Sau tim mạch, đây là căn bệnh cướp đi nhiều sinh mạng người Việt nhất
Là nguyên nhân gây chết người xếp thứ 2 chỉ sau tim mạch, nhưng tại Việt Nam, việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh này vẫn còn là bài toán khó.
Tăng liên tục số người mắc và tử vong vì ung thư
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010, trong đó có 94.000 người tử vong.
Số liệu mới nhất năm 2018 của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam trong năm qua có tới gần 165.000 ca ung thư mới mắc, nghĩa là mỗi ngày có hơn 450 người Việt phát hiện mắc ung thư; gần 115.000 người tử vong do ung thư và hơn 300.000 người đang sống chung với ung thư.
Ung thư là căn bệnh gây chết người xếp hàng thứ 2, chỉ sau tim mạch. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2016 cả nước có gần 550.000 ca tử vong các loại trong đó 77% là tử vong là do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch (31%), ung thư (19%).
Trong 5 loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam, ở nam giới, ung thư gan chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp theo là các ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng. Ở nữ giới, ung thư vú chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu (20,6%).
PGS.TS Bùi Diệu, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho biết, không chỉ số lượng người bệnh ung thư gia tăng mà chi phí điều trị các bệnh ung thư cũng liên tục gia tăng. Việc phát hiện sớm các trường hợp mắc ung thư giúp cho công tác điều trị đơn giản hơn và chi phí chỉ bằng 20% so với điều trị muộn.
Một nghiên cứu về ung thư cho thấy, năm 2012 riêng tổng chi phí trực tiếp cho điều trị 6 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam (trong đó có 5 bệnh liên quan đến rượu bia) đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng. Ung thư không chỉ gây nghèo hoá đối với nhiều gia đình, mà còn là gánh nặng đối với cộng đồng nói chung.
Tránh “án tử” từ dự phòng các yếu tố nguy cơ
Video đang HOT
Các chuyên gia về ung thư cho biết, những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư đó là: chế độ dinh dưỡng không hợp lý, hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân béo phì và lười vận động. Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ khác như ô nhiễm môi trường, yếu tố nguy cơ nghề nghiệp, nhiễm vi-rút HPV, vi-rút viêm gan, yếu tố gia đình…
Dù là một trong những thách thức sức khoẻ cộng đồng quan trọng nhất của thế kỷ 21, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách: có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tăng cường vận động thể lực.
Đơn cử, với thuốc lá, đây là nguyên nhân của 30% các loại ung thư như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, tụy… nhưng theo nghiên cứu của Bộ Y tế, gần một nửa nam giới hút thuốc lá. Đặc biệt, hút thuốc là nguyên nhân cuả 90% trường hợp ung thư phổi. Chưa kể 1,1% nữ giới cũng hút thuốc và hàng triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.
Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trước đây nhiều người dân chỉ hiểu rằng uống nhiều rượu, bia sẽ bị viêm gan, xơ gan dẫn đến ung thư gan. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 7 loại ung thư như: Khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Trong khi đó, ở nước ta, 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (45%) uống ở mức nguy hại.
Ung thư: Phát hiện sớm, chữa khỏi cao
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh ung thư là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Tại Việt Nam, số ca tử vong vì ung thư cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông. Theo Bộ Y tế, tình trạng này là do đa phần người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn – ước tính có số này khoảng trên 70%, chỉ đến khi không chịu nổi mới đến bệnh viện để khám bệnh. Phát hiện muộn còn khiến việc điều trị ung thư phức tạp, tốn kém và hiệu quả thấp.
Ví dụ, ung thư phổi, ung thư gan có tới 80-90% số bệnh nhân đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn. Còn điều tra của Bộ Y tế cho thấy, mới có 31% số phụ nữ 30-49 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Với ung thư vú, năm 2018 Việt Nam phát hiện 15.000 ca mắc ung thư mới, 6.000 ca tử vong. Có khoảng gần 43.000 người đang sống cùng căn bệnh này. GS.TS Trần Văn Thuấn, cho hay, với ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ chữa khỏi đến 95%.
Tuy nhiên tại Việt Nam, vẫn có đến 50% bệnh nhân ung thư vú đến viện ở giai đoạn muộn. Tại cộng đồng, chỉ có 24,2% phụ nữ có thực hành tự khám vú hàng tháng trong số những người tham gia chiến dịch sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú.
Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng, là cơ hội may mắn cho bất cứ ai để chữa khỏi bệnh. Vì vậy người dân, nhất sau tuổi 40, hoặc có yếu tố nguy cơ cao, tiền sử gia đình có người mắc ung thư, cần khám sức khoẻ định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Khi đã chẩn đoán mắc ung thư, cần tuân thủ điều trị theo phác đồ do bác sĩ đưa ra.
Box: Năm 2015, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam, đặt mục tiêu cụ thể nâng tỷ lệ người thuộc đối tượng nguy cơ được khám phát hiện sớm ung thư (Ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng) sẽ tăng từ 40% lên 50% trong 5 năm 2025-2030.
Tú Anh
Theo Dân trí
Ăn mặn, hảo đường: Người Việt đang tự giết mình
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm và vẫn đang gia tăng.
Ăn mặn và hảo ngọt làm tăng tình trạng bệnh tật không lây nhiễm.
Gánh nặng bệnh tật
Ở Việt Nam nó cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần - thường gặp nhất ở người cao tuổi là trầm cảm - sa sút trí tuệ là rối loạn nặng nề nhất, tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ hàng năm tăng; các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.
Bên cạnh đó các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh: vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng.
Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...
Giảm muối, giảm đường
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt còn ăn quá mặn. Đối với muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là Natri và Chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5g muối chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dưới 1,5g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3g muối.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc: từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.
Ăn quá 5g muối mỗi ngày sẽ làm tăng trương lực thành mạch, ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp. Thế nhưng trong thực tế thì mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g/ngày, trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chỉ nên sử dụng 5g/ngày. Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Nó cũng là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp và đái tháo đường.
Theo thống kê của Viện Tim mạch quốc gia, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tai biến mạch máu não. Tỷ lệ người bị tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là gần 57%, đái tháo dường 70%, hơn 86% người bị tăng huyết áp chưa được quản lý bệnh.
Cùng với sử dụng quá nhiều muối, Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo, người Việt Nam sử dụng quá nhiều đường. Cụ thể, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5g/ngày, trong khi mức khuyến cáo của WHO là 25g/ngày.
Việc sử dụng nhiều đường khiến cho tỷ lệ béo phì ở Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á. Dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, loãng xương.
Nói về việc người Việt ăn ngọt, PGS Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng hảo ngọt ở người Việt nhìn từ cốc sữa của trẻ. Sữa dành cho trẻ em Việt cũng ngọt hơn bình thường, thói quen thích ăn ngọt, bánh ngọt, bánh kẹo tạo ra những "đầu lưỡi" chỉ thích ngọt và điều này gây tăng tình trạng bệnh tật.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân - béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% (năm 2000) lên 5,3% kể từ sau năm 2015. Sau 10 năm (2002-2012), tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tăng thêm 2 lần từ 2,7% lên 5,4%. Hiện tại, cả nước đang có trên 3,5 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường.
Để phòng tránh bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, các chuyên gia y tế khuyến cáo, chú ý giảm lượng muối ăn vào hàng ngày; thường xuyên đo huyết áp và đánh gái nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Hạn chế sử dụng đồ uống có đường vì đồ uống có đường là nguồn đường chính trong khẩu phần ăn và việc tiêu thụ.
Theo infonet
Chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực phẩm lành mạnh Duy trì được một chế độ ăn lành mạnh trong suốt cuộc đời sẽ giúp phòng tránh được duy dinh dưỡng ở tất cả các thể, bao gồm cả thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Chế độ ăn lành mạnh: Rau quả: Ăn ít nhất 400g rau quả hàng ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa...