Sáu nhầm tưởng về giao việc nhà cho trẻ
Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ mẫu giáo chỉ nghịch khi làm việc nhà và muốn khuyến khích thì nên trả tiền, nhưng điều này không đúng.
1. Trẻ nhỏ không thể làm việc nhà
Với những công việc nhà phù hợp, trẻ 3 tuổi có thể hoàn thành tốt. Ví dụ, trẻ 3 tuổi không thể cắt cỏ nhưng có thể giúp bố mẹ dọn dẹp vườn. Các em cũng có thể giúp cất đồ chơi sau khi chơi hoặc tự lấy quần áo mặc.
Nếu bắt đầu sớm, trẻ sẽ xem làm việc nhà là nhiệm vụ thông thường của các thành viên trong gia đình.
2. Trả tiền để làm việc nhà
Nghiên cứu cho rằng những đứa trẻ không được trả tiền để làm việc nhà hưởng lợi nhiều hơn từ công việc của mình. Bởi các em hiểu phần thưởng là được đóng góp công sức xây dựng gia đình. Khuyến khích trẻ làm việc nhà bằng tiền bạc gửi đi thông điệp rằng “không ai làm việc không công”.
Tuy nhiên, nếu thỉnh thoảng muốn khích lệ trẻ, phụ huynh có thể thưởng tiền hoặc món đồ về vật chất, tinh thần khác. Những món quà không nên có giá trị tiền bạc quá lớn.
3. Buộc trẻ làm việc nhà
Ép buộc trẻ làm bất cứ điều gì không phải cách tốt để nuôi dạy. Ép buộc đồng nghĩa với xung đột và xung đột thường dẫn đến oán giận. Những cảm xúc tiêu cực sẽ là “bệ phóng” cho các hành vi thiếu tôn trọng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa trẻ không thích sẽ không phải làm việc nhà. Bố mẹ có thể thay đổi cách yêu cầu con làm việc. Ví dụ biến việc nhà thành trò chơi, cơ hội học hỏi điều mới.
Video đang HOT
Ảnh: Shutterstock.
4. Làm việc nhà cần nghiêm túc
Khi trẻ làm việc nhà, bố mẹ có thể khuyến khích con bật bài hát, bản nhạc vui nhộn để tạo niềm vui. Nhiều trẻ không thích việc nhà vì nghĩ nhàm chán, thiếu sự linh hoạt. Nhưng nếu bạn cổ vũ bằng những hoạt động thú vị, con sẽ dần thích làm việc nhà.
5. Trẻ phải làm việc nhà độc lập
Trẻ học tốt nhất là thông qua quan sát hành động của người lớn. Điều này đồng nghĩa bạn nên cùng con làm việc nhà để vừa hướng dẫn, vừa làm gương cho trẻ. Dần dần, khi lớn hơn, các em sẽ hình thành thói quen làm việc nhà hoặc chủ động khi thấy có việc cần làm.
Nhưng ngay cả thời điểm đó, trẻ sẽ có nhiều động lực hơn nếu cả gia đình cùng tham gia làm việc nhà. Mọi người nên cùng nhau làm việc nhà để biến gia đình thành nơi sạch đẹp.
6. Đòi hỏi sự hoàn hảo
Hiệu quả công việc được đánh giá dựa trên độ tuổi, khả năng của trẻ. Nếu bạn yêu cầu trẻ 4 tuổi phủi bụi trên giá sách, một số chỗ chắc chắn còn lại vết bẩn. Nếu bạn yêu cầu trẻ lớp hai gấp quần áo, chắc hẳn sẽ có vài bộ bị nhăn.
Tuy nhiên, bạn không giao việc nhà cho con bởi vì bạn không thể tự làm những công việc này. Bạn đang dạy con cách làm việc nhà và ý nghĩa của công việc. Vậy nên việc còn sót chút bụi hay quần áo bị nhăn không thực sự quan trọng. Kỳ vọng ban đầu và xuyên suốt của việc yêu cầu con làm việc nhà là hình thành thói quen và trách nhiệm với công việc chung của gia đình.
Chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ triển khai thế nào?
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư Ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo nhằm giúp trẻ trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Có con đang học mẫu giáo, anh Nguyễn Xuân Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) ủng hộ việc dạy tiếng Anh sớm cho trẻ trước khi vào bậc tiểu học.
"Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, rất cần thiết trong xã hội hiện nay, việc cho trẻ mẫu giáo tiếp xúc và học tiếng Anh nên được triển khai sớm trong các trường công lập. Nếu trẻ từ 3-4 được học tiếng Anh sẽ giúp các con làm quen dần với ngôn ngữ mới. Có thể triển khai toàn quốc là điều rất tốt, còn nếu không, những trường có điều kiện tổ chức, phụ huynh vẫn sẵn sàng đóng góp kinh phí tham gia", anh Cường cho biết.
Có con 4 tuổi, đang học tại một trường công lập tại Hải Dương, chị Nguyễn Thanh Tâm cho biết, việc học tiếng Anh với trẻ mẫu giáo ở nông thôn còn khá xa lạ. Tuy nhiên, với mong muốn cho con làm quen với ngoại ngữ từ sớm, thời gian ở nhà, chị Tâm vẫn thường xuyên giao tiếp, nói với con những từ đơn giản bằng tiếng Anh.
