Sau nhiều sai phạm, trường đại học Chu Văn An tiếp tục bị thanh tra hành chính
UBND tỉnh Hưng Yên vừa giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu thành lập Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra hành chính đối với trường đại học Chu Văn An từ năm 2012 tới nay.
Sở dĩ UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Thanh tra tỉnh vào cuộc giải quyết vụ việc xuất phát từ công văn số 4339/BGDĐT-TCCB ngày 21/9/2018 của Bộ GD-ĐT về việc xem xét, giải quyết đối với trường đại học Chu Văn An. Sau đó, Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên đã có văn bản 1861 ngày 1/11/2018 về việc đề xuất giải quyết đối với trường đại học Chu Văn An.
Từng lập đoàn kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, những lùm xùm ở trường đại học Chu Văn An kéo dài nhiều năm nay xuất phát từ việc các thành viên Hội đồng quản trị trường đại học Chu Văn An có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ những sai phạm của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) trường đại học Chu Văn An.
Những lùm xùm trong Hội đồng Quản trị trường đại học Chu Văn An đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể có hồi kết.
Sau nhiều lần kiến nghị thì ngày 10/5/2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho Thanh tra tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn và các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo tiến hành xác minh: Làm rõ hoạt động của HĐQT và trách nhiệm của Chủ tịch, các thành viên HĐQT khóa II, nhiệm kỳ 2012-2017; Làm rõ đề nghị của 4/5 thành viên HĐQT đối với ông Dương Phan Cương (Chủ tịch HĐQT trường đại học Chu Văn An – PV); công nhận ông Trần Anh Tuấn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT; Làm rõ nội dung các văn bản của ông Dương Phan Cường: Thông báo về việc HĐQT khóa II trường đại học Chu Văn An hết nhiệm kỳ và chấm dứt hoạt động từ ngày 14/4/2017. Đề nghị bổ sung thành viên HĐQG khóa II trường đại học Chu Văn An; Kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác chuẩn bị Đại hội đồng cổ đông khóa III.
Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành, ngày 25/9/2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 2607/UBND-NC về việc thực hiện kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị trường ĐH Chu Văn An khóa II, nhiệm kỳ 2012-2017 nghiêm túc thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Dương Phan Cường về những mặt tồn tại trong việc quản lý điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị trước Đại hội đồng cổ đông.
Kiểm điểm trách nhiệm đối với các thành viên Hội đồng quản trị khóa II về những mặt còn tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị trước Đại hội đồng cổ đông.
Sửa đổi hoặc thay thế quy Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH Chu Văn An để trường hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Chủ tịch Hội đồng quản trị khóa II thực hiện nghiêm túc quy định tại Điểm c, khoản 1, Điều 22 Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện quy trình thành lập Hội đồng quản trị khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022. Thời gian thực hiện xong trước ngày 27/10/2017, trình UBND tỉnh theo quy định.
Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị khóa II không tổ chức họp bầu Hội đồng quản trị khóa mới, các cổ đông thực hiện quyền và nhiệm vụ theo quy định tại Điều 20 Điều lệ Trường đại học.
Mặc dù UBND tỉnh Hưng Yên đã đưa ra những chỉ đạo khá cụ thể và sau đó nhiều lần có văn bản trả lời kiến nghị nhưng đến thời điểm hiện tại những lùm xùm ở trường ĐH Chu Văn An vẫn chưa thể khép lại, thậm chí UBND tỉnh Hưng Yên còn bị “tố” chỉ đạo không nhất quán, thậm chí là gây khó cho các bên khi thực hiện.
UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo không nhất quán?
