Sau Harvard, đến lượt ĐH Yale bị điều tra liên quan phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á
Đại học Yale (Mỹ) đang bị chính quyền liên bang điều tra với cáo buộc phân biệt đối xử với những thí sinh xin nhập học là người gốc Á.
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành kiểm tra quá trình tuyển sinh tại Đại học Harvard cũng với cáo buộc tương tự. Phiên tòa về vụ việc này dự kiến sẽ diễn ra tại Boston ngày 15/10 tới.
Wall Street Journal và New York Times đều đưa tin về việc Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cuộc điều tra về quyền dân sự để xác định xem liệu Đại học Yale có phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á trong quá trình tuyển sinh hay không.
Đại học Yale, New Haven, Connecticut, Mỹ.
Trong một email gửi tới cộng đồng trong trường, Chủ tịch Peter Salovey khẳng định: “Những gì tôi viết ra đây nhằm khẳng định Yale không phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á hay bất kỳ nhóm chủng tộc hay thiểu số nào trong quá trình tuyển sinh.
Tôi viết nhằm chia sẻ thông tin về quá trình tuyển sinh đại học của chúng tôi và để tái khẳng định cam kết không thay đổi của chúng tôi về sự đa dạng – vốn là một trụ cột của nhà trường”.
Bà Kelly Laco – một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về cuộc điều tra, chỉ tiết lộ rằng Bộ này “xem xét vô cùng nghiêm túc bất kỳ hành vi vi phạm hiến pháp về quyền cá nhân”.
Video đang HOT
Theo ông Salovey, trong 15 năm trở lại đây, số lượng sinh viên năm nhất gốc Á tại Đại học Yale đã tăng từ dưới 14% tới 21,7% . Con số 21,7% là số liệu của niên khóa kết thúc vào năm 2022.
Theo số liệu nhà trường, sinh viên gốc Á là nhóm tân sinh viên đông thứ 2 trong trường (gần 1.600 em), chỉ sau nhóm sinh viên da trắng (chiếm 53%). Tuy nhiên, chỉ 6,3% trong tổng số 35.308 đơn xin nhập học được chấp thuận.
Nhóm Asian American Coalition for Education thông báo trên website rằng, họ đã kiến nghị lên Bộ Tư pháp vào năm 2016 về quá trình tuyển sinh tại các Đại học Yale, Brown và Dartmouth.
Đại học Yale và Harvard đều đã lên tiếng bảo vệ tính minh bạch trong quá trình tuyển sinh của mình và khẳng định xem xét những yếu tố khác ngoài điểm thi trong quá trình đánh giá các thí sinh.
“Chúng tôi xem xét rất nhiều yếu tố bao gồm kết quả học tập, sở thích, khả năng lãnh đạo, nền tảng. Chúng tôi thu thập số liệu từ trường học và cộng đồng của thí sinh cũng như đánh giá tầm vóc những đóng góp các em có thể cống hiến cho cộng đồng Yale và thế giới”, ông Salovey cho biết.
Minh Hương
Theo Bloomberg
ĐH ngoài công lập không "mặn mà" dạy môn Khoa học xã hội và nhân văn?
Nguồn nhân lực Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu gặp nhiều thách thức mặc dù đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sự biến đổi của thang giá trị khiến các môn học này bị "coi rẻ", thậm chí bị phân biệt đối xử ở các trường đại học ngoài công lập.
Trường ĐH Văn Hiến vừa phối hợp với Trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Phát triển nguồn nhân lực Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH & NV) trong bối cảnh hội nhập toàn cầu".
Gần 100 đại biểu tham dự hội thảo về chủ đề "Phát triển nguồn nhân lực Khoa học Xã hội và Nhân văn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã bàn luận về những vấn đề liên quan, tìm hiểu vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực KHXH & NV trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đồng thời cũng đóng góp các giải pháp nhất định để phát triển nguồn nhân lực KHXH & NV...
Các đại biểu đều nhận định rằng các nước phát triển trên thế giới muốn phát triển bền vững thì không chỉ chú trọng duy nhất đến kinh tế, hay kỹ thuật - công nghệ hay chỉ tập trung vào lợi nhuận, tài chính... mà còn yếu tố con người, tính nhân văn của quá trình phát triển. Tuy nhiên điều đáng lo khi ở Việt Nam là các giá trị về KHXH & NV đang bị xem nhẹ.
Trong bài tham luận của mình, ThS Lê Thu Hằng, Trường ĐH Văn Lang nêu lên những khó khăn, thách thức của giảng viên dạy các môn KHXH & NV tại các trường ĐH ngoài công lập hiện nay. Trước hết, phải kể đến đó là sự biến đổi của thang giá trị ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về lĩnh vực này. Tâm lý xã hội đề cao vấn đề lợi ích, sống thực tế, thiết thực thậm chí là thực dụng hơn. Ngày càng ít người giỏi lựa chọn và tham gia lĩnh vực này, vì lẽ đó, mà nguồn nhân lực trong lĩnh vực này ngày càng trở nên thiếu hụt, nhất là những người giỏi.