"Tôi không muốn nhồi nhét ngôn ngữ cho con, mà giúp con làm quen, để con vừa chơi, vừa học ngôn ngữ mới một cách tự nhiên nhất. Nếu tại các trường có dạy tiếng Anh cho trẻ, các con sẽ có môi trường tốt hơn. Khi có nhiều bạn bè và cô giáo, trẻ cũng sẽ hào hứng làm quen với ngôn ngữ mới hơn. Ở giai đoạn này, việc dạy trẻ không cần nặng về kiến thức, chỉ cần cho trẻ làm quen và yêu thích ngôn ngữ mới và luyện phản xạ", chị Tâm chia sẻ.
Có con đang học tại một trường ngoài công lập ở Hà Nội, chị Nguyễn Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, trường của con chị đang theo học có liên kết với trung tâm tiếng Anh bên ngoài để dạy cho các con lớp 4, 5 tuổi. Hình thức học chủ yếu thông qua trò chơi, học tên gọi các đồ vật, con vật bằng tiếng Anh.
"Sau 4-5 buổi học cùng giáo viên nước ngoài, con về nhà tỏ ra khá hào hứng, thường khoe với mẹ những từ mới đã học và thích thú hơn với những phim hoạt hình bằng tiếng Anh trên TV". Chị Hằng cho rằng, việc học ngoại ngữ sớm là cần thiết, giúp trẻ làm quen và luyện phản xạ.
Trao đổi về dự thảo này của Bộ GD-ĐT, bà Lương Thị Biển, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết, là địa phương có nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài FDI, số người nước ngoài làm việc tại địa bàn tỉnh lớn, việc dạy tiếng Anh sớm cho trẻ để tạo nền tảng là điều cần thiết. Bà Biển cho hay, ngay sau khi Bộ GD-ĐT có quy định chính thức, Sở GD-ĐT Bắc Ninh sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để triển khai ở các trường học đủ điều kiện.
Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non, bà Biển cho rằng, chỉ có thể thực hiện khi xã hội hóa, tức các trường phối hợp với các trung tâm tổ chức, bởi nội lực giáo viên mầm non hiện nay rất khó để dạy trẻ tiếng Anh, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Trao đổi với VOV.VN về dự thảo này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, trong xu thế hội nhập, Nghị quyết 29 đã đặt ra yêu cầu về 2 công cụ quan trọng cho công dân toàn cầu là ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Trong đề án về đổi mới toàn diện căn bản giáo dục cũng đã đặt ra yêu cầu cho trẻ mầm non tiếp cận với ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
Ông Minh cho hay, việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh chính thức được thí điểm từ năm 2014, tuy nhiên, việc này với chỉ được triển khai dựa trên 1 công văn, chưa đủ hành lang pháp lý.
"Theo công văn đó, ở đâu có điều kiện thì có thể tổ chức cho các cháu làm quen với ngoại ngữ, trong đó có một số quy định về chương trình, phương pháp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức, đáp ứng yêu cầu xã hội và chuẩn bị cho sự phát triển tương lai của các công dân toàn cầu", ông Minh nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho hay, xuất phát từ thực tiễn, việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã được triển khai ở khoảng 30% số trẻ trên toàn quốc, song các địa phương còn đang lúng túng, thiếu hành lang pháp lý để quản lý, do đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo chương trình làm quen với tiếng Anh mẫu giáo để lấy ý kiến dư luận.
"Các địa phương vẫn vướng về hành lang pháp lý khi thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh như yêu cầu cần đạt là gì, tổ chức như thế nào, yêu cầu giáo viên ra sao. Việc ban hành dự thảo sẽ giải quyết những vấn đề trên của các địa phương. Tinh thần của dự thảo quy định này là không áp đặt, không phải tất cả đều phải triển khai, mà chỉ áp dụng cho những cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng được yêu cầu thực hiện. Nếu giáo viên cơ hữu không thể dạy, các trường có thể tìm giáo viên hợp đồng. Nhưng quan trọng phải có giáo viên đáp ứng được yêu cầu, có cơ sở vật chất và công tác quản lý tổ chức phù hợp", ông Minh cho hay./.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, Mục tiêu của chương trình sau khi hoàn thành, trẻ mầm non có thể nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, quen thuộc; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi; nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ có thể nhắc lại được, nói được một cách tương đối rõ ràng, dễ nghe một số từ, cụm từ đơn giản; nhắc lại được, đọc theo được một số bài vần, bài thơ; hát theo một số bài hát đơn giản; trả lời được, kể lại được một số tình tiết của truyện theo tranh; nhắc lại được, nói được một số từ thông dụng từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ có thể đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh, minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; tô màu được một số biểu tượng, kí hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh; có hứng thú với tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh; mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp.
Trẻ em Nhật Bản được dạy sinh tồn trong thảm họa, bão lũ Bình tĩnh, không khóc lóc, luôn tuân thủ trật tự và phối hợp cùng nhau là những điều trẻ em Nhật Bản được dạy trong các lớp học ứng phó thiên tai, thảm họa. Với đặc điểm địa hình, vị trí địa lý đặc thù, Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai. Trung bình mỗi năm, đất nước...