Sẽ có 2 mức điểm sàn ĐH, CĐ 2013
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Trên cơ sở phân tích ý kiến đóng góp ở Hội nghị tuyển sinh, qua diễn đàn “Điểm sàn” và đề xuất của các trường ngoài công lập, Bộ dự kiến phương án điểm sàn 2 mức”.
Để có mức điểm sàn ĐH, CĐ 2013 hợp lý, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã mở diễn đàn góp ý xây dựng điểm sàn trên báo Giáo dục & Thời đại, báo điện tử Dân trí. Hầu hết các ý kiến góp ý trên báo Dân trí đều mong muốn duy trì điểm sàn để đảm bảo chất lượng và đưa ra nhiều ý kiến về cách xây dựng điểm sàn hợp lý vừa đảm bảo chất lượng vừa không gây khó khăn về nguồn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Trên cơ sở phân tích ý kiến đóng góp ở Hội nghị tuyển sinh, qua diễn đàn “điểm sàn” và đề xuất của các trường ngoài công lập, Bộ dự kiến phương án điểm sàn 2 mức. Đây mới chỉ là phương án dự kiến. Bộ rất mong bạn đọc tiếp tục góp ý kiến cho phương án này. Nếu có được sự đồng tình đông đảo thì phương án xác định điểm sàn mới có thể sẽ được áp dụng ngay năm nay”.
Thí sinh dự thi đại học năm 2012. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay, Bộ dự kiến phương án điểm sàn 2 mức.
Theo Thứ trưởng Ga, điểm sàn hiện nay dựa vào chỉ tiêu của từng khối thi và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền. Điểm sàn từ trước đến nay luôn cao hơn điểm bình quân của các môn thi mà thí sinh đạt được. Phương án xác định điểm sàn như hiện nay đã thể hiện tính hiệu quả của những năm đầu khi nhu cầu học của người dân rất lớn nhưng số trường ít. Hiện nay nguồn cung đã tăng, người học có nhiều sự lựa chọn, nhiều thí sinh trên điểm sàn nhưng quyết tâm đeo đuổi việc thi vào học những ngành và trường yêu thích, không học những trường còn chỉ tiêu. Mặt khác xu thế sinh viên dồn về các thành phố lớn để học tập ngày càng tăng nên việc thí sinh trượt ở các trường ở thành phố lớn quay về địa phương để học rất ít xảy ra. Điều này dẫn tới thực trạng là mặc dù hệ số dư dôi lớn, vẫn xảy ra tình trạng có trường không tuyển đủ thí sinh. Do đó việc xác định điểm sàn cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Điểm sàn trên và điểm sàn dưới
Thứ trưởng Ga cho biết, hiện vẫn duy trì điểm sàn dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng và tổng chỉ tiêu xác định như hiện nay. Sau khi thực hiện nguyên tắc này mà vẫn còn thiếu chỉ tiêu do các nguyên nhân phân tích trên thì thực hiện việc mở rộng nguồn tuyển đến ngưỡng giới hạn mà chất lượng đầu vào có thể chấp nhận được kèm theo xét kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh.
Thứ trưởng Ga cho hay, sẽ có hai mức điểm sàn. Điểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay. Điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng. Đây được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào.
Video đang HOT
Thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy tổng điểm bình quân này của các khối thi (điểm sàn dưới) thường nằm trong khoảng từ 11 đến 12 điểm, nghĩa là thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn của từng năm (điểm sàn trên). Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn trên thì các nhà trường xét trúng tuyển như đã làm lâu nay, không có gì thay đổi.
Đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới thì các nhà trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh. Điểm sàn dưới có thể xác định được ngay sau khi có phổ điểm được công bố. Điểm sàn trên có thể do Hội đồng xác định điểm sàn họp xét đề xuất hay dựa vào kết quả thống kê của nhiều năm qua là tăng 2 điểm so với điểm sàn dưới đối với các khối thi tương ứng.
Cách thứ 2 đơn giản hơn. Kết quả thi năm 2012 cho thấy có hơn 200.000 thí sinh của tất cả các khối thi có điểm nằm giữa hai mức điểm sàn nêu trên trong khi chỉ tiêu còn thiếu của tất cả các trường chỉ khoảng 30.000. Vì vậy để tuyển đối tượng này có chất lượng, các trường cần xét thêm kết quả tốt nghiệp phổ thông.
Tạo mọi điều kiện cho thí sinh trúng tuyển
Những trường lâu nay tuyển đủ thí sinh trên điểm sàn thì hoàn toàn không có gì thay đổi nếu phương án này được áp dụng. Phương án điểm sàn dự kiến có lợi cho những trường tốp dưới gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Để ưu tiên cho những thí sinh đạt điểm trên sàn trên thì trong 2 đợt xét tuyển đầu tiên, các trường chưa nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dưới mức sàn này. Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ thì các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm thi đến điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Trong tất cả các đợt xét tuyển thì những thí sinh đạt trên điểm sàn trên được ưu tiên xét trước.
