Sắp xếp lại lồng bè để ‘giải cứu’ sông Hậu
Nét đặc trưng trên dòng sông Hậu là dãy lồng bè nuôi thủy sản nằm dọc đôi bờ. Dòng sông nuôi lớn biết bao đàn cá, mang lại sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, cái gì thái quá cũng không tốt. Lồng bè đua nhau xuất hiện, ảnh hưởng ngược lại dòng sông và môi trường. Riêng tại TP. Long Xuyên ( tỉnh An Giang), hàng ngàn lồng bè đang cần được quản lý, di dời, đặc biệt là khi dự án chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu dần hoàn thành.
UBND tỉnh An Giang đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý nghề nuôi thủy sản lồng bè đã được các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác quản lý nghề nuôi thủy sản lồng bè. Tuy nhiên, việc phát triển lồng bè ở một số nơi vẫn chưa đảm bảo quy định, làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, gây mất an toàn giao thông thủy và làm ô nhiễm môi trường.
Là cửa ngõ sông Hậu, TP. Long Xuyên có mật độ lồng bè khá cao, nằm dọc theo phường Bình Khánh, Bình Đức, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh và xã Mỹ Hòa Hưng. Trong đó, xã Mỹ Hòa Hưng có tỷ lệ lồng bè nuôi thủy sản nhiều nhất, trên 1.700 lồng bè. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Nguyễn Sĩ Trung, qua rà soát sơ bộ, hiện có hơn 570 lồng bè của 43 hộ (ấp Mỹ Thuận và Mỹ Hiệp) đã di dời để chỉnh trị dòng chảy.
Ở ấp Mỹ Hiệp hiện còn 53 hộ, 785 lồng bè (trong đó, có 3 hộ thuộc phạm vi khai thác của 2 công ty). Khu vực thuộc ấp Mỹ Khánh 1, Mỹ Khánh 2, Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Mỹ An 1, Mỹ An 2 có 1.541 lồng bè, vèo nằm trong quy hoạch nuôi thủy sản trên các tuyến sông tại Quyết định 2282/QĐ-UBND, ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch nuôi thủy sản trên các tuyến sông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Tại khu vực cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh), có 193 lồng bè (118 bè, 75 lồng) đang neo đậu nuôi thủy sản không nằm trong quy hoạch theo Quyết định 2282/QĐ-UBND, nhưng các bè được người dân neo đậu nuôi thủy sản từ rất lâu. Trước đây, khu vực này được quy hoạch theo dự án du lịch nông nghiệp.
Đầu tháng 3/2022, UBND TP. Long Xuyên phối hợp các đơn vị liên quan, kiểm tra thực tế hiện trạng neo đậu của các lồng bè để có hướng di dời phù hợp, đúng với quy hoạch sau khi dự án chỉnh trị dòng chảy trên sông Hậu hoàn thành. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây đề nghị Phòng Kinh tế phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh, các ngành liên quan tiếp tục rà soát, thống kê hộ lồng bè; tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch và phương án di dời lồng, bè nuôi thủy sản trên địa bàn đến nơi quy hoạch được tỉnh phê duyệt, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường và phòng, chống sạt lở.
Gần đây, UBND TP. Long Xuyên tiếp tục đề nghị UBND xã, phường khẩn trương khảo sát, thống kê, lập danh sách số lượng lồng bè trên địa bàn. Trong đó, ghi rõ từng trường hợp di dời từ xã Mỹ Hòa Hưng (do chỉnh trị dòng chảy) hoặc số bè hiện có. Trong thời gian chờ sắp xếp, di dời theo quy hoạch được duyệt, UBND xã, phường quản lý chặt chẽ, không để phát sinh lồng bè nuôi mới.
“Bên cạnh đó, quản lý chặt công trình đê điều, kiểm tra việc sử dụng đất, lấn chiếm hành lang sông rạch, bờ kè; không để tình trạng chất chà gây cản trở giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị; xử lý hành vi vi phạm. Phòng Kinh tế được giao trách nhiệm phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh, UBND địa phương liên quan khảo sát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, di dời lồng bè (không đúng quy định) về đúng vị trí quy hoạch” – Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh thông tin.
Trước đó, vào tháng 6/2021, để tăng cường công tác quản lý nuôi thủy sản lồng bè một cách đồng bộ trên toàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị rà soát hiện trạng, tổ chức kiểm đếm số lượng lồng bè hiện có tại địa phương. Mỗi địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện về tuân thủ quy định nuôi trồng thủy sản lồng bè; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp, di dời, tháo dỡ lồng bè không theo quy định. Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng phát sinh số lượng lồng bè nuôi thủy sản mới không theo quy định.
Bên cạnh đó, còn có sự vào cuộc của nhiều đơn vị liên quan. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về nuôi thủy sản lồng bè; xây dựng đề án “Sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản trên sông đến năm 2025, tầm nhìn 2030″ trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2022.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì và hướng dẫn thủ tục thuê đất, mặt nước và môi trường để nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, xử lý trường hợp sử dụng mặt đất, mặt nước và môi trường nuôi trồng thủy sản lồng bè không tuân thủ quy định pháp luật; quan trắc, đánh giá tác động môi trường tại vùng nuôi thủy sản lồng bè; đánh giá ảnh hưởng đến dòng chảy gây bồi lắng, sạt lở của các khu vực nuôi thủy sản lồng bè và vùng lân cận, đề xuất biện pháp xử lý…
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, như: Di dời lồng bè nuôi thủy sản vào khu vực nào để vừa đảm bảo giao thông, môi trường, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế chính đáng cho người dân; thay đổi thói quen, tập quán nuôi trồng “dựa theo con nước” vốn ăn sâu bám rễ của họ, tiến tới quy trình nuôi trồng thân thiện môi trường hơn, phù hợp quy hoạch ngành, quy hoạch vùng… Nhưng nếu không quyết tâm, nhanh chóng thực hiện ngay từ bây giờ, hàng ngàn lồng bè hiện hữu sẽ làm “tê liệt” dòng sông Hậu.
Rùng rợn video giải cứu rắn hổ mang mắc kẹt trong giếng
Video ghi lại cảnh người đàn ông giải cứu con rắn hổ mang bị mắc kẹt trong giếng ở Maharashtra, Ấn Độ khiến nhiều người khiếp sợ
Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các tình nguyện viên của tổ chức nghiên cứu động vật hoang dã phi chính phủ đang giải cứu một con rắn hổ mang chúa mắc kẹt trong giếng ở Nashik, Maharashtra, Ấn Độ.
Video lan truyền thu về hàng nghìn lượt xem và bình luận. "Làm thế nào con rắn hổ lại rơi xuống giếng sâu được nhỉ? Nguồn thức ăn của nó đâu phải ở dưới giếng", "Thật nguy hiểm, không khuyến cáo mọi người tự giải cứu", "Họ đã làm rất tốt công việc của mình, an toàn cho người dân địa phương"... cư dân mạng bình luận.Một trong những tình nguyện viên dùng móc buộc vào dây thừng để nhấc con rắn độc ra khỏi giếng bỏ hoang. Sau khi đưa con rắn lên mặt nước, anh ta đặt vào trong chiếc túi và buộc lại thật chặt.
Các chuyên gia đã xác nhận đây là rắn hổ mang chúa Ấn Độ, một trong 4 loài lớn và nọc độc kinh khủng, gây ra nhiều vết cắn nhất cho người dân địa phương ở quốc gia này.
Chúng thường ăn các loài động vật gặm nhấm, cóc, ếch và các loài rắn khác. Do chế độ ăn uống và săn bắt chuột nên loài rắn hổ mang này thường xuất hiện tại các khu vực sinh sống của con người, dẫn đến nhiều vụ rắn cắn do hổ mang Ấn Độ gây ra.
Nọc độc của rắn hổ mang Ấn Độ chủ yếu chứa chất độc thần kinh sau synap mạnh và độc tố tim. Nọc độc tác động lên các khe hở tiếp hợp của dây thần kinh, do đó làm tê liệt các cơ và trong trường hợp bị cắn nghiêm trọng dẫn đến suy hô hấp hoặc ngừng tim.
Rắn hổ mang Ấn Độ có kích thước vừa phải, thân nặng. Dễ dàng nhận ra loài rắn hổ mang này nhờ chiếc mũ trùm đầu tương đối lớn và khá ấn tượng, nó sẽ mở rộng ra khi bị đe dọa.
Khởi công xây cầu Châu Đốc thay phà qua Châu Giang Cầu Châu Đốc dài 667 m bắt qua sông Hậu, nối liền TP.Châu Đốc và TX.Tân Châu (An Giang) đã được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 534 tỉ đồng. Sáng ngày 28.3, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Châu Đốc với tổng vốn đầu tư hơn 534 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh...