Sau vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân, nhìn lại chuyện dạy y đức
Sự việc bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường làm chết khách rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang khiến cả xã hội bng hoàng. Vậy tại “cái nôi” đào tạo ra những bác sĩ tương lai, SV được giáo dục y đức như thế nào?
Hiệu trưởng trực tiếp đứng lớp
Ngày nào cũng vậy, mấy trăm chỗ ngồi trên tầng 2 của thư viện ĐH Y Hà Nội luôn chật kín sinh viên tới học tập, nghiên cứu. Một không khí học tập không thấy nhiều ở thư viện các trường ĐH-CĐ.
Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh không khỏi bàng hoàng khi biết tin đồng nghiệp ở Hà Nội lại có hành động như vậy.
“Trong ngành y, trường hợp tai biến dẫn đến tử vong dù ít nhưng không hiếm gặp. Tôi không nghĩ người có kinh nghiệm như anh Tường lại hành động thiếu suy nghĩ như vậy” – ông Hinh xót xa.
Nói về việc giảng dạy đạo đức cho sinh viên, ông Hinh cho biết: “Ngay từ khi nhập trường, sinh viên đã được học lời thề Hippocrates, học tấm gương Hải Thượng Lãn Ông, 12 điều Y đức Việt Nam”.
Nếu như trước đây đạo đức y tế được dạy lồng ghép trong các môn học như tổ chức y tế, đạo đức y học thì từ năm 2010 bộ môn này được ngành chú trọng, tách ra thành môn độc lập với tên gọi Y xã hội học và Y đức”.
Bộ trưởng Y tế khi đó, ông Nguyễn Quốc Triệu làm chủ nhiệm danh dự cho bộ môn này ở ĐH Y Hà Nội. Trưởng bộ môn chính là hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh.
Nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn, tại ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y dược TP.HCM các hiệu trưởng cũng chính là trưởng bộ môn Y xã hội và Y đức.
Video đang HOT
Dạy gì cho sinh viên?
Sinh viên ĐH Y Hà Nội trong tiết học thực hành.
Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh cho biết: “Chương trình 45 tiết sẽ cung cấp cho sinh viên năm 2 đến năm 4 kiến thức căn bản về y đức, pháp luật, ứng xử, giao tiếp với người bệnh…
Việc xử lý khi gặp các tai biến hoặc trường hợp xấu nhất là tử vong là khó tránh dù anh đã làm đúng quy trình, thủ tục, xét nghiệm… nên không thể thiếu trong các bài giảng. Sinh viên qua bài giảng và thực tế sẽ học được cách ứng xử với người nhà bệnh nhân, lo mai táng, khâm niệm hay các thủ tục sau đó như thế nào,…Đây là cả một quá trình có sự tham gia, phối hợp của bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các phòng ban liên quan”.
Định kỳ một năm từ 2-3 lần, ông Hinh cùng các lãnh đạo nhà trường có buổi trao đổi, trả lời trực tiếp hoặc giao lưu trực tuyến với sinh về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
“Tuy nhiên, thời gian giảng trên lớp còn ít. Sinh viên chủ yếu được học lý thuyết. Các em vừa học tâm lý, đạo đức, kỹ năng giao tiếp bên cạnh một số bài tập tình huống điển hình giảng viên đặt ra” – giảng viên bộ môn y đức Trần Thị Thu Hà, ĐH Y Thái Bình cho hay.
Còn theo PGS Nguyễn Văn Hùng, giảng viên bộ môn y đức ĐH Y Hải Phòng: “Bộ môn chỉ cung cấp cho sinh viên những khái niệm, kiến thức cơ bản về đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.
Giảng viên cũng cố gắng đưa ra những tình huống khó để sinh viên thảo luận, ví dụ như một cô bé mới 15-16 tuổi đến phòng khám hỏi bác sĩ cách phá thai thì xử lí như thế nào; việc một người vợ/chồng bị bệnh nặng thì có nói cho người kia hay không hoặc nói như thế nào; hay một trong hai bị bệnh nhưng không muốn nói cho người kia biết nhưng bệnh của họ lại ảnh hưởng đến người kia thì xử lí ra sao,….”
Quan trọng là tự học
Trong một tiết học của sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội.
Theo bà Hà: “Các bài giảng của bộ môn y đức dành cho sinh viên năm 2, chuẩn bị cho năm 3 khi đi thực tập ở các bệnh viện. Giáo dục y đức là một quá trình nên ở từng bộ môn khác nhau người thầy sẽ chú ý lồng ghép nội dung này vào bài học”.
“Đau xót song trường hợp của bác sĩ Tường dẫu hãn hữu khi đã có hành động mang vứt xác bệnh nhân xuống sông nhưng ví dụ này sẽ có trong bài giảng tới đây của chúng tôi cho sinh viên” – ông Hùng cho hay.
Phó hiệu trưởng ĐH Y Thái Bình Hoàng Trọng Năng bổ sung: “Sinh viên muốn rèn y đức phải có môi trường xung quanh tốt. Mỗi thầy cô, bác sĩ nếu không cố gắng là tấm gương để sinh viên noi theo thì sao dạy được y đức.”
PGS Nguyễn Văn Hùng đề nghị: “Ngay cả những người học sau đại học, người đã đi làm cũng cần thường xuyên được giáo dục y đức như sự nhắc nhở, căn dặn không được làm trái lương tâm người thầy thuốc”.
“Quan trọng nhất vẫn là tự học, tự rèn luyện mình để tâm luôn trong sáng” – hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh nêu quan điểm ngắn gọn.
Theo Tuoitre
Bộ Y tế xin lỗi để làm gì?
"Vấn đề là xin lỗi để làm gì? Cái quan trọng là cần sửa chữa chứ không phải xin lỗi. Vì càng xin lỗi thì người dân càng mất lòng tin" - ông Dương Trung Quốc tỏ ra bức xúc trước việc Bộ Y tế xin lỗi người dân sau vụ bác sĩ ném xác phi tang.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Tôi thất rất sốc vì nó gắn với y đức, với an toàn xã hội và quan trọng cái sốc nhất là quản lý xã hội". Ảnh: Nguyễn Quyết
Bên lề buổi thảo luận tổ Quốc hội ngày 23-10, phóng viên đã buổi trao đổi với đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về việc 1 bác sĩ phi tang xác nạn nhân xuống sông. Ông Quốc bày tỏ: "Tôi thất rất sốc vì nó gắn với y đức, với an toàn xã hội và quan trọng cái sốc nhất là quản lý xã hội".
* Phóng viên: Dưới góc độ lịch sử, xâu chuỗi lại những vụ việc được coi là y đức suy thoái nghiêm trọng đến độ bác sĩ độc ác ném xác bệnh nhân phi tang được phát hiện ngày hôm qua 22-10 khiến dư luận bàng hoàng, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng y đức hiện nay?
- Đại biểu Dương Trung Quốc: Y đức là một tiêu chí nghề nghiệp. Nó là những giá trị mà người ta muốn gìn giữ nó. Trong một môi trường không lành mạnh như thế, có quá nhiều kẽ hở như thế thì chính nó làm xói mòn y đức. Quan trọng nhất là chế tài xã hội, chế tài pháp luật. Cái chế tài nó quyết định cả phần y đức nữa.
Bên cạnh ngành Y tế quản lý, cần xem trách nhiệm của quản lý địa bàn vì nó xảy ra ở địa bàn. Cơ quan quản lý cấp phép như thế nào, kể cả cơ quan thuế, họ có thu thuế trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh đó hay không, địa phương có kiểm tra cấp phép của thẩm mỹ viện hay không? Cái sự "bỏ qua" ấy đều có lý do đằng sau của nó cả. Người dân hoàn toàn có quyền nói rằng đấy là hiện tượng tiêu cực. Không thể nói tôi "bỏ sót" được, chỉ có tiêu cực mới xảy ra những cái ấy.
Qua sự việc, cơ quan Nhà nước chẳng ai thấy có lỗi cả. Quản lý Nhà nước cũng phải gắn với quản lý trên địa bàn. Những điều đó chỉ đem lại cảm giác mất an toàn cho người dân, mất lòng tin vào Nhà nước. Nó cho thấy một lỗ hổng rất lớn. Người ta có quyền đặt vấn đề: Tiêu cực trong bộ máy có phải là nguyên nhân chính không vì cái sai rõ ràng như thế mà chẳng ai xử lý cả.
* Phải chăng y đức xuống cấp bắt nguồn sâu xa từ quản lý bởi ngay sau sự việc ném xác phi tang chấn động thì cơ quan quản lý nhà nước mới... phát hiện cơ sở thẩm mỹ gây ra cái chết của khách hàng không có giấy phép hoạt động?
- Sáng nay (23-10) tôi có nghe ý kiến của đại diện Sở Y tế Hà Nội thì chủ yếu là đun đẩy thôi, cho rằng họ (thẩm mỹ viện Cát Tường - PV) lách luật. Thí dụ rằng thẩm mỹ thì không phải đối tượng của ngành Y tế quản lý, trong khi đó những dòng quảng cáo thì nó thỏai mái mà hầu như không có ai giám sát cả.
Đúng là có khó khăn với cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay khi giám sát trên một phương diện như thế. Song tôi muốn nói vai trò quan trọng nhất, lớn nhất chính là chính quyền địa phương. Có thể nói chưa bao giờ chúng ta có một lực lượng chính quyền địa phương tại chỗ lớn như thế, về nhân sự, về chức năng, về đội ngũ. Nhưng hầu như là bỏ qua hết. Người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Hay là có sự bảo kê?
* Cuối ngày 22-10, Bộ Y tế có lên tiếng xin lỗi nhân dân về sự việc này. Đây cũng là việc rất hiếm hoi. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?
- Vấn đề là xin lỗi để làm gì? Cái quan trọng là cần sửa chữa chứ không phải xin lỗi, vì càng xin lỗi thì người dân càng mất lòng tin.
Theo Người lao động
Y đức trong ngành y tế gây bức xúc dư luận Đó là một trong những hạn chế mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 tại...