Sau năm 2025 có còn thi tốt nghiệp THPT và các trường ĐH tuyển sinh thế nào?
Năm học 2022 – 2023 bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 10, cấp THPT.
Do định hướng nghề nghiệp nên học sinh học những môn bắt buộc và những môn tự chọn.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh, giáo viên và các cấp quản lý quan tâm hai câu hỏi lớn: Thứ nhất, đến năm 2025 khi hoàn thành chương trình bậc THPT thì có còn thi tốt nghiệp THPT nữa hay không và nếu có thì thi những môn nào? Thứ hai, đến thời điểm đó các trường đại học có còn tuyển sinh theo tổ hợp môn nữa không?
Là giáo viên lâu năm trong nghề, bằng sự hiểu biết và suy luận của mình, Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi – Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) chia sẻ phân tích hai câu hỏi trên như sau:
Có thi tốt nghiệp THPT nữa hay không?
Trên các diễn đàn, người dân và các cấp quản lý mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công khai phương án thi tốt nghiệp THPT. Theo tôi, có hai phương án dự kiến diễn ra: Thứ nhất, Bộ GD&ĐT sẽ không tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà giao cho các địa phương xét công nhận tốt nghiệp THPT như bậc THCS đã làm. Phương án này, nếu phát phiếu khảo sát thì hầu như phụ huynh sẽ đồng ý.
Phương án hai là, Bộ GD&ĐT vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không thi 6 môn như hiện nay. Tôi đoán chỉ thi 3 môn (Toán; Ngữ văn và Ngoại ngữ) hoặc 4 môn (Toán học; Ngữ văn; Ngoại ngữ và Lịch sử). Các môn thuộc nhóm tự chọn gồm: Vật lý; Hóa học; Sinh học; Địa lý; Giáo dục, Kinh tế và Pháp luật; Công nghệ; Tin học; Mỹ thuật và Âm nhạc sẽ không đưa vào thi tốt nghiệp.
Vì các môn học tự chọn, học sinh học khác nhau và rất khó cho Bộ xây dựng nhóm môn thi tốt nghiệp. Nếu Bộ có đưa vào thì số ngày thi chắc chắn tăng lên, dẫn đến kỳ thi cồng kềnh, học sinh mệt mỏi và quên ngày đi thi hay ngủ quên là không tránh khỏi. Khi đó, chi phí cho kỳ thi “phình” ra, liệu rằng Thủ tướng có đồng ý không?
Tóm lại phụ huynh và học sinh cứ yên tâm, Bộ GD&ĐT sẽ chọn phương án tối ưu, làm sao phần có lợi nghiêng về phía học sinh.
Video đang HOT
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức
Các trường đại học tuyển sinh thế nào ?
Người xưa có câu “Gió chiều nào theo chiều đó”. Nghĩa là, khi Bộ GD&ĐT thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn các trường đại học sẽ thay đổi cho phù hợp. Nếu các trường đại học cứ tuyển theo tổ hợp môn như hiện nay thì họ không có nguồn học sinh để tuyển trong tương lai.
Chúng ta biết rằng, các trường đại học đang hướng đến tự chủ nên họ không dại gì tự “bó tay” chân mình để mất nguồn tuyển sinh. Hiện tại, các trường đại học có nhiều phương thức tuyển sinh riêng như: xét học bạ, thi năng lực, lấy chứng chỉ tiếng Anh, học sinh giỏi quốc gia, lấy kết quả thi tốt nghiệp…
Đến năm 2025 và sau này, tôi dự đoán các trường đại học cũng tuyển như vậy. Ai cũng biết môn Toán là môn học công cụ, có tính tư duy cao và coi như là “bộ não” của mỗi con người. Nếu học sinh học giỏi Toán thì sẽ giỏi các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Môn Ngữ văn giúp học sinh diễn đạt, lập luận chặt chẽ và rõ ràng về một vấn đề nào đó và coi như là lời hay, ý đẹp. Nếu học sinh học giỏi Ngữ văn thì sẽ giỏi các môn Địa lý, Lịch sử.
Môn tiếng Anh giúp học sinh hội nhập với thế giới và trở thành công dân toàn cầu. Nếu học sinh giỏi tiếng Anh coi như chúng ta trao cho các em “chìa khóa” mở cánh cửa tri thức của nhân loại.
Với lập luận như trên, nếu các trường đại học lấy điểm thi tốt nghiệp THPT thì chỉ lấy điểm 3 môn (Toán học; Ngữ văn và Ngoại ngữ). Nếu tổ chức thi riêng bằng bài thi năng lực, các trường cũng ra đề thi với kiến thức 3 môn: Toán học; Ngữ văn và Ngoại ngữ; hoặc 4 môn: Toán học; Ngữ văn; Ngoại ngữ và Lịch sử.
Các trường đại học tránh ra đề thi năng lực có kiến thức các môn tự chọn, vì như vậy học sinh bị “bó buộc” môn thi, dẫn đến ít học sinh tham gia. Mà ít học sinh tham gia thì nguồn tuyển sinh của họ bị eo hẹp.
Tóm lại phụ huynh và học sinh cứ yên tâm, các trường đại học họ đưa ra nhiều phương án tuyển sinh, làm sao phần có lợi nghiêng về phía học sinh và họ cũng có nguồn tuyển sinh dồi dào.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi – Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng)
Cách chọn môn lớp 10 phù hợp
Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 bắt đầu học chương trình GDPT 2018. Thời điểm này, học sinh đang hoàn tất các công đoạn lựa chọn môn học bắt buộc và và môn học tự chọn.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi, giáo viên môn Toán, công tác tại trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng), gợi ý lựa chọn môn học lớp 10 của để phụ huynh cùng các học sinh tham khảo.
Ngày 3/8, Bộ GD&ĐT công bố chi tiết về môn học bắt buộc và môn học tự chọn cho bậc trung học phổ thông, bắt đầu áp dụng ở lớp 10 năm học này.
Theo đó, học sinh được lựa chọn 4 môn học trong 9 môn học (Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật), không còn phụ thuộc vào nhóm môn như trước.
Đây là lợi thế của học sinh khi chọn môn để học và các trường THPT cũng dễ phân chia tổ hợp môn. Nếu trường nào có đủ 9 môn tự chọn, về lý thuyết, ta có 126 tổ hợp, còn trường nào không có môn Âm nhạc và Mỹ thuật, ta có 35 tổ hợp.
Các trường thường căn cứ vào đội ngũ giáo viên hiện có để hướng học sinh đăng ký gói gọn từ 4 đến 6 tổ hợp là vừa.
Đến năm 2025, nếu các trường đại học vẫn duy trì tuyển sinh theo nhóm môn truyền thống như hiện nay, học sinh thoải mái chọn nhóm môn để học vì tổ hợp môn đã rõ ràng. Đây cũng là chìa khóa để thẳng tiến xét tuyển đại học mà không có rào cản và lo lắng. Nhưng chọn môn như thế nào là phù hợp, theo tôi phụ huynh và học sinh cần đến trường nơi con mình nhập học để nghe tư vấn của nhà trường.
Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu và dựa trên một số tổ hợp nhà trường đưa ra, học sinh cần chọn môn dựa trên sở thích, năng lực và nghề nghiệp sau này.
Tôi dự đoán, mỗi trường sẽ phân các lớp thuộc ban tự nhiên và các lớp thuộc ban xã hội. Các môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ được ghép vào hai ban nói trên sao cho phù hợp.
Khả năng học sinh chọn môn Công nghệ rất nhiều vì dễ học và không phải tư duy nhiều, môn Tin học, chỉ những em có nguyện vọng thi vào ngành Công nghệ thông tin mới chọn. Còn môn Nghệ thuật, dù học sinh có chọn, một số trường không thể đáp ứng vì thiếu giáo viên.
Gợi ý của thầy Thi về một số nhóm môn để phụ huynh và học sinh tham khảo.
Hiện tại, các trường đại học ngoài tuyển sinh theo học bạ, kỳ thi năng lực, chứng chỉ tiếng Anh vẫn tuyển sinh theo các khối quen thuộc. Khối A gồm có A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), A02 (Toán, Vật lý, Sinh học), A03 (Toán, Vật lý, Lịch sử), A04 (Toán, Vật lý, Địa lý), A05 (Toán, Hóa học, Lịch sử), A06 (Toán, Hóa học, Địa lý), A07 (Toán, Lịch sử, Địa lý).
Khối B gồm có B00 (Toán, Hóa, Sinh), B01 (Toán, Sinh học, Lịch sử), B02 (Toán, Sinh học, Địa lý), B03 (Toán, Sinh học, Ngữ văn), B04 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh).
Khối C gồm có C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lý), C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa học), C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử), C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lý), C05 (Ngữ văn, Vật lý, Hóa học), C06 (Ngữ văn, Vật lý, Sinh học), C07 (Ngữ văn, Vật lý, Lịch sử), C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh), C09 (Ngữ văn, Vật lý, Địa lý), C10 (Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử).
Khối D gồm có D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh), D02 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga), D03 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp), D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung), D05 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Đức), D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật). Khối M gồm có: M00 ( Ngữ văn, Toán, Đọc diễn cảm, Hát), M01 (Ngữ văn, Lịch sử, Năng khiếu).
Khối N gồm có N00 (Ngữ văn, Năng khiếu Âm nhạc 1, Năng khiếu Âm nhạc 2), N01 (Ngữ văn, xướng âm, biểu diễn nghệ thuật), N02 (Ngữ văn, Ký xướng âm, Hát hoặc biểu diễn nhạc cụ).
Khối H gồm có H00 (Ngữ văn, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 2), H01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ), H02 (Toán, Vẽ Hình họa mỹ thuật, Vẽ trang trí màu).
Khối V gồm có V00 (Toán, Vật lý, Vẽ Hình họa mỹ thuật), V01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ Hình họa mỹ thuật), V02 (Vẽ mỹ thuật, Toán, Tiếng Anh), V03(Vẽ mỹ thuật, Toán, Hóa).
Phân chia tổ hợp như vậy sẽ dẫn đến việc giáo viên dạy 9 môn tự chọn nói trên sẽ thiếu tiết, giáo viên thiếu tiết có thể dạy thêm môn trải nghiệm sáng tạo và hướng nghiệp, lịch sử địa phương. Nếu còn thiếu tiết, các trường trên cùng địa bàn (quận, huyện) ngồi lại với nhau nhằm thương thảo để giáo viên dạy thêm một số tiết ở trường khác.
25 trường ĐH hàng đầu giúp thí sinh "Chọn chuẩn trường - Đi chuẩn đường" vào ĐH Chuyên gia của 25 trường ĐH hàng đầu sẽ giải đáp các thắc mắc của học sinh xoay quanh định hướng nghề nghiệp, chọn ngành nghề phù hợp với bản thân trong chuỗi chương trình tư vấn "Chọn chuẩn trường - Đi chuẩn đường" cho học sinh THPT. Nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển...