Sau khi tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào?
Bao giờ thì tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên còn lại để họ có thể tiếp cận với nội dung mà Bộ đã triển khai cho đội ngũ giáo viên cốt cán?
Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các địa phương về Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán là rất cần thiết bởi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới cũng đã cận kề.
Song, vấn đề đặt ra là sau khi đội ngũ giáo viên cốt cán được tập huấn từ Bộ về sẽ triển khai như thế nào đến đội ngũ giáo viên còn lại của địa phương mình?
Bao giờ thì tập huấn lại đại trà giáo viên để họ có thể tiếp cận với nội dung mà Bộ đã triển khai cho đội ngũ giáo viên cốt cán?
Bộ đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các đại phương (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì từ đầu tháng 10/2019 đã có khoảng 700 giảng viên chủ chốt của 7 trường đại học sư phạm tham gia Chương trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán của các địa phương trong cả nước.
Tính đến ngày 1/11/2019, toàn quốc đã có hơn 17.000/28.000 giáo viên cốt cán đã được bồi dưỡng trực tiếp về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Số lượng này đã đạt hơn 60% kế hoạch của Bộ.
Các địa phương đã cử đội ngũ giáo viên cốt cán của mình đến các địa điểm mở lớp của Bộ để tham gia lớp tập huấn khá đầy đủ.
Nhìn chung, việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán đã và đang diễn ra đúng kế hoạch của Bộ và các địa phương.
Sau khi tập huấn về thì đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào?
Thực tế thì trong những năm qua, Bộ, Sở vẫn thường xuyên mở những lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình mới tới đây.
Thế nhưng, việc tập huấn dưới cơ sở thường chưa được làm kỹ lưỡng và thấu đáo.
Video đang HOT
Vì thế, dẫn đến việc lúng túng cho đội ngũ giáo viên khi áp dụng nội dung mới và chưa đồng bộ với nhau.
Tuy nhiên, đối với đợt tập huấn của Bộ lần này có một quy mô rất lớn, được diễn ra đồng bộ ở tất cả các địa phương.
Những giáo viên cốt cán được các địa phương cử đi tập huấn đa phần là các trưởng hội đồng bộ môn của các huyện, thị, các trường trung học phổ thông.
Bởi, nếu để lâu thì tinh thần đổi mới, nội dung mà những giáo viên cốt cán đã lĩnh hội qua đợt tập huấn khó còn nguyên vẹn.Chính vì vậy, điều cần thiết nhất là ngay sau khi tập huấn ở Bộ về thì các địa phương cần bố trí tập huấn đại trà lại cho giáo viên tức thì sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều nếu để lâu.
Điều đặc biệt là các địa phương cần bố trí thời gian tập huấn tương ứng với thời gian tập huấn ở Bộ.
Vì lâu nay, thường những giáo viên đi tập huấn dù 5 ngày, 3 ngày về thì cũng chỉ bố trí tập huấn lại cho giáo viên gói gọn trong 1 ngày, thậm chí có những đợt tập huấn mà người chủ trì không tập huấn lại.
Họ chỉ gửi cho các trường những file tập huấn rồi yêu cầu làm bài tập.
Ngày tập huấn tập trung thì các trường thay phiên nhau lên trình bày phần bài tập đã chuẩn bị của của mình là xong đợt tập huấn.
Làm như vậy không có hiệu quả mà vô tình giáo viên cũng rất khó lĩnh hội được những nội dung ban đầu mà cấp Bộ và Sở tập huấn cho các giáo viên cốt cán ở các Phòng Giáo dục…
Việc thay đổi Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này rất quan trọng bởi nó khác hoàn toàn với các lần trước đây.
Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này không tiến hành thực nghiệm rộng như chương trình, sách giáo khoa năm 2000 mà chỉ tập huấn một số nội dung mới rồi đi vào thực hiện đại trà ngay.
Hơn nữa, việc thay đổi lần này sách giáo khoa không còn là quan trọng nữa mà chương trình mới là quan trọng đối với việc giảng dạy trên lớp của giáo viên.
Thế nhưng, đến thời điểm này thì vẫn còn nhiều giáo viên chưa tiếp cận được chương trình tổng thể, chương trình môn học.
Thậm chí, nhiều giáo viên còn chưa phân biệt được các từ ngữ này bởi từ trước đến giờ thì giáo viên chỉ coi trọng sách giáo khoa mà thôi.
Phương pháp dạy học chương trình mới cũng khác, mục tiêu giáo dục lần này cũng khác nữa.Thế nhưng, khi tiếp cận với chương trình tổng thể, chương trình môn học, điều mà chúng tôi cảm nhận được ở tất cả các môn học có kiến thức nặng hơn chương trình hiện hành rất nhiều.
Nhất là ngành giáo dục đang chủ trương chuyển việc dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học trò.
Dù công việc này không phải là mới mẻ đối với giáo viên nhưng để toàn thể giáo viên thay đổi cách dạy truyền thống cũng không hề là điều dễ dàng.
Vậy nên, việc tập huấn cho giáo viên nhằm lĩnh hội tốt nhất về chương trình giáo dục phổ thông mới lần này rất nặng nề, đòi hỏi những giáo viên cốt cán khi đi tập huấn ở Bộ phải thực sự chú ý, lĩnh hội được những cái hay, cái mới để về tập huấn lại cho giáo viên một cách tốt nhất.
Việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ thực sự hiệu quả khi tất cả các giáo viên trong ngành cùng chủ động tiếp cận với nó để lĩnh hội dần dần đến khi áp dụng đại trà không còn bỡ ngỡ, lúng túng.
Đặc biệt, vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, vai trò của lãnh đạo các Sở, Phòng và Ban giám hiệu nhà trường, bộ phận chuyên môn là rất quan trọng trong việc phân công, điều động giáo viên cốt cán đi tập huấn cũng như sẽ mở lớp tại địa phương mình nhằm tập huấn đại trà cho giáo viên ở các nhà trường.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Tập huấn dồn dập làm người tham gia, người dạy thay và học trò đều vất vả!
Thời điểm này, Bộ và Sở đang mở nhiều lớp tập huấn cho giáo viên nên đã dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc bố trí người dạy thay ở các nhà trường.
Chưa có năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo lại mở nhiều lớp tập huấn cho giáo viên trong thời điểm đầu năm học như năm nay. Vẫn biết, việc tập huấn là để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới trong 1- 2 năm tới nhưng sao không phải là tập huấn trong những ngày hè vừa qua?
Thời điểm này, đang là giữa học kỳ I, giáo viên cũng bận bịu cho việc dạy trên lớp và có nhiều bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ nhưng một số giáo viên cốt cán liên tục phải đi tập huấn theo giấy triệu tập của cấp trên, nên đành phải nhờ người thay thế công việc ở trường.
Các học giáo viên cốt cán tham gia tập huấn (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Mùa hè có hơn 2 tháng nghỉ ngơi, thời điểm đó thì giáo viên rảnh rỗi, nếu ngành giáo dục điều động giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn sẽ không làm ảnh hưởng đến công việc chung của nhà trường và không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Vậy nhưng, một vài chuyên đề tập huấn trong dịp hè gần như lại chưa liên quan nhiều đến việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vì thế, bước vào đầu năm học này thì Bộ Giáo dục đưa ra kế hoạch bồi dưỡng cho 4.000 hiệu trưởng và 28.000 ngàn giáo viên cốt cán trong cả nước. Những ngày qua, các trường đại học sư phạm đã và đang bồi dưỡng một số lớp cho đội ngũ này.
Khi Bộ triển khai kế hoạch, tất nhiên Sở phải cử giáo viên tham dự, tham dự tập huấn xong thì đương nhiên Sở phải mở lớp bồi dưỡng, tập huấn lại cho địa phương mình. Thế là giáo viên liên tục được đi bồi dưỡng hết chuyên đề này lại đến chuyên đề khác.
Việc tập huấn thì giáo viên không ngại, không có ý kiến gì, bởi đó là công việc thường xuyên của họ, nhất là bồi dưỡng để lĩnh hội những nội dung, phương pháp của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm đáp ứng nhu cầu trong những năm tới đây.
Nhưng tập huấn vào lúc nào cho phù hợp? Có lẽ nhiều giáo viên và cả lãnh đạo các nhà trường chưa tán thành với kế hoạch của Bộ và Sở vào thời điểm này.
Nhưng một số môn học mà giáo viên họ đã dạy đủ tiết hoặc thời khóa biểu trùng với những tiết mà giáo viên đi tập huấn nên việc bố trí người dạy thay sẽ khó khăn cho lãnh đạo nhà trường và giáo viên.Bởi khi bước vào năm học thì đương nhiên Ban giám hiệu nhà trường đã phân công nhiệm vụ cho các giáo viên, nên khi được triệu tập đi tập huấn cũng đồng nghĩa là nhà trường phải bố trí người dạy thế.
Nhiều khi bố trí giáo viên dạy thay không được, nhà trường đành phải cho học sinh nghỉ những tiết học đó, khi nghỉ học tất nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều lớp xung quanh. Bởi mấy chục học sinh trong một lớp mà không có giáo viên quản lý thì dù cho các em xuống sân chơi cũng rất ồn ào, ảnh hưởng đến việc giảng dạy chung của các lớp.
Nhiều giáo viên được bố trí dạy bù, họ cũng miễn cưỡng phải làm bởi nhiều khi công việc của họ sắp xếp đâu vào đấy cả rồi. Việc nhà cửa, đưa đón con cái đi học đã có lịch trình cụ thể. Khi phải dạy thế cho những giáo viên đi tập huấn nhiều ngày chắc chắn ảnh hưởng đến công việc gia đình của họ.
Khó nhất là đối với đội ngũ giáo viên tiểu học trong việc bố trí người dạy thay cho giáo viên đi tập huấn. Vì biên chế nhân sự đã được các cấp tính toán kỹ lưỡng. Mỗi lớp chỉ có 1 giáo viên chủ nhiệm nên khi giáo viên đi tập huấn là không có người dạy thay.
Phân công cho giáo viên chuyên trông lớp thì họ phải dạy số tiết của họ theo quy định nên cũng chỉ những lúc họ không có tiết mới thay thế được. Vì vậy, nhiều khi các thành viên Ban giám hiệu nhà trường phải lên trông lớp và cho học sinh làm mấy bài tập chiếu lệ để "giết thời gian" cho học trò.
Trong khi đó, nhiều giáo viên phải đi tập huấn ở những tỉnh khác. Mỗi đợt tập huấn có thể chỉ 3- 5 ngày nhưng tính cả ngày đi, ngày về thành ra kéo dài cả tuần giáo viên không thể đi dạy được.
Phải nói rằng việc tập huấn từ đầu năm học đến nay đang gây ra những khó khăn nhất định cho các nhà trường và đội ngũ giáo viên.Bố trí thì cũng không thể nào hết được số tiết này nên nhiều giáo viên đi tập huấn xong rồi là về phải đi dạy bù cho học trò. Tất nhiên, thầy cô thêm vất vả mà học trò cũng chẳng sung sướng gì khi phải đi học bù trái buổi.
Vì thế, Bộ, Sở cần tính toán thời điểm tập huấn cho phù hợp. Tốt nhất là chỉ nên tập huấn chuyên môn cho giáo viên vào dịp hè.
Trong năm học thì chỉ nên tập huấn những chuyên đề nhỏ để tránh tính trạng giáo viên phải tập huấn liên miên, gây ra khó khăn trong việc bố trí thời gian, bố trí người dạy thay và thậm chí là dẫn đến tình trạng học sinh phải nghỉ học bất đắc dĩ khi không có thầy cô dạy lớp.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng vào năm học tới đối với lớp 1 nên vẫn còn nguyên vẹn cả mùa hè năm sau. Khoảng thời gian ấy có lẽ là triệu tập giáo viên đi tập huấn vẫn kịp và phù hợp nhất.
Hy vọng, lãnh đạo ngành giáo dục có những điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình dạy và học ở các nhà trường ở thời điểm này. Tránh tình trạng mở quá nhiều lớp tập huấn và triệu tập nhiều đợt trong năm học bởi như thế không chỉ làm khó cho giáo viên, nhà trường mà còn làm khổ thêm cả học trò.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Rốt ráo chuẩn bị chương trình phổ thông mới Ngoài việc tập huấn, đào tạo mới, các giáo viên dạy đơn môn hiện nay sẽ được bồi dưỡng để có thể dạy tích hợp theo chương trình mới. Theo kế hoạch, năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức triển khai bắt đầu từ lớp 1. Từ thời điểm này, các trường tiểu học và giáo viên...