Trước thực trạng lùm xùm không được giải quyết dứt điểm, các thành viên HĐQT tiếp tục gửi đơn thư kêu cứu tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết vụ việc như Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vào ngày 18/9/2018, trong công văn số 4271/ BGDĐT – TCCB, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phản hồi về việc công nhận hoặc không công nhận HĐQT, Chủ tịch và các thành viên HĐQT Trường Đại học Chu Văn An là thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh Hưng Yên. Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với UBND Tỉnh Hưng yên để xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, các thành viên HĐQT Trường Đại học Chu Văn An cho biết, sau nhiều nỗ lực yêu cầu Chủ tịch HĐQT khắc phục các sai phạm và giải quyết các vấn đề tồn tại của nhà trường không có kết quả, các thành viên HĐQT đã nhiều lần gửi đơn thư đề nghị UBND Tỉnh Hưng Yên – trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ đưa ra hướng chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, các thành viên HĐQT Trường Đại học Chu Văn An cho rằng các chỉ đạo của UBND Tỉnh Hưng Yên là chưa nhất quán dẫn đến chưa thể giải quyết được dứt điểm các vấn đề khiến vụ việc tiếp tục kéo dài gây bức xúc và thiệt hại về tài chính của các thành viên HĐQT.
Cụ thể trong văn bản số số 2607/ UBND – NC, Điểm e, Mục 2 còn có hướng dẫn rất cụ thể: “Trường hợp Chủ tịch HĐQT khóa II không tổ chức họp bầu HĐQT khóa mới, các cổ đông thực hiện quyền và nhiệm vụ theo quy định tại Điều 20 Điều lệ Trường đại học ban hành theo quyết định 70/2014/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính Phủ”.
Căn cứ theo hướng dẫn tại “Điểm e” có thể thấy UBND Tỉnh Hưng Yên đã mở ra hướng giải quyết cho các thành viên HĐQT khi Chủ tịch HĐQT khóa II không tổ chức họp bầu HĐQT khóa mới thì các cổ đông có thể thực hiện quyền và nhiệm vụ quy định tại Điều 20, Điều lệ trường đại học, nghĩa là thực hiện các quyền của Đại hội đồng cổ đông bao gồm việc bầu, thay đổi thành viên HĐQT; Thông qua báo cáo tài chính hàng năm của trường, những quy định của liên quan đến tài chính trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Áp dụng hướng dẫn trên, các thành viên HĐQT của Trường Đại học Chu Văn An đã tiến hành tổ chức họp Đại hội đại cổ đông theo đúng quy định tại Điều 20 của Quy chế để thành lập ra HĐQT khóa III và bầu người nắm quyền Chủ tịch HĐQT vì nhiệm kỳ II (2012 – 2017) do ông Dương Phan Cường được bầu làm Chủ tịch HĐQT cũng kết thúc, đồng thời thời gửi đề xuất với UBND Tỉnh về việc: Đề nghị công nhận HĐQT, thành viên HĐQT và quyền Chủ tịch HĐQT khóa III (2017 – 2022) Trường Đại học Chu Văn An.
Tuy nhiên, UBND Tỉnh Hưng Yên đã từ chối công nhận HĐQT, thành viên HĐQT, quyền Chủ tịch HĐQT khóa III với lý do: “Chủ tịch HĐQT và 04/05 thành viên HĐQT Trường Đại học Chu Văn An vẫn chưa ban hành quyết nghị về việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới Quy chế tổ chức và hoạt động cùng các quy định nội bộ khác của nhà trường theo đúng quy định tại Điều lệ Trường Đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ – TTg để có căn cứ tổ chức thực hiện quy trình thành lập HĐQT nhiệm kỳ tiếp theo”.
Trao đổi với PV Dân trí, một số thành viên HĐQT Trường Đại học Chu Văn An cho biết, ông Dương Phan Cường từ trước đó đã không hợp tác dẫn đến không thể tổ chức được bất kỳ cuộc họp nào hợp lệ. Và đây cũng là lý do khiến các thành viên HĐQT của Trường Đại học Chu Văn An phải làm đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có UBND Tỉnh Hưng Yên…
Vậy UBND tỉnh Hưng Yên nói gì về việc bị “tố” chỉ đạo không nhất quán? UBND tỉnh Hưng Yên đã thực hiện hết trách nhiệm của mình? Việc tiến hành thanh tra hành chính đối với trường đại học Chu Văn An sẽ giải quyết được gì trong vụ việc này? …
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Nguyễn Hùng
Theo Dân trí
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM: 11 giảng viên có bằng tiến sĩ chưa được công nhận
Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có Kết luận thanh tra số 12/KL-TTr về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của Trường Đại học (ĐH) Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Kết luận cho thấy việc tổ chức, quản lý cũng như việc đảm bảo chất lượng của trường còn có những thiếu sót, sai phạm.
