Sau khi nghe VKS đề nghị mức án 8 năm tù, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa phải vào phòng y tế
Sau khi nghe VKS đề nghị mức án 7,5 – 8 năm tù, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa có biểu hiện mệt mỏi nên được lực lượng an ninh đưa vào phòng y tế chăm sóc sức khỏe.
Chiều 21/11, tại phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng, VKSND tỉnh Phú Thọ tiếp tục luận tội, đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, C50) bị truy tố về tội “ Tổ chức đánh bạc” và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong chiều nay, ông Nguyễn Thanh Hóa mặc chiếc áo sơ mi màu trắng cùng quần dài tối màu, hai tay cầm chiếc áo khoác tối màu. Ngồi dưới hàng ghế dành cho các bị cáo, ông Hóa chăm chú nghe VKS luận tội, đề nghị mức án.
Sau khi nghe VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mình 7,5 năm đến 8 năm tù, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa có biểu hiện mệt mỏi và lập tức được lực lượng an ninh đưa vào khu vực phòng y tế cạnh hội trường xét xử để được hỗ trợ.
Lực lượng an ninh đưa bị cáo Nguyễn Văn Hóa vào phòng y tế. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Như VTC News đưa tin, theo VKS, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa quanh co chối tội, đổ tội cho người khác, không thừa nhận hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho rằng, mục đích bị cáo Hóa cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo nguồn thu từ hoạt động thí điểm này để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm. Đây là một nhiệm vụ chiến lược của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50)
Tuy nhiên thực tế hơn 2 năm, Công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu.
Trong khi đó, việc sống, còn trong vận hành game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc quyết định vào Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Video đang HOT
Do đó, xét về bản chất thì hành vi của ông Nguyễn Thanh Hóa đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tuy nhiên, áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo được quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự thì hành vi phạm tội của Nguyễn Thanh Hóa được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 356 – Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017.
Ông Nguyễn Thanh Hóa bị đề nghị mức án 7,5 – 8 năm tù. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Ngoài các tình tiết quy định khung hình phạt thì Nguyễn Thanh Hóa không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa chưa thành khẩn, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình mà đổ lỗi cho người khác.
Chính bản thân ông Hóa là người thực hành tích cực, biết rõ ý định của Nguyễn Văn Dương muốn vận hành cổng thanh toán cho game cờ bạc ngay từ sau khi hợp tác năm 2011 nhưng vẫn chỉ đạo soạn thảo và ký nhiều văn bản giúp cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc.
Vì vậy, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa không được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Về lịch sử bản thân, khi còn công tác, ông Hóa đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen.
Bị cáo là con, cháu liệt sỹ và đã có ý thức tự nguyện nộp số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên bị cáo được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, v, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Trước những căn cứ trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hóa 7,5 năm đến 8 năm tù.
TÙNG LÂM – PHẠM CHIỂU
Theo VTC
'Ông trùm' đường dây đánh bạc: Trụ sở CNC có phòng treo biển tên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa
Theo lời khai của Nguyễn Văn Dương, trong trụ sở làm việc của Công ty CNC ở phố Hồ Giám (Hà Nội), có phòng làm việc treo biển tên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.
Sáng 19/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, HĐXX tiếp tục xét hỏi những bị cáo liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng trên mạng internet được 2 cựu tướng công an bảo kê.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với Phan Sào Nam, HĐXX chuyển sang thẩm vấn "ông trùm" thứ 2 của đường dây này là Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
Đứng trước bục xét hỏi, bị cáo Dương khai, ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao C50) là người đại diện C50 ký hợp tác với Công ty CNC, trong đó C50 dự thảo sẽ góp 20% vốn ở CNC nhưng không đóng góp về nhân sự. Tuy nhiên, sau khi quá trình hợp tác, ông Hóa nói việc góp vốn của Cục không đảm bảo quy định pháp luật nên không thực hiện đúng thỏa thuận.
"Bị cáo không nhớ hết về đóng góp với C50 nhưng công ty đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm, đặc biệt tội phạm công nghệ cao. Điều này thể hiện qua nhiều báo cáo cũng đã có trong hồ sơ vụ án" - Dương nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại bục xét hỏi. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Sau đó, chủ tọa phiên tòa hỏi: "Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?".
Dương trả lời: "Là bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Trong khoảng thời gian hoạt động từ 2011 đến 2015, hàng tháng, hàng quý, hàng năm tôi đều báo cáo với C50 và C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra".
Theo Dương, trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám (Hà Nội), địa điểm thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Đầu 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.
"Công ty có đề xuất với C50, đó là lãnh đạo cục, tôi nhớ không nhầm là anh Dũng - cục phó. Về trụ sở cũng không khó khăn gì, tôi có báo cáo anh Hóa cần có trụ sở làm việc, cũng như có trụ sở để cho cán bộ cục tham gia", Dương khai.
Theo lời Dương, tại trụ sở CNC sau khi chuyển về phố Hồ Giám ban đầu dành tầng một cho cán bộ Cục C50. Tại đây, ở tầng 2 còn có phòng làm việc treo biển tên Cục trưởng C50 theo lời đề nghị của ông Nguyễn Thanh Hóa nhưng chỉ thời gian ngắn khoảng 1 tháng.
Sau đó, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa Nguyễn Văn Dương) hỏi bị cáo Dương về lý do tại sao đang làm ở UIDC mà Dương lại chuyển sang làm CNC?
Lực lượng cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Văn Dương vào khu vực xét xử. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Bị cáo Dương trả lời: "Ban đầu, làm ở UDIC có nhiều dự án, bận nhiều công việc. Nhưng sau khi tôi trao đổi với anh Hóa và lúc đó, được một chú cựu Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu nên tôi thấy lĩnh vực công nghệ cũng mới với bản thân, đây là lĩnh vực mình rất yêu thích, đây là điều rất vinh dự để có sự cống hiến cho lực lượng công an nói riêng, đất nước nói chung".
Dương nói do bản thân tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh, không học công nghệ nên mới đầu chuyển sang CNC có hạn chế về công nghệ.
Dương cho rằng bản thân chưa bao giờ có suy nghĩ lợi dụng CNC là công ty bình phong của C50 để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo bị cáo Nguyễn Văn Dương, C50 cũng có kế hoạch tuyển dụng bị cáo Dương vào ngành công an với mục đích nhằm phát triển công ty nghiệp vụ lâu dài, phục vụ lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Vào thời điểm đó, chủ trương đã được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt.
TÙNG LÂM - PHẠM CHIỂU
Theo VTC
Mẹ Phan Sào Nam: Tự hào con ngoan giỏi, mong con nâng cao hiểu biết pháp luật "Tôi muốn nhắn lại với con tôi rằng, cháu mãi mãi là người con ngoan, học giỏi, tôi mong sau sự việc này, cháu nâng cao hiểu biết pháp luật để có thể tiếp tục cống hiến". Sáng 19/7, phiên tòa xét xử cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh cùng đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo...