Sắp xếp trường sư phạm để không gây “sốc”
Giai đoạn 2021-2025, dự kiến dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng, đồng thời sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết
Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm (SP) và thành lập một số trường SP trọng điểm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chuẩn bị nội dung và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến 2025 còn dưới 10 trường sư phạm chủ chốt
Đề án này được xây dựng trên cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia “Quy hoạch mạng lưới trường SP ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030″.
Theo dự thảo, mục tiêu của đề án là hình thành mạng lưới các trường SP với một số trường ĐHSP trọng điểm và chủ chốt. GS-TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐH Thái Nguyên, chủ nhiệm đề án nói trên – cho hay mục tiêu mà đề tài đưa ra là đến năm 2025 hình thành mạng lưới các trường SP gồm dưới 10 trường SP chủ chốt. Đến năm 2030, hình thành một số trường SP trọng điểm theo hướng hình thành mô hình ĐH và tiếp tục phát triển các trường SP chủ chốt.
Các cơ sở đào tạo giáo viên khác được thiết kế chuyển thành “vệ tinh” của các trường SP trọng điểm và chủ chốt, trong đó giảm số lượng đầu mối trường SP không đạt chuẩn chất lượng để bảo đảm quy mô đào tạo của các cơ sở được xác định hợp lý, hiệu quả. Mối quan hệ giữa trường trọng điểm và vệ tinh cần được coi là điểm nhấn của đề án sắp xếp các trường SP để đạt mục tiêu chất lượng, hiệu quả và tránh lãng phí.
Sinh viên tìm cơ hội việc làm tại Ngày hội Việc làm của Trường ĐH Sư phạm TP HCM – Ảnh: Hiếu Ngoãn
Theo ông Quang, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường SP sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Giai đoạn 2019-2020, ban hành chi tiết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân mức chất lượng các trường SP theo bộ chuẩn trường SP; tiến hành đánh giá, rà soát các trường SP để xác định các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu; công khai kết quả đánh giá, yêu cầu các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu lập kế hoạch phát triển để đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu.
Giai đoạn 2021-2025, dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng (theo bộ tiêu chuẩn đã đề xuất), đồng thời tiến hành các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết. Hình thành các trường SP chủ chốt và các trường SP vệ tinh của các trường SP chủ chốt, giải thể các trường trung cấp SP và dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh SP đối với các trường trung cấp còn lại.
Giai đoạn 2025-2030, hình thành các trường SP trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường SP chủ chốt và các trường SP vệ tinh; dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP đối với các trường CĐ đa ngành khác có chương trình đào tạo giáo viên.
Tôn trọng quy luật cung – cầu
Video đang HOT
Thời gian qua, nhiều trường SP mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa SP, các trường CĐ thì nâng lên thành ĐHSP nên đã khiến nguồn cung ngày càng thừa, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu.
Tại buổi tọa đàm mới đây trong khuôn khổ đề tài này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh “quá trình sắp xếp các trường SP mà không tính đến “cầu” là thua”. Theo ông Nhạ, cần phải tính 5 năm, 10 năm nữa quy mô giáo dục sẽ ra sao, cần bao nhiêu giáo viên để đáp ứng quy mô giáo dục đó, sau đó mới quay trở lại bài toán sắp xếp trường SP bằng những tiêu chí, tiêu chuẩn, nguyên tắc cụ thể. Đó là bài toán ngược từ cầu đến cung. Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng vấn đề sắp xếp các trường SP không phải mới nhưng sắp xếp thế nào cho hợp lý để không gây “sốc” là việc phải tính toán, đặc biệt chú ý đến nhu cầu.
Trước những lo lắng về việc trong quá trình sắp xếp, có thể sẽ có cơ sở đào tạo không đồng thuận với việc quy hoạch lại các trường, GS Phạm Hồng Quang cho rằng về nguyên tắc, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường SP phải dựa trên bộ chuẩn trường SP (5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí dựa vào chuẩn kiểm định chất lượng của bộ và tham khảo các chỉ số xếp hạng các trường ĐH trên thế giới của tổ chức QS Stars).
Ông Quang nhấn mạnh cần phải chặt chẽ giữa quá trình đào tạo SP với yêu cầu sử dụng lực lượng giáo viên của xã hội, chú ý yếu tố “vùng thị trường”, sức hút, độ lan tỏa của trường SP trọng điểm và chủ chốt. “Quan điểm nghiên cứu cần tôn trọng quy luật cung – cầu về giáo viên trong tương lai” – ông Quang khẳng định.
Hiện có 114 cơ sở đào tạo giáo viên
Theo dự thảo đề án, cả nước hiện có 114 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó gồm 6 trường ĐHSP, 5 trường ĐHSP kỹ thuật, 2 trường ĐHSP thể dục thể thao và Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương; 48 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 30 trường CĐSP ở các địa phương; 19 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 trường trung cấp SP.
YẾN ANH
Theo nguoilaodong
Cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm
Theo đề án đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới năm 2025, cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một trong các trường sư phạm trọng điểm - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Giải thể các trường không đạt chất lượng
Theo dự thảo, mục tiêu của đề án là hình thành mạng lưới các trường sư phạm với một số trường ĐH sư phạm trọng điểm và chủ chốt; tinh gọn số lượng các trường sư phạm trong cả nước; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm; hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Cụ thể, về số lượng, đề án đặt ra mục tiêu tới năm 2025 hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm từ 6 - 8 trường chủ chốt. Trong 5 năm tiếp theo (tới năm 2030), tiến hành sắp xếp tổ chức để hệ thống có 3 trường sư phạm trọng điểm (1 trường ở miền Bắc, 1 miền Trung và 1 miền Nam) phát triển theo mô hình ĐH. Bên cạnh đó, sẽ có 3 - 5 trường sư phạm chủ chốt.
Các cơ sở đào tạo giáo viên (GV) khác sẽ được tổ chức, sắp xếp để chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt nói trên; sẽ giảm số lượng các trường sư phạm ở các địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng. Đề án cũng đặt mục tiêu giải thể các trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo GV ở các trường trung cấp chuyên nghiệp khác. Các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo GV xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo GV và chấm dứt đào tạo GV trước năm 2025.
Về giảng viên, trường sư phạm trọng điểm phải đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ từ 60% trở lên, trường sư phạm chủ chốt từ 40% trở lên.
Dừng đào tạo giáo viên trình độ trung cấp
Về lộ trình thực hiện cụ thể, dự thảo đề án nêu rõ, trong năm 2019 - 2020 sẽ ban hành chi tiết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân mức chất lượng các trường sư phạm theo Bộ chuẩn trường sư phạm. Tiến hành đánh giá, rà soát các trường để xác định cơ sở không đạt chất lượng tối thiểu, đồng thời công khai kết quả đánh giá, yêu cầu các cơ sở không đạt chuẩn lập kế hoạch phát triển để đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng; tiến hành các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết. Cũng trong giai đoạn này, sẽ hình thành các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh của các trường chủ chốt, đồng thời giải thể các trường trung cấp sư phạm và dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đối với các trường trung cấp đa ngành.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, sẽ hình thành các trường sư phạm trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh. Trong giai đoạn này sẽ dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm đối với các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo GV.
Xếp hạng các trường theo 3 mức
Bộ chuẩn trường sư phạm bao gồm 5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí. Trong đó 5 tiêu chuẩn: Điều kiện đảm bảo chất lượng (gồm 3 tiêu chí: cơ sở vật chất, giảng viên sư phạm, tài chính), đào tạo (3 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với ngành đào tạo, đánh giá của người học về chất lượng và hiệu quả đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo GV), nghiên cứu khoa học (3 tiêu chí: số bài báo của GV được công bố, số đề tài và dự án nghiên cứu được ứng dụng hoặc chuyển giao, kinh phí nghiên cứu); hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng (3 tiêu chí: tỷ lệ kinh phí thu được từ hoạt động hợp tác, tỷ lệ người nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, tỷ lệ người học là người nước ngoài), quản trị ĐH (2 tiêu chí: mô hình quản trị và hiệu quả hoạt động, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị cơ sở).
Trong số 14 tiêu chí thì có 4 tiêu chí thuộc phần "cốt lõi" (cơ sở vật chất, giảng viên sư phạm, tài chính, số bài báo của GV được công bố). Các tiêu chí được đánh giá theo 3 mức: mức 1 (đạt chuẩn), mức 2 (đạt chuẩn mức cao), mức 3 (đạt chuẩn mức xuất sắc). Việc xếp hạng các trường sư phạm sẽ được chia làm 3 hạng: A, B và C.
Nhũng nhiễu tiêu cực xảy ra do cung vượt cầu
Theo dự thảo đề án, cả nước hiện có 114 cơ sở đào tạo GV, trong đó trường đại học sư phạm (ĐHSP) gồm 6 trường ĐHSP, 5 trường ĐHSP kỹ thuật, 2 trường ĐHSP thể dục thể thao và Trường ĐHSP nghệ thuật T.Ư; 48 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo GV; 30 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương; 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo GV; 2 trường trung cấp sư phạm.
Dự thảo đề án đánh giá, mỗi tỉnh, thành có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo GV. Với số lượng trường nhiều như vậy nên việc cung vượt cầu cũng là điều tất yếu. Nhiều năm qua, nhiều trường sư phạm mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa sư phạm, các trường cao đẳng thì nâng lên ĐHSP nên đã khiến nguồn cung ngày càng thừa, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu. Một khi cung đã vượt cầu cũng đồng nghĩa nhu cầu việc làm của sinh viên sư phạm nhiều hơn, trong khi chúng ta đã định mức số lượng GV. Vì thế, nhũng nhiễu về tiêu cực trong tuyển dụng xảy ra ở nhiều nơi.
Ý KIẾN
Rất tâm đắc với chủ trương này
Đây là một chủ trương mà cá nhân tôi rất tâm đắc. Giờ nếu Bộ ra được cái đề án cụ thể hóa chủ trương này, hiển nhiên là tôi rất ủng hộ.
Tôi được một số nơi mời đến giảng, qua đó nhận thấy nhiều cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là các trường công lập, tồn tại rất lãng phí. Cơ sở vật chất, phòng ốc của nhiều trường rất khang trang, nghĩa là họ có được đầu tư, nhưng rất vắng người học. Nhìn mà tiếc! Trong khi đó nhiều trường lớn dù đã được đầu tư xây dựng, nhưng trên thực tế điều kiện về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được so với mong muốn.
Cho nên việc sáp nhập, hoặc giải thể những trường ĐH hoạt động không hiệu quả là đúng.
PGS Bùi Đức Triệu (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân)
Chỉ là giải pháp tình huống
Tôi nghĩ việc sắp xếp, giải thể, hợp nhất các trường ĐH để đạt mục tiêu giảm số lượng trường ĐH công lập thực chất chỉ là giải pháp tình huống. Nó có thể đạt được những mục tiêu trước mắt như giảm đầu mối, tinh giản biên chế, tái tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập... Tuy nhiên, nếu như hướng tới việc đào tạo nhân lực một cách hợp lý cho tương lai thì phải đặt ra những vấn đề lớn của đào tạo nhân lực hiện nay.
Thứ nhất là tỷ trọng thanh niên trong độ tuổi đi học sau phổ thông mà ta tạm tính là từ 18 - 22 tuổi đi học cao đẳng, ĐH chiếm bao nhiêu phần trăm. Con số đó của VN hiện nay chưa được 30% là thấp so với trung bình của thế giới và khu vực. Do đó, điều đầu tiên là chúng ta có xác định con số này tăng hay không. Thứ hai là việc phân bổ các trường theo địa phương nên như thế nào để phát triển nhân lực phục vụ cho chính địa phương đó. Thứ ba là tỷ trọng trường công và trường tư như thế nào. Ở đây không chỉ đơn thuần là số trường mà quan trọng nhất chính là tỷ lệ sinh viên. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề then chốt đó thì quy hoạch mới có thể mạch lạc được.
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT)
Theo Thanh niên
Tuyển dụng giáo viên nên theo cách như của quân đội Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khi thảo luận về nội dung nhà giáo tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội - chiều nay (21/2). Ảnh minh họa/internet Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, ngành GD Nghiên cứu về quy hoạch tuyển giáo viên và sử dụng giáo...