Sau nghỉ hè, học sinh tập trung đến trường ngày nào?
Ngày 10/7, Bộ GD&ĐT đã thông tin về thời gian tập trung học sinh đến trường sau nghỉ hè của các cơ sở GD&ĐT.
Học sinh năm nay nghỉ hè đến ngày 1/9. Ảnh minh họa: Q.Anh
Theo Bộ GD&ĐT, tại họp báo thường kỳ Quý II năm 2020 (ngày 30/6), Bộ đã thông tin việc Bộ đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 – 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017 – 2018.
Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 – 2021 là ngày 05/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng; thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 01/9/2020.
Video đang HOT
Riêng đối với trường tư thục, năm học 2020-2021 vẫn thực hiện quy định theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng sẽ xem xét việc sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT theo hướng phù hợp hơn về thời gian học tập, rèn luyện ở trường và thời gian nghỉ hè của học sinh.
Các trường tư thục cần báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường nhưng cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học 2019-2020 muộn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Năm học 2020 – 2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay), qua đó tăng thời gian để tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho học sinh.
Để trẻ thực sự được nghỉ hè
Những ngày này, các trường của Hà Nội đang kết thúc năm học 2019 - 2020, học sinh bắt đầu kỳ nghỉ hè từ 15/7.
Có vẻ như sau đợt nghỉ kéo dài vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kỳ nghỉ hè năm nay như không mấy quan trọng, nhất là thời gian lại ngắn, chỉ khoảng trong ngoài một tháng, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, dưới một góc độ khác, nhiều ý kiến lại cho rằng đây là kỳ nghỉ hè cần -quan tâm, thậm chí hơn cả những kỳ nghỉ hè bình thường kéo dài 3 tháng theo truyền thống. Có mấy lẽ để dẫn đến cách nghĩ này.
Một là, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm học 2019 - 2020 là năm học đầy vất vả với thầy và trò. Không phải đến trường, thực ra là không được đến trường, nhưng cả thầy và trò đều lao tâm khổ tứ với việc học hành, tìm mọi cách để làm sao hoàn thành chương trình năm học một cách cơ bản nhất, mà chủ yếu là qua dạy và học online... Như vậy là ở nhà mà không được nghỉ, thậm chí còn học hành căng thẳng hơn lúc tới trường.
Hai là, thời gian đi học sau đại dịch đúng vào thời điểm lẽ ra bắt đầu kỳ nghỉ hè truyền thống. Ngoài chuyện vất vả vì thời tiết, có những hôm nắng nóng lên đến 400C, thì đi học ở thời điểm đó tạo một sức ép tâm lý rất lớn. Đó là chưa kể áp lực từ những xáo trộn trong học hành, thi cử do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là với học sinh chuyển cấp, thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Cuối cùng, sau những vất vả nói trên, kỳ nghỉ hè này tuy ngắn nhưng thời gian rất quan trọng để thày và trò có thể nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, tạo tâm thế phấn chấn, hồ hởi bước vào năm học mới 2020 - 2021.
Vì những lẽ trên, có thể nói đây là kỳ nghỉ hè quan trọng, con em chúng ta xứng đáng và phải được quyền hưởng trọn một kỳ nghỉ hè theo đúng nghĩa của nó.
Trước tiên các em phải được nghỉ ngơi thật sự. Không phải vô cớ mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm trong thời gian nghỉ hè. Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, thời gian tựu trường sớm nhất là sau ngày 15/8, thậm chí có thể sát ngày khai giảng 5/9 để tăng thêm thời gian nghỉ hè cho học sinh. Đặc biệt, khoảng thời gian tựu trường trước khai giảng sẽ không tổ chức dạy học, mà chỉ để ổn định tổ chức, chuẩn bị các hoạt động đầu năm.
Để con trẻ được thực sự nghỉ hè, phụ thuộc rất nhiều vào các bậc ông bà, cha mẹ. Làm sao để những ngày hè không còn cảnh lũ trẻ hớt hải cùng bố, mẹ chạy từ lớp học thêm đến lớp tiếng Anh rồi qua lớp múa, lớp võ..., trong khi lẽ ra trẻ phải được vui chơi, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí lành mạnh theo ý muốn.
Nói đến chuyện nghỉ ngơi, vui chơi ngày hè. Có một thực tế là không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con em mình đi du lịch, nghỉ dưỡng. Song cũng có một thực tế là việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi của trẻ không quá phức tạp, tốn kém miễn là chúng có thể tạm xa gánh nặng của việc học hành, được về quê thăm ông bà, được gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè đồng trang lứa với những trò chơi lành mạnh, phù hợp... Để có được điều đó, cùng với sự quan tâm của mỗi gia đình, còn trông chờ rất nhiều ở các tổ chức Đoàn, Đội tại các địa phương, khu dân cư, thôn xóm, những việc mà nhiều nơi làm rất tốt trong nhiều năm qua.
Tóm lại, với tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó, kì nghỉ hè năm nay cần được tổ chức sao cho trẻ được nghỉ hè thật sự, được nghỉ ngơi, vui chơi phù hợp lứa tuổi, bảo đảm an toàn. Và như đã phân tích ở trên, để làm được điều đó, người lớn, cụ thể là các bậc ông bà, cha mẹ, thày, cô giáo, các anh chị Đoàn viên thanh niên... cần có nhận thức đúng và đặc biệt là biết quan tâm, hành động thực sự vì các em.
Như vậy, dù ngắn, nhưng chắc chắn kỳ nghỉ hè năm nay vẫn thực sự là những ngày hè bổ ích, lý thú.
Bài học từ bếp quê và bánh quê Bếp quê là mô hình trải nghiệm thú vị đang được triển khai tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều), nhằm thực hiện Chương trình hoạt động trải nghiệm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đằng sau bếp quê đỏ lửa và những chiếc bánh quê thơm lừng là những bài học kỹ năng sống ý...