Sẽ có nhiều chính sách cho người đi học ngành Nguyên tử
Những người đi học lĩnh vực nguyên tử sẽ được miễn học phí, cấp học bổng và nhiều chính sách khác. Đây là những thông tin trong dự thảo Quyết định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Dự thảo cho hay, mục đích đưa ra cơ chế chính sách này là nhằm thu hút, lựa chọn được những người có học lực giỏi theo học, nghiên cứu các ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Bên cạnh đó góp phần đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ xây dựng, khai thác, vận hành nhà máy điện hạt nhân và quản lí, ứng dụng, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử.
Đối tượng được hưởng chính sách là sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở trong nước và ngoài nước; Giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; cán bộ quản lí, cán bộ khoa học và kĩ thuật của các cơ quan liên quan đến năng lượng nguyên tử được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở trong nước và ngoài nước.
Nhà máy điện hạt nhân. Ảnh minh họa
Cũng theo dự thảo này thì việc hưởng chính sách được phân định rõ ràng ở khâu đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài. Cụ thể, đối với đào tạo ĐH trong nước thì sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được miễn học phí và ở kí túc xá miễn phí.
Sinh viên xếp loại học lực giỏi trở lên được cấp học bổng có giá trị 15 lần tiền học phí/tháng; Sinh viên xếp loại học lực khá được cấp học bổng có giá trị 8 lần tiền học phí/tháng; Sinh viên xếp loại học lực trung bình được cấp học bổng có giá trị bằng tiền học phí/tháng. Việc xét học bổng được tiến hành theo học kì của năm học, một năm xét 2 lần.
Sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử năm cuối của chương trình đào tạo đạt học lực khá trở lên được xem xét tuyển chọn đi thực tập 6 tháng tại một số nước có ngành năng lượng nguyên tử phát triển. Mọi chi phí trong thời gian thực tập tại nước ngoài được dự toán như đào tạo ở nước ngoài. Sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên được chuyển tiếp học cao học và làm nghiên cứu sinh sĩ ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển chọn vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử và liên quan, không phải qua thời gian thử việc.
Video đang HOT
Đối với đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong nước thì học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được miễn học phí và ở kí túc xá miễn phí; Cấp học bổng có giá trị 10 lần tiền học phí/năm.
Được tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại nước ngoài ít nhất 1lần/năm. Chủ trì công trình nghiên cứu khoa học các cấp. Kinh phí triển khai nghiên cứu được thực hiện theo phương thức khoán chi. Đi thực tập 6 tháng tại một số nước có ngành năng lượng nguyên tử phát triển.
Hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.
Đối với đào tạo ở ngoài nước thì sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở ngoài nước được cấp 2 (đối với sinh viên và nghiên cứu sinh), 1 (đối với học viên cao học) vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông; Cấp lệ phí làm hộ chiếu, visa; Cấp sinh hoạt phí bằng 1,2 lần mức sinh hoạt phí cao nhất mà Nhà nước hiện đang cấp cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học ở ngoài nước.
Được mua bảo hiểm y tế mức tối thiểu do nước sở tại quy định áp dụng chung cho công dân nước ngoài đến học tập; Cấp lệ phí sân bay, tiền tàu, xe từ sân bay đến nơi đào tạo và ngược lại; Giữ nguyên mức lương và các chế độ theo quy định hiện hành (đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh) trong thời gian học tập, nghiên cứu ở ngoài nước…
Để đảm bảo việc đào tạo không bị gián đoạn và tránh lãng phí dự thảo cũng đưa ra quy định ràng buộc đối với những người được cử đi học. Theo đó, người cử đi học phải nghiêm chỉnh chấp hành quy chế đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và ngoài nước; Hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng.
Sinh viên bị xếp loại học lực dưới trung bình trong 2 học kì liên tiếp sẽ bị chuyển sang học ngành khác. Đối với người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
S.H
Theo dân trí
Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên - Kỳ 2: Để không lãng phí tài năng
Nếu bồi dưỡng tốt và có chính sách ưu đãi hợp lý, những học sinh năng khiếu sẽ có điều kiện phát huy hết tài năng.
Kết nối với chương trình bậc ĐH
Tính đến nay, nước ta đã thực hiện mô hình trường chuyên gần 50 năm, tuy nhiên vấn đề phát triển tài năng của những học sinh (HS) này vẫn đang bỏ ngỏ. Nói như lời PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), đào tạo HS chuyên trong 3 năm THPT mà không có cơ chế phát triển tài năng thì đúng thật quá lãng phí.
PGS Cương cho rằng: "Nếu một HS chuyên toán sau khi thi vào ĐH cùng chuyên ngành, rồi cũng học chương trình bình thường như những người khác, khoảng 4 năm lấy bằng thì quá lãng phí. Đáng lý ra, ở trường ĐH, các em phải được học riêng, học vượt vì đã có nền tảng sẵn từ phổ thông. Điều đáng buồn là HS sẽ phải học lại những kiến thức mà trước đó, các em đã được học chuyên sâu ở phổ thông. Nếu như vậy, không khác gì các em đang bỏ thời gian ôn tập chứ không phải học ĐH. Thay vì thế có thể dành thời gian đó học lên cao hoặc nghiên cứu".
Nhận thấy điều này, cách đây 2 năm, ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất với Bộ cho thí điểm tuyển HS Trường THPT Năng khiếu TP.HCM (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) sau khi tốt nghiệp THPT được vào các hệ đào tạo của ĐH này. Tuy nhiên, đề án này không được Bộ thông qua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do để ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra đề xuất này là hầu như tất cả HS của Trường THPT Năng khiếu đều đậu ĐH trong các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Chẳng hạn, trong mùa tuyển sinh rồi, trường có 269 HS dự thi ĐH và tất cả đều trúng tuyển. Đáng nói, điểm trung bình thi ĐH của HS trường này là 21,6 điểm. Trong khi đó điểm chuẩn nhiều ngành của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM thấp hơn rất nhiều so với điểm bình quân trên.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết: "Nếu Bộ chấp thuận phương án tuyển thẳng này của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ không công bằng với các trường chuyên trong cả nước. Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến khích ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội có thể làm đề án tổng thể về phương án tuyến sinh riêng của mình (trong đó có thể tuyển thẳng HS chuyên, năng khiếu). Nhưng đến nay, Bộ chưa nhận được đề án từ hai trường trên".
Tìm chính sách ưu đãi thích hợp
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần xây dựng bộ khung chuẩn để từ đó có thể căn cứ xét tuyển HS chuyên, năng khiếu vào ĐH. Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM), nói: "Không thể tuyển hết HS chuyên, năng khiếu vào ĐH nhưng chúng ta có thể áp dụng một số tiêu chí để xét chọn. Chẳng hạn như: hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, các môn thuộc khối thi vào ngành, trường mà HS muốn vào phải đạt trung bình môn trên 9... Đối với một số trường đặc thù như: y dược, hàng không, quân sự..., HS chuyên muốn vào phải trải qua kỳ thi ĐH bình thường".
HS Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hiện nay Bộ đang có dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn HS giỏi cấp quốc gia. Trong đó HS tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ tổ chức cũng được tuyển thẳng vào các trường ĐH theo nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, điều này chưa thể thay đổi được gì vì hằng năm chỉ được thêm vài chục HS được tuyển thẳng vào ĐH. Số lượng này không đáng kể.
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề xuất cần có những bàn thảo để xây dựng cơ chế tuyển thẳng vào ĐH cho HS chuyên, năng khiếu. "Nếu như một năm, chúng ta tuyển được vài ngàn HS này vào ĐH, học vượt, có bằng tiến sĩ ở tuổi 24, 25 thì còn gì bằng. Lứa nhân tài này sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước", ông Hùng quả quyết.
Theo nhiều chuyên gia, cần có một tổ chức chịu trách nhiệm bàn luận giải pháp đưa phương án phù hợp, giúp phát triển tài năng đúng nghĩa. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: "Hiện nay, giữa trường chuyên, năng khiếu và trường ĐH chưa có nhiều gặp gỡ để bàn thảo, nhằm đưa ra hướng phát triển tốt nhất cho HS chuyên". Đáp ứng lại mong muốn này, ông Bùi Văn Ga cho biết: "Bộ hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích điều này. Nếu có mô hình nào tuyển thẳng HS giỏi, chuyên, năng khiếu vào ĐH mà đảm bảo tính công bằng, khoa học, Bộ sẽ ủng hộ".
Tìm một cơ chế thích hợp để nuôi dưỡng và phát triển tài năng là điều cần phải đặt ra chứ để như thực trạng hiện nay, sau 3 năm THPT chuyên, HS chỉ nhằm vào mục đích thi đậu ĐH là không đáng.
Theo người lao động
Nhiều tỉnh thành cấm dạy, học thêm buổi tối Sáng 29/11, Quy định về dạy thêm, học thêm của UBND TP Hải Phòng chính thức triển khai. Theo đó, việc dạy, học thêm chỉ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 14 giờ đến 19 giờ 30 phút. Mỗi học sinh học thêm trong nhà trường không quá ba buổi/ tuần; mỗi buổi không quá bốn tiết...