Sau đợt tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán có dạy được minh họa 1 tiết không?
Có tiết dạy mẫu từ giáo viên cốt cán đang tập huấn cho mình thì chắc chắn một điều là giáo viên các trường sẽ lĩnh hội được rất nhiều điều bổ ích, thiết thực.
Suốt hàng chục năm đi dạy, dự không biết bao nhiêu lớp tập huấn của Sở, của Phòng nhưng chúng tôi chưa bao giờ có dịp được dự một tiết dạy cụ thể của người đứng ra tập huấn cho mình.
Giá như, có một tiết dạy mẫu từ giáo viên cốt cán đang tập huấn cho mình thì chắc chắn một điều là giáo viên các trường sẽ lĩnh hội được rất nhiều điều bổ ích, thiết thực.
Vì thế, giáo viên chúng tôi mong muốn là sau lần đi tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông mới về đợt này thì đội ngũ giáo viên cốt cán mạnh dạn dạy thử một tiết minh họa xem chương trình mới được vận dụng bằng những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới như thế nào?
Giáo viên cốt cán dạy một tiết minh họa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều khi chỉ nói suông trong các buổi tập huấn cho giáo viên (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Giáo viên cốt cán, họ là ai?
Người được gọi là giáo viên cốt cán lần đi tập huấn của Bộ lần này đa phần là các Trưởng Hội đồng bộ môn các môn học trong huyện, trong cụm (cấp Tiểu học, Trung học cơ sở), hoặc tổ trưởng chuyên môn (cấp Trung học phổ thông) được Sở triệu tập đi tập huấn để về triển khai lại cho giáo viên của địa phương mình.
Và, chúng tôi cũng được biết rằng trong đợt tập huấn này thì nhiều báo cáo viên của Bộ cũng đã dạy tiết minh họa 1 tiết học cho đội ngũ giáo viên cốt cán của các địa phương.
Đây thực sự là một điều bổ ích đối với những giáo viên tham gia lớp tập huấn của Bộ bởi họ đã có dịp lĩnh hội được những linh hồn của đợt tập huấn cả lý thuyết lẫn thực hành.
Chính vì thế, sau đợt tập huấn dài ngày này về, cộng với rất nhiều lớp tập huấn trong hè vừa qua mà giáo viên cốt cán đã được Sở tập huấn thì những thầy cô này kết hợp vừa tập huấn đại trà cho giáo viên, vừa dạy thử 1 tiết học bằng các phương pháp mới để giáo viên được học tập một cách tường tận nhất.
Tránh tình trạng tập huấn lâu nay chỉ có báo cáo lý thuyết suông hay chiếu những file nội dung được Bộ, Sở chuyển về rồi người đứng ra tập huấn đọc lại cho giáo viên nghe.
Hơn nữa, chương trình mới có rất nhiều kiến thức kế thừa từ chương trình, sách giáo khoa hiện hành thì việc lựa chọn đơn vị kiến thức cho một tiết dạy chắc cũng chẳng có gì là khó khăn cả.Cứ cho rằng sách giáo khoa mới chưa có nhưng giáo viên cốt cán hãy dạy phương pháp mới bằng sách giáo khoa hiện hành xem nó khác với việc giảng dạy hiện tại như thế nào?
Dạy 1 tiết minh họa để nhân cơ hội này, đội ngũ giáo viên trên địa bàn biết được tài năng đích thực của giáo viên cốt cán ở địa bàn mình ra sao mà học hỏi kinh nghiệm cho việc giảng dạy.
Bởi, thực tế lâu nay thì dù Hội đồng bộ môn có thực hiện một số tiết thao giảng chuyên đề nhưng toàn giáo viên lính lác dạy mà thôi. Giáo viên cốt cán (Hội đồng bộ môn) chỉ đóng vai trò tư vấn cho tiết dạy.
Vì vậy, nhiều khi giáo viên thực hiện dạy tiết minh họa cho chuyên đề thường bị góp ý te tua. Bởi, thường là khi dạy chuyên đề thì phải áp dụng những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới mà giáo viên tập huấn chưa được kỹ càng, thậm chí chưa được tập huấn nên khi thực hiện thường lúng túng và giảng dạy chưa nhuần nhuyễn.
Video đang HOT
Chính vì thế, trăm nghe không bằng một thấy, giáo viên được học lý thuyết, được giáo viên cốt cán dạy thử một tiết minh họa cụ thể thì còn gì quý bằng nữa. Những giáo viên cốt cán nỡ lòng nào từ chối lời đề nghị này của giáo viên chúng tôi?
Hơn nữa, trong quá trình giáo viên cốt cán đi tập huấn thì những giáo viên ở trường phải thay nhau dạy thay cho những thầy cô này với một mong muốn duy nhất là khi về, họ báo cáo nội dung lại cho mình một cách tốt nhất.
Ngành giáo dục đang đầu tư rất nhiều cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngay trong lần tập huấn này, chúng ta cũng thấy Bộ đã huy động một lực lượng hùng hậu giáo viên cốt cán, chuyên viên của các Sở tham dự. Điều này cho thấy một sự đầu tư rất lớn về thời gian, tiền của và cả kỳ vọng của ngành giáp dục cho lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới tới đây.Để ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học là sự chuẩn bị nhiều năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cả nhân lực và vật lực.
Vậy nên, trách nhiệm của giáo viên cốt cán là rất lớn khi họ đóng vai trò trung gian, là người chuyển tải nội dung, phương pháp của chương trình giáo dục phổ thông mới từ Bộ sang cho đội ngũ giáo viên.
Một giáo viên cốt cán gánh trách nhiệm tập huấn lại cho giáo viên cả một huyện về môn học mà mình đã được tập huấn ở Bộ cho thấy sự lựa chọn giáo viên cốt cán quan trọng đến nhường nào.
Nếu truyền đạt hết nội dung tập huấn, minh họa tiết giảng tốt thì không chỉ một trường thực hiện tốt vả cả hàng chục trường trong huyện, trong cụm đều thực hiện tốt môn học đó.
Hy vọng, Bộ, Sở Giáo dục các địa phương sẽ có những chỉ đạo sát sao về vấn đề này và những giáo viên cốt cán cũng cần mạnh dạn đề xuất để minh họa 1 tiết giảng cụ thể để chứng minh mình thực sự là giáo viên cốt cán trên địa bàn của mình.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Sau khi tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào?
Bao giờ thì tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên còn lại để họ có thể tiếp cận với nội dung mà Bộ đã triển khai cho đội ngũ giáo viên cốt cán?
Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các địa phương về Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán là rất cần thiết bởi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới cũng đã cận kề.
Song, vấn đề đặt ra là sau khi đội ngũ giáo viên cốt cán được tập huấn từ Bộ về sẽ triển khai như thế nào đến đội ngũ giáo viên còn lại của địa phương mình?
Bao giờ thì tập huấn lại đại trà giáo viên để họ có thể tiếp cận với nội dung mà Bộ đã triển khai cho đội ngũ giáo viên cốt cán?
Bộ đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các đại phương (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì từ đầu tháng 10/2019 đã có khoảng 700 giảng viên chủ chốt của 7 trường đại học sư phạm tham gia Chương trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán của các địa phương trong cả nước.
Tính đến ngày 1/11/2019, toàn quốc đã có hơn 17.000/28.000 giáo viên cốt cán đã được bồi dưỡng trực tiếp về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Số lượng này đã đạt hơn 60% kế hoạch của Bộ.
Các địa phương đã cử đội ngũ giáo viên cốt cán của mình đến các địa điểm mở lớp của Bộ để tham gia lớp tập huấn khá đầy đủ.
Nhìn chung, việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán đã và đang diễn ra đúng kế hoạch của Bộ và các địa phương.
Sau khi tập huấn về thì đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào?
Thực tế thì trong những năm qua, Bộ, Sở vẫn thường xuyên mở những lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình mới tới đây.
Thế nhưng, việc tập huấn dưới cơ sở thường chưa được làm kỹ lưỡng và thấu đáo.
Vì thế, dẫn đến việc lúng túng cho đội ngũ giáo viên khi áp dụng nội dung mới và chưa đồng bộ với nhau.
Tuy nhiên, đối với đợt tập huấn của Bộ lần này có một quy mô rất lớn, được diễn ra đồng bộ ở tất cả các địa phương.
Những giáo viên cốt cán được các địa phương cử đi tập huấn đa phần là các trưởng hội đồng bộ môn của các huyện, thị, các trường trung học phổ thông.
Bởi, nếu để lâu thì tinh thần đổi mới, nội dung mà những giáo viên cốt cán đã lĩnh hội qua đợt tập huấn khó còn nguyên vẹn.Chính vì vậy, điều cần thiết nhất là ngay sau khi tập huấn ở Bộ về thì các địa phương cần bố trí tập huấn đại trà lại cho giáo viên tức thì sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều nếu để lâu.
Điều đặc biệt là các địa phương cần bố trí thời gian tập huấn tương ứng với thời gian tập huấn ở Bộ.
Vì lâu nay, thường những giáo viên đi tập huấn dù 5 ngày, 3 ngày về thì cũng chỉ bố trí tập huấn lại cho giáo viên gói gọn trong 1 ngày, thậm chí có những đợt tập huấn mà người chủ trì không tập huấn lại.
Họ chỉ gửi cho các trường những file tập huấn rồi yêu cầu làm bài tập.
Ngày tập huấn tập trung thì các trường thay phiên nhau lên trình bày phần bài tập đã chuẩn bị của của mình là xong đợt tập huấn.
Làm như vậy không có hiệu quả mà vô tình giáo viên cũng rất khó lĩnh hội được những nội dung ban đầu mà cấp Bộ và Sở tập huấn cho các giáo viên cốt cán ở các Phòng Giáo dục...
Việc thay đổi Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này rất quan trọng bởi nó khác hoàn toàn với các lần trước đây.
Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này không tiến hành thực nghiệm rộng như chương trình, sách giáo khoa năm 2000 mà chỉ tập huấn một số nội dung mới rồi đi vào thực hiện đại trà ngay.
Hơn nữa, việc thay đổi lần này sách giáo khoa không còn là quan trọng nữa mà chương trình mới là quan trọng đối với việc giảng dạy trên lớp của giáo viên.
Thế nhưng, đến thời điểm này thì vẫn còn nhiều giáo viên chưa tiếp cận được chương trình tổng thể, chương trình môn học.
Thậm chí, nhiều giáo viên còn chưa phân biệt được các từ ngữ này bởi từ trước đến giờ thì giáo viên chỉ coi trọng sách giáo khoa mà thôi.
Phương pháp dạy học chương trình mới cũng khác, mục tiêu giáo dục lần này cũng khác nữa.Thế nhưng, khi tiếp cận với chương trình tổng thể, chương trình môn học, điều mà chúng tôi cảm nhận được ở tất cả các môn học có kiến thức nặng hơn chương trình hiện hành rất nhiều.
Nhất là ngành giáo dục đang chủ trương chuyển việc dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học trò.
Dù công việc này không phải là mới mẻ đối với giáo viên nhưng để toàn thể giáo viên thay đổi cách dạy truyền thống cũng không hề là điều dễ dàng.
Vậy nên, việc tập huấn cho giáo viên nhằm lĩnh hội tốt nhất về chương trình giáo dục phổ thông mới lần này rất nặng nề, đòi hỏi những giáo viên cốt cán khi đi tập huấn ở Bộ phải thực sự chú ý, lĩnh hội được những cái hay, cái mới để về tập huấn lại cho giáo viên một cách tốt nhất.
Việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ thực sự hiệu quả khi tất cả các giáo viên trong ngành cùng chủ động tiếp cận với nó để lĩnh hội dần dần đến khi áp dụng đại trà không còn bỡ ngỡ, lúng túng.
Đặc biệt, vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, vai trò của lãnh đạo các Sở, Phòng và Ban giám hiệu nhà trường, bộ phận chuyên môn là rất quan trọng trong việc phân công, điều động giáo viên cốt cán đi tập huấn cũng như sẽ mở lớp tại địa phương mình nhằm tập huấn đại trà cho giáo viên ở các nhà trường.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Rốt ráo chuẩn bị chương trình phổ thông mới Ngoài việc tập huấn, đào tạo mới, các giáo viên dạy đơn môn hiện nay sẽ được bồi dưỡng để có thể dạy tích hợp theo chương trình mới. Theo kế hoạch, năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức triển khai bắt đầu từ lớp 1. Từ thời điểm này, các trường tiểu học và giáo viên...