Sau 8 năm, ‘Đường lên đỉnh Olympia’ mới có 1 thí sinh nữ vào chung kết
“Mình sẽ cố gắng hết sức cho trận đấu quan trọng nhất. Và mình cũng mong Olympia năm 20, một con số tròn trịa, sẽ có những điều đặc biệt”, Thu Hằng chia sẻ.
Thí sinh nữ đầu tiên lọt vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia sau 8 năm. “Nhà leo núi” nữ giữ kỷ lục điểm số cao nhất Olympia 20 năm qua – 350 điểm. Học sinh thứ 3 của tỉnh Ninh Bình mang cầu truyền hình Olympia về trường.
Đó là loạt thành tích của Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 2003) – người mang cầu truyền hình đầu tiên của Olympia năm 20 về THPT Kim Sơn A, Ninh Bình.
Chia sẻ với Zing sau 3 tháng ghi dấu mốc này, Thu Hằng nói: “Với mình, việc vào đến vòng chung kết đã là quá vui và hạnh phúc. Còn là thí sinh nữ đầu tiên sau 8 năm, mình thấy may mắn vì những năm gần đây, các thí sinh nam khá mạnh”.
10X cũng tiết lộ về quá trình chuẩn bị cho trận chung kết, cũng như việc học tập ở trường.
Thu Hằng đánh bại 3 chàng trai ở trận thi quý I để giành tấm vé đầu tiên vào chung kết Olympia 2020.
Từng đăng ký thi Olympia nhưng không được gọi
Ở cuộc thi quý I, Thu Hằng thể hiện sự bản lĩnh khi cạnh tranh quyết liệt với 3 chàng trai đến câu hỏi cuối cùng.
Nhớ lại trận thi kịch tính này, Thu Hằng cho biết: “Sau phần thi Tăng tốc chỉ ghi được 130 điểm, mình không nghĩ có thể lội ngược dòng. Mình cố gắng cháy hết mình trên sân khấu, không cân nhắc đến chuyện thắng thua, mà coi đó là cơ hội cuối cùng”.
Sau cuộc thi, nữ sinh 17 tuổi nói rằng cuộc sống của mình có chút thay đổi khi ở trường, cô được nhiều bạn biết tới hơn.
Với Thu Hằng, việc giành được cầu truyền hình không chỉ mang vinh dự về cho bản thân mà còn cho trường, huyện và tỉnh.
“Ở Ninh Bình, mọi người rất yêu mến chương trình Olympia”, cô tiết lộ.
Thu Hằng cùng gia đình xem Olympia từ bé, nhưng thật sự quyết tâm đặt chân tới S14 từ cách đây 5 năm. Khi đó, THPT Kim Sơn A có Cao Ngọc Vũ giành cầu truyền hình Olympia 2015.
“Mình nghĩ có người làm được, tại sao mình không dám đặt ước mơ như vậy. Sau khi hạ quyết tâm thi Olympia, mình không bỏ lỡ số nào. Gặp câu nào hay, mình đều ghi chép lại”, Thu Hằng nói.
“Mình nghĩ có người làm được, tại sao mình không dám đặt ước mơ như vậy”.
Từ 2015, nhà trường bắt đầu tổ chức cuộc thi “Sao khuê Kim Sơn A”. Năm ngoái, Thu Hằng là nhà vô địch năm thứ 4. Cô được nhà trường đóng dấu đỏ và cho phép nộp đơn dự thi.
Tuy nhiên, Thu Hằng, khi đó là học sinh lớp 10, không nhận được “cuộc gọi thần thánh”. Điều đó khiến nữ sinh buồn cả năm. Năm nay, cô được gọi ngay từ đợt ghi hình 1 và thi đúng tuổi.
“Từ khi nộp đơn, mình chờ hơn 20 ngày thì được chương trình gọi. Trước đó, thấy các bạn thi nhau khoe nhận được ‘cuộc gọi thần thánh’, mình lo lắng đến mất ăn mất ngủ, ước mơ lại càng cháy bỏng. Giờ khi đã đạt được dấu mốc nào đó, mình mới thấy áp lực năm ngoái đã vơi đi phần nào”, Thu Hằng nói.
Không ngại nếu phải đối đầu với 3 bạn nam
Khi nhắc đến kỷ lục thí sinh nữ có điểm số cao nhất 20 năm qua, nhiều người không khỏi thán phục, dành lời khen ngợi Thu Hằng.
Tuy nhiên, 10X nói: “Thành tích này chưa đến mức ấn tượng”.
Cuộc thi tuần Thu Hằng đạt điểm số kỷ lục được ghi hình trước khi phát sóng 2-3 tháng. Bởi vậy, tới tận hôm lên sóng và được truyền thông nhắc tới, Hằng mới biết về điều này.
“Lúc đó, mình rất bất ngờ vì không để ý tới điểm số. Cả nhà mình cũng ngạc nhiên. Mình không có bí quyết gì cả. Mình nghĩ bạn nào cũng sẽ chuẩn bị kiến thức nền cơ bản, học trong chương trình SGK và có sự tích lũy kiến thức từ lâu như xem thời sự, đọc báo chí”, cô nói.
Ngoài các cách ôn luyện trên, Thu Hằng cũng tham gia một số cuộc thi mô phỏng Olympia trên mạng để rèn luyện kỹ năng thi đấu. Tuy nhiên, 10X nói khi thi thật cần nhiều chiến thuật hơn.
Thu Hằng không đặt ra mục tiêu phá kỷ lục điểm số của chính mình.
Khi được hỏi có sợ viễn cảnh phải đối diện với 3 chàng trai ở trận chung kết năm sẽ diễn ra vào tháng 9 tới hay không, Thu Hằng lắc đầu.
“Việc một bạn nữ đối đầu 3 bạn trai khá là bình thường ở Olympia. Mình cũng xác định tâm lý qua các vòng thi tuần, tháng, quý rồi”, 10X nói.
Tuy nhiên, theo Thu Hằng, thí sinh nữ “sẽ có thiệt thòi nhất định như vấn đề sức khỏe, tâm lý khó giữ được cái đầu lạnh, dễ bị cảm xúc chi phối hơn các bạn nam”.
Nhiều lúc thi đấu, nữ sinh Ninh Bình vẫn cảm thấy run, nhưng cô quyết tâm giữ cái đầu lạnh và tỉnh táo vì “run là chết”.
Thu Hằng không tự tin 100% rằng nhà vô địch Olympia năm 20 sẽ là một cô gái như khán giả chờ đợi.
Cô khẳng định: “Mình sẽ cố gắng hết sức cho trận đấu quan trọng nhất. Và mình cũng mong Olympia năm 20, một con số tròn trịa, sẽ có những điều đặc biệt”.
Nếu vô địch sẽ đi du học
Từ nay cho tới lúc bước vào trận đấu quyết định, Thu Hằng có sự chuẩn bị chu đáo hơn vì “đã đến được đây thì phải chiến đấu hết mình”.
Về kiến thức, mỗi ngày Thu Hằng dành ra khoảng 1-2 tiếng để ôn luyện Olympia. Cô cũng xem lại các chương trình đã phát sóng và nhờ sự giúp đỡ từ đội ngũ giáo viên ở trường.
10X cũng cố gắng rèn luyện thao tác bấm máy tính để cải thiện tốc độ trả lời trong cuộc thi.
“Mình tự tin nhất ở phần thi Khởi động. Tuy nhiên, ở cuộc thi quý mình làm không tốt và chưa hài lòng về kết quả. Mình sẽ tự nhìn lại và rút kinh nghiệm, vì còn cơ hội sửa sai ở chung kết năm”.
Về mặt tâm lý, Thu Hằng không quá hồi hộp, mà cố giữ tinh thần vững vàng cho cuộc thi.
Cô hài hước nói: “Mình vừa ôn tập, vừa cố gắng ăn ở tốt vì với mình, yếu tố may mắn cũng đóng góp trong chiến thắng. Mình sẽ cố đạt thành tích tốt nhất có thể, chưa nghĩ đến việc phá kỷ lục”.
Nhận định về đối thủ đầu tiên trong trận chung kết năm – Vũ Quốc Anh (THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk), Thu Hằng đánh giá nam sinh này khá nhanh, nhất là ở phần cô hơi yếu là Vượt chướng ngại vật.
Tuy nhiên, nữ sinh dốc sức cố gắng viết tiếp giấc mơ vô địch còn dang dở của 2 học sinh Ninh Bình đi trước.
“Mình đến với Olympia để thể hiện kiến thức, nếu chiến thắng cũng mở ra cơ hội rất tốt. Tất nhiên nếu vô địch, mình sẽ đi du học”, Thu Hằng nói.
Ở trường, Thu Hằng là học sinh chuyên khối Tự nhiên và đảm nhận chức vụ bí thư của lớp.
Sinh học là môn yêu thích nhất của nữ sinh. Năm lớp 10, cô đạt kết quả trung bình 9,8 ở môn học này. Trong tương lai, 10X muốn học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực Sinh học.
Bên cạnh việc đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi cấp trường môn Sinh học lớp 10, Thu Hằng từng giành huy chương bạc cuộc thi giải Toán bằng tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia (ViOlympic) năm lớp 8 và giải khuyến khích cấp quốc gia ở cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) năm học lớp 9.
Ảnh: Fanpage Olympia, NVCC
Thiên Nhi
Nữ sinh Ninh Bình xuất sắc giành vé vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia
Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) đã đánh bại 3 chàng trai khác để giành tấm vé vào trận Chung kết đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng giành tấm vé vào trận Chung kết đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 với sự góp mặt của 4 thí sinh: Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình); Trần Minh Triết (THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận); Bùi Toàn Thắng (THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng); Nguyễn Xuân Huy (THPT Thăng Long, Hà Nội).
Bước vào phần Khởi động, Hằng trả lời câu hỏi rất nhanh nhưng không chính xác và bị mất điểm ngay 3 câu đầu tiên. Tuy nhiên,, Hằng vẫn kịp trải qua 12 câu hỏi và đem về 50 điểm. "Em tiếc nhiều câu trả lời sai không đáng do đọc quá vội", Hằng nói.
Kết thúc phần thi Khởi động, Minh Triết dẫn đầu với 60 điểm, Thu Hằng xếp ở vị trí thứ 2 với 50 điểm. Xuân Huy và Toàn Thắng cùng được 40 điểm.
Phần thi khởi động của Nguyễn Thị Thu Hằng.
Tại phần thi Vượt chướng ngại vật, từ khóa "Sát Thát" khiến cả bốn thí sinh gặp khó khăn. Toàn Thắng bấm chuông xin trả lời chướng ngại vật ngay khi hàng ngang đầu chưa được lật mở nhưng không chính xác, phải dừng phần thi sớm.
Chương trình phải đưa ra câu hỏi gợi ý cuối cùng, Xuân Huy mới nghĩ ra từ khóa và giành thêm điểm.
Kết thúc phần thi thứ hai, Minh Triết dẫn đầu với 90 điểm, Xuân Huy và Thu Hằng cùng có 80 điểm nhờ giải được các ô hàng ngang gợi ý, Toàn Thắng vẫn giữ 40 điểm tích luỹ từ phần Khởi động.
Ở phần thi Tăng tốc, Minh Triết nhanh nhạy khi trả lời đúng ba câu, trong đó nhanh nhất ở hai câu, giành thêm 100 điểm.
Thu Hằng chỉ trả lời đúng hai câu và có thêm 50 điểm trong khi Huy và Thắng cũng ghi được nhưng số điểm cao. Hằng tụt xuống vị trí thứ ba với 130 điểm. Đứng trên em là Xuân Huy với 150 và Minh Triết 190 điểm.
Các thí sinh dự thi: Thu Hằng, Minh Triết, Toàn Thắng, Xuân Huy.
Bước vào phần thi Về đích, Thu Hằng đã có chiến thuật hợp lý. Giành 20 điểm từ gói câu hỏi của Minh Triết, trả lời đúng hai câu hỏi có giá trị 10 điểm trong gói của mình, Hằng khiến cuộc thi trở nên căng thẳng khi có tới ba thí sinh có cùng số điểm 170 trước khi thí sinh cuối cùng là Toàn Thắng bước vào phần thi.
Thắng trả lời sai ngay ở câu hỏi có giá trị 20 điểm đầu tiên. Hằng bấm chuông xin trả lời, nâng được tổng điểm lên thành 190 trong sự vỡ oà của nhóm cổ động viên đến từ Ninh Bình.
Đến câu hỏi cuối cùng, Hằng nhanh tay bấm chuông xin trả lời, dù sai em chỉ bị trừ 15 điểm và vẫn còn 175 - số điểm vừa đủ để chiến thắng. Hằng đã áp dụng chiến thuật này dù không biết chính xác câu trả lời.
Kết thúc cuộc thi, Thu Hằng có 175 điểm, là người chiến thắng của cuộc thi và mang cầu truyền hình vềtrường THPT Kim Sơn A. Hai bạn Minh Triết và Xuân Huy cùng có 170 điểm. Toàn Thắng 80 điểm.
Thu Hằng cũng là cô gái đầu tiên giành được vé vào chơi Chung kết Olympia sau 8 năm sân chơi Chung kết này chỉ toàn nam. Sau Phạm Thị Ngọc Oanh - nhà vô địch Olympia năm 11, khán giả mới có cơ hội theo dõi trận chung kết có thí sinh nữ góp mặt nhờ phong độ thi đấu ấn tượng của Thu Hằng.
Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 - Quý 1
Theo giaoducthoidai
Nam sinh Bắc Ninh dốc quyết tâm giành Vòng nguyệt quế Olympia vào phút chót Nguyễn Việt Anh gần như đã nắm vững cục diện trận đấu trí Olympia tuần này, tuy nhiên ở chặng đua nước rút, Mạnh Tùng đã bứt tốc mãnh liệt, buộc Việt Anh phải đưa ra quyết định quan trọng ở phút cuối. Phần thi Khởi động của Nguyễn Việt Anh - người chiến thắng Olympia tuần này Cuộc thi Đường lên đỉnh...