Sạt lở trên tuyến đường ven biển ở Hà Tĩnh
Mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm khối đất đá trên núi đổ xuống tuyến đường ven biển ở tỉnh Hà Tĩnh làm giao thông bị tê liệt.
Mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm khối đất đá bị sạt lở làm tuyến đường ĐT 547 bị ách tắc
Sáng 18-10, tại tuyến đường ĐT 547 (đường ven biển) thuộc địa phận xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, hàng trăm khối đất đá bị sạt lở chắn ngang tuyến đường này gây ách tắc cục bộ.
Theo người dân cho biết, vụ sạt lở xảy ra vào tối 17-10, đây là tuyến đường chính nối các xã ven biển của huyện Cẩm Xuyên với huyện Kỳ Anh.
Tại hiện trường, hàng trăm khối đất đá từ trên núi bị sạt lở trôi xuống đường khiến giao thông ách tắc. Người dân đến địa điểm này phải quay lại do một khối lượng đất lớn chắn ngang đường.
Những hòn đá rơi xuống đường gây nguy hiểm cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường này
Video đang HOT
Thời điểm phóng viên có mặt chứng kiến đất và đá vẫn từ trên núi rơi xuống. Chính quyền địa phương đã kịp thời lập rào chắn, đặt biển cảnh báo để người dân không qua lại.
Sáng cùng ngày, tại tuyến đường quốc phòng ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, cũng xảy ra hiện tượng sạt lở. Hàng chục khối đất đá đổ ập xuống đường khiến người dân không thể lưu thông.
Ông Nguyễn Công Tùng – chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh – cho biết ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã cử lực lượng đến đặt rào chắn, biển cảnh báo để người dân không lưu thông qua vùng sạt lở.
“Mưa lớn kéo dài, đất mềm mất liên kết nên xảy ra sạt lở, hiện chúng tôi đang cắt cử người đến hiện trường để cấm người dân qua lại, khi trời ngừng mưa tiến hành dọn dẹp để tuyến đường lưu thông trở lại”, ông Tùng nói thêm.
Chiều 18-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay do ảnh hưởng mưa lũ nên sáng hôm nay có 38.645 học sinh của 76 trường học thuộc các cấp mầm non, tiểu học và THCS phải nghỉ học.
Các trường cho học sinh nghỉ học chủ yếu ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Đây là các địa phương có lưu lượng mưa lớn trong những ngày qua và thường xuyên bị ngập lụt.
Khối lượng đất đá lớn từ trên núi đổ xuống khiến tuyến đường ĐT 547 bị ách tắc, người dân không thể lưu thông trên tuyến đường này
Tại tuyến đường quốc phòng ven biển thuộc địa phận xã Cẩm Lĩnh cũng xảy ra tình trạng sạt lở khiến giao thông ách tắc cục bộ
Tuyến đường quốc phòng này thường xuyên xảy ra sạt lở nên mỗi khi mưa lũ, chính quyền địa phương thường xuyên cảnh báo người dân khi lưu thông qua khu vực này
Mưa lũ ở Quảng Bình làm hai người mất tích, hơn 1.300 ngôi nhà bị ngập
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, tỉnh Quảng Bình có mưa to, nước sông, suối dâng cao gây ngập lụt, chia cắt ở nhiều điểm của các huyện.
Đến sáng 18/10, toàn tỉnh Quảng Bình có hai người mất tích, hàng ngàn ngôi nhà đang bị ngập.
Bộ đội Biên phòng đồn Làng Ho đến các hộ bị ngập để di chuyển người dân đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN phát.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, nước ở các sông đang lên nhanh. Do mưa lớn lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường, nước ở các sông như Kiến Giang (Lệ Thủy) vượt báo động II 0,96m; Lệ Thủy vượt báo động III 0,35m; sông Gianh vượt mức báo động I...
Toàn tỉnh có 25 thôn, bản bị ngập lụt chia cắt; 24 xã với hơn 1.300 hộ dân bị ngập từ 0,2 đến 1,3m. Huyện Lệ Thủy có 5 nhà bị hư hỏng, 4 nhà bị tốc mái, trong đó 2 nhà bị tốc mái nặng, 1 nhà bị sập hoàn toàn.
Mưa lũ khiến hai người bị mất tích. Vào hồi 12 giờ ngày 17/10/2021, ông Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1970, ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh), bị chìm đò khi ra kiểm tra hồ tôm, mất tích. Hiện chính quyền và người nhà đang tìm kiếm.
Vào lúc 15 giờ 30 ngày 17/10/2021, anh Hồ Văn Sửu (sinh năm 1997, ở Trường Xuân, Quảng Ninh) đi rừng làm bẫy ở khu vực nguồn Khe Rát, bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn, mất tích khi đi qua suối. Hiện lực lượng cứu hộ đang tổ chức tìm kiếm.
Mưa lũ khiến hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở và chia cắt. Tuyến kè biển Nhật Lệ bị sóng đánh vỡ 300m; tuyến kè biển Nhân Trạch bị sập 50m....
Trước tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh công điện về việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông; dự kiến di dời dân trong trường hợp trên báo động 3. Toàn tỉnh có 18.967 hộ với 65.893 người cần di dời (trong đó: di dời xen ghép 13.520 hộ với 50.790 khẩu; di dời tập trung: 5.447 hộ/15.103 khẩu); có 43 điểm nguy cơ sạt lở cao ở 7 huyện, thị xã, với tổng số 618 hộ và 2.364 khẩu cần phải di dời. Hiện đã di dời được 136 hộ với 542 khẩu và 25 công nhân tại công trường thủy điện La Trọng...
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trực ban 24/24 giờ, tham mưu kịp thời khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có tình huống.
Những vùng thường xuyên bị chia cắt, bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét cần có phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không để xảy ra sự cố, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu cách ly tập trung do dịch COVID-19, đề phòng bị chia cắt lâu dài.
Hiện nay, các huyện, thị xã và các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Công an đang khẩn trương giúp dân, di dời dân những nơi xung yếu, có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở... tới nơi an toàn. Qua đó, hơn một ngàn hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn...
Mưa lớn kéo dài, nước dâng ngập nhiều nơi Mưa lớn kéo dài từ chiều tối ngày 16 đến sáng 17/10, các hồ thủy điện phải xả lũ gây ngập sâu tại nhiều địa phương ở hạ du, nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi Quảng Nam bị sạt lở nặng. Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới,...