Sau một năm triển khai Thông tư 30: Tin tưởng vào cách đánh giá mới
GD&TĐ – Đã qua 3 học kỳ triển khai thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá năng lực học sinh tiểu học. Chúng tôi tìm gặp giáo viên và cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện để ghi nhận kết quả. Theo chia sẻ của nhiều người, việc triển khai cách đánh giá mới đối với học sinh tiểu học đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm áp lực về điểm số cho học sinh, cho giáo viên và cả phía phụ huynh…
Tạo bước ngoặt mới
Khi Thông tư 30 mới được triển khai, không ít người quan ngại rằng việc bỏ cho điểm số sẽ ảnh hưởng đết chất lượng giáo dục; có người còn cho rằng học sinh sẽ yếu hơn vì không có điểm số…
Tuy nhiên, sau 1 năm học triển khai đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, nhiều giáo viên cho biết kết quả học tập của học sinh vẫn được giữ vững, thậm chí còn có nhiều tiến bộ hơn trước. Kết quả này đã khẳng định với giáo viên, phụ huynh rằng: Chất lượng giáo dục không phải chỉ coi trọng kiến thức, điểm số đơn thuần mà chính là sự quan tâm hơn đến năng lực, phẩm chất của học sinh.
Video đang HOT
Đây cũng là kết quả mà ngành GD&ĐT nỗ lực liên tục để dần định hướng giáo viên và các cấp quản lý cơ sở giáo dục về kiểm tra đánh giá theo tinh thần của Thông tư 30. Đặc biệt là một loạt giải pháp để giáo viên hiểu rõ về giá trị của kiểm tra đánh giá, vận dụng một cách linh hoạt, tránh máy móc và nặng nề về điểm số…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Cà Mau, cho biết: Thông tư 30 được xem như giải pháp có vai trò rất quan trọng, tạo nên một bước ngoặt mới, một cuộc cách mạng mới trong đánh giá học sinh tiểu học. Việc thay đổi cách đánh giá từ cho điểm sang nhận xét là một cách tiếp cận mới ở nước ta. Cách đánh giá này sẽ góp phần tạo hứng thú, động viên tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh…
Để làm được điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm triển khai ở địa phương là ngay từ đầu Sở GD&Đ chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng các giải pháp: Ban hành văn bản triển khai thực hiện Thông tư 30, nội dung văn bản này chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học in Thông tư 30 đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và 3 loại hồ sơ dự thảo (học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn) để trao đổi trong tổ chuyên môn.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, giúp đỡ nhằm tháo gỡ cho trường học những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư 30 một năm 4 lần (giữa tháng 11/2014, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học 2014 – 2015…
Việc đánh giá bằng nhận xét ban đầu phụ huynh còn băn khoăn, Sở đã chỉ đạo cho Phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường tiểu học, giáo viên chủ nhiệm lớp họp cha mẹ học sinh để phổ biến Thông tư 30 và được sự đồng thuận thống nhất cao.
“Qua thực tế triển khai cho thấy, trong học tập, các em học sinh cũng nhận xét lẫn nhau sau khi giáo viên sửa bài tập, các em trao đổi vở cho nhau và chấm chéo bài để phát hiện ra cái sai của bạn; như vậy giúp các em nhanh hiểu bài, nhớ bài lâu hơn. Giáo viên nhận xét kết hợp với các hình thức thi đua trong lớp hàng ngày, hàng tuần để gây hứng thú cho học sinh. Ví dụ: Giáo viên làm bông hoa xanh, đỏ hoặc ngôi sao thể hiện việc khen học sinh tùy theo mức độ…” – ông Tuấn cho biết.
“Nhẹ nhõm” vì không điểm số
Theo đánh giá của ngành GD&ĐT TP Cần Thơ, trong những năm qua, công tác đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm được các trường đặc biệt quan tâm.Hiện nay có 100% trường tiểu học trên địa bàn tổ chức hình thức dạy học theo nhóm, tạo điều kiện để mọi HS đều “được học” và “học được”…
Khi Thông tư 30 được triển khai, giáo viên đều được tập huấn kỹ về đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tập trung vào từng đối tượng học sinh, bắt đầu mỗi tiết học bằng các hoạt động, học sinh tự giác, tích cực, chủ động tham gia học tập, biết trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập lẫn nhau…
Qua đó, học sinh được khích lệ từ những cố gắng nhỏ của bản thân bằng lời nhận xét trực tiếp hay trên bài vở của giáo viên. Với việc chỉ ra những hạn chế của học sinh, giáo viên kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, để học sinh nhanh chóng khắc phục và học tập tiến bộ hơn. So với cách đánh giá trước đây, giáo viên bận rộn hơn, nhưng bù lại học sinh thoải mái hơn trong học tập.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp và thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 được hơn 1 năm, cô Vũ Thị Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) rất vui vì áp lực điểm số không còn “làm khó” học trò, thầy cô giáo và cả phía phụ huynh. Ngoài việc giữ vững chất lượng học tập thì khả năng tự học, tự trao đổi, chia sẻ của học trò có nhiều tiến bộ hơn trước.
Cô Huệ chia sẻ: Sau một năm thực hiện Thông tư 30, chúng tôi nhận thấy các em học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và biết xử lý tình huống tốt. Đặc biệt, cách đánh giá mới tạo sự liên kết giữa phụ huynh và học sinh thông qua các hoạt động đánh giá của giáo viên.
Từ lời nhận xét, đánh giá cụ thể của thầy cô thì phụ huynh biết rõ hơn ưu, nhược điểm của con mình. Bên cạnh đó, cách đánh giá không điểm số sẽ không gây áp lực cho giáo viên cũng như học sinh. Khi các em gặp khó khăn sẽ nhận được giúp đỡ từ giáo viên, từ các bạn học. Ví dụ như thông qua lớp trưởng, nhóm trưởng, học sinh thấy bạn khó khăn gì thì cả nhóm cùng giúp, nếu không giải quyết được sẽ nhờ giáo viên. Từ đó phát triển cho học sinh khả năng tự học, kích thích khả năng tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức tốt…
Nói về một số khó khăn, cô Vũ Thị Huệ cho biết, đối với một số lớp có sĩ số đông thì giáo viên vất vả hơn; để đến được hết các nhóm trong lớp thì phải mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, giáo viên cũng đang rất cần hướng dẫn cụ thể việc khen thưởng theo Thông tư 30. Từ đó giúp các trường tiến hành khen thưởng cho học sinh như nhau, tránh tình trạng mỗi trường khen mỗi kiểu…
Theo GD&TĐ