Giảng viên có bằng tiến sĩ chưa được công nhận, thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm
Theo kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường cũng như chưa thành lập Hội đồng trường theo quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục Đại học và Điều 9 Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg. Đặc biệt, qua kiểm tra hồ sơ có 3 cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn đào tạo tiến sĩ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học. Như trường hợp ông N.V. K., Trưởng bộ môn Trắc địa địa chính và công trình, ông T.Q.T., Trưởng bộ môn Kỹ thuật địa chất và bà B.T.T, Trưởng bộ môn Khí tượng.
Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM có nhiều thiếu sót, sai phạm
Tại thời điểm thanh tra, đội ngũ giảng viên cơ hữu có 248 người, trong đó có 2 Giáo sư, 11 Phó Giáo sư, 31 Tiến sĩ, 190 Thạc sĩ và 14 Đại học. Ngoài ra, ngành Kỹ thuật cấp thoát nước trình độ Đại học chưa bảo đảm số lượng giảng viên cơ hữu. Thanh tra Bộ GD-ĐT, kiểm tra 44 hồ sơ giảng viên cơ hữu của trường có trình độ Tiến sĩ trở lên thì có tới 11 giảng viên có bằng Tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp từ năm 2008 đến nay chưa được công nhận văn bằng.
Đồng thời, có 39/44 hồ sơ giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên dạy Đại học. Số sinh viên chính quy trên một giảng viên quy đổi Khối ngành III và Khối ngành V cao hơn quy định theo Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/2/2018.
Liên kết đào tạo trái quy định
Về liên kết đào tạo, trường được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo 5 chuyên ngành liên thông từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ Đại học. Theo đó, trường đang liên kết đào tạo trình độ Đại học hệ vừa học vừa làm với 3 đơn vị (tổng số 190 học viên) được Bộ GD-ĐT cấp phép là Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tân Bách Khoa (Tây Ninh), Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương và Trường ĐH An Giang.
Tuy nhiên, năm 2017, trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo 1 lớp liên thông từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ Đại học hình thức vừa làm vừa học ngành Quản lý đất đai, đặt lớp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) chưa xin phép Bộ GD-ĐT (số lượng học viên hiện đào tạo 14 người). Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường phải rà soát thực tế, đề xuất việc xử lý đối với sinh viên lớp liên thông nói trên, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 16/7/2018.
Ngoài ra, thanh tra Bộ cũng cho rằng về diện tích sàn xây dựng trực tiếp đào tạo, trường chưa đảm bảo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 quy định về chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học. Hiện trường có 2 cơ sở đào tạo với tổng diện tích đất thuộc sở hữu hơn 6ha, nhưng đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện trường đang thuê địa điểm đào tạo của Trường Dự bị Đại học TP Hồ Chí Minh.
Tháng 11/2017, đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện đánh giá tại trường. Kết quả cho thấy, trường chưa đạt yêu cầu kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (có 15/61 tiêu chí chưa đạt). Kiểm tra sổ phát bằng tốt nghiệp Đại học chính quy năm 2016-2017, đoàn thanh tra còn phát hiện, trường đã thực hiện theo đúng quy định, nhưng tại thời điểm thanh tra, trường lại chưa thực hiện việc công bố công khai thông tin về văn bằng.
Với hàng loạt thiếu sót, sai phạm nêu trên, Bộ GD-ĐT kiến nghị, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan.
Lan Phương
Theo Dân trí
Sai phạm trong thi tuyển giáo viên: Nhiều cá nhân xin rút kinh nghiệm Hội đồng thi tuyển giáo viên huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có hàng loạt sai phạm trong quá trình tổ chức kỳ thi, tuy nhiên những cá nhân liên quan chỉ xin kiểm điểm rút kinh nghiệm. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành của UBND tỉnh Quảng Ngãi phát hiện Hội đồng thi tuyển giáo viên huyện Lý Sơn năm học 2017...