộ trường tư có chất lượng tham gia đào tạo SP.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH SP kỹ thuật TP.HCM, nêu quan điểm: “Nên khuyến khích các trường có chất lượng tốt tham gia đào tạo SP, kể cả trường tư. Còn với trường công đào tạo SP, nếu chất lượng kém thì cũng nên mạnh tay cho dừng lại”, ông Dũng nói.
Tại buổi góp ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH vừa qua, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng: “Có những cái tôi nghĩ rất độc quyền. Nếu nói trường công cũng như trường tư thì sao không cho các trường tư được đào tạo ngành SP. Trong khi không có gì đảm bảo trường công sẽ đào tạo tốt hơn trường tư”.
Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, ý kiến: “Cho phép trường tư tham gia đào tạo SP theo hướng nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc tế, thỏa thuận học phí giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước và đặc biệt có cam kết giải quyết đầu ra là một hướng đi mới. Khi có sự cạnh tranh với các trường tư thục, bản thân các trường công đào tạo SP cũng có thêm động lực để phát triển hơn”.
2 trường ĐH tư thục thí điểm đào tạo SP
Nhiều năm nay, các trường TC, CĐ tư thục đa ngành được phép đào tạo các ngành SP (giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học) theo yêu cầu địa phương.
Năm 2017, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng là trường ĐH tư thục đầu tiên được Bộ GD-ĐT ký quyết định cho phép thí điểm đào tạo trình độ ĐH ngành giáo dục mầm non theo nhu cầu địa phương. Điểm chuẩn ngành này năm nay theo kết quả thi là 17 và nhận hồ sơ xét học bạ đợt 3 từ 18 điểm.
Năm 2018, Trường ĐH Đông Á cũng thông báo tuyển sinh 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Nhưng hiện nay trường phải thông báo xét tuyển bổ sung đến đợt 3 cả 2 ngành với mức sàn là 17 điểm trở lên bằng kết quả thi THPT quốc gia và điểm học bạ trung bình lớp 12 từ 8.0 trở lên.
Chỉ thực hiện với các trường do Bộ GD-ĐT quản lý
Ngày 30.8, Bộ GD-ĐT đã công khai xin ý kiến cho dự thảo thông tư quy định Điều lệ trường CĐ và TC SP (thời gian góp ý đến hết ngày 30.10). Nếu được thông qua, văn bản mới này sẽ thay thế thông tư ban hành Điều lệ trường CĐ (2015) và thông tư ban hành Điều lệ trường TCCN (2011).
Điểm khác biệt cơ bản ở điều lệ này là chỉ áp dụng cho các trường CĐ và TC SP hiện vẫn trực tiếp cho bộ này quản lý. Tên của trường SP gồm: cụm từ xác định loại trường và lĩnh vực đào tạo (CĐ SP, TC SP); cụm từ xác định khối ngành, chất lượng, đẳng cấp (nếu cần); tên riêng.
Loại hình trường SP theo điều lệ này được tổ chức thành 2 loại: công lập và tư thục.
Trong dự thảo này, góp vốn là đưa tài sản vào trường để tạo thành vốn điều lệ của trường SP tư thục.
Theo thanhnien.vn
Sẽ có Điều lệ trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm
Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Điều lệ trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm.
Ảnh minh họa/internet
Theo đó, Điều lệ này quy định về: Nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm; tổ chức và quản lý trường sư phạm; hoạt động của trường sư phạm; giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học trong trường sư phạm; tài chính, tài sản của trường sư phạm; quan hệ giữa trường sư phạm với cơ sở giáo dục phố thông, cơ sở giáo dục mầm non, với gia đình và xã hội; tố chức thực hiện Điều lệ trường sư phạm.
Trường sư phạm chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT, đồng thời chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thố của UBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính, phân hiệu.
Các bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý nhà nước đối với trường sư phạm thuộc quyền quản lý theo quy định tại Điều lệ này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Quy chế tổ chức, hoạt động của trường sư phạm do hiệu trưởng ban hành theo quyết nghị của hội đồng trường đối với trường sư phạm công lập hoặc quyết nghị của hội đồng quản trị đối với trường sư phạm tư thục trên cơ sở cụ thể hóa các quy định tại Điều lệ này, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, không trái với quy định của pháp luật có liên quan và được công bố công khai tại nhà trường.
Trách nhiệm giải trình của trường sư phạm thế hiện ở các hoạt động: Báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết; không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của trường đế tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Điều lệ này.
Theo giaoducthoidai.vn
Phải có quy định phương thức xét tuyển riêng đối với ngành Y Tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH diễn ra vào chiều 21/8, GS. TS Phạm Văn Lình - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ bày tỏ băn khoăn về chất lượng đào tạo ngành Y dược. Hội thảo này do Uỷ ban Văn hoá,...