Phân tích ưu điểm về phương án điểm sàn mới này, Thứ trưởng Ga cho biết :“ Thứ nhất là vẫn lấy yếu tố chất lượng làm mục tiêu số 1, điểm sàn trên như lâu nay vẫn được duy trì và đảm bảo tuyển ít nhất 90% tổng chỉ tiêu. Thứ hai tạo cơ hội cho những thí sinh có năng lực thật sự nhưng không may đạt kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thấp được xét tuyển kèm theo kết quả thi phổ thông. Thứ ba phương án này tạo điều kiện sử dụng hết công suất hiện có của hệ thống giao dục đại học, tránh lãng phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào”.
“Phương án xác định điểm sàn này phù hợp với Luật Giáo dục Đại học về tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển), không ảnh hưởng đến phương pháp học tập và chuẩn bị thi của thí sinh (vì chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để xét kết hợp chứ không dùng kết quả học tập 3 năm phổ thông). Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính kỹ thuật. Bộ đang nghiên cứu giải pháp tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp, ổn định lâu dài song song với quá trình đổi mới việc dạy và học ở bậc phổ thông” – Thứ trưởng Ga cho hay.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Thanh tra ĐH Quốc gia Hà Nội: Hướng xử lý văn bằng thạc sĩ
"Bằng cấp được công nhận khi người học có đủ các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Những tiêu chí nào còn thiếu, cơ sở đào tạo cần bổ sung đầy đủ cho người học đến khi đạt yêu cầu" - ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết.
Liên quan đến việc, Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tiếp tục thực hiện Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) để có thông tin đầy đủ hơn.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo Giám đốc ĐHQGHN kiểm điểm, xử lý các thiếu sót, khuyết điểm của tập thể, cá nhân có liên quan. Vậy xin ông cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT đã thực hiện chỉ đạo này như thế nào? Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính thức Thủ tướng về vấn đề này hay chưa?
Ông Bùi Anh Tuấn: Ngày 11/12/2012, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 8511/BGDĐT-GDĐH gửi ĐHQGHN yêu cầu báo cáo một số nội dung như: các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của ĐHQGHN; những đề xuất về biện pháp xử lý đối với số văn bằng tốt nghiệp của Trung tâm ETC và của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN không đúng quy định theo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH
Ngày 18/12/2012, ĐHQGHN có công văn số 4427/ĐHQGHN-ĐT báo cáo Bộ GD-ĐT việc thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Trong báo cáo này ĐHQGHN cung cấp một số thông tin về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của ĐHQGHN và đề xuất Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng do đối tác nước ngoài cấp của Trung tâm ETC. Theo báo cáo thì ĐHQGHN đang tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể và cá nhân có liên quan và sẽ có văn bản báo cáo chi tiết về vấn đề này.
Do báo cáo của ĐHQGHN chưa đủ các thông tin để xử lý nên ngày 7/2/2013, Bộ GD-ĐT có công văn số 997/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo ĐHQGHN tiếp tục thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ngày 23/2/2013, ĐHQGHN đã có công văn số 519a/ĐHQGHN-ĐT báo cáo việc thực hiện của Đại học gửi Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT đang trong quá trình xem xét, xử lý báo cáo của ĐHQGHN. Sau khi có kết quả xử lý, giải quyết, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin chúng tôi được biết, ĐHQGHN đã có gửi Bộ GD-ĐT văn bản giải trình theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên vừa qua Bộ GD-ĐT lại có công văn yêu cầu ĐHQGHN báo cáo lại. Vậy lý do ở đây là gì thưa ông?
Ông Bùi Anh Tuấn: Công văn số 997/BGDĐT-GDĐH ngày của Bộ GD-ĐT không yêu cầu ĐHQGHN báo cáo lại mà chỉ đạo ĐHQGHN tiếp tục thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu ĐHQGHN phải thực hiện ngay một số biện pháp sau đây: Dừng tuyển sinh đối với tất cả các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại Trung tâm ETC; Thực hiện đúng quy định hiện hành đối với các học viên đang học theo các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng thì Bộ GD-ĐT căn cứ quy định hiện hành quyết định biện pháp xử lý phù hợp,bảo đảm quyền lợi cho các học viên đối với số văn bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo ETC đã cấp cho học viên và số bằng thạc sĩ của ĐH Kinh tế - ĐHGQHN cấp chưa phù hợp quy định. Vậy quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc xử lý các văn bằng này là như thế nào?
Ông Bùi Anh Tuấn: Trong công văn gửi ĐHQGHN, Bộ GD-ĐT yêu cầu ĐHQGHN tiếp tục đề xuất những biện pháp xử lý cụ thể. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét các đề xuất cụ thể của ĐHQGHN để đưa ra hướng giải quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên nguyên tắc xử lý đúng theo các quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Bằng cấp được công nhận khi người học có đủ các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Những tiêu chí nào còn thiếu, cơ sở đào tạo cần bổ sung đầy đủ cho người học đến khi đạt yêu cầu.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng (thực hiện)
Theo dân trí
Căn cứ khoa học nào để xác định điểm sàn đại học? "Nếu mục tiêu đặt ra điểm sàn là để đảm bảo chất lượng, là yêu cầu tối thiểu để đảm bảo sinh viên có khả năng theo học đại học thì tôi không thấy có bất cứ căn cứ khoa học nào trong việc xác định điểm sàn như hiện nay...". Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phong - phó Hiệu...