"Trong khi đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng không mặn mà với việc triển khai giảng dạy một số môn học KHXH & NV, hoặc một số trường chỉ làm theo kiểu chiếu lệ vì bị bắt buộc. Từ đó, đội ngũ giảng viên không được quan tâm, tạo điều kiện trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu. Thậm chí, có nơi giảng viên còn bị phân biệt đối xử từ chính người lãnh đạo, quản lý cho đến đồng nghiệp của mình", bà Hằng đánh giá.
Không những vậy, giảng viên dạy các môn KHXH & NV, đặc biệt các môn chung như những môn lý luận chính trị tại các trường ĐH ngoài công lập phải đối diện với tình trạng lớp đông, phương tiện hỗ trợ không có. Những môn học bị cho là "vô bổ", khô khan, nhàm chán,... nhưng lại bố trí số lượng rất đông sinh viên trong một lớp học lên đến vài trăm sinh viên là bình thường.
Bà Hằng cho rằng điều này khiến giảng viên không kiểm soát, không tương tác một cách tối ưu với sinh viên của mình cũng như càng vô cùng khó khăn nếu giảng viên muốn cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng một phương pháp mới,... Vì vậy, chất lượng giảng dạy những môn học này khó mà có thể nâng lên, khó mà có thể làm thay đổi nhận thức của người học về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nó.
Các nhà khoa học về lĩnh vực KHXH&NV nêu các ý kiến đóng góp các giải pháp nhất định để phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn
Ths Thu Hằng cũng chỉ ra những tác động từ việc biến đổi hệ giá trị, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảng dạy và giảng viên trường đại học mà còn tác động rất lớn đến hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông. Thực tế hiện nay, ở nhiều trường phổ thông cũng xem nhẹ những môn này nên tình trạng "dạy cho có" diễn ra một cách phổ biến. Thêm vào đó, giáo viên KHXH thì yếu chuyên môn, thiếu kỹ năng, phương pháp giảng dạy, thậm chí không tâm huyết với công việc của mình bởi chính họ cũng là kết quả của quá trình nhận thức và đào tạo, bồi dưỡng không đến nơi đến chốn.
Chính những điều đó đã tác động rất lớn đến học sinh và xã hội. Những môn KHXH dần trở thành "dư thừa" trong chương trình, từ đó, hình thành suy nghĩ "học cho có", "dạy cho xong". Và số học sinh yêu thích những môn này ngày một thưa thớt đi. Thực tế đó đã tạo ra hệ quả nặng nề khi học sinh bước lên giảng đường đại học và đối mặt với các môn KHXH & NV là tâm lý ngán, sợ, cảm thấy nặng nề, vô bổ.
Bên cạnh đó, điều các giảng viên trăn trở không phải vì không đủ kiến thức để trình bày vai trò, ý nghĩa, giá trị của những môn học này với các sinh viên của mình mà có lẽ giảng viên đang bị thiếu một "điểm tựa" vững chắc để làm điều đó. "Điểm tựa" ở đây chính là cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn của xã hội về vấn đề này.
Ths Lê Thu Hằng đề xuất 3 giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, bà cho rằng cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, công bằng, bình đẳng giữa các ngành, nghề, lĩnh vực, giữa các giảng viên ở các khối ngành khác nhau, giữa hệ thống trường đại học công lập và ngoài công lập. Tạo môi trường để giảng viên hành nghề, sinh viên khi tốt nghiệp. Và quan trọng là bản thân giảng viên phải có ý thức và quyết tâm cao trong việc trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.
Còn theo Ths Đào Quang Bình (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) và Ths Nguyễn Thị Hồng Thủy (Trường ĐH Văn Hiến), để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển khối ngành KHXH & NV, định hướng phát triển KHXH & NV cần đi trước một bước so với các ngành khác, vì đây là ngành mang tính dự báo và đòi hỏi tính tổng hợp cao. Cần thay đổi cả về chất và lượng trong việc đầu tư cho KHXH & NV. Đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn lực cho khoa học xã hội hiện nay cấp thiết hơn bao giờ hết, cần thay đổi quan niệm về đầu tư cho KHXH & NV. Trong tương lai cần có cơ chế cụ thể và rõ ràng cho khối ngành khoa học xã hội. Như vậy, KHXH & NV sẽ tự vận hành và phát huy được giá trị của mình cho xã hội. Ngược lại, KHXH & NV cần phải đóng góp nhiều hơn nữa vai trò phản biện xã hội, cũng như xuất hiện trên mọi mặt của các lĩnh vựa phát triển và thể hiện được "tiếng nói" của mình.
Lê Phương
Theo Dân trí
Lớp học miễn phí giữa lòng hồ thủy điện của sư thầy Mùa mưa, nước lòng hồ thủy điện Trị An dâng cao, cỏ cây bên bờ chết úng nên dân gọi mùa nước "thúi". Đường ngập, bè nổi trên hồ nên việc học hành cũng chòng chành theo con sóng. Gian nan đường đến lớp của trẻ vạn chài trên lòng hồ thủy điện Để trẻ xóm vạn được học chữ, đại đức Thích...