Sau 2015, bậc THPT chỉ còn 7 môn học?
Theo đề xuất, sách giáo khoa sau năm 2015 thay đổi bởi sự tích hợp. Bậc THPT có thể giảm môn học xuống 7, nhưng khối lượng kiến thức giảm hay không lại là câu chuyện khác.
Hiện nay thực trạng giáo giục Việt Nam còn nhiều yếu điểm nghiên trọng, đặc biệt về vấn đề sách giáo khoa. Trong Hội thảo quốc tế về xây dựng, phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, các chuyên gia giáo dục rất chú trọng đến việc thảo luận, để tìm ra con đường đi của chương trình và sách giáo khoa Việt Nam sau 2015.
Liệu việc gộp các môn học có giúp học sinh giảm tải được kiến thức?
SGK tích hợp ra đời?
Một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi của các chuyên gia trong hội thảo đó là chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 có sẽ tăng cường các môn học tích hợp.
GS Đinh Quang Báo trong bài tham luận của mình đã phân tích: Giáo dục tích hợp trong chương trình này không đơn giản coi là một phương pháp dạy học, mà là hình thành ở học sinh nội dung tri thức, năng lực tích hợp khi nhận thức, khi giải quyết một vấn đề khoa học hay vấn đề thực tiễn, đời sống.
Giáo sư đưa ra nhận định có thể sẽ tích hợp môn Lịch sử, Giáo dục Công dân và Địa lý thành môn khoa học xã hội; hay tích hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trở thành môn khoa học tự nhiên. Việc làm này không được coi là tăng tải và cũng không được làm quá tải chương trình.
Mặc dù vậy, quan điểm này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia tham dự Hội thảo.
Cô Đỗ Thị Minh Đức (Khoa Địa lý – ĐH Sư phạm Hà Nội) không đồng tình với cách làm trên và đưa ra những ví dụ thực tế các giáo viên giảng dạy phổ thông ở các quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, họ chỉ mong được ra khỏi tích hợp.
Theo cô, áp dụng mô hình này, cả giáo viên và học sinh đều rất mệt mỏi: “Tôi cho rằng kiến thức của riêng môn Địa lý đã rất dài, rất nhiều, như vậy mà còn phải dạy tích hợp thêm môn Sử, Giáo dục công dân nữa sẽ rất đau khổ”.
Video đang HOT
Cô Đỗ Thị Minh Đức cũng rất lo lắng liệu rằng môn Địa lý có bị tích hợp không và đề nghị không nên làm.
Ngoài ra, theo GS Đinh Quang Báo (thành viên Ban soạn thảo Đề án Cải tiến nội dung chương trình, sách giáo khoa) chia sẻ: “Sau năm 2015, hệ thống chương trình giáo dục phổ thông sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn”.
Mục tiêu của dự thảo này là không phải giảm tải, cắt giảm chương trình đơn thuần mà giảm để tích hợp tốt hơn. Học sinh thu nạp được lượng tri thức rộng hơn, sâu hơn, nhiều hơn.
Cụ thể: Cấp Tiểu học hiện hành có 11 môn học và 3 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 có 5 môn học và 4 hoạt động giáo dục; cấp THCS hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 có 10 môn học và 3 hoạt động giáo dục.
Đối với lớp 10 của THPT hiện hành có 13 môn học và 5 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 có 11 môn học với 2 hoặc 3 chủ đề tự chọn và 3 hoạt động giáo dục, lớp 11 và lớp 12 hiện hành có 13 môn học với 5 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 còn 4 môn học (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ) và 3 môn học tự chọn bắt buộc, 3 hoạt động giáo dục.
Chương trình và SGK tập trung phát triển năng lực của học sinh
Về vấn đề này, các ý kiến đưa ra tại hội thảo đều đống ý nên thay đổi chương trình và sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
GS Đinh Quang Báo cho biết: Giai đoạn sau 2015 theo định hướng phát triên năng lực, người học cần phải được trang bị năng lực học tâp chung, cơ bản như năng lực tư duy; năng lực thu thâp (tìm kiêm, tô chức), xử lý thông tin; năng lực phát hiên và giải quyêt vân đê; năng lực giao tiêp; năng lực hợp tác; năng lực tự quản lý và phát triên bản thân.
Ông Đỗ Đình Hoàn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng giáo dục ở phổ thông sau 2015 cần cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”; trên cơ sở đó tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực cá nhân của học sinh.
Tuy nhiên, thay đổi chương trình và sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực cần phải dựa trên các tiêu chí nào? Bởi mỗi môi trường giáo dục lại có những đặc điểm riêng và mỗi học sinh lại cần trạng bị các các năng lực riêng biệt.
Ông Đô Tiên Đạt – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Khi xây dựng chương trình GDPT, cần xây dựng chuẩn của từng môn học (xuyên suốt theo chiều dọc từ lớp dưới đến lớp trên) và chuẩn theo từng lĩnh vực, từng nhóm môn học có trong mỗi lớp học”.
“Ngoài ra, nhà trường không thể đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của cá nhân người học, của gia đình và xã hội, chỉ có thể cung cấp cho người học những tri thức nền tảng của học vấn phổ thông (hạt nhân của học vấn phổ thông). Do đó, cần góp phần xác định hạt nhân của học vấn phổ thông, xác định những lĩnh vực học tập cốt lõi”, ông Đạt phân tích.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, GS Nguyễn Viết Thịnh (ĐH Sư phạm Hà Nội) lại cho rằng: “Thực tế nhiều năm qua các môn học đã được thiết kế dựa trên năng lực học sinh như tiếng Anh, thể dục, nghệ thuật. Muốn theo những quốc gia như Singapore, dạy giáo trình phát triển năng lực cho học sinh không đơn giản bởi điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất chưa cho phép”.
Còn theo GS Đinh Quang Báo, chương trình và sách giáo khoa Việt Nam nên thay đổi theo hướng Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một chương trình chuẩn, còn học sách giáo khoa nào do chính giáo viên và học sinh lựa chọn, miễn sao đạt được yêu cầu mà Bộ đưa ra.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Còn nhiều bất cập cần tháo gỡ để trí thức trẻ phát huy
Nhiều lãnh đạo cơ quan đơn vị tại Cần Thơ cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực không quan trọng đào tạo bao nhiêu người mà là môi trường việc làm như thế nào để tránh lãng phí tri thức sau khi đào tạo.
Trên là những đánh giá chung của đại diện nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước, trường học trong hội nghị "Phát huy năng lực tri thức trẻ tại các cơ quan, đơn vị TP Cần Thơ" do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP và Sở Nội Vụ tổ chức ngày 11/12.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Khải Hoàn - phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho biết, đề án đào tạo nguồn nhân lực nước ngoài (đề án 150 Cần Thơ) ở Cần Thơ có 121 ứng viên, hiện có 101 ứng viên về nước làm việc, 20 ứng viên còn đang học ở nước ngoài; trong số ứng viên về nước đã có 6 ứng viên bỏ việc. Ông Hoàn cho rằng, việc có một số ứng viên bỏ việc đã nói lên những bất cập còn tồn tại trong công tác đào tạo nhân lực cần được tháo gỡ.
Qua thống kê của Sở Nội vụ, có trên 50% ứng viên cho rằng công việc được giao chưa đúng với chuyên môn đào tạo. Nhiều ứng viên cho biết ít khi được lãnh đạo trao quyền ra quyết định trong lĩnh vực mình phụ trách, điều đó dẫn đến việc các ứng viên ít được phát biểu đề xuất những vấn đề nào đó lên lãnh đạo, trong khi lãnh đạo đơn vị ít lắng nghe cấp dưới khi quyết định.
Ông Hoàn thừa nhận, qua theo dõi tìm hiểu thái độ ứng xử của lãnh đạo khi nghe các ứng viên nói về tình trạng làm việc của mình, nhiều lãnh đạo đã tỏ ra bực bội. "Các em mới về nước làm việc, môi trường làm việc ít nhiều còn bỡ ngở thì việc các em bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình về vấn đề nào đó là chính đáng nên thái độ của lãnh đạo như thế thì không hay lắm", ông Hoàn đánh giá thêm.
Theo các ứng viên, một trong những bất cập trong việc sử dụng trí thức là vấn đề tiền lương, thưởng chưa tương xứng trách nhiệm được giao. Bên cạnh đó, các ứng viên chưa có niềm tin vào việc sẽ được cất nhấc cao hơn trong cơ quan, đơn vị.
Có trên 50% ứng viên đào tạo nước ngoài cho rằng, khi về nước nhận công việc không phù hợp với chuyên môn. (ảnh minh họa)
Đại diện Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, việc chưa làm đúng ngành nghề đào tạo là rất lãng phí. Có một thực tế hiện nay nhiều Sở, Ban ngành nói thiếu nhân lực rất chung chung nên đưa đi đào tạo nhiều mà khi về làm thì chẳng có bao nhiêu đúng chuyên môn. Đại diện Sở Xây dựng cũng cho rằng, đào tạo ra nhiều mà không có môi trường để các ứng viên làm việc thì tri thức đó sẽ mai mọt đi.
Cũng cùng nhận định với đại diện Sở Xây dựng, TS. Dương Thái Công - Hiệu trưởng Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ cho rằng, môi trường làm việc là hết sức quan trọng, trước hết là cơ sở vật chất phải đầy đủ để tạo điều kiện thuận lợi cho các em làm việc, thứ đến là mối quan hệ làm việc giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, lãnh đạo và nhân viên bởi đây là vấn đề khá tế nhị có ảnh hưởng lớn đến sự gắn bó của lực lượng tri thức trẻ khi về làm việc. Ngoài ra, cần có sự dân chủ trong cơ quan để làm sao lực lượng trẻ phát huy sáng kiến, đề xuất suy nghĩ, ý tưởng của mình và được lãnh đạo lắng nghe.
TS. Dương Thái Công trăn trở, qua báo cáo của Sở Nội vụ có đến 6 ứng viên đã bỏ việc, mà mỗi ứng viên có chi phí đào tạo từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, so với điều kiện kinh tế - xã hội ở Cần Thơ thì đây là con số không nhỏ. Do đó, nếu không có giải pháp thì sẽ rất khó giữ nguồn tri thức trẻ.
Nói về chế độ tiền lương, theo TS. Công, thu nhập tiền lương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. "Tôi rất băn khoăn, hiện nay những em có năng lực chuyên môn tốt ra ngoài có thể làm từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng nhưng một trường học hay một cơ quan nhà nước thì không có mức như vậy. Nhà trường giữ lại sinh viên giỏi, xuất sắc mà lương thấp như vậy, kể cả đào tạo tri thức nước ngoài về lương cũng không cao thì "thiệt" cho các em quá" - ông Công trăn trở.
Đại diện Sở Xây dựng cũng cho rằng, dù được đào tạo nước ngoài nhưng khi về làm việc, các em cũng cần phải chứng minh năng lực của mình. Nếu các em thụ động, không hòa nhập thì tự các em làm mất đi cơ hội khẳng định năng lực bản thân. Bởi hiện nay, nguồn lực đào tạo không chỉ nước ngoài mà nguồn lực trong nước cũng rất giỏi, các em cũng muốn có việc làm tốt, có sự thăng tiến và như thế xảy ra sự "cạnh tranh" là điều khó tránh khỏi.
Để phát huy nguồn lực trí thức trẻ, nhiều ứng viên kiến nghị các cơ quan nên mạnh dạn bố trí các vị trí quan trọng phù hợp với trí thức trẻ; giao cho các em ra quyết định khi cần thiết trong lĩnh vực chuyên môn. Trong đó, quan trọng là bố trí công việc đúng chuyên môn đã được đào tạo để các em làm hết khả năng của mình.
Theo Sở Nội vụ, lãnh đạo cơ quan cần linh hoạt trong quản lý công chức, viên chức, thực hiện tốt cơ chế dân chủ, tạo điều kiện cho nhân viên gặp gỡ lãnh đạo để đề đạt nguyện vọng tâm tư khi cần thiết. Các ứng viên mong muốn lãnh đạo đơn vị nói đi đôi với làm, thực hiện dân chủ công khai minh bạch và hơn hết cần có một lãnh đạo trực tiếp có trình độ chuyên môn và công tâm.
Đề xuất kiến nghị UBND TP Cần Thơ nên có chính sách chiến lược đãi ngộ hợp lý, trong đó có vấn đề phụ cấp lương, thưởng sao cho phù hợp. TP cần có quy hoạch cụ thể các vị trí công việc xứng tầm kiến thức chuyên môn của các ứng viên; trong đó tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nhưng phải định hướng trước đơn vị công tác để các ứng viên chọn ngành nghề đào tạo phù hợp để về phục vụ tốt nhất.
Huỳnh Hải
Theo dân trí
Bàn đổi mới chương trình, SGK phổ thông Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 được các giảng viên, chuyên gia và nhà quản lí cao cấp VN và Đan Mạch đưa ra "mổ xẻ" trong 3 ngày (10-12/12). Ngay trong ngày khai mạc, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước lo ngại về tính khả thi của Đề án